Gần 90% giới trẻ Trung Quốc ngập trong nợ, chiến lược tăng trưởng dựa vào tiêu dùng của ông Tập phá sản

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền ông Tập Cận Bình đưa ra chiến lược tăng trưởng ‘lưu thông kép’, tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, chiến lược này có nguy cơ chỉ là khẩu hiệu không chỉ vì có tới 600 triệu người Trung Quốc không có quyền tiêu dùng, mà còn bởi có tới gần 90% người trẻ đang có cầu tiêu dùng mạnh nhất ở Trung Quốc đang ngập trong nợ. Người Trung quốc chưa già đã nợ.

Nhóm người trẻ sinh vào thập kỷ 1990 và 2000 đang dần dần trở thành lực lượng tiêu dùng chính của nền kinh tế. Trong số đó, người trẻ sinh vào thập kỷ 1990 bắt đầu có thu nhập ổn định và người sinh vào năm 2000 bắt đầu gia nhập lực lượng lao động. Họ tạo thành một nhóm người tiêu dùng thế hệ mới.

Tại Trung Quốc, nhóm người sinh năm 1990 và 2000 là 340 triệu người; chiếm ¼ tổng dân số cả nước.

Gần đây, “Báo cáo người tiêu dùng thanh niên đương đại” được công bố bởi Bank of China cho thấy, có tới 86,6% trong số 175 triệu người trẻ sinh vào thập niên 1990 đang gánh nợ; với mức độ nợ nần khác nhau. Chỉ 13,4% không có nợ.

Theo số liệu báo cáo, một nửa số người trẻ sinh vào thập kỷ 1990 (49,3%) vay nợ để tiêu dùng. Ngoài các khoản nợ thế chấp mua nhà, vay tiêu dùng được cho là để cải thiện chất lượng cuộc sống và phục vụ mục đích giải trí của họ.

Tờ Nhân dân Nhật báo, tờ báo phát ngôn chính thức của ĐCSTQ, nhận xét rằng báo cáo này nêu bật thói quen chi tiêu đáng lo ngại của thế hệ trẻ ở Trung Quốc. Những người trẻ tuổi có xu hướng áp dụng phương thức tiêu dùng “mua trước trả sau” và sẵn sàng chi tiền để tìm kiếm những trải nghiệm tốt hơn hoặc những sản phẩm chất lượng cao ngay cả khi họ không có đủ khả năng chi trả.

Một cuộc khảo sát do HSBC thực hiện vào tháng 1/2019 cho thấy tỷ lệ nợ trên thu nhập của thế hệ sinh năm 1990 ở Trung Quốc đạt 18,5 lần. Nợ bình quân đầu người của nhóm này vượt quá 120,000 nhân dân tệ (CNY).

Dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng cho thấy, tính đến ngày 30/6/2020, tổng số dư nợ thẻ tín dụng quá hạn 6 tháng ở Trung Quốc đã tăng lên 85,4 tỷ CNY, gấp hơn 10 lần so với 10 năm trước.

Nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với áp lực suy giảm tăng trưởng do nhu cầu giảm, xuất khẩu chậm lại, bất động sản (BĐS) tiếp tục chịu điều tiết, và giá nguyên vật liệu tăng làm giảm biên lợi nhuận doanh nghiệp. Đồng thời, rủi ro địa chính trị đã tăng trở lại trước nguy cơ leo thang căng thẳng quân sự với Đài Loan.

Nhà nghiên cứu của tổ chức "Kinh tế chính trị Tianjun" Ren Zhongdao đã phân tích các khía cạnh của thu nhập, tiêu dùng, và xóa đói giảm nghèo có liên quan nhất đến sinh kế của người dân để đưa ra nhận định: Từ dữ liệu kinh tế, chúng ta có thể thấy rằng các trụ cột quan trọng của cái gọi là ‘lưu thống kép’, tăng trưởng dựa vào tiêu dùng là bất khả thi khi cầu tiêu thụ nội địa tăng chậm và yếu ớt. Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập của người dân giảm và giá cả tăng nhanh. Đánh giá về tình hình hiện tại, số liệu tiêu dùng cá nhân không khả quan do ảnh hưởng của dịch bệnh. Số liệu nợ do vay tiêu dùng và mua nhà ở ngày một lớn của hộ gia đình cũng làm suy giảm khả năng tiêu dùng nội địa. Về lâu dài, khả năng tiêu dùng của người dân Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng nợ để tiêu dùng (thấu chi), và tăng trưởng tiêu dùng sẽ cạn kiệt.

Ông Daniel Rosen, người đồng sáng lập Rongding Consulting của Hoa Kỳ, trước đây đã đăng một bài bình luận trên tạp chí "Đối ngoại" rằng, chính quyền của ông Tập từ chối thay đổi chính sách để thích ứng với các chuẩn mực toàn cầu và chủ trương rằng họ phải đi theo cách riêng. Nhưng nhìn vào tất cả các biện pháp cải cách kinh tế kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, chưa có biện pháp nào thành công; trong đó bao gồm cả hy vọng tăng trưởng dựa vào tiêu dùng, chiến lược tăng trưởng ‘lưu thông kép’ như ông Tập tuyên bố.

Viện Tài chính thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã công bố báo cáo uy tín có tên "Báo cáo Tài chính Trung Quốc 2020: Cải cách Tài chính theo Mô hình Phát triển Mới" vào ngày 25/4/2021. Trong buổi công bố báo cáo này này, Ông Li Yang, Trưởng khoa Nghiên cứu Tài chính và Phát triển Quốc gia thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết tỷ lệ đòn bẩy tài chính của một số cư dân Trung Quốc đã tăng nhanh chóng, và ở mức độ nhất định, nó có liên quan đến sự tích tụ rủi ro trên thị trường BĐS. Có mối quan hệ thuận chiều giữa rủi ro các khoản nợ hộ gia đình và rủi ro trên thị trường BĐS.

Ông Li Yang cho rằng nợ hộ gia đình tăng chủ yếu là do nợ BĐS, tức là các khoản vay thế chấp, trong khi tín dụng tiêu dùng hộ gia đình và thậm chí các khoản cho vay tiêu dùng ngắn hạn đều giảm.

Báo cáo cho thấy từ năm 2008 - 2020, tỷ lệ M2/GDP của Trung Quốc đã tăng từ 148,8% lên 215,2%, và tỷ lệ đòn bẩy vĩ mô của Trung Quốc tăng từ 141,2% lên 270,1%.

Đối với nền kinh tế, ông Li Yang cho rằng nợ đã trở thành "kẻ thù lớn".

Về tỷ lệ đòn bẩy nợ của hộ gia đình (nợ hộ gia đình/GDP), ông Li Yang trích dẫn dữ liệu chỉ ra rằng, nợ của khu vực hộ gia đình tăng mạnh theo tốc độ tăng của thị trường BĐS; đặc biệt tăng nhanh sau năm 2009.

Về gánh nặng nợ của người dân Trung Quốc, chính quyền nước này đưa ra một số chỉ số khác nhau. Trong số đó có tỷ lệ đòn bẩy hộ gia đình, là tổng nợ hộ gia đình chia cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc gần đây cho biết do dịch bệnh, tỷ lệ đòn bẩy vĩ mô của Trung Quốc đã tăng theo từng giai đoạn; tỷ lệ đòn bẩy nợ hộ gia đình đạt 72,5%, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số chuyên gia chỉ ra rằng trong 5 năm qua, Trung Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ đòn bẩy nợ hộ gia đình tăng nhanh nhất và đã vượt qua Mỹ.

Mức độ nợ nần của người Trung Quốc cũng có thể được đo lường bằng trách nhiệm nợ của hộ gia đình chia cho tổng tài sản mà họ có. Ngoài ra, tỷ lệ nợ trên thu nhập của hộ gia đình cũng có thể đo lường mức độ nợ cá nhân, tức là tổng số nợ của hộ gia đình chia cho thu nhập khả dụng. Theo một báo cáo do Đại học Kinh tế Tài chính Tây Nam và Ant Group phối hợp thực hiện, năm 2018, tỷ lệ nợ trên thu nhập khả dụng của hộ gia đình của Trung Quốc (bình quân) đã lên tới 121,6%.

Trà Nguyễn

Theo Secret China

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Gần 90% giới trẻ Trung Quốc ngập trong nợ, chiến lược tăng trưởng dựa vào tiêu dùng của ông Tập phá sản