Gây ra khủng hoảng năng lượng, giới cầm quyền phương Tây có đẩy thế giới rơi vào suy thoái?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỹ và châu Âu đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ chính sách chống biến đổi khí hậu mà họ theo đuổi. Giữa lúc thị trường năng lượng toàn cầu gặp khủng hoảng thì cuộc xung đột Nga - Ukraine, cũng được thúc đẩy rất lớn bởi phương Tây, đã xảy ra. Liệu giới cầm quyền phương Tây có đang châm ngòi cho một cuộc suy thoái tài chính - kinh tế quy mô toàn thế giới?

Chống biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng đối với ngành năng lượng

Trong nhiều năm, vẫn có những tranh cãi về biến đổi khí hậu diễn ra trên thế giới, xem liệu biến đổi khí hậu là khoa học, tôn giáo, hay một con đường bí mật dẫn đến chủ nghĩa xã hội. Các quốc gia vẫn đang liên tục đề ra các mục tiêu và biện pháp phục vụ chống biến đổi khí hậu. Thực tế thì, biến đổi khí hậu chắc chắn đã đem lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với kinh tế, làm méo mó thị trường năng lượng.

Tại Mỹ, tình hình khá tồi tệ với việc phe cánh Tả và chính quyền Biden đang tôn sùng chương trình nghị sự chống biến đổi khí hậu. Ngay khi ngồi vào Nhà Trắng, một trong những việc làm đầu tiên của ông Biden là chấm dứt dự án đường ống Keystone. Dầu đá phiến, một nguồn năng lượng lý tưởng giúp Mỹ đạt được độc lập năng lượng, cũng bị hạn chế ở các bang thuộc Đảng Dân chủ. Các bang này đã ban hành lệnh cấm hoặc đề xuất cấm sử dụng kỹ thuật thủy lực cắt phá (fracking) được dùng để khai thác dầu đá phiến.

Có một thực tế là hơn 70% lượng năng lượng được sử dụng tại Mỹ có nguồn gốc từ dầu, khí đốt và than đá. Cuộc chiến của ông Joe Biden đối với năng lượng hóa thạch đã tạo ra sự thiếu hụt nguồn cung và mức giá xăng cao ngất ngưởng 5 USD/gallon tại các trạm bơm trên toàn quốc.

Ông Biden luôn miệng nói ông đang làm mọi cách để hạ giá xăng. Đó là một điều mâu thuẫn với chính ông. Làm tăng giá xăng là một cách rất tốt để ông Biden khiến người dân dừng sử dụng xăng. Hẳn ông Biden thậm chí còn muốn giá xăng sẽ tăng tới 10 hay 15 USD/gallon và trên xa lộ sẽ vắng bóng các loại xe chạy xăng.

Thực tế thì, các nguồn năng lượng xanh cần phải có hàng thập kỷ phát triển công nghệ nữa mới có thể thay thế các nguồn năng lượng truyền thống. Bộ Năng lượng Mỹ dự báo rằng, với tốc độ hiện nay, tới năm 2035, nước Mỹ vẫn phụ thuộc phần lớn vào dầu, khí đốt và than đá cho các nhu cầu năng lượng. Hiện tại, 95% lượng xe cộ trên đường phố Mỹ chạy bằng xăng hoặc dầu diesel.

Ông Biden đã gây khó khăn cho ngành năng lượng ở trong nước, nhưng lại quay sang cầu xin khối OPEC+, với các nước như Ảrập Xêút, Iran và đặc biệt là Nga để tăng sản lượng. Hiển nhiên là các nước vốn có quan hệ không tốt đẹp với Mỹ đã từ chối.

Tại châu Âu, một thảm họa đã xảy ra với ngành năng lượng. Một thập kỷ trước, Pháp, Đức, Ý và các nước thành viên Liên minh châu Âu đã bắt đầu chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Các nước này cắt giảm sản xuất dầu, khí đốt, than đá, trợ cấp việc xây dựng nhà máy điện gió và năng lượng mặt trời. Hậu quả là, nước Đức bị kiệt quệ vì giá năng lượng tăng cao. Giờ đây, khủng hoảng năng lượng lan tràn trên khắp các nước này. Pháp trở lại với năng lượng hạt nhân, nước Đức thì đang đốt than đá ở mức lịch sử và nhập khẩu khí đốt từ Nga. Thậm chí, châu Âu mới đây đã phải gán nhãn khí đốt tự nhiên và năng lượng hạt nhân là năng lượng sạch.

Trong một động thái thú vị, khi tình hình giữa Nga và Ukraine đang căng thẳng, Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về khí hậu, ông John Kerry đã phát biểu ông rất lo ngại rằng cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ làm thế giới xao nhãng về cuộc khủng hoảng khí hậu. Thậm chí ông Kerry còn bày tỏ hy vọng Tổng thống Putin sẽ tiếp tục giúp đỡ và ủng hộ cho chương trình chống biến đổi khí hậu. Ông Kerry đã bị chỉ trích mạnh mẽ do quá quan tâm đến biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ông có thể bớt lo lắng về mối quan tâm hàng đầu của mình khi mà giá dầu tăng cao do cuộc khủng hoảng có vẻ càng tạo thuận lợi cho những người ủng hộ chống biến đổi khí hậu thúc đẩy năng lượng xanh.

Giới cầm quyền phương Tây khiến khủng hoảng năng lượng càng trầm trọng khi thúc đẩy xung đột Nga - Ukraine

Ông Biden đã đổ lỗi cho ông Putin về việc khiến giá dầu tăng cao khi quyết định xâm lược Ukraine. Thực tế thì Tổng thống Biden và giới cầm quyền phương Tây đã góp phần rất lớn làm bùng nổ cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

Ngày 10/11/2021, Mỹ và Ukraine đã ký biên bản Điều lệ Mối quan hệ Chiến lược, trong đó khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thỏa thuận đã làm khả năng Ukraine gia nhập NATO trở nên hiện thực hơn bao giờ hết. Đó là một viễn cảnh không thể chấp nhận được đối với Tổng thống Putin. Ngay sau đó, Nga đã chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine.

Nga vẫn luôn phản đối bất cứ sự mở rộng nào của NATO tới khu vực gần biên giới của nước này. Vào năm 1990, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ James Baker và Bộ trưởng Ngoại giao Đức Hans - Dietrick Genscher đã hứa với Nga rằng sẽ không mở rộng NATO sang hướng đông, để đổi lấy việc thống nhất nước Đức. Tuy nhiên cho đến nay, NATO đã có thêm 14 thành viên thuộc Đông Âu gia nhập.

Việc ủng hộ Ukraine gia nhập NATO đã chạm vào vùng nguy hiểm của Putin, và phương Tây biết điều đó. Trở lại cương vị Tổng thống vào năm 2012, ông Putin đã thể hiện rõ quan điểm của mình: Vấn đề Ukraine gia nhập NATO là không thể thương lượng.

Khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu được 3 tuần, Mỹ vẫn chưa tiến hành đối thoại lại với Nga. Thay vì ủng hộ đàm phán giữa Ukraine và Nga nhằm hướng tới ngừng bắn và chấm dứt đổ máu, chính quyền Mỹ lại làm căng thẳng leo thang.

Mặt khác, chính giá năng lượng tăng cao do chương trình chống biến đổi khí hậu đã tạo điều kiện cho Nga, một nước xuất khẩu dầu, có thể xâm lược Ukraine. Dầu và khí đốt là ngành công nghiệp chiếm khoảng ⅕ GDP của Nga, 60% xuất khẩu của Nga và đóng góp 30% doanh thu cho ngân sách. Năm 2008, khi giá dầu thế giới đạt mức đỉnh lịch sử, Nga đã xâm lược Georgia. Năm 2014, Nga thôn tính bán đảo Crimea cùng lúc giá dầu cũng ở mức cao. Giới cầm quyền phương Tây và chương trình chống biến đổi khí hậu của họ đã góp phần lớn để Nga có thể xâm lược Ukraine.

Cuộc chiến Nga - Ukraine có nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới, đặc biệt là ngành năng lượng, vốn đang trong cơn khủng hoảng bởi biến đổi khí hậu. Lo ngại về các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với nguồn cung dầu từ Nga đã khiến giá dầu liên tục leo thang kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga tới Đức đã bị tạm dừng. Việc mở kho dầu dự trữ chiến lược của Mỹ và các nước khác không đủ để ổn định lại giá dầu. Tại thời điểm hiện tại, giá dầu Brent vẫn ở mức 100 USD/thùng.

Suy thoái tài chính - kinh tế quy mô toàn thế giới đang cận kề?

Trong khi cuộc chiến Nga - Ukraine đang diễn ra, giá dầu có thời điểm đã tăng gấp đôi so với một năm trước. Theo ông Nicholas Colas, đồng sáng lập của DataTrek Research, dữ liệu lịch sử cho thấy việc tăng gấp đôi giá dầu trong vòng một năm thường sẽ dẫn tới khủng hoảng, như vào các năm 1990, 2000, 2008. Dù rằng các cuộc khủng hoảng có được trực tiếp tạo ra bởi các tác nhân khác, ông Colas cho rằng giá dầu tăng cao sẽ làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn.

Trong khi đó, nền kinh tế thế giới vốn đang ở trong trạng thái rất nhạy cảm. Đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, cuộc chiến tranh Nga - Ukraine không biết sẽ kéo dài tới bao giờ. Tại Mỹ, đã có rất nhiều lo lắng về suy thoái kinh tế có thể xảy ra khi Cục dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) buộc phải tăng lãi suất. Những bong bóng trong thị trường chứng khoán và nhà ở của Mỹ hiện nay đã được bơm căng bởi chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed. Tại Trung Quốc, bong bóng nợ tín dụng khổng lồ và bong bóng giá nhà ở đạt mức kỷ lục. Ngoài ra, chính quyền các quốc gia cũng đang ngồi trên khối nợ kỷ lục. Giá dầu và giá năng lượng tăng cao sẽ khiến lạm phát ngày càng trầm trọng, buộc các nhà chức trách phải thắt chặt chính sách tiền tệ, đe dọa làm vỡ tung các bong bóng.

Có thể nói, bằng việc theo đuổi chương trình chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy xung đột địa chính trị, các nhà cầm quyền phương Tây đã đẩy giá dầu lên cao và tạo ra khủng hoảng năng lượng. Liệu cuộc khủng hoảng năng lượng này có khiến thế giới rơi vào suy thoái tài chính và kinh tế hay không? Nếu điều đó xảy ra, thì đây sẽ là thảm họa được thiết kế bởi các nhà cầm quyền phương Tây và các thế lực đứng sau họ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Gây ra khủng hoảng năng lượng, giới cầm quyền phương Tây có đẩy thế giới rơi vào suy thoái?