GDP quý 1 của Việt Nam chỉ đạt 3,82% - thấp nhất trong một thập kỷ qua

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chiều ngày 27/3, Tổng Cục Thống kê chính thức công bố số liệu tăng trưởng GDP quý I/2020 của Việt Nam, theo đó, GDP ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch viêm phổi Vũ Hán.

Tuy nhiên, mức tăng GDP 3,82% trong quý I/2020 này thấp hơn rất nhiều so với con số dự báo của các tổ chức là GDP trong quý I/2020 có thể sẽ tăng quanh mức 6,5% và thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2019 là 6,79%. Xa hơn, tăng trưởng GDP quý I/2020 là mức tăng thấp nhất trong cả thập kỷ qua và chỉ cao hơn chút đỉnh so với thời kỳ khủng hoảng trước đó là vào quý I/2009.

Tăng trưởng GDP theo quý và biến động chu kỳ từ Q1/2000 đến Q1/2020

Về tổng cung, tăng trưởng giảm mạnh ở mọi khu vực: nông lâm nghiệp, sản xuất công nghiệp và đặc biệt là du lịch và dịch vụ

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát. Ngoài ra, các diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi Vũ Hán là nhân tố chính tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu sản phẩm nông sản của Việt Nam. Sản xuất lâm nghiệp phát triển ổn định; sản xuất thủy sản quý I/2020 tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Ngành công nghiệp quý I/2020 chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên đạt mức tăng trưởng thấp 5,28% so với cùng kỳ năm trước; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng thấp nhất giai đoạn 2016-2020. Trong các ngành, ngành khai khoáng giảm sâu chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm mạnh bởi cầu thế giới giảm mạnh và giá dầu thế giới thấp kỷ lục.

Về tổng cầu, xuất nhập khẩu suy giảm do gián đoạn chuỗi cung ứng dẫn tới cú sốc tổng cầu, tiêu dùng giảm mạnh

Kim ngạch xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ bởi tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán đang lây lan mạnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2020 đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 0,5%, nhập khẩu giảm 1,9%; xuất siêu quý I năm nay ước tính đạt 2,8 tỷ USD.

Tiêu dùng suy giảm mặc dù quý 1 có yếu tố mùa vụ là Tết cổ truyền. Người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình. Số lượng khách quốc tế đến nước ta trong quý I/2020 giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giảm ở hầu hết các thị trường, mức giảm mạnh nhất tập trung ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Ba giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020[1]. Tính chung quý I/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng thấp so với cùng kỳ năm trước (4,7%), cầu tiêu dùng trong dân giảm.

Chuyên gia kinh tế cho rằng số tăng trưởng GDP ước đạt 3,82% trong quý 1/2020 vẫn là kết quả tích cực và con số tăng trưởng thực có thể thấp hơn bởi khó khăn và tổn thất của khu vực doanh nghiệp do Covid-19 chưa được đánh giá và ước tính đầy đủ trong một thời gian ngắn.

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

GDP quý 1 của Việt Nam chỉ đạt 3,82% - thấp nhất trong một thập kỷ qua