Giá của một mạng người: 3 triệu euro ở Pháp, 10 triệu USD ở Mỹ - Mạng sống thật sự đáng giá bao nhiêu?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một mạng sống đáng giá bao nhiêu? Vấn đề làm day dứt các nhà triết học, nhưng cũng là một cuộc tranh luận khuấy động các nhà kinh tế học từ nhiều thập kỷ qua, và lại được tung ra trước viễn cảnh của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, khi mà đánh đổi giữa hiểm nguy gây chết người và những tàn phá về kinh tế hay xã hội đang được cân nhắc.

Vào ngày 6/5, khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã làm cho hơn 250.000 người chết trên thế giới, các chính trị gia rơi vào "bài toán": liệu việc khởi động lại nền kinh tế có phải trả giá bằng các rủi ro nhân mạng không.

Các biện pháp cách ly, một mặt đóng băng hoạt động kinh tế, mặt khác làm bùng phát thất nghiệp và tình trạng bấp bênh. Mỹ đã mất hơn 20 triệu việc làm chỉ trong vòng một tháng. Ở Pháp, theo INSEE (Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế quốc gia), một tháng cách ly đã làm GDP (tổng sản phẩm nội địa) giảm 3%.

“Có một sự đánh đổi: những mạng sống mất đi thay cho những thiệt hại về kinh tế, tất cả các nhà kinh tế đều biết điều đó”, nhà kinh tế Mỹ Daniel Hamermesh đã viết như vậy trên trang mạng của Viện nghiên cứu lao động IZA (Institute of Labor Economics).

Một vài nhà kinh tế học đã bắt đầu tính toán. Bryce Wilkinson, trong một bài báo của nhóm thảo luận tự do The New Zealand Initiative, ước lượng rằng tiêu tốn 6,1% GDP để cứu tối đa 33.600 mạng người là hợp lý.

“Trước khi tiêu tốn nhiều hơn, nên tự hỏi phải chăng ta sẽ không cứu sống nhiều người hơn nếu đầu tư vào cải thiện đường sá cho an toàn hơn, hoặc vào những biện pháp y tế khác”, ông nói.

Giá của một mạng người: 3 triệu euro ở Pháp, 10 triệu đô la ở Mỹ

Về phần mình, Daniel Hamermesh đã tính rằng ở Mỹ, một mạng người mất đi tương đương với việc mất 200 chỗ làm, nghĩa là bay mất trung bình 4 triệu USD tiền lương, ở xứ sở mà “giá trị thống kê một mạng người” là vào khoảng từ 9 đến 10 triệu USD, theo ước lượng của nhiều cơ quan liên bang.

Như vậy, cứu lấy các mạng người là lựa chọn kinh tế tốt nhất, ông lập luận thêm, chưa kể là “mất một mạng người là mất vĩnh viễn”, khác với mất một việc làm.

Sự tàn nhẫn của tính toán thuần toán học làm ta rùng mình, mặc dù các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới có quyền ra quyết định cũng như công bố rõ khái niệm “giá trị thống kê một mạng người”.

Giá trị này ở Pháp được ấn định là 3 triệu euro, theo một phúc trình năm 2013 của Ủy ban thống kê và dự báo.

Những con số về ‘giá trị nhân mạng’ đến từ đâu?

Con số này từ đâu đến? “Người ta có khả năng định giá một cái mũ bảo hiểm, tiền trợ cấp cho những nghề nguy hiểm… Chính trên cơ sở đó mà người ta tính toán”, Béatrice Cherrier, nhà nghiên cứu ở Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia CNRS đã phân tích chi tiết như vậy với Thông tấn xã AFP.

Bằng cách kết hợp những lựa chọn kinh tế làm tăng hay giảm chút đỉnh xác suất chết, các nhà thống kê đã đi đến con số 3 triệu euro ở Pháp.

“Con số gây phẫn nộ nếu ta xem nó là giá trị nội tại của mạng sống một con người”, giáo sư Pierre-Yves Geoffard thuộc trường Đại học kinh tế Paris, chuyên gia về kinh tế sức khỏe, đã giải thích với AFP như vậy. Theo ông, nên xem đó là “một công cụ phân bổ nguồn lực cho các chính sách an toàn giao thông, sức khỏe, môi trường”.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyên nên ước lượng những chi phí cho sức khỏe căn cứ vào khái niệm “năm sống với sức khỏe tốt”: chi phí để sống thêm một năm sẽ gần gấp ba lần GDP tính theo đầu người.

Không phải khi nào tính toán số học lạnh lùng cũng thắng thế, giáo sư Pierre-Yves Geoffard lưu ý rằng nhiều nghiên cứu tốn kém đã được thực hiện để cố gắng chữa những bệnh rất hiếm, và không ai có ý kiến phản biện cả.

Những thách thức về vấn đề đạo đức

Vào cuối những năm 1940, không quân Mỹ có tính đến một chiến lược tấn công không quân Liên bang Xô Viết. Viện Rand Corporation tư vấn cho quân đội Mỹ kết luận rằng giải pháp “có lợi” nhất là gửi đến Liên Xô một số lớn máy móc thô sơ để áp đảo đối phương.

Bộ tham mưu nổi giận: tính toán “siêu đẳng” này quên “chi phí” những mạng sống của những phi công phải hy sinh.

Nhưng làm thế nào để ước lượng “chi phí” này? Căn cứ vào thu nhập của các cá nhân là cách tiếp cận được sử dụng để đền bù cho gia đình các nạn nhân trong tai họa 11/9/2011?

Vậy phải chăng là một chủ ngân hàng có giá trị hơn một cô thu ngân? Vào lúc mà đại dịch đưa ra ánh sáng tầm quan trọng của những nghề có lương thấp như hậu cần, y tế vệ sinh?

Vào cuối những năm 1960, Thomas Schelling (giải thưởng Nobel về kinh tế năm 2005) đặt vấn đề một cách khác: Từ “Mạng người đáng giá bao nhiêu” trở thành “Tốn bao nhiêu để giảm thiểu nguy cơ tử vong?”.

Từ đó hình thành ý niệm “mạng sống theo thống kê” được sử dụng nhiều nhất hiện nay, nhưng các chuyên gia thừa nhận ý niệm này là không hoàn hảo.

Dù sao thì các nhà kinh tế cũng cảnh báo là không có con số nào có thể thay cho trách nhiệm chính trị. Về phần mình, giáo sư Pierre-Yves Geoffard cho rằng “Ở đây đặt ra những thách thức về đạo đức”.

Nếu các chính trị gia “quên” các bài toán về lương tâm, thì “chi phí nhân mạng” có thể trở nên vô giá trị.

Tâm An

Theo UP’ Magazine



BÀI CHỌN LỌC

Giá của một mạng người: 3 triệu euro ở Pháp, 10 triệu USD ở Mỹ - Mạng sống thật sự đáng giá bao nhiêu?