Giá dầu thô tăng mạnh trước tin tức tiêu cực về nguồn cung từ Mỹ và Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giá dầu thô WTI tiêu chuẩn hôm nay tăng 1,5%, lên tới 114USD/thùng, chỉ sau mức đỉnh đã thiết lập hôm 8/3/2022 và mức kỷ lục 140USD/thùng hồi năm 2008.

Dầu thô WTI giao sau tăng hơn 1,5% lên trên 114 USD/thùng vào thứ Tư, phục hồi từ mức giảm 1,6% trong phiên trước. Đây là mức giá cao thứ ba trong lịch sử, chỉ sau mức giá lập đỉnh hồi tháng 3/2022 (120 USD/thùng) và mức kỷ lục 140 USD/thùng hồi năm 2008.

Giá dầu thô tăng vọt sau khi sản lượng dầu của Nga giảm tới 9% trong tháng 4/2022, thấp hơn 1,28 triệu thùng/ngày. Mức sản xuất này của Nga thấp hơn hạn ngạch sản lượng được khối OPEC+ chỉ định. Lý do là các nhà sản xuất của Nga buộc phải đóng cửa một số giếng dầu do cầu từ Châu Âu giảm sau lệnh cấm mua dầu từ Nga của Ủy ban Châu Âu; đòn trừng phạt kinh tế Nga sau hai tháng nước này xâm lược Ukraine.

Ngoài ra, để xoa dịu giá dầu khí, Mỹ đã thực hiện chiến lược sử dụng dầu dự trữ. Tuy nhiên, chiến lược này chỉ phát huy tác dụng trong vài ngày. Thực tế cho thấy, dầu dự trữ của Mỹ suy giảm mạnh nhưng không hề làm giá dầu khí giảm cũng như không ổn định được giá xăng dầu ở Mỹ. Mỹ cũng là nhà sản xuất dầu thứ hai thế giới. Tuy nhiên, chính sách "chống biến đổi khí hậu" mạnh mẽ nhắm thẳng vào các nhà sản xuất năng lượng hóa thạch của Mỹ khiến giá dầu khí không thể giảm.

Hiện tại, dầu dự trữ của Mỹ đang giảm mạnh. Số liệu ngành từ API cho thấy dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ đã giảm trong tuần trước. Thông tin này đã hỗ trợ tâm lý tăng giá trên thị trường dầu thô tương lai.

Ngoài thông tin tiêu cực về nguồn cung ở cả Mỹ và Nga, cầu thế giới kỳ vọng tăng sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ nới lỏng một số hạn chế nghiêm ngặt do Covid-19. Theo đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ chuyển sang trạng thái "bình thường" vào ngày 1/6/2022 tới đây. Tuyên bố này của Trung Quốc khiến các nhà đầu tư kỳ vọng giá dầu tăng khi cung eo hẹp và cầu mở rộng nhờ thay đổi chính sách phong tỏa của Bắc Kinh.

Trước sức ép lạm phát và giá dầu không thể kiềm chế, Mỹ đang cho phép Chevron Corp đàm phán giấy phép dầu với các công ty sản xuất dầu nhà nước của Venezuela, tạm thời dỡ bỏ lệnh cấm của Mỹ về vấn đề này.

Các nhà ngoại giao từ EU cũng coi hội nghị thượng đỉnh ngày 30-31/5/2022 tới đây là thời điểm để đạt được thỏa thuận về lệnh cấm mua dầu từ Nga theo từng giai đoạn. Điều này làm gia tăng sức ép lên giá dầu quốc tế.

Thanh Đoàn

(Theo Trading Economics)



BÀI CHỌN LỌC

Giá dầu thô tăng mạnh trước tin tức tiêu cực về nguồn cung từ Mỹ và Nga