Giá khí đốt tại châu Âu lập kỷ lục mới: Nga có đang chính trị hóa năng lượng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giá khí đốt ở châu Âu đã chạm mức cao nhất mọi thời đại khi dòng khí từ Nga đảo ngược dòng chảy. Châu Âu đang trải qua một mùa đông giá lạnh trong lúc các nguồn năng lượng tái tạo, chẳng hạn như năng lượng gió, không tạo ra được lượng điện năng đủ dùng.

Giá khí đốt chuẩn ngày 21/12 cho châu Âu tại trung tâm Title Transfer Facility (TTF) của Hà Lan ở mức kỷ lục: 162,78 Euro/megawatt-giờ, tăng 11% so với hôm trước. Dòng khí tự nhiên chảy trên đường ống Yamal-Europe đã giảm, từ mức trung bình vào ngày 16/12 là 12.000.000 kilowatt giờ xuồng gần 1.200.000 kilowatt giờ vào ngày 18/12, trước khi dừng hoàn toàn vào ngày 21/12. Sau đó, dòng khí này đã chảy ngược từ Đức về phía Ba Lan, theo thông tin từ nhà điều hành Gascade của Đức.

Ông Ole Hansen, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, đã viết trên Twitter: “Giá khí đốt và năng lượng của EU trong ngày hôm nay [ngày 21/12] mở cửa ở mức cao khi mà dòng khí đốt từ Nga trên đường ống Yamal-Europe giảm xuống gần bằng 0. Sản lượng gió ở Đức đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tuần và thời tiết giá lạnh với mức nhiệt độ đóng băng đang lan rộng khắp châu Âu”.

Tập đoàn Gazprom thuộc sở hữu của nhà nước Nga, nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu, vận chuyển khí đốt từ Nga qua một số tuyến đường và đặt thêm khối lượng dựa trên nhu cầu thông qua các cuộc đấu thầu. Khí đốt sau đó được chuyển qua Ukraine, qua đường ống Yamal, qua Belarus, đến Đức.

Khi mùa đông trở nên khắc nghiệt hơn, Nga đã dự trữ nhiều khí đốt hơn để phục vụ nhu cầu trong nước. Tập đoàn Gazprom cũng chưa cung cấp thêm lượt giao hàng mới tại các cuộc đấu thầu. Các nhà giao dịch đang giám sát chặt chẽ mọi cuộc đấu thầu. Mỗi khi Gazprom không đăng ký đấu thầu để tăng nguồn cung, giá khí đốt chuẩn của châu Âu lại tăng cao.

Nga và EU có đang chính trị hóa năng lượng?

Theo một số quan chức và nhà phân tích của EU, Nga đang duy trì nguồn cung thấp nhằm gây áp lực buộc EU phê duyệt đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2. Nord Stream 2 cho phép Nga bơm khí trực tiếp vào các nước như Đức mà không phụ thuộc vào các bên trung gian như Ukraine và Belarus. Nga đã bác bỏ các cáo buộc.

“Mọi chuyện đang xảy ra là tình huống thương mại thuần túy. Quý vị hãy hỏi tập đoàn Gazprom về các chi tiết”, người phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết vào hôm 21/12.

Nằm trên đáy biển Baltic, đường ống đôi Nord Stream 2 có chiều dài 1.234 km với tổng công suất 55 tỷ mét khối.

Các quốc gia phương Tây coi đường ống mới là yếu tố quan trọng để đàm phán với Nga trong bối cảnh Nga tăng cường binh lính ở biên giới Ukraine.

"Đường ống đó... không có bất kỳ lượng khí đốt nào chảy qua đường ống đó vào thời điểm này", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trong chương trình Meet the Press của NBC vào ngày 12/12. "Và trên thực tế, đường ống đó có thể được sử dụng để đàm phán với Nga, bởi vì nếu Tổng thống Putin muốn thấy khí đốt chảy qua đường ống đó, nếu nó đi vào hoạt động, rất khó có thể thấy điều đó xảy ra nếu Nga tiếp tục gây hấn với Ukraine”.

Chi Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Giá khí đốt tại châu Âu lập kỷ lục mới: Nga có đang chính trị hóa năng lượng?