Giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng chóng mặt: DN Việt rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang phải đối mặt với nỗi lo khan hiếm nguồn cung nguyên nhiên vật liệu, khiến giá cả hàng hóa đầu vào tăng cao. Suốt một thời gian dài, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, và dịch vụ đã kiệt quệ vì dịch bệnh, thì nay lại phải chịu thêm tác động của việc tăng giá các yếu tố đầu vào như xăng dầu, vật liệu xây dựng,... Điều này đặt các DN Việt vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc nên hay không nên tăng giá bán sản phẩm. Nhiều DN đã buộc phải điều chỉnh giá bán hàng hóa thành phẩm và dịch vụ, các DN khác thì dè dặt hơn và nghe ngóng tín hiệu tốt hơn của thị trường.

Khi chưa bùng lần dịch bệnh thứ 4, các DN Việt đã lao đao vì giá nguyên nhiên vật liệu và vận tải tăng vọt. Tuy nhiên, theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, khác với đầu năm, cơn bão giá hiện nay có tính sát thương mạnh hơn bởi DN đã bị bào mòn khá nhiều qua đợt bùng dịch nghiêm trọng vừa qua.

Giá xăng dầu trong nước bình quân 9 tháng đầu năm 2021 tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, tác động mạnh vào giá thành sản phẩm ở khúc giữa và khúc cuối chuỗi cung ứng.

Theo đại diện hãng taxi Quê Lụa, nhiều tháng qua, hãng này rơi vào tình trạng lỗ chồng lỗ bởi toàn bộ hơn 300 đầu xe của hãng bị đắp chiếu theo chỉ thị của nhà nước; đến khi được phép hoạt động trở lại thì giá xăng dầu lại liên tiếp leo thang. Tuy vậy, giá cước các hãng taxi truyền thống nhiều năm qua không thể tăng bởi sự cạnh tranh khốc liệt từ taxi công nghệ. Vì thế, các hãng taxi vẫn giữ nguyên giá cước, ngó trước trông sau tín hiệu thị trường.

Giá điện, than, dầu, thạch cao,… trên thị trường thế giới hiện cũng tăng mạnh khiến giá thành sản xuất vật liệu xây dựng trong nước bao gồm xi măng và thép đội lên khá nhiều.

Các DN xi măng buộc phải tăng giá, với mức tăng thấp nhất là 50.000 đồng/tấn sản phẩm, mức tăng cao nhất là 100.000 đồng/tấn. Cụ thể, từ ngày 20/10, Công ty cổ phần Xi măng Hoàng Long điều chỉnh tăng 80.000 đồng/tấn đối với giá bán các loại xi măng bao PCB30, PCB40.

Từ ngày 21/10, Công ty Xi măng Công Thanh khu vực miền Trung thông báo tăng thêm 70.000 đồng/tấn, áp dụng cho tất cả sản phẩm gồm bao, rời, và xá công nghiệp.

Bắt đầu từ 26/10, Công ty Xi măng Nghi Sơn cũng gửi thông báo cho các nhà phân phối tại khu vực Nghệ An và Hà Tĩnh về việc điều chỉnh tăng giá bán các loại xi măng bao PCB40, PCB40 dân dụng, PC40, PC50, và Type II, lên thêm 80.000 đồng/tấn.

Thép xây dựng là mặt hàng đã tăng giá liên tục từ đầu năm đến nay. Một số nhà thầu xây dựng cho biết tháng nào họ cũng nhận được báo giá mới, có tháng tăng giá từ 2 - 3 lần. Còn theo thống kê của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), nhiều DN thép đã điều chỉnh mức tăng giá bán từ 17.000 - 192.000 đồng/kg thép kể từ tháng 10.

Về ngành dệt may, những tháng cuối năm là thời điểm các DN đẩy mạnh sản xuất để hoàn tất các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết. Đây cũng là giai đoạn mà giá nguyên phụ liệu trên toàn thế giới tăng cao. Trong khi đó, các DN dệt may Việt phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, nhất là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nên chi phí cho sản xuất cũng tăng lên.

Công nhân sản xuất khẩu trang bảo vệ tại nhà máy TNG tại Thái Nguyên, Việt Nam vào ngày 6/2/2020. (Ảnh: Linh Pham/ Getty Images)
Công nhân đang sản xuất khẩu trang tại nhà máy TNG ở tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam, ngày 6/2/2020. (Ảnh: Linh Pham/ Getty Images)

Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), giá bông tăng hơn 20% so với thời điểm đầu năm 2021, giá hiện tại khoảng 2,3 - 2,35 USD/kg, đã khiến nhiều DN sản xuất sợi lao đao. Trong khi đó, giá sợi cũng tăng khoảng 8-10%. Hiện tại, nhu cầu về bông đang tăng cao tại các nước sản xuất sợi, cùng với chi phí vận chuyển tăng lên với tốc độ phi mã, khiến giá bông sẽ còn tiếp tục cao trong thời gian tới.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, giá các nguyên phụ liệu đang tăng khoảng 10-15% khiến giá thành mỗi sản phẩm dệt may cũng tăng theo.

Về thực phẩm, bà Đặng Thị Phương Ninh - Giám đốc Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải - Cofidec (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc) cho biết hiện nay doanh nghiệp của bà cũng phải đối mặt với vấn đề chi phí phụ liệu tăng rất cao. "Mặt hàng nào cũng tăng giá, trong đó, dầu ăn là phụ liệu tăng cao nhất, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2020 và dự kiến còn tăng cao hơn nữa", bà Ninh chia sẻ với Vietnamnet.

Ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt - cho hay, mọi chi phí từ bao bì, vỉ nhựa đựng trứng, đến lương nhân công đều tăng mạnh. Giá vỉ nhựa đựng trứng đã tăng gấp rưỡi so với trước đây nhưng số lượng cũng hạn chế bởi các nhà máy sản xuất bao bì cũng đang gặp khó khăn vì thiếu lao động và nguyên liệu sản xuất.

"Chúng tôi thường dự trữ bao bì đủ dùng cho 1 tháng nhưng đến khi cả thị trường đều thiếu, nhà cung cấp chậm giao hàng thì cũng khó xoay xở", ông Thiện nói với Vietnamnet.

Bà Kim Ngân, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Nước mắm Thanh Hà, chia sẻ với VnEconomy rằng, nguyên liệu bao bì từ quý 4/2020 đến nay đã tăng tổng cộng 40% - 50% và chi phí vận chuyển cũng tăng cao. “Công ty phải chịu thiệt đơn thiệt kép vì không thể tăng giá bán trong khi nguyên vật liệu tăng giá, chi phí chống dịch phát sinh. Ngoài ra, để đảm bảo đơn hàng xuất khẩu, công ty phải tăng ca, chi trả lương tăng 30% - 50% nên có những đơn hàng dù lỗ nhưng doanh nghiệp vẫn phải làm”.

Chi Anh



BÀI CHỌN LỌC

Giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng chóng mặt: DN Việt rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan