Giá ô tô giảm gần một nửa, người dân Trung Quốc vẫn không dám chi tiền

Giúp NTDVN sửa lỗi

Triển vọng kinh tế ảm đạm khiến tầng lớp trung lưu Trung Quốc, vốn đang “quá tải” với nợ nần, không dám chi tiền mua sắm - đặc biệt là đối với loại hàng hóa xa xỉ như ô tô.

Chiến dịch ô tô giá rẻ do các hãng ô tô và chính quyền địa phương khởi xướng đã lan rộng khắp Trung Quốc kể từ đầu tháng 3. Tuy vậy, doanh số bán ô tô vẫn tiếp tục giảm. Theo các chuyên gia, nguyên nhân là tầng lớp trung lưu Trung Quốc, nhóm tiêu dùng quan trọng nhất, đang “quá tải” với nợ nần.

Ngày 06/03, tập đoàn ô tô Đông Phong (Dongfeng Motor Corporation), phối hợp với chính quyền tỉnh Hồ Bắc, đã khởi động một chiến dịch kích cầu bằng cách giảm mạnh giá bán ô tô. Người mua xe Đông Phong Citroen C6, thường có giá 216.800 CNY (31.700 USD), sẽ nhận được khoản trợ cấp kết hợp của chính phủ và của doanh nghiệp trị giá 90.000 CNY (khoảng 13.000 USD) - tức là giá của mỗi chiếc xe sẽ giảm 90.000 CNY.

Đây là lần đầu tiên một khoản trợ cấp lớn như vậy (tương đường gần một nửa giá thành chiếc xe) được đưa ra ở Hồ Bắc. Ngoài Đông Phong, một số mẫu xe của Buick và Tianjin FAW Toyota cũng nằm trong phạm vi trợ cấp của tỉnh, theo tin ngày 08/03 của The Paper.

Giá ô tô giảm gần một nửa, người dân Trung Quốc vẫn không dám chi tiền
Một chiếc ô tô Đông Phong T5 EVO tại Triển lãm Công nghiệp Ô tô Quốc tế Thượng Hải lần thứ 19, ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 19/04/2021. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)

Động thái của tập đoàn Đông Phong đã châm ngòi cho làn sóng giảm giá ô tô trên khắp Trung Quốc. Các công ty ô tô lớn tung ra nhiều kế hoạch khuyến mại khác nhau — chẳng hạn như “mua một tặng một”, “mua xe tặng biển số” và “ưu đãi tín dụng”. Ít nhất 40 thương hiệu ô tô và hơn 100 mẫu mã đã giảm 30.000-100.000 CNY (4.300-14.600 USD).

Ô tô vẫn ế ẩm

Trước khi làn sóng giảm giá này diễn ra, vào ngày 06/01, hãng xe Tesla đã giảm mạnh giá thành một số mẫu xe - với mức giảm lên tới 48.000 CNY (khoảng 7.000 USD) - tại thị trường Trung Quốc.

Ông Tạ Điền (Frank Tian Xie), giáo sư môn kinh doanh tại Đại học Nam Carolina Aiken (Mỹ), nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times vào ngày 24/03 rằng việc Tesla giảm giá mang lại lợi ích cho người tiêu dùng Trung Quốc. Tuy nhiên, chiến lược giá thấp không thể giúp tăng doanh số bán ô tô nội địa.

Một người giấu tên đến từ một doanh nghiệp liên doanh nói với cổng thông tin Sina của Trung Quốc rằng: “Vào đầu năm, chúng tôi nghĩ rằng tác động của dịch bệnh sẽ giảm bớt và do đó, sức tiêu thụ ô tô sẽ phục hồi. Vì vậy, nhiều hãng xe đặt mục tiêu doanh số cao; nhưng chúng tôi không ngờ nó lại lao dốc”.

“Điều này cho thấy toàn bộ ngành công nghiệp và thị trường ô tô ở Trung Quốc rất mong manh và nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái”, giáo sư Tạ nói.

Ngày 22/03, Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Trung Quốc (CAAM) đã chỉ trích việc các hãng ô tô đồng loạt giảm giá bán. Họ cho rằng động thái này đang “làm gián đoạn thị trường” và “các hoạt động quảng cáo cho đợt giảm giá này cần được hạ nhiệt càng sớm càng tốt để ngành công nghiệp quay trở lại hoạt động bình thường”.

Ông Tạ không có cùng quan điểm với CAAM. Theo ông, khi thị trường suy thoái và có ít người mua ô tô, thì các công ty sẽ phải cạnh tranh bằng cách giảm giá.

Giáo sư Tạ nói: “Trên thực tế, các hãng ô tô nhà nước do CAAM đại diện đã phải chịu áp lực nặng nề từ việc các hãng khác giảm giá bán; họ biết rằng những chiếc xe của họ không có tính cạnh tranh và đang lỗ trên từng chiếc xe được bán ra, vì vậy họ hy vọng đợt giảm giá này sẽ dừng lại ngay lập tức”.

Người tiêu dùng ngập trong nợ, không dám chi tiêu

Nhiều người làm việc trong ngành ô tô Trung Quốc tin rằng một số đại lý đang buộc phải giảm giá bán để giải phóng hàng tồn kho - những chiếc ô tô có thể không đáp ứng được tiêu chuẩn khí thải VI-B của Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 01/07 năm nay.

Ngày 23/03, Phòng Thương mại Các đại lý Ô tô Trung Quốc (CADCC) đã kêu gọi cơ quan chức năng hoãn việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải VI-B, để các nhà sản xuất và đại lý ô tô có đủ thời gian chuyển đổi, bán hết lượng xe tồn kho hiện có.

Còn theo ông Lục Thiên Minh (Lu Tianming), nhà phân tích kinh tế và chính trị đang sống tại Mỹ, các hoạt động khuyến mại và giảm giá chỉ là biểu hiện bên ngoài của nguyên nhân sâu xa.

“Cuộc cạnh tranh giá thấp thực ra là do người tiêu dùng không còn năng lực chi tiêu và tổng lượng tiêu thụ đang tụt dốc”, ông Lục nói với The Epoch Times bản tiếng Trung vào ngày 25/03.

“Mức tiêu dùng thu hẹp đến từ việc người dân không có đủ tiền để chi tiêu, trong khi những người có tiền lại ngần ngại khi tiêu tiền”.

Ông Lục cho biết người dân Trung Quốc không có tiền vì họ ngày càng ngập trong nợ nần, với việc phải trả nợ thế chấp nhà chiếm tỷ lệ cao nhất.

Ông giải thích rằng lĩnh vực bất động sản hiện là một hạn chế đối với nền kinh tế Trung Quốc. Chính sách đất đai của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cùng với sự thông đồng giữa doanh nghiệp và chính quyền, đã đẩy giá đất và giá nhà ở tăng cao.

“Thu nhập khả dụng của người dân Trung Quốc thấp đến mức sau khi mua nhà, họ phải sống trong nợ nần; việc trả tiền hàng tháng cho các khoản vay chiếm tỷ trọng lớn trong thu nhập của họ, do đó, năng lực chi tiêu cho các sản phẩm khác giảm đáng kể”.

Các chuyên gia của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) cũng đã thừa nhận rằng người dân Trung Quốc đang “quá tải" với nợ nần. Ông Lý Dương, thành viên của CASS và giám đốc Phòng thí nghiệm Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, đã tiết lộ tại hội nghị thượng đỉnh kinh tế hồi tháng 2 rằng, cứ mỗi 100 CNY (khoảng 15 USD) mà người dân kiếm được, họ phải trích ra 15 CNY (khoảng 2,2 USD) để trả nợ.

Ông Lý nói: “Nếu tính cả nợ thế chấp, thì tỷ lệ ‘tổng tiền nợ phải trả của hộ gia đình’ trên ‘tổng thu nhập khả dụng’ có thể vượt quá 50%”.

Theo số liệu chính thức, tổng nợ của người dân Trung Quốc đã vượt trên 200 nghìn tỷ CNY (khoảng 29 nghìn tỷ USD) và nợ bình quân đầu người lên tới 140.000 CNY (khoảng 20.000 USD). Trong khi đó, thu nhập khả dụng bình quân đầu người năm 2022 chỉ là 36.883 CNY (khoảng 5.370 USD).

Ông Lục khẳng định rằng người Trung Quốc hiện rất sợ tiêu tiền “vì họ thiếu niềm tin vào tương lai. Bởi chính sách zero-COVID trong 3 năm qua của ĐCSTQ, thu nhập của người dân nói chung đang giảm và họ rất lo lắng về tương lai của mình”.

Theo dữ liệu chính thức, tổng tiền tiết kiệm của người dân đang tăng lên và tổng tiền gửi ngân hàng đã đạt mức cao kỷ lục. Theo quan điểm của ông Lục, điều này không phải vì mọi người kiếm được nhiều tiền hơn, mà là vì thu nhập của họ bị giảm nên họ muốn giữ tiền trong ngân hàng, không muốn tiêu tiền.

Ông Lục nói: “Họ [người tiêu dùng Trung Quốc] đang cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm, quần áo và đang tiết kiệm tiền để chuẩn bị cho một tương lai bất định”. “Kết quả là, mức tiêu dùng của toàn xã hội co lại”.

Giá ô tô giảm gần một nửa, người dân Trung Quốc vẫn không dám chi tiền
Người đàn ông đi ngang qua quầy của Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China), tại Trung tâm báo chí của Thế vận hội mùa đông 2022, ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 28/01/2022. (Ảnh: Fabrice Coffrini/AFP qua Getty Images)

Theo dữ liệu tài chính tháng 1 mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố, tiền gửi nhân dân tệ đã tăng thêm 6,87 nghìn tỷ CNY (khoảng 1 nghìn tỷ USD), trong đó tiền gửi hộ gia đình tăng thêm 6,2 nghìn tỷ CNY (900 tỷ USD).

Theo giáo sư Tạ, việc có nhiều tiền hơn đang được gửi tiết kiệm đã giải thích tại sao mức chi tiêu lại sụt giảm. Điều này cũng nói lên rằng người dân Trung Quốc đang rất sợ tiêu tiền; họ lo lắng rằng rất có thể họ sẽ mất đi việc làm trong tương lai gần.

Ông nói: “Nếu tâm lý này nảy sinh, mọi người sẽ tiết kiệm nhiều hơn, và tiết kiệm sẽ làm giảm mức tiêu dùng”.

Ông Lục cũng có quan điểm tương tự. Theo ông, thu nhập của tầng lớp trung lưu Trung Quốc đang ngày một ít đi.

Ông nói: “Việc phong tỏa thành phố và việc các chuỗi công nghiệp rời khỏi Trung Quốc đã tác động đến nền kinh tế, khiến thu nhập của tầng lớp trung lưu giảm mạnh. Thậm chí, khi giá ô tô đã giảm đáng kể, thì doanh số bán hàng vẫn giảm đều, vì tầng lớp trung lưu không có đủ tiền hoặc không dám chi tiêu”.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Giá ô tô giảm gần một nửa, người dân Trung Quốc vẫn không dám chi tiền