Giá thép và vật liệu xây dựng: Các doanh nghiệp trong nước 'bắt tay' đẩy giá?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phụ thuộc Trung Quốc khiến giá thép tăng quá cao kéo theo các vật liệu xây dựng (VLXD) khác cũng tăng mạnh, các nhà thầu và công trình xây dựng lao đao. Nghi vấn “bắt tay” giữa các doanh nghiệp để đẩy giá nguyên vật liệu nhưng chưa thấy sự hiện diện của bất kỳ cơ quan chức năng quản lý ngành hay thị trường nào.

Một khảo sát của báo Tiền Phong cho thấy, giá các VLXD từ sắt thép, đá, xi măng cho đến gạch ống, gạch lót nền, gạch trang trí đều đồng loạt tăng khá mạnh, thậm chí có những mặt hàng tăng giá gấp đôi, gấp 3 cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, giá sắt, thép xây dựng tăng mạnh nhất và được điều chỉnh liên tục từ cuối năm 2020 đến nay. Trong 1 tháng nay, các đại lý còn điều chỉnh giá 2 ngày/lần. Đơn cử, sắt cuộn có giá 11.500 đồng/kg vào thời điểm trước tháng 7/2020, nhưng đến nay giá đã lên 16.000/kg, tăng 4.500/kg. Một số đơn vị chuyên bán thép cũng báo giá theo tuần. Các đại lý cho hay, giá thép được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, do giá quặng thế giới liên tục tăng từ đầu năm đến nay.

Lo ngại có sự bắt tay làm giá

Trao đổi với tờ VnEconomy mới đây, Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết, hiện tại, giá thép chiếm tỷ lệ rất lớn trong giá thành xây dựng nên khi giá thép tăng đến 40%, nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản.

Ông Hiệp cho rằng, các nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn, không có cách tháo gỡ do các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng). Vì vậy, các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt này. Còn các dự án đầu tư vốn ngân sách lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các sở xây dựng mà thông báo này lại không cập nhật biến động giá kịp thời.

“Các nhà thầu gặp khó sẽ khiến cả công trình xây dựng tê liệt, như thế tổng sản phẩm GDP của cả nước sẽ không đạt được như Chính phủ đặt ra, bởi lẽ xây dựng chiếm đến gần 10% GDP của cả nước. Giá vật liệu xây dựng tăng sẽ đẩy giá tất cả các thứ lên, kéo theo giá thành bất động sản tăng”, ông Nguyễn Quốc Hiệp nói.

Theo PGS-TS Ngô Trí Long, trên thị trường, giá cả biến động bất thường 10 - 20% là cơ quan chức năng đã phải có động thái thể hiện vai trò điều phối. Trong trường hợp này, giá thép tăng phi mã đến 40%, thậm chí có mặt hàng tăng 50% từ đầu năm đến nay mà các bộ, ngành quản lý vẫn chưa đưa ra được giải pháp là quá chậm trễ và thiếu trách nhiệm.

Theo Báo Thanh niên, trong văn bản “cầu cứu” Thủ tướng, bên cạnh nỗi lo các doanh nghiệp (DN) xây dựng vỡ trận, phá sản vì giá thép, Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) còn đặt nghi vấn có sự “bắt tay” giữa các công ty thép hoặc có hiện tượng đầu cơ nâng giá mặt hàng này. Nhiều DN bức xúc trước tình trạng một số nhà máy sản xuất thép găm hàng, hằng ngày chỉ nhận chốt đơn đến 16 giờ để hôm sau ra thông báo tăng giá và bán với giá mới.

Phụ thuộc Trung Quốc

Giá thép tăng liên tục trong thời gian qua chủ yếu đến từ việc thiếu nguyên liệu phôi thép trong nước trong khi phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc giá tăng do nước này hạn chế xuất.

Lượng phôi thép sản xuất trong nước hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% thị phần, còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc đang hạn chế xuất khẩu phôi để điều chỉnh tăng giá, điều này khiến các nước nhập khẩu trong đó có Việt Nam bị động về nguyên liệu. “Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6 - 6,5 triệu tấn cho các lò điện”, Hiệp hội Thép Việt Nam nhấn mạnh.

Theo Cục Công nghiệp, nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của sản phẩm thép hiện đa phần phải nhập khẩu như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite... Trong thời gian gần đây, giá các nguyên vật liệu sản xuất thép nói trên tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu, cùng với dịch bệnh, thời gian giao hàng kéo dài cũng là những lý do khiến giá thép tăng mạnh. Về năng lực nguồn cung đối với sản phẩm thép thì thừa nhưng cung ứng là chuyện khác vì dịch Covid-19 khiến các nhà máy đóng cửa, vấn đề logistics làm nguồn nguyên liệu bị gián đoạn nên không thể tăng sản xuất. Với tình hình này, thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới.

Thực tế, năng lực sản xuất các sản phẩm thép (thép xây dựng, thép ống, tôn mạ) của ngành thép Việt Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa, nhưng nguyên liệu (quặng sắt, phế thép), nhiên liệu và vật liệu tiêu hao thường xuyên (than mỡ, coke, điện cực, vật liệu chịu lửa...), thiết bị dự phòng cho sản xuất thép hầu hết được nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, nên chịu tác động lớn từ rủi ro từ thay đổi chính sách của Trung Quốc cũng như biến động trên thị trường quốc tế.

Không chỉ ở Việt Nam, một số sàn thương mại VLXD quốc tế cũng ghi nhận đà tăng giá của các sản phẩm sắt thép. Một số nhà phân tích trên các sàn này nhận định, giá nguyên liệu thô cho sản xuất thép nhảy vọt do lực cầu mạnh từ Trung Quốc, song một số nhận định khác đáng lưu ý, cho rằng giá quặng sắt và thép tăng do có phần “đầu cơ”. Chuyên gia phân tích Wu Shipping của Tianfeng Futures trên Reuters ngày 10.5 cho biết: “Giá quặng sắt và thép tăng chủ yếu được thúc đẩy bởi giao dịch đầu cơ”.

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: "Giá thép liên tục tăng cao trong thời gian vừa qua có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là do ảnh hưởng của thị trường nguyên liệu và sản phẩm thép thế giới, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, thị trường chiếm gần 60% sản lượng thép thô toàn cầu”.

Các yếu tố chính đang chi phối thị trường này làm ảnh hưởng tới giá thép toàn cầu đó là: nguồn cung thép thắt chặt theo chính sách của Chính phủ Trung Quốc về kiểm soát ô nhiễm; thông tin giảm hoàn thuế xuất khẩu từ 13% xuống 9%, thậm chí 0% để giảm sản lượng xuất khẩu thép; chi phí sản xuất thép của Trung Quốc năm 2020 cao hơn so với các quốc gia, làm cho nhập khẩu bán thành phẩm (thép thô) của nước này đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử vào quý III/2020.

Bên cạnh đó, nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi, đồng nghĩa nhu cầu về thép của thế giới tăng, trong khi dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và các tổ chức quốc tế đều khẳng định công suất thép toàn cầu năm nay chưa thể phục hồi như trước đại dịch. Điều đó có nghĩa, giá thép sẽ có khả năng còn tăng. Ngoài ra, hiện giá thép tăng còn chịu sự tác động của cước phí vận chuyển tăng cao, thiếu container tàu biển.

Hiện nay, nhiều nước đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng để vực dậy kinh tế, khắc phục suy thoái hậu Covid-19, song theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, không phải chỉ trong một thời gian ngắn mà các quốc gia có thể ồ ạt đầu tư xây dựng đến nỗi khan hiếm thép dẫn đến tăng giá nhanh chóng như hiện nay. Giá thép tăng mạnh chủ yếu do thiếu cân đối trong vấn đề sản xuất, đối ứng cung - cầu thép của Việt Nam.

Để “ghìm cương” giá thép, nhà nước cần có các biện pháp phù hợp để ngăn chặn hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, gian lận thương mại. Đồng thời, tiếp tục xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; chủ động tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cũng cần theo dõi và xem xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu các thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép.

Tâm Chính



BÀI CHỌN LỌC

Giá thép và vật liệu xây dựng: Các doanh nghiệp trong nước 'bắt tay' đẩy giá?