Giá vàng méo mó vì độc quyền: Vàng trong nước đắt hơn thế giới 18 triệu đồng/lượng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giá vàng thế giới quay lại kỷ lục 2.000 USD/ounce, giá vàng trong nước còn leo thang mạnh hơn: 74 triệu đồng/lượng. Khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới thiết lập kỷ lục mới: 18 triệu đồng/lượng. Khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới quá cao đã ‘khuyến khích’ vàng nhập lậu, chảy máu ngoại tệ trong khi thất thoát thu ngân sách. Một thị trường vàng chưa bao giờ lành mạnh, đáng tiếc, lại có nguyên nhân từ độc quyền nhà nước trong nhiều thập kỷ.

Chỉ vài tháng trước đây, nếu mua vàng miếng, người Việt phải trả thêm 9 triệu đồng/lượng; và hiện nay (8/3/2022), khi giá vàng thế giới đăng tăng tốc vì khủng hoảng Ukraine, đạt mức giá 2.000 USD/ounce, giá vàng trong nước kịp thiết lập kỷ lục mới, cao gấp bội giá thế giới: 18 triệu đồng một lượng. Một sự méo mó về giá chưa từng có trong lịch sử.

Hãy tưởng tượng, bạn đang phải trả thêm 18 triệu đồng/lượng vàng so với giá thế giới. Nhưng đó chưa phải là vấn đề nếu khoảng chênh giữa vàng trong nước và thế giới bền bỉ ở mức 18 triệu đồng/lượng. Giả sử hôm nay bạn mua 2 lượng vàng, sau một đêm thức dậy, giá vàng trong nước đột ngột sụt giảm 10 triệu đồng/lượng mà không liên quan gì tới giá vàng thế giới, chỉ đơn giản là Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã quyết định nhập một lượng lớn vàng đáp ứng cầu trong nước làm giảm giá vàng bán ra trên thị trường. Chỉ qua một đêm, bạn mất 20 triệu đồng cho hai lượng vàng. Bạn mua vàng vốn để phòng ngừa lạm phát. Nhưng với khoản lỗ 20 triệu đồng cho 2 lượng vàng, dường như bạn đang chịu một khoản lạm phát lớn hơn nhiều so với kỳ vọng.

Tình trạng như thế đã tồn tại nhiều năm nay. Các con sóng giá vàng dựa trên chênh lệch phi lý giữa vàng trong nước - quốc tế đã làm méo mó thị trường vàng trong nước. Không cần phải là chuyên gia tài chính chúng ta cũng biết rằng có một ai đó, người biết các quyết định cung vàng trong nước cũng như người ra quyết định này, chính là đối tượng hưởng lợi duy nhất từ các con sóng giá vàng phi lý như vậy.

Những ngày này, trước sức ép hạ lãi suất huy động ở hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) trong khi lạm phát kỳ vọng gia tăng, xung đột địa chính trị và lo ngại khủng hoảng tài chính đi kèm đã khiến một phần tiền trong người chảy vào vàng như một địa chỉ trú ẩn an toàn. Dù vậy, lợi dụng xu hướng này, một 'thế lực nào đó' đã thực sự thao túng được thị trường, tạo ra chênh lệch kỷ lục giữa giá vàng trong nước và thế giới, kiếm lời từ sự hỗn loạn này.

Ai đang mất tiền khi thị trường vàng méo mó?

Nhưng khi cầu về vàng dự trữ (là vàng miếng SJC) gia tăng thì lập tức giá vàng trong nước ngày càng bỏ xa giá vàng thế giới, hiện tại giá vàng trong nước lên tới 74 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá lên tới 18 triệu đồng/lượng vàng SJC, mức chênh lệch cao nhất trong lịch sử giao dịch vàng. Giá vàng trong nước hiện cao hơn 20% so với giá vàng thế giới.

Giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 15-20% suốt từ khi khủng hoảng virus viêm phổi Vũ Hán diễn ra ở Việt Nam (tháng 5/2020 đến nay). (Nguồn: Gold Price)

Khi giá vàng trong nước và thế giới chênh quá cao, một khoảng trống về lợi nhuận đã được tạo ra. Điều này khuyến khích nhập khẩu lậu vàng vào Việt Nam. Chỉ cần gõ từ khoá “buôn lậu vàng” trên Google thì có thể thấy hàng loạt các bài báo phản ánh các phi vụ buôn lậu vàng lớn nhỏ qua biên giới. Tình trạng này đặc biệt nóng và gia tăng khi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá cao, duy trì thời gian lâu như hiện nay.

Nhập lậu vàng không chỉ khiến một khoản lớn thuế bị thất thu, tình trạng này còn khiến một khoản ngoại tệ lớn chảy ra khỏi đất nước, ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Gần đây nhất, báo chí trong nước rúng động vì thông tin một chủ cửa hàng vàng ở An Giang đã trốn thuế 10.000 tỷ đồng (theo tin từ Dân Trí).

Sự mất cân đối không được ghi chép này thể hiện trên mục “Lỗi và Sai sót” của Báo cáo Cán cân thanh toán quốc tế (công bố bởi NHNN hàng quý). Vào quý II/2021 vừa qua, khoản mục Lỗi và Sai sót đã âm tới 4.700 triệu USD, cao hơn nhiều so với mức mất cân đối của các quý trước đó.

Vào quý II/2021 vừa qua, khoản mục Lỗi và Sai sót trong Báo cáo Thanh toán quốc tế đã âm tới 4,7 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức mất cân đối của các quý trước đó. (Nguồn: Ngân hàng nhà nước Việt Nam)

Tình trạng thị trường vàng trong nước không liên thông về giá với thị trường vàng thế giới đã diễn ra trong nhiều thập kỷ, nhưng ngày một trầm trọng hơn vì chính sách đã tạo ra độc quyền lớn hơn sau rất nhiều ‘cải cách’.

Cải cách để… độc quyền

Sàn giao dịch vàng tư nhân từng nở rộ vào năm 2008 và 2009 đã bị Chính phủ cấm vào năm 2010. Năm 2011, các NHTM bị cấm thực hiện các hoạt động cho vay và nhận tiền gửi có liên quan đến vàng. Vào năm 2011, Chính phủ đã cấm vàng như một phương tiện trao đổi và NHNN đã tiếp nhận sản xuất vàng miếng từ nhà sản xuất lớn nhất của đất nước, đồng thời cấm sản xuất các thương hiệu vàng miếng khác. Đến năm 2012, ngân hàng trung ương đã giới thiệu một hệ thống các nhà kinh doanh vàng được cấp phép, gồm có một số ít các NHTM lớn và các công ty bán buôn vàng và trang sức lớn. Trong năm 2013, NHNN đã bắt tay vào một loạt các cuộc đấu thầu vàng ra thị trường, nhằm ổn định giá trong nước. Năm 2014 và 2015 là thời kỳ củng cố của các cơ quan chức năng Nhà nước khi họ điều hành thị trường vàng trong nước theo lộ trình mới được kiểm soát chặt chẽ.

Thị trường vàng miếng (để dự trữ) được quản trị hoàn toàn độc quyền bởi một công ty 100% vốn nhà nước, đặt dưới sự quản lý của NHNN. Thị trường vàng trang sức, thực chất cũng nằm dưới sự quản lý độc quyền của NHNN theo cơ chế cấp quota, thực chất là cơ chế xin - cho.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ảnh: sbv. gov)
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (Ảnh: sbv.gov)

Với cơ chế như thế này, NHNN từng rất tự hào báo cáo vào năm 2015 rằng thị trường vàng trong nước ổn định, giá cả trong nước và thế giới liên thông, thậm chí giá trong nước không bị biến động nhiều khi giá thế giới gia tăng hoặc đồng USD tăng giá. NHNN cũng cho biết trong báo cáo thành tích năm 2015:

“Thị trường vàng có khả năng điều tiết phù hợp với quy luật cung cầu, NHNN không cần sử dụng ngoại tệ để can thiệp nhập khẩu vàng hoặc ổn định thị trường vàng miếng, tình trạng vàng hóa tiếp tục được ngăn chặn, góp phần duy trì sự ổn định của tỷ giá hối đoái, thị trường ngoại hối và kinh tế vĩ mô".

Nhưng đáng tiếc, đây là thành tích có được khi thị trường ổn định, không có biến động lớn về giá, cung - cầu trên thị trường trong nước và quốc tế. Nhưng mọi cải cách để độc quyền đã bộc lộ rủi ro và làm trầm trọng thêm khuyết điểm của thị trường khi thị trường vàng có biến động lớn. Kinh nghiệm cho thấy, thị trường vàng chỉ biến động khi có khủng hoảng khiến đồng nội tệ mất giá.

Các cảnh báo bị phớt lờ

Ngay sau cải cách quản lý nhà nước về vàng bất ngờ thay đổi theo hướng tăng quyền lực độc quyền cho NHNN, kiểm soát hoàn toàn việc tự nhập và xuất vàng, cấp quota cho việc xuất và nhập vàng trang sức..., chuyên gia kinh tế - tài chính, khi đó là Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, TS. Lê Xuân Nghĩa đã phân tích và cảnh báo rằng NHNN nên trả vàng về cho thị trường, tức là để cho thị trường - các công ty kinh doanh vàng tự xuất và tự nhập, còn NHNN chỉ làm nhiệm vụ giám sát về khối lượng, thậm chí giám sát giá cả nếu thấy cần thiết.

Về nguyên tắc, ông Nghĩa cho rằng việc NHNN, một cơ quan quản lý nhà nước về chính sách tiền tệ, trực tiếp gánh trách nhiệm cân bằng cung - cầu vàng thông qua xuất - nhập và điều tiết thị trường vàng thì bản thân NHNN sẽ trở thành kẻ gánh rủi ro của thị trường. Thêm vào đó, nếu để doanh nghiệp tự xuất và nhập khẩu vàng thì luồng vàng ra - vào Việt Nam sẽ nhanh hơn, cân bằng được giá trong nước với giá thế giới.

Và những gì đang xảy ra trên thị trường vàng trong nước hiện nay đã diễn biến đúng như dự báo cách đây 8 năm của các chuyên gia kinh tế.

Sóng vàng khiến người mua kêu trời nhưng lời kêu gọi từ bỏ độc quyền đang chìm vào quên lãng

Người mua vàng trong nước, kể từ tháng 3/2020 cho tới nay, liên tục chứng kiến các cơn sốt rồi sụt giảm giá không theo quy luật của thị trường quốc tế, không theo quy luật cung cầu. Các vụ mất tiền oan vào vàng chỉ sau một đêm không phải vì giá vàng quốc tế sụt giảm, mà là vì sự sụt giảm trong chênh lệch giữa giá trong nước và quốc tế, khiến nhiều người kêu trời. Một thị trường méo mó không theo quy luật là một thị trường rủi ro cho người tham gia và tạo lợi nhuận khổng lồ cho thị trường đen (nhập khẩu lậu) cũng như cho bên nắm giữa quyền lực độc quyền trên thị trường.

Làn sóng kêu gọi trả vàng về cho thị trường đã dấy lên mạnh mẽ kể từ cuối năm 2020 cho tới đầu năm nay. Các trang truyền thông chính thống của chính quyền đều đăng tải các phân tích chỉ rõ quyền lực độc quyền xuất- nhập khẩu, quyền lực ban phát xin - cho, quyền lực lựa chọn người chơi trên thị trường vàng dẫn đến các tổn thất cho thị trường vàng nói riêng, bất ổn cho hệ thống tài chính nói chung, và thậm chí cả thu ngân sách cũng trở nên hạn hẹp hơn.

Dù vậy, chưa hề có phản hồi nào từ chính quyền trước làn sóng kêu gọi đổi mới chính sách về quản lý nhà nước với thị trường vàng. Các lời kêu gọi đổi mới trên phương tiện truyền thông dòng chính có xu hướng chìm đi ngay tại thời điểm giá vàng trong nước, vì rất nhiều lý do trái với quy luật thị trường, đang cao hơn giá vàng thế giới tới 20% như hiện nay.

Thanh Đoàn

NGUỒN TIN THAM KHẢO

  1. https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/nhung-cao-thu-buon-lau-vang-tai-viet-nam-754802.html
  2. https://vneconomy.vn/gia-vang-the-gioi-tang-manh-trong-nuoc-vot-qua-58-trieu-dong-luong.htm
  3. https://vietstock.vn/2013/10/ts-le-xuan-nghia-da-den-luc-phai-tra-vang-cho-thi-truong-759-318770.htm
  4. https://vov.vn/kinh-te/vang-da-lam-meo-mo-thi-truong-tai-chinh-177504.vov



BÀI CHỌN LỌC

Giá vàng méo mó vì độc quyền: Vàng trong nước đắt hơn thế giới 18 triệu đồng/lượng