Giải pháp nào cho ngành năng lượng Mỹ sau lệnh cấm vận dầu từ Nga?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận lên dầu nhập khẩu từ Nga, một đòn mạnh giáng lên cỗ máy chiến tranh của ông Putin. Tuy nhiên, nước Mỹ đang phải đối mặt với giá nhiên liệu cao kỷ lục. Trong khi loay hoay tìm kiếm giải pháp từ các nước khác, thì Tổng thống Biden lại đang kiềm hãm chính ngành sản xuất dầu mỏ tại Mỹ.

Mỹ sẽ cấm nhập khẩu dầu từ Nga

Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố vào hôm thứ Ba (08/03) rằng sẽ cấm nhập khẩu dầu của Nga, dừng việc nhập gần 500.000 thùng dầu thô một ngày từ Nga.

Ông Biden nói với phóng viên tại Tòa Bạch Ốc: "Hôm nay, tôi tuyên bố Mỹ sẽ nhắm mục tiêu tới huyết mạch của nền kinh tế Nga. Chúng tôi sẽ cấm hoàn toàn việc nhập dầu, khí đốt và năng lượng Nga. Điều đó có nghĩa là dầu của Nga sẽ không còn được chấp nhận tại các cảng của Mỹ và người dân Mỹ sẽ giáng một đòn mạnh khác lên cỗ máy chiến tranh của ông Putin".

Nước Mỹ sẽ cấm việc mua dầu thô, khí nhiên liệu tự nhiên hóa lỏng, than đá và các sản phẩm dầu mỏ khác của Nga. Lệnh cấm cũng hạn chế đầu tư từ Mỹ và ngăn cản người Mỹ tham gia các khoản đầu tư nước ngoài đưa tiền chảy vào ngành năng lượng của Moscow. Lệnh cấm có tác dụng ngay lập tức.

Một nhân viên chính quyền cấp cao trao đổi với phóng viên vào hôm thứ Ba (08/03): "Khi đưa ra biện pháp này, chúng tôi đã tham khảo kĩ các đồng minh châu Âu, nhưng chúng tôi không hy vọng hay đòi hỏi họ phải tham gia".

Tại Mỹ, nhiều ý kiến ủng hộ cho quyết định của ông Biden, tuy nhiên lại có phần dè dặt trước khả năng về việc sử dụng một nhà cung cấp nước ngoài khác Nga. Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói trong một video: "Giờ chúng ta phải tiến hành phần hai, thay thế nguồn cung dầu từ Nga với nguồn dầu từ Mỹ, không phải dầu từ Ảrập Xêút, Iran hay Venezuela".

Ông Mike Sommers, Chủ tịch và Giám đốc Viện Dầu khí Mỹ cho biết: "Chúng tôi có cùng mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng nước ngoài và thúc đẩy các nhà chính sách đẩy mạnh khả năng dẫn đầu về năng lượng của Mỹ và phát triển sản xuất trong nước nhằm chống lại ảnh hưởng của Nga trên thị trường năng lượng quốc tế".

Giá nhiên liệu tại Mỹ phá vỡ kỉ lục năm 2008

Vào ngày 08/03, khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, giá xăng thông thường tại một trạm xăng BP ở Chicago’s South Side là gần 5 USD/gallon.

Dacia, một khách hàng đang mua nhiên liệu, nói với The Epoch Times: "25 USD chỉ đổ được một nửa bình xăng. Tôi có lẽ phải đến Indiana để tìm một trạm xăng khác rẻ hơn. Người dân thực sự không có nhiều tiền như vậy”.

Theo GasBuddy, vào ngày 07/03, giá khí đốt trung bình trên toàn nước Mỹ đã phá vỡ kỷ lục được thiết lập vào năm 2008, đạt mức cao mới là 4,104 USD. Theo AAA, con số đó thậm chí còn tăng cao hơn vào ngày 08/03, đạt 4,173 USD.

Taylor Trandahl từ PragerU viết trên Twitter: “Gas hiện nay chính thức đắt hơn mức bộ phim ‘I Am Legend’ đã tưởng tượng ra trong thời kỳ tận thế".

Patrick De Haan, trưởng bộ phận phân tích dầu khí của GasBuddy cho biết, “đây là một tình huống tồi tệ và sẽ không sớm được cải thiện. GasBuddy hiện dự đoán giá gas trung bình toàn quốc hàng năm sẽ tăng lên mức cao nhất từng được ghi nhận”.

Báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) mới nhất của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng (EIA) cũng cho thấy mức giá mới đắt đỏ.

Báo cáo STEO tháng 2 của EIA dự đoán dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 83 USD/thùng vào năm 2022 trước khi giảm xuống 68 USD/thùng vào năm 2023. Báo cáo STEO ngày 08/03 đã điều chỉnh các dự đoán đó lên 105,22 USD vào năm 2022 và 88,98 USD vào năm 2023.

Dầu thô Brent đạt 139 USD/thùng vào ngày 07/03. Một số nhà giao dịch đang đặt cược rằng dầu sẽ đạt 200 USD/thùng trong tháng 3.

Giải pháp nào cho ngành năng lượng Mỹ sau lệnh cấm vận dầu từ Nga?
Một khách hàng đang bơm xăng tại một trạm xăng Arco ở Mill Valley, California, ngày 03/03/2015. (Ảnh: Justin Sullivan / Getty Images)

Giá nhiên liệu tăng cao không hẳn là do cuộc xung đột Nga - Ukraine

Theo De Haan và các chuyên gia khác, mức tăng giá gần đây nhất có liên quan đến cuộc chiến Nga - Ukraine. Tuy nhiên, các chuyên gia đã trao đổi với The Epoch Times cho biết giá đã tăng từ lâu trước khi cuộc xung đột bắt đầu.

David Blackmon, biên tập viên của Tạp chí SHALE và đồng dẫn chương trình phát thanh In The Oil Patch, nói với The Epoch Times trong một email: “Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã khiến giá dầu thô trên thị trường toàn cầu tăng thêm từ 15 đến 20 USD/thùng và giá rất có thể sẽ còn tăng thêm nếu xung đột kéo dài. Nhưng giá dầu chỉ ở mức 37 USD/thùng khi ông Biden đắc cử và đã tăng lên 60 USD trước cuộc xâm lược của Nga do các yếu tố cung và cầu".

“Thực tế là thị trường dầu đã thiếu nguồn cung trong nhiều tháng nay và Biden đã đóng góp rất nhiều vào tình trạng đó nhờ việc làm suy yếu ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ. Đó là sự thật".

Shubham Garg, người sáng lập và Giám đốc điều hành của White Tundra Investments, nói với The Epoch Times: “Rủi ro địa chính trị và nỗi sợ hãi trên thị trường thực sự đóng một vai trò quan trọng. Tuy nhiên, tôi nghĩ vấn đề lớn hơn của thị trường là một vấn đề hết sức cơ bản - chúng ta đã có một thị trường không đủ nguồn cung với lượng hàng tồn kho rất thấp".

"Sản xuất dầu nội địa của Mỹ và của Canada đã bị đối xử không công bằng".

Karr Ingham, một nhà kinh tế dầu khí của Liên minh các nhà sản xuất năng lượng Texas (TAEP), nói với The Epoch Times rằng sự phục hồi chậm chạp từ suy thoái sản xuất do COVID-19 là nguyên nhân một phần dẫn đến sự gia tăng giá cả trong dài hạn - một kết luận tương tự như kết luận của Quản trị viên EIA Steve Nalley, người đã làm chứng trước Thượng viện vào tháng 11/2021 rằng giá dầu tăng cao là do tiêu thụ xăng dầu toàn cầu vượt quá sản lượng sản xuất ra.

Ông Ingham nói: “Câu hỏi đặt ra là, tại sao chúng ta không phát triển sản xuất nhanh hơn nhiều so với tốc độ chúng ta đã làm? Tôi nghĩ rằng khá dễ để trả lời rằng môi trường chính trị, lập pháp và quản lý rõ ràng là tiêu cực - hay là đã tiêu cực - đối với việc tăng trưởng hoặc tái thiết lập sản xuất dầu thô nội địa của Mỹ".

“Sẽ là không trung thực nếu chỉ đổ lỗi mức giá hiện tại của chúng ta là do những gì Nga đã làm, bởi vì chúng ta đã có mức định giá dầu thô là 90 USD trước khi cuộc xâm lược xảy ra”.

Chính quyền Biden đổ lỗi cho cuộc xung đột Nga - Ukraine

Tuy nhiên, khi chính quyền Biden chịu áp lực về giá xăng dầu tăng cao, vốn đã bắt đầu kể từ tháng 11/2020, họ đổ lỗi cho Nga và bỏ qua các lỗi lầm từ chính sách của mình.

Tại cuộc họp báo ngày 04/03, thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki nói với các phóng viên: “Lý do gây nên việc giá xăng tăng không phải là vì các bước đi mà Tổng thống đã thực hiện. Lý do là bởi Tổng thống [Vladimir] Putin đang xâm lược Ukraine, và điều đó tạo ra nhiều bất ổn trên thị trường toàn cầu".

Trong một cuộc họp báo ngày 07/03, bà Psaki đã nhấn mạnh điều đó. Khi được hỏi liệu các yếu tố về chuỗi cung ứng sau đại dịch có phải là nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá khí đốt xảy ra trước cuộc xâm lược hay không, bà nói: “Sự tăng giá kéo dài được dự đoán trước… là kết quả trực tiếp của cuộc xâm lược Ukraine".

Bà Psaki sau đó nói trong cùng cuộc họp báo: “Các chính sách liên bang không hạn chế nguồn cung dầu và khí đốt”.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba (08/03) thông báo về các lệnh cấm đối với năng lượng của Nga, ông Biden nói: “Đơn giản là không đúng khi nói rằng chính quyền hoặc các chính sách của tôi đang kìm hãm sản xuất năng lượng trong nước”.

Ông Biden trích dẫn thực tế rằng gần 90% sản lượng dầu trên đất liền không được khai thác trên đất liên bang, cũng như thực tế là các công ty dầu khí có hơn 9.000 giấy phép chưa sử dụng.

Trong một cuộc Xác minh Dữ kiện được công bố vào ngày 07/03, Viện Nghiên cứu Năng lượng (IER) đã chỉ ra rằng hoạt động khai thác dầu trên các vùng đất liên bang đã suy giảm nhanh chóng dưới thời chính quyền Obama.

IER viết: “Thực tế là các vùng đất của liên bang kém hiệu quả về sản xuất dầu khí hơn so với đất của các bang và tư nhân vì chính phủ liên bang sở hữu phần lớn bất động sản khai khoáng".

Ông Ingham nói về TAEP: “Bạn có thể có hợp đồng thuê mà không quyết định phát triển hoặc sản xuất dựa vào tính kinh tế của hợp đồng đó. Các công ty đã luôn ra quyết định dựa vào tính kinh tế của hợp đồng thuê. Việc đề xuất rằng không cho thuê thêm chừng nào các công ty còn chưa khoan hết theo hợp đồng đã có — đó có nghĩa là chính quyền đã thay mặt công ty đưa ra các quyết định mà bản thân chính quyền không có đủ năng lực hay thẩm quyền để thực hiện”.

Tim Stewart, chủ tịch của Hiệp hội Dầu khí Mỹ, đã có một phản ứng thẳng thắn về những bình luận ngày 08/03 của ông Biden.

"Hãy bỏ qua những thứ tào lao và chấp thuận giấy phép của chúng tôi".

Giải pháp nào cho ngành năng lượng Mỹ sau lệnh cấm vận dầu từ Nga?
Giàn máy móc tại một mỏ dầu ở hệ tầng đá phiến Monterey, California, ngày 23/3/2014. (Ảnh: David McNew / Getty Images)

Các giải pháp từ Venezuela, Iran và Ảrập Xêút

Các quan chức chính quyền Biden đang thương lượng với Venezuela, Iran và Ảrập Xêút với hy vọng rằng những quốc gia này sẽ tăng cường sản xuất, qua đó làm giảm giá dầu.

Ông Garg nói: “Dầu của Venezuela có lẽ là bẩn nhất trên thế giới. Ngay cả khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, ngành công nghiệp đó đang ở trong tình trạng đổ nát đến mức cần hàng trăm tỷ USD và chuyên môn từ Mỹ để khôi phục”.

Ông Balckmon nói: “Giá dầu và khí đốt tăng cao khiến giá xe điện và năng lượng tái tạo trở nên cạnh tranh hơn. Điều này được thể hiện rõ qua thực tế là các quan chức như Pete Buttigieg tiếp tục đề cao chương trình nghị sự đó như là “giải pháp” cho vấn đề giá xăng tăng cao của chúng ta. Đó là lý do tại sao bạn thấy ông ấy - Biden và Kamala Harris ủng hộ cho việc tăng cường sản xuất dầu từ Venezuela và Iran, chứ không phải từ ngành công nghiệp dầu nội địa của chúng ta".

Thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Menendez đã cảnh báo ông Biden không nên dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với dầu từ Venezuela, cho rằng Mỹ không nên hỗ trợ một nước với lịch sử vi phạm nhân quyền người dân.

Thời báo The Epoch Times đã liên hệ với Bộ Tài chính Mỹ để xem liệu lệnh cấm của Biden đối với dầu và khí đốt của Nga có còn cho phép các “giao dịch U-turn” liên quan đến năng lượng hay không. Các giao dịch này được Bộ Tài chính Mỹ mô tả trong một tuyên bố ngày 02/03 về các lệnh trừng phạt đối với Nga. Các giao dịch U-turn sẽ cho phép Mỹ tiếp tục mua dầu và khí đốt của Nga thông qua một tổ chức tài chính của nước thứ ba.

Nước Mỹ cần tập trung cho sản xuất dầu trong nước

Bà Kathleen Sgamma, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Miền Tây cho rằng chính quyền Biden đã cản trở sản xuất trong nước. Bà Sgamma cho biết, bà rất vui khi cuối cùng ông Biden cũng trừng phạt Nga nhiều như ông đã trừng phạt các nhà sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên Mỹ.

Bà Sgamma nói với The Epoch Times qua một email: "Các nhà sản xuất Mỹ sẵn sàng tăng sản lượng nếu chính quyền có thể thu hồi các chính sách chống biến đổi khí hậu và dỡ bỏ các rào cản đối với sản xuất của Mỹ". Bà Sgamma cho rằng, Tổng thống có thể xúc tiến việc cho thuê và các giấy phép đang tồn đọng, yêu cầu cơ quan quản lý tài chính dừng việc ngăn không cho tài chính và tín dụng chảy vào ngành sản xuất dầu của Mỹ. Ông Biden cũng có thể dừng các cơ chế ra chính sách có mục tiêu hạn chế sản lượng của Mỹ.

Bà Sgamma cho biết: "Cánh tả làm ầm ĩ lên rằng cần có thêm các nguồn năng lượng tái tạo, nhưng nếu đó là câu trả lời, thì Đức sẽ không bị ảnh hưởng bởi năng lượng của Nga nhiều như bây giờ".

Cũng theo bà Sgamma, các khó khăn về luật pháp, tài chính và quy định đã đè nặng lên ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ, khiến 9.000 giấy phép chưa sử dụng mà ông Biden nhắc tới không có ý nghĩa trong thực tế. Các hợp đồng cho thuê bị vướng phải các vấn đề pháp lý do các tổ chức môi trường. Nhiều hợp đồng khác cần có thêm sự chấp thuận của chính quyền và các phân tích môi trường của liên bang. Một vấn đề khác là tài chính cho các dự án đã trở nên khó khăn vì các nhà đầu tư hạn chế đổ tiền vào lĩnh vực năng lượng hóa thạch.

Vào ngày 02/03, với sự phê chuẩn của Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, Hạ viện Mỹ đã chặn một dự luật cho phép tái khởi động dự án đường ống dẫn dầu Keystone nhằm củng cố sự độc lập về năng lượng của Mỹ đối với Nga.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Giải pháp nào cho ngành năng lượng Mỹ sau lệnh cấm vận dầu từ Nga?