Giáo sư cấp tiến Thụy Điển kêu gọi các nhà hoạt động môi trường phá hoại cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các hành vi khủng bố vì môi trường là điều mà một giáo sư cấp tiến đang kêu gọi. Theo ông, việc phá hoại cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch là một hình thức tự vệ, hoặc có lẽ là can thiệp nhân đạo. Ông cũng tỏ ý tán thưởng hành động phá hoại các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhân danh môi trường.

Theo lời vị giáo sư, việc xây dựng các mỏ dầu là một "hành động bạo lực".

Tuyên bố việc xây dựng các mỏ dầu là một “hành động bạo lực”, ông Andreas Malm, một giáo sư cánh tả người Thụy Điển và cũng là một nhà hoạt động về biến đổi khí hậu, đang kêu gọi các chiến binh xanh phá hủy cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch.

Với các vụ biểu tình khí hậu và các hành vi bị cáo buộc là khủng bố vì môi trường [khủng bố nhằm kêu gọi sự ủng hộ cho môi trường] đang gia tăng trong vài tháng qua, ông Malm, tác giả của cuốn sách “Làm thế nào để thổi bay một đường ống dẫn”, cho biết trong một cuộc phỏng vấn podcast rằng những sự việc đơn lẻ này của các nhóm khí hậu chỉ là sự khởi đầu của những gì phong trào này sẵn sàng thực hiện.

Ông nói với Bloomberg: “Nhiệm vụ của phong trào khí hậu là làm rõ cho mọi người thấy rằng việc xây dựng các đường ống mới, trạm tiếp nhận khí đốt mới, mở các mỏ dầu mới là những hành động bạo lực cần phải bị chấm dứt - chúng giết người”.

Là phó giáo sư về sinh thái nhân văn [môn khoa học nghiên cứu về mối quan hệ giữa con người và môi trường tự nhiên] tại Đại học Lund, ông Malm là người lãnh đạo phong trào hoạt động vì khí hậu và bài viết của ông đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông cánh tả như The New York Times, The GuardianThe Nation.

“Chúng ta đang chìm sâu vào thảm họa; giờ đã muộn, nhưng sự leo thang chỉ mới bắt đầu. Chúng ta không biết chính xác những gì sẽ có hiệu quả. Có một điều chúng ta có thể chắc chắn là: chúng ta đang ở trong vòng xoáy tử thần, chúng ta phải thoát ra khỏi nó, và chúng ta phải cố gắng nhiều hơn nữa. Những ngày phản đối nhẹ nhàng có thể đã qua lâu rồi”, ông viết trong một bài bình luận trên tờ The Guardian.

Khủng bố vì môi trường

Mặc dù hầu hết các hoạt động của phong trào khí hậu sẽ vẫn là bất bạo động, ông Malm nói, nhưng không có phong trào công bằng xã hội quan trọng nào trong lịch sử — từ việc vận động cho phụ nữ bỏ phiếu đến Phong trào Dân quyền ở Mỹ - đạt được thành công thông qua các biện pháp hoàn toàn hòa bình.

“Chúng ta không nên tham gia vào các vụ ám sát hay khủng bố, hoặc sử dụng vũ khí và những thứ tương tự", ông nói. “Nhưng ở phía dưới đường phân chia hoặc ranh giới đó, chúng ta hầu như cần làm mọi thứ… cho đến những việc như phá hoại và hủy hoại tài sản”.

Chính quyền dân sự vẫn chưa áp dụng hình thức đàn áp mà người ta có thể mong đợi đối với xu hướng này, nhưng những nỗ lực sử dụng các biện pháp ngày càng khắc nghiệt hơn nhắm tới các phần tử cực đoan môi trường đang gia tăng.

Ông Malm nói rằng ông ấy hoan nghênh và mong đợi phản ứng từ cơ quan thực thi pháp luật.

“Đó là điều luôn xảy ra khi bạn leo thang [căng thẳng]. Ngay khi bạn gây nguy hiểm cho hệ thống, đây là thứ bạn sẽ nhận lại được".

“Và đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang làm điều gì đó tốt, rằng bạn đang thực sự thách thức một số lợi ích”, ông ấy nói thêm.

Hủy hoại tác phẩm nghệ thuật

Một hộp súp cà chua đã bị các thành viên của nhóm “Just Stop Oil” [Chỉ cần dừng dầu] ném vào bức tranh “Hoa hướng dương” của Van Gogh vào tháng 10 tại Phòng trưng bày Quốc gia ở London. Nhóm được tài trợ bởi một số tỷ phú tại California, bao gồm bà Aileen Getty, người thừa kế của gia đình Getty, những người đã kiếm được nhiều tiền nhờ dầu mỏ, theo The Times of London.

Giáo sư cấp tiến Thụy Điển kêu gọi các nhà hoạt động môi trường phá hoại cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch
Một phụ nữ xem bức tranh Hoa hướng dương của họa sĩ Vincent van Gogh trong ngày phục vụ báo chí của Triển lãm EY: Van Gogh và nước Anh tại khu triển lãm Tate Britain vào ngày 25/03/2019 ở London, Vương quốc Anh. (Ảnh: Stuart C. Wilson/Getty Images)

Vào tháng 11, một nhóm người biểu tình khác đã bôi thuốc nhuộm đen lên bức tranh của họa sĩ Gustav Klimt ở Vienna.

Nhiều nhà hoạt động khí hậu, chủ yếu xuất thân từ các gia đình trung lưu bậc cao và được cho là được hậu thuẫn bởi các nhóm người giàu có, đã tiến hành một làn sóng phá hoại, đốt phá, đe dọa và gây rối nơi công cộng.

Các nhóm hoạt động khí hậu khác như Extinction Rebellion (Cuộc nổi loạn tuyệt chủng) và Insulate Britain (Cô lập Nước Anh) cũng có những mục tiêu tương tự.

Ông Malm đã so sánh hành vi phá hoại bức tranh của Van Gogh với một sự cố năm 1914 tại cùng một phòng trưng bày, khi bà Mary Richardson, người đấu tranh vì quyền bầu cử của phụ nữ Canada, đã chém bức “Nhà vệ sinh của thần Vệ Nữ” [Toilet of Venus] của họa sĩ Diego Velázquez bằng một con dao chặt thịt.

Ông trích lời bà Richardson, người đã tuyên bố vào thời điểm đó rằng “công lý là một phần của vẻ đẹp cũng như màu sắc và đường nét trên vải vẽ”.

Trong khi đó, một nhà hoạt động khác của “Just Stop Oil” là ông Jan Goodey đã bị kết án 6 tháng tù giam vì khiến đường cao tốc đông đúc nhất nước Anh bị tắc nghẽn trong giờ cao điểm ở London vào tháng 11.

Trong một diễn biến khác vào tháng 12, nhà hoạt động khí hậu Deanna Coco đã phải đối mặt với 15 tháng tù giam ở Úc vì đã chặn một làn đường giao thông trên Cầu Cảng Sydney trong gần nửa giờ.

Giáo sư cấp tiến Thụy Điển kêu gọi các nhà hoạt động môi trường phá hoại cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch
Một sĩ quan cảnh sát giám sát các nhà hoạt động từ nhóm vận động chống biến đổi khí hậu Just Stop Oil khi họ biểu tình trên đường ở Highbury Corner ở phía bắc London, Anh Quốc, vào ngày 30/11/2022. (Ảnh: DANIEL LEAL/AFP qua Getty Hình ảnh)

Gia tăng phá hoại

Ở miền nam nước Pháp, các nhà hoạt động môi trường phản đối tình trạng ô nhiễm không khí tại địa phương đã tấn công một nhà máy xi măng, phá hoại hệ thống điện, làm hư hỏng các thiết bị xây dựng và cửa sổ.

Trong một bài bình luận trên tờ The New York Times, ông Malm viết: “Theo quy luật, tôi có xu hướng nghĩ rằng phá hoại là hiệu quả nhất khi nó chính xác và gan góc. Khi các nhà hoạt động cùng nhóm đập phá các trạm xăng vào tháng 4 năm nay, họ đã thực hiện một công việc hoàn toàn đúng đắn".

“Xăng, không giống như một bức tranh của Van Gogh, là nhiên liệu tạo nên sự nóng lên toàn cầu” mà “phải bị ngừng sử dụng để cứu nhân loại và các dạng sống khác”.

Những người cấp tiến khác đã đi khắp các thành phố trên khắp châu Âu và nước Mỹ để rạch lốp xe SUV nhằm đe dọa người dân khiến họ ngừng sử dụng các phương tiện chạy bằng xăng.

“Phá hoại cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch là một hình thức tự vệ, hoặc có lẽ là can thiệp nhân đạo”, ông Malm nói với The Nation.

Vị giáo sư cấp tiến này cũng ca ngợi một số “học giả năng lượng hàng đầu” tại Đại học Boston vì đã thảo luận về những ưu và nhược điểm của việc thực hiện các hành động khủng bố sinh thái nhân danh biến đổi khí hậu.

Ông ca ngợi lòng dũng cảm của họ vì đã quyết định “một cách đáng chú ý, ủng hộ việc xem xét đầy đủ các lựa chọn, bao gồm cả bất tuân dân sự và chiến tranh du kích” chống lại những người chống lại họ.

Leo thang triệt để

Ông Malm đang kêu gọi sự leo thang triệt để chống lại các chính phủ, công ty tư nhân và các cá nhân ủng hộ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, vì ông lo ngại rằng hành tinh này sẽ chết vì biến đổi khí hậu.

“Trên cơ sở khoa học khí hậu, nhiên liệu hóa thạch nên được phân loại là các mũi tên phóng vào nhân loại - chủ yếu hướng tới Nam bán cầu. Vấn đề không phải là liệu chúng ta có quyền phá hủy chúng hay không; vấn đề là tại sao mọi người vẫn chưa hành động đáp lại lời kêu gọi cấp bách”, ông ấy nói với The Nation.

Ông Malm cũng đã nói với The Nation rằng việc phá hủy cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch không nhằm mục đích “khai sáng” cho những người mà ông gọi là “những người phủ nhận” biến đổi khí hậu, mà là để tạo ra tổn thất cho “kẻ thù: tư bản hóa thạch”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Giáo sư cấp tiến Thụy Điển kêu gọi các nhà hoạt động môi trường phá hoại cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch