GMO - Thực phẩm biến đổi gen - Cú lừa thế kỷ (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi số người nông dân tự tử vì túng quẫn, nợ nần do mắc bẫy trồng GMO gia tăng tại Ấn Độ thì sự thật về GMO đã được lắng nghe hơn dù các nghiên cứu trung thực về GMO vẫn bị giới truyền thông lạnh nhạt... GMO là cú lừa lớn tàn bạo nhất của các tập đoàn kinh tế, tỷ phú kinh tế hàng đầu thế giới - đằng sau nó là cả một âm mưu làm biến dị sức khỏe, tinh thần và sự sống của loài người...

Cây trồng biến đổi gen (GMO) được các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới khai sinh với lời quảng cáo về những sứ mệnh mỹ miều như: giúp chấm dứt nạn đói trên thế giới, xóa bỏ hóa chất nông nghiệp và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Nhưng thực tế thì sao?

Thực phẩm biến đổi gen (GMO) từng được coi là một thành tựu của nền khoa học thế giới từ đầu những năm 1980, đây là phương pháp tạo ra giống cây trồng như mong muốn, tốn ít thời gian và có độ chính xác cao nhờ việc tác động trực tiếp vào việc thêm hoặc bỏ bớt gen vào giống cây trồng. Cho đến nay, đã có nhiều nước ứng dụng công nghệ biến đổi gen, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, và ngày càng có nhiều thực phẩm biến đổi gen có mặt trên thị trường. Tuy nhiên, không nhiều người thực sự hiểu rõ thực phẩm biến đổi gen là gì và những mặt trái của nó đến sức khoẻ con người, hệ sinh thái cũng như nền kinh tế thế giới.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Các bên liên quan về biến đổi gen” do Viện Phát triển doanh nhân cộng đồng (CENDI) tổ chức, bà Kartini Samon, đại diện Tổ chức Grain (Indonesia) đã chỉ ra những mặt trái của loại cây trồng này và lý do tại sao người dân nên duy trì giống bản địa thay vì sử dụng các giống cây trồng biến đổi gen.

Lời quảng cáo không có thật hoặc không thể xác thực về GMO

Quảng cáo phổ biến đầu tiên về GMO: “Thế giới cần cây trồng biến đổi gen để chấm dứt nạn đói và suy dinh dưỡng"

Tuy nhiên, trên thực tế đây chỉ là lời quảng cáo không có thật. Theo vị chuyên gia này, hiện chỉ có 26 quốc gia trên thế giới cho phép trồng thương mại giống biến đổi gen, chủ yếu để phục vụ nhu cầu công nghiệp, chưa có loại nào sử dụng để giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng được công khai.

Bà Kartini lấy ví dụ về giống gạo vàng tại Philippines, các nhà sản xuất đã làm gia tăng vitamin A trong lúa gạo do lấy gen từ ngô và các loại vi khuẩn khác. Lúc đầu sản phẩm này không được sử dụng cho con người, do đó, các vấn đề như giải quyết suy dinh dưỡng vẫn không được giải quyết.

Hơn nữa, 75% thực phẩm trên thế giới được sản xuất chỉ trong 25% diện tích đất đai. Như vậy, rõ ràng không cần đến cây trồng biến đổi gen, các quốc gia vẫn làm rất tốt vấn đề an ninh lương thực.

Ngay tại châu Phi, châu lục có nhiều nước đói nghèo, cũng chỉ có ba quốc gia sử dụng GMO, thay vào đó họ sử dụng nhiều giải pháp để giảm đói nghèo. Chính điều này cho thấy cộng đồng thế giới vẫn còn nhiều nghi ngại đối với các thực phẩm biến đổi gen này, bà Kartini cho hay.

Quảng cáo phổ biến thứ hai của các ông lớn GMO: "Cây trồng biến đổi gen sẽ xóa bỏ hóa chất nông nghiệp"

Bà Kartini cho rằng, thực tế chỉ có một số ít các cây trồng biến đổi gen có khả năng kháng sâu bệnh, còn lại việc đưa vào sử dụng cây trồng biến đổi gen đang làm tăng khả năng kháng thuốc diệt cỏ, làm gia tăng sử dụng loại thuốc này trong nông nghiệp.

Tại châu Mỹ Latinh, nơi đậu nành biến đổi gen được trồng trên diện rộng, việc sử dụng thuốc diệt cỏ đã tăng vọt, đạt mức trên 550 lít/năm, gây ra hậu quả đáng lo ngại cho sức khỏe của những người dân nơi đây. Nguy hiểm hơn, nó còn làm cạn kiệt đất, dẫn đến phải dùng nhiều phân bón hơn.

Lời quảng cáo thứ ba: "Cây trồng biến đổi gen có năng suất cao hơn"

Phản đối luận điểm này, bà Kartini dẫn bài học rút ra từ trồng bông Bt ở Ấn Độ, Burkina Faso, Indonesia với những hậu quả mang tính tai họa.

Theo đó, tại Ấn Độ, bông Bt là nguyên nhân dẫn đến số vụ tự tử ngày càng tăng của nông dân do họ bị lâm vào nợ nần chồng chất vì năng suất bông thấp trong khi chi phí đầu vào cao do phụ thuộc hoàn toàn về giống và phân bón của các công ty cung cấp.

Từ năm 2001, Indonesia đã cấm trồng bông Bt và không cho phép trồng thương mại các giống cây biến đổi gen khác. Burkina Faso đã cấm trồng bông Bt vào năm 2015 và quay trở lại với giống bông không biến đổi gen.

GMO còn biến người nông dân trở thành "con nợ" lệ thuộc vào các công ty GMO...

Từ khi GMO ra đời, người nông dân đã phải đối mặt với vô số những thách thức trong việc duy trì giống địa phương khi trồng các cây biến đổi gen. Thông qua các đạo luật về giống và thỏa thuận thương mại, các tập đoàn như Monsanto, Syngenta, Bayer, Dow, DuPont, BASF (top 6 tập đoàn GMO chiếm 2/3 thị phần trên thế giới) muốn biến việc giữ giống cho mùa sau của người nông dân trở thành bất hợp pháp, và buộc họ phải mua giống hàng năm bằng cách tư nhân hóa giống thông qua các đạo luật về “sở hữu trí tuệ”, cấp bằng sáng chế và quy định về quyền của người tạo giống.

Như vậy, người nông dân không thể giữ hạt giống sau khi thu hoạch đối với các loài được bảo hộ trừ khi chính phủ đưa ra quy định đặc biệt cho phép sử dụng chúng. Thậm chí ngay cả khi đã được phép, họ cũng phải trả tiền để tái sử dụng những hạt giống này.

Tại các nước đang phát triển, điều này rất có lợi cho các tập đoàn xuyên quốc gia về GMO. Ví dụ như Argentina đã diễn ra một chiến dịch vận động kéo dài 15 năm đòi sửa đổi luật về giống, theo đó cho phép thu tiền bản quyền từ mọi người trồng đang giữ hạt giống để trồng cho mùa sau.

Điều đó có nghĩa là hạt giống và gia súc trở nên đắt hơn, tước đi quyền của người nông dân được tự do tái sản xuất giống, giảm vòng đời và văn hóa đối với một loại hàng hóa mà các công ty có thể sở hữu và kiểm soát, mở cửa cho công nghệ sinh học về giống, bà Kartini nhấn mạnh.

… và tác động tiêu cực đến môi trường

Gây hại không chủ định cho các sinh vật khác

Đã xuất hiện một số nghiên cứu trên tạp chí Nature (Thiên nhiên) chứng minh rằng phấn hoa từ cây ngô biến đổi gen (ngô Bt – ngô được ghép gen của vi khuẩn Bacilus thuringensis) có thể gây chết loài bướm vua. Bướm vua ăn mật hoa cây bông tai chứ không ăn mật hoa ngô, nhưng do phấn hoa ngô Bt bị gió cuốn sang cây bông tai mọc ở các cánh đồng gần đó, nên bướm vua ăn phải và bị tận diệt. Các chất độc trong ngô Bt còn có khả năng tiêu diệt nhiều ấu trùng của các loài côn trùng khác chứ không chỉ như dự định ban đầu là chỉ diệt sâu đục thân ngô. Điều đó làm giảm lượng côn trùng thụ phấn cho các loài thực vật khác mọc gần khu vực trồng ngô Bt. Nghiên cứu này về sau được xác nhận bởi các nghiên cứu kiểm tra do Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) và một số tổ chức khoa học phi chính phủ tiến hành. Nhiều cuộc tranh luận đã xảy ra giữa hai nhóm thừa nhận và phản đối kết quả kiểm tra. Vì vậy việc tranh luận về khả năng gây hại cho các nhóm sinh vật không phải là đối tượng tấn công của ngô Bt vẫn tiếp diễn.

Giảm hiệu quả của thuốc trừ sâu

Một số quần thể muỗi đã tăng khả năng kháng loại thuốc diệt muỗi DDT (hiện đã bị cấm sử dụng, trừ một số nước nghèo vùng nhiệt đới để chống sốt rét). Nhiều nhà nghiên cứu xác nhận rằng côn trùng trở nên thích nghi với ngô Bt và các giống cây trồng GMO khác vốn đã được chuyển gen để kháng sâu bệnh. Như vậy việc chuyển gen kháng sâu bệnh (ấu trùng của côn trùng) cho các giống cây trồng GMO không còn tác dụng.

Chuyển gen cho các loài khác một cách không chủ đích

Một số quan ngại khác cho rằng các giống cây trồng GMO nhằm mục tiêu chịu đựng cỏ dại sẽ lai chéo do gen kháng cỏ dại được lan truyền từ cây trồng sang cỏ dại. Loại “siêu cỏ” này lại trở nên kháng các loài cỏ dại khác và bùng phát. Các gen kháng cỏ dại có thể di nhập sang các giống cây trồng bản địa không bị biến đổi gen mọc gần nơi trồng giống cây GMO do phấn hoa lan theo gió. Đã xảy ra nhiều vụ kiện cáo giữa nông dân và công ty công nghệ sinh học Monsanto về chuyện này. Các nhà công nghệ sinh học phản bác lại, cho rằng gen của cây trồng GMO tạo ra loài bất thụ, nghĩa là không có khả năng tạo ra phấn hoa, thậm chí họ còn tạo ra loài cây trồng GMO có tạo phấn nhưng trong phấn không chứa gen được đưa vào. Việc lai chéo qua phấn sẽ không xảy ra. Loài bướm vua dẫu ăn phải phấn hoa của cây GMO cũng vẫn sẽ sống bình thường. Tuy nhiên luận cứ này chưa thuyết phục được người trồng. Các chuyên gia công nghệ sinh học cũng đề xuất giải pháp tạo một vùng đệm rộng từ 6 đến 30 mét xung quanh vùng trồng ngô Bt, trong vùng đệm sẽ trồng loại ngô thường. Loại ngô thường này sẽ ngăn các tác động tiêu cực của ngô Bt, sau đó được thu hoạch và kiểm soát. Tuy nhiên giải pháp này không thực hiện được ở các nước nghèo – thị trường chính của giống ngô Bt – do không kiểm soát được sản phẩm ngô thu hoạch được từ vùng đệm và cũng do quỹ đất sản xuất hạn hẹp.

Dịch cỏ dại

Các thực vật biến đổi gen có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lên hệ sinh thái tự nhiên vì chúng làm tăng hiểm họa cỏ dại theo hai con đường. Trước tiên, thực vật biến đổi gen tạo nên những quần thể độc lập tồn tại bên ngoài các khu vực canh tác thông thường. Điều đáng quan tâm ở đây là những thực vật này có thể trở thành cỏ dại xâm lấn, bành trướng và lấn át các quần thể tự nhiên rồi từ đó gây ra sự suy giảm tính đa dạng sinh học của sinh cảnh thực vật bản địa. Các gen mới trong những cây trồng biến đổi gen có thể chuyển sang cây họ hàng hoang dại ngoài tự nhiên theo phương thức lan truyền hạt phấn nhờ vào khả năng sống sót và tính hữu thụ của các cây lai được tạo ra. Điều này có thể gây tác động tiêu cực lên quần thể thực vật mọc hoang dại nếu các gen mới nêu trên được nhập trở lại vào chính các quần thể thực vật nguyên thuỷ đó. Muốn có sự nhập gen, các gen phải làm tăng khả năng thích nghi sống sót và sinh sản của quần thể thực vật trong thế giới tự nhiên.

GMO nguy hiểm như vậy, vậy tại sao nó vẫn được sử dụng rộng rãi ở rất nhiều quốc gia trên thế giới?

Do áp lực của thị trường quốc tế

Biến đổi khí hậu, an ninh lương thực trong nước và nền kinh tế địa phương đóng một vai trò quan trọng trong cân nhắc của các chính phủ về GMO. Nhưng trong nền kinh tế toàn cầu hóa, vai trò của các nước phát triển – và những lựa chọn của riêng họ về GMO – đóng vai trò không nhỏ trong các quyết định của các nước đang phát triển.

Tác động tiềm năng của GMO trong tăng trưởng hoặc hạn chế giá trị kinh tế trong thị trường thương mại là một yếu tố quan trọng đối với một số nước đang phát triển.

Đặc biệt là đối với các quốc gia châu Phi, Liên minh Châu Âu có tác động lớn đến các nền kinh tế địa phương. Đối với các quốc gia Trung Phi, EU là điểm đến thương mại số một trong năm 2016, chiếm hơn một phần tư tổng lượng xuất khẩu. Và đối với các quốc gia như Luxembourg, Hà Lan và Thụy Sĩ, các quốc gia châu Phi đứng đầu trong danh sách các quốc gia mục tiêu cho hỗ trợ phát triển chính thức theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Vì EU có các quy định nghiêm ngặt về phê duyệt và nhập khẩu GMO, bao gồm các tiêu chuẩn ghi nhãn, tác động kinh tế và chính trị của việc đầu tư vào thương mại hóa GMO với mục tiêu hướng tới xuất khẩu có thể tốn kém.

Nhưng ở những quốc gia mà các đối tác kinh tế chính là Hoa Kỳ và Trung Quốc – có hạn chế pháp lý ít hơn đối với nhập khẩu GMO – việc giới thiệu các loại cây trồng đó có thể làm tăng cơ hội kinh tế.

Do ảnh hưởng của Brexit và các chính sách của Hoa Kỳ trước đây, các thỏa thuận thương mại với các nước lớn sẽ ảnh hưởng tới các nước đang phát triển. Những nước được lựa chọn làm đối tác thương mại của các nước lớn này sẽ phải cân nhắc nhiều hơn đến GMO trong phát triển kinh tế so với các nước còn lại.

Tuy nhiên, quan điểm của chính phủ bên ngoài cần phải phối hợp với các hiệp ước và những tuyên bố các nước đã ký kết. Có 171 quốc gia đã ký Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học, yêu cầu các quốc gia bảo vệ đa dạng sinh học khỏi các nguy cơ tiềm ẩn do sinh vật biến đổi sinh ra từ công nghệ sinh học hiện đại kể từ năm 2003. Chính phủ ký kết bao gồm Campuchia, Kenya và Nigeria đã phải thực hiện các chính sách và pháp luật tạo ra một khung an toàn cho việc nghiên cứu và giới thiệu các GMO vào đất nước của họ. Năm 2003 cũng đã thấy 40 quốc gia châu Phi, được triệu tập bởi Liên minh Châu Phi, ký Tuyên bố Maputo. Đây là cam kết của họ về việc đầu tư ít nhất 10% ngân sách quốc gia vào phát triển nông nghiệp – bao gồm khoa học và nghiên cứu.

Và ngày càng tăng, khoa học và nghiên cứu hỗ trợ sự phát triển của GMO đang trở thành một lựa chọn thực tế cho các quốc gia đang phát triển để thực hiện những cam kết này.

Áp dụng công nghệ biến đổi gen cây trồng là vấn đề chính trị

Qua một loạt các ví dụ về việc GMO tác động tiêu cực như thế nào đến nền kinh tế và môi trường trên Trái đất, giờ đây người dùng đã có thể nhận ra khá rõ ràng rằng GMO không phải để nuôi thế giới mà để đăng ký bằng sáng chế bảo hộ độc quyền trên gen. Các tập đoàn về GMO đã dùng nhiều hình thức quảng bá và thông qua các hiệp định thương mại để nhồi giống GMO độc quyền đó vào các quốc gia qua “cái gật đầu” của vài quan chức trong bộ nông nghiệp, bộ tài nguyên môi trường.

Đối với người nông dân, lúc đầu họ khuyến khích, tặng giống, hỗ trợ vốn; vài năm sau, giống bản địa suy thoái theo hai con đường: mai một vì không được phát triển và bị ô nhiễm từ GMO thì họ sẽ tăng giá hạt vô tội vạ như đã xảy ra ở Ấn Độ, nông dân thành nô lệ của những kẻ nắm trong tay bằng sáng chế giống. 90% các giống là của Monsanto và đa số được thiết kế để chịu liều cao glyphosate, như vậy cứ bán hạt giống GMO tới đâu thì lợi nhuận glyphosate cũng tăng tới đó.

Đối với người tiêu dùng, cách duy nhất là lừa dối qua truyền thông đồng thời giấu GMO trong bóng tối, chính quyền không chấp nhận ghi nhãn như ở Mỹ, hay đặt ra quy định ghi nhãn nhưng thực tế không thi hành như ở một số quốc gia đang phát triển – cách này tỏ ra khá khôn ngoan vì phỉnh phờ được quốc tế.

Nhiều giống thiên tạo bổ dưỡng đã bị GMO “để nghiên cứu” nhưng đăng ký bản quyền, chực chờ thời điểm, khi được cấp phép thương mại, nó sẽ phát tán phấn hoa làm lây nhiễm các giống thiên tạo, triệt sản giống tự nhiên, phá hủy toàn bộ nông nghiệp hữu cơ từng vùng cho tới toàn cầu.

Lời kết: Người Việt có câu thành ngữ “Đổ thóc giống ra mà ăn”, cho thấy người nông dân coi hạt giống cho mùa sau quý giá đến nhường nào, chỉ khi tình thế cực kỳ túng quẫn mới phải sử dụng đến những hạt giống này. Một hạt lúa gieo xuống sẽ nảy mầm và cho ra đời hàng trăm hạt lúa, năm này qua năm khác, đảm bảo cuộc sống luôn được sinh sôi nảy nở như một phép màu của tạo hóa và là món quà từ tạo hóa cho loài người. Hạt giống nuôi sống con người từ ngàn đời nay và không có một ai xứng được quản lý trừ mẹ thiên nhiên của chính chúng ta. Nhưng với sự ra đời của GMO, điều này đang dần biến mất, và dù rằng người nông dân có trữ hạt giống hữu cơ cho mùa sau thì với tình trạng xâm lấn, nhiễm độc từ GMO cũng không thể giúp các hạt giống hữu cơ sinh sôi được. Trong khi đó, nạn độc quyền hạt giống GMO đang đẩy người nông dân vào tình cảnh bi đát, một hệ quả mà rất nhiều chính phủ, chính trị gia đã nhìn thấy, nhưng không biết là vô tình hay hữu ý mà bỏ qua.

Mộc Trà

Tài liệu tham khảo:

https://theleader.vn/3-loi-hua-hao-huyen-ve-cay-trong-bien-doi-gen-dang-danh-lua-ca-the-gioi-20180521134657127.htm

https://nhanthuyfood.com/tin-tuc/gmo-la-gi-va-tac-dong-cua-no-den-hanh-tinh-nay-ra-sao/?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=10

https://www.devex.com/news/what-are-the-political-drivers-for-gmos-in-developing-countries-92091



BÀI CHỌN LỌC

GMO - Thực phẩm biến đổi gen - Cú lừa thế kỷ (Phần 1)