Hà Nội khước từ ngoại giao vaccine của Trung Quốc, thúc đẩy sản xuất vaccine 'made in Vietnam'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một công ty dược phẩm Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 2 đối với vaccine coronavirus - như một bước quan trọng nhằm hướng tới mục tiêu “độc lập vaccine” của Hà Nội để tránh bẫy “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng lãnh thổ giữa các nước gia tăng.

Nếu các thử nghiệm thành công, vaccine Nano Covax của Nanogen Pharmaceutical Biotechnology dự kiến ​​sẽ được phê duyệt - để sử dụng khẩn cấp vào đầu tháng 5/2021. Việc triển khai nhanh chóng là rất quan trọng đối với Việt Nam - vốn đang tìm cách ngăn Bắc Kinh gây ảnh hưởng thông qua cái gọi là "ngoại giao vaccine" ở Đông Nam Á.

Vaccine ‘cây nhà lá vườn’

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sản xuất vaccine trong nước tại cuộc họp ngày 15/2, khi cam kết về hỗ trợ của Chính phủ để triển khai thành công vaccine "sản xuất tại Việt Nam".

Nanogen, một công ty có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập vào năm 1997, có kế hoạch triển khai thử nghiệm giai đoạn 3 vào tháng 5/2021 để kiểm tra tính hiệu quả và an toàn - nhằm cung cấp vaccine cho từ 10.000 đến 30.000 người.

Phối hợp với Đại học Quân y Việt Nam, Nanogen đang nghiên cứu Nano Covax dựa trên protein được sản xuất bằng công nghệ tái tổ hợp DNA trên tế bào động vật. Nhóm nghiên cứu là một trong bốn nhóm đang chạy đua để phát triển vaccine “cây nhà lá vườn” tại Việt Nam.

Chính phủ đang xem xét phê duyệt nhanh Nano Covax như một biện pháp khẩn cấp, nếu hiệu quả được thể hiện trong các thử nghiệm Giai đoạn 2. Việc tiêm chủng sẽ bao gồm những người lao động thiết yếu như nhân viên chăm sóc sức khỏe và nhân viên sân bay.

Các tình nguyện viên đến khám sàng lọc tại buổi đầu tiên tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 vaccine Nano Covax ở Học viện Quân Y. Ảnh: VGP/Hiền Minh
Các tình nguyện viên đến khám sàng lọc tại buổi đầu tiên tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 vaccine Nano Covax ở Học viện Quân Y. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Nếu chính phủ đưa ra quyết định khẩn cấp, Nano Covax có thể được tung ra vào tháng 5/2021, một lãnh đạo Nanogen nói với Nikkei.

Nanogen đã bắt đầu giai đoạn đầu tiên của các thử nghiệm Nano Covax vào tháng 12/2020. Theo các cơ quan y tế, chỉ một phần nhỏ trong số 60 tình nguyện viên cho thấy các phản ứng phụ, chẳng hạn như đau tại chỗ tiêm và sốt.

Tránh chiêu ‘ngoại giao vaccine’ của Bắc Kinh

Ngành công nghiệp dược phẩm của Việt Nam chủ yếu được tạo thành từ các nhà sản xuất thuốc gốc, theo báo cáo của chính phủ Nhật Bản vào tháng 3 năm 2020. Sự cảnh giác vẫn còn đối với tính an toàn của vaccine coronavirus - vốn đã được phát triển tại Việt Nam trong thời gian ngắn chưa từng có.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tập trung vào vaccine sản xuất trong nước vì quyết tâm ngăn chặn chiêu "ngoại giao vaccine" từ nước láng giềng Trung Quốc, khi hai nước tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Bắc Kinh chuyển sang thúc đẩy vaccine Sinovac Biotech của họ ở Đông Nam Á vào tháng Giêng, và đã cử Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đến thăm các nước như Myanmar và Philippines để khuyến khích việc sử dụng nguồn cung cấp vaccine của Trung Quốc - nhằm tăng cường ảnh hưởng trong khu vực. Indonesia, Lào và Campuchia đã bắt đầu tiêm chủng vaccine của Trung Quốc.

Một nguồn tin ngoại giao cho biết Việt Nam phải mua vaccine từ một nơi khác ngoài Trung Quốc vì mục đích an ninh quốc gia.

Việt Nam đã được ca ngợi vì đã xử lý sớm virus Corona Vũ Hán trong đại dịch - có số lượng tử vong do virus và số ca nhiễm virus thấp nhất trên thế giới. Tuy nhiên, việc làm chậm sự lây lan dịch bệnh này có thành công hay không phục thuộc vào khả năng đảm bảo nguồn cung vaccine, trong khi Hà Nội được cho là “tụt hậu” so với các quốc gia khác trong các cuộc đàm phán với các nhà phát triển vaccine. Cho đến nay, Việt Nam mới chỉ nhận được hơn 100.000 liều vaccine AstraZeneca.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc, Uông Văn Bân đã phát biểu hôm 30/9 rằng, vaccine của Trung Quốc sẽ được cung cấp cho các nước đang phát triển như một sản phẩm toàn cầu (Ảnh Getty)
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc, Uông Văn Bân đã phát biểu hôm 30/9 rằng, vaccine của Trung Quốc sẽ được cung cấp cho các nước đang phát triển như một sản phẩm toàn cầu (Ảnh Getty)

Việt Nam cũng đang cân nhắc sử dụng Sputnik V của Nga. Tuy nhiên, cạnh tranh toàn cầu đang nóng lên, khiến việc sản xuất vaccine hàng loạt trong nước trở nên quan trọng hơn đối với Hà Nội.

Các phương án dự phòng

Vào sáng 27-2 tại Bộ Y tế, lễ tiếp nhận 20 tỷ đồng phục vụ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 COVIVAC của Việt Nam, do Tập đoàn Vingroup tài trợ cho Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC).

“Chúng ta tự hào giờ đây không phải lo lắng về máy thở với nguồn lực phát triển này. Hiện máy thở do Vingroup sản xuất đã được chuyển tới các địa phương, không chỉ phục vụ chống dịch mà cho cả quá trình cấp cứu, khám chữa bệnh", bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam chia sẻ.

Sự kiện này là một hoạt động ý nghĩa giúp thúc đẩy nhanh quá trình thử nghiệm lâm sàng của loại vaccine phòng ngừa COVID-19 "made in Vietnam".

Vaccine COVIVAC cũng đã thử tiền lâm sàng về độc tính, đáp ứng miễn dịch, hiệu quả bảo vệ trên động vật thí nghiệm ở trong nước và nước ngoài. IVAC dự kiến bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vào tháng 3-2021 và hoàn thành vào tháng 10-2021.

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định hiệu lực bảo vệ của COVIVAC rất tốt. "Chúng tôi tự tin rằng ngoài vaccine NANOGEN đang được thử nghiệm giai đoạn 2 thì COVIVAC được coi là vaccine tiềm năng trong công cuộc ứng phó đại dịch COVID-19".

Tới đây, Việt Nam sẽ thử nghiệm lâm sàng của loại vaccine thứ 3 "made in Vietnam" do VABIOTECH sản xuất.

Lê Minh



BÀI CHỌN LỌC

Hà Nội khước từ ngoại giao vaccine của Trung Quốc, thúc đẩy sản xuất vaccine 'made in Vietnam'