Hai mục tiêu lớn của ông Tập trong 'Luật ổn định tài chính' sắp ban hành

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dự thảo Luật ổn định tài chính của Trung Quốc đã được đệ trình lên Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc để xem xét và lấy ý kiến ​​công chúng đến ngày 28/1/2023. Dự thảo này dường như phù hợp với các mục tiêu mà ông Tập Cận Bình đề cập là giải quyết các rủi ro lớn về kinh tế - tài chính và chống tham nhũng.

Theo thông tin do Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc công bố, dự thảo Luật ổn định tài chính (sau đây gọi là "dự thảo") của Trung Quốc đã được đệ trình lên phiên họp thứ 38 của Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa 13 để thảo luận và thông qua. Hạn chót lấy ý kiến của công chúng là vào ngày 28/1/2023.

Dự thảo được chia thành 6 nhóm vấn đề lớn, gồm: các quy định chung, phòng ngừa rủi ro tài chính, giải quyết rủi ro tài chính, xử lý rủi ro tài chính, trách nhiệm pháp lý và các điều khoản bổ sung; tổng cộng có 49 quy tắc cụ thể trong 6 chương.

Về phòng ngừa rủi ro tài chính, dự thảo quy định, trừ trường hợp được pháp luật chấp thuận hoặc nhà nước có quy định khác, không đơn vị, cá nhân nào được thành lập tổ chức tài chính hoặc tham gia hoạt động kinh doanh tài chính hoặc tham gia dưới các hình thức trá hình.

Quy định này sẽ giảm thiểu được các phương tiện tài chính, các tổ chức ngân hàng ngầm, các tổ chức tín dụng đen. Như vậy, các hình thức doanh nghiệp Fintech (ví dụ như cho vay ngang hàng, cho vay qua phần mềm công nghệ...) trong ngành tài chính cũng sẽ không bùng nổ tự do như trong thời gian qua.

Về xử lý rủi ro tài chính, dự thảo Luật đề xuất nhà nước thành lập quỹ bảo đảm ổn định tài chính để dự phòng xử lý rủi ro tài chính; ví dụ như rút tiền ồ ạt hoặc ngân hàng thương mại, định chế nhận tiền gửi khó khăn thanh khoản (không có tiền trả cho người gửi tiền...). Trường hợp rủi ro tài chính gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định tài chính thì được sử dụng Quỹ bảo đảm ổn định tài chính theo quy định.

Theo dự thảo Luật này, Quỹ ổn định tài chính có nguồn vốn được huy động từ các ngân hàng, công ty tài chính, nhà điều hành cơ sở hạ tầng tài chính và các tổ chức khác. Quỹ này do Hội đồng nhà nước (chính phủ) quy định. Theo quyết định của Hội đồng nhà nước, khoản cho vay của ngân hàng trung ương (PBOC) được sử dụng để hỗ trợ thanh khoản cho quỹ đảm bảo ổn định tài chính. Điều này có nghĩa là mặc dù Quỹ ổn định tài chính hoạt động bằng tiền góp vào các các định chế tài chính, nó vẫn được PBOC "trợ cấp", "bảo hộ" khi cạn tiền để thực hiện nhiệm ổn định tài chính.

Điều đặc biệt trong dự thảo Luật ổn định tài chính là giảm thiểu vai trò, sự can thiệp của chính quyền địa phương vào hoạt động của các định chế tài chính tại địa phương. Theo đó, dự thảo quy định chính quyền địa phương không được can thiệp vào hoạt động kinh doanh của tổ chức tài chính cũng như việc bổ nhiệm, miễn nhiệm nhân sự trái quy định.

Thực tế, việc chính quyền địa phương được quyền can thiệp vào bổ nhiệm, miễn nhiệm nhân sự trong các định chế tài chính đã khiến chính quyền địa phương có quyền lực tuyệt đối với các định chế tài chính; biến các định chế tài chính (ngân hàng, công ty tài chính) thành phương tiện huy động vốn của dân để tài trợ cho nợ địa phương, tài trợ cho doanh nghiệp thân hữu với chính quyền địa phương hoặc các phương tiện tài chính mà chính quyền địa phương tạo ra.

Xem thêm:

Nợ ẩn chính quyền địa phương Trung Quốc 65 nghìn tỷ CNY, chiếm 55% GDP

Số dư trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương Trung Quốc lần đầu vượt 20 nghìn tỷ CNY

Trung Quốc tuyên bố không giải cứu nợ địa phương sắp vỡ: 'con ai nhà nấy lo'

Theo trang tin 21st Century Business Herald của Trung Quốc vào ngày 29/12, ông Yang Song, phó chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Luật Ngân hàng Trung Quốc và là hiệu trưởng của Đại học Sư phạm Thẩm Dương, nói rằng Luật Ổn định Tài chính phải được coi là luật cơ bản trong lĩnh vực tài chính.

Trước đó, ý tưởng “thành lập quỹ bảo đảm ổn định tài chính” lần đầu tiên xuất hiện trong báo cáo công tác của chính phủ đã thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp xã hội.

Vào ngày 5/3/2022, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề xuất trong báo cáo công tác của chính phủ rằng việc thành lập Quỹ bảo đảm ổn định tài chính nên được sử dụng để giải quyết các rủi ro tiềm ẩn theo hướng thị trường, dựa trên luật pháp, đồng thời bảo vệ vững chắc việc giảm thiểu rủi ro hệ thống.

Thế giới bên ngoài thường cho rằng duy trì ổn định tài chính luôn là công việc cốt lõi của những người ra quyết định kinh tế ở Trung Nam Hải.

Theo tin tức của phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc Securities Times vào ngày 2/11/2022, Yi Gang, thống đốc PBOC, đã đăng một bài báo nói rằng trách nhiệm chính của các tổ chức tài chính và cổ đông là cải thiện sự ổn định của các tổ chức tài chính. Theo PBOC, giải cứu chỉ nên là sự sắp xếp đặc biệt trong một giai đoạn lịch sử cụ thể. Bởi vậy, các định chế tài chính nên "tự cứu mình".

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 6/12 và một lần nữa đề xuất rằng "chúng ta phải ngăn chặn và xoa dịu một cách hiệu quả các rủi ro lớn về kinh tế và tài chính, đồng thời đảm bảo không có rủi ro hệ thống [tài chính]"; ám chỉ về khả năng khủng hoảng tài chính và đổ vỡ hàng loạt theo hiệu ứng domino.

Tổ chức tư vấn nước ngoài Kinh tế chính trị Thiên Quân trước đây đã viết một bài báo có tiêu đề: "Ông Tập Cận Bình kiểm soát quyền lực và tiền bằng những lý do tuyệt vời", chỉ ra rằng nền kinh tế giống như cơ thể con người, và tài chính giống như máu. Muốn khỏe mạnh trước hết phải phải đủ máu và chất lượng máu phải khỏe, máu phải được lưu thông thông suốt. Tuy nhiên ĐCSTQ đã tàn phá đất nước và người dân hàng chục năm, nền kinh tế trở nên lộn xộn, hệ thống tài chính cũng đầy lỗ hổng. Rủi ro tài chính ở Trung Quốc hiện lớn đến mức ông Tập phải lên tiếng tại các cuộc họp cấp trung ương, yêu cầu các cán bộ và truyền thông "giữ nguyên tắc không lên tiếng về rủi ro tài chính hệ thống".

Và hiện tại, dự thảo Luật ổn định tài chính thực tế là để can thiệp các bất ổn tài chính đang ngày một khó cứu vãn này.

Tuy nhiên, tài chính rất khác quan trường. Khi thanh trừng quan chức dưới danh nghĩa "chống tham nhũng" cách đây vài năm, chính quyền ông Tập Cận Bình cũng muốn "chống tham nhũng" trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, mối quan hệ trong lĩnh vực tài chính rất phức tạp, lợi ích đan xen, nếu không cẩn thận rất dễ gây ra khủng hoảng tài chính. Vì vậy, xử lý các lỗ hổng và tham nhũng tài chính rất khó, tiến độ rất chậm.

Vào ngày 4/11/2022, Fan Yifei, phó thống đốc PBOC, đã bị các nhà điều tra đưa ra khỏi văn phòng, gây chấn động ngành tài chính.

Wall Street Journal cho rằng động thái này đánh dấu việc ông Tập vẫn đang phải dọn sạch ngành tài chính của Trung Quốc ngay sau Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20. Lọc sạch và vá các lỗ hổng tài chính sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của ông Tập trong nhiệm kỳ 3. Không biết ông Tập có kịp củng cố hệ thống này trước khi nó trở nên tệ hơn hay không.

Theo Vision Times

Quang Nhật tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Hai mục tiêu lớn của ông Tập trong 'Luật ổn định tài chính' sắp ban hành