Hàng loạt ngân hàng đang thiết lập mặt bằng lãi suất mới - Cơn bão lạm phát đang đến gần?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn đã được nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân điều chỉnh - tăng mạnh thêm đến 0,9%/năm. Khi lãi suất trong nước tăng, kết hợp xu hướng dòng vốn ngoại đảo chiều, thị trường chứng khoán có thể suy giảm dẫn đến việc bán tháo tài sản. Phải chăng cơn bão lạm phát đang đến gần?

Tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát tháng 2 tăng với tốc độ cao nhất 8 năm qua

Theo dantri, tại Techcombank, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng đối với khách hàng thường tăng từ 2,75%/năm lên 3,1%/năm. Tại kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tiết kiệm đối với khách hàng thường được ngân hàng này tăng mạnh tới 0,6%. Tại kỳ hạn 12 tháng, Techcombank tăng thêm khoảng 0,5%/năm.

Tại VPBank, biểu lãi suất huy động mới cho khách hàng cá nhân cũng được ngân hàng này điều chỉnh tăng từ ngày 2/3. Với kỳ hạn 5 tháng, lãi suất tiền gửi của VPBank hiện là 3,5 - 3,7%/năm, tăng 0,05 - 0,2% so với trước đó.

Sau khi Techcombank và VPBank tăng lãi suất huy động vào tuần đầu tháng 3, một loạt ngân hàng cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động.

Trong đó, một số ngân hàng lớn điều chỉnh lãi suất tăng 0,3% với kỳ hạn 6 tháng; tăng 0,7% và 0,9% với kỳ hạn 12 tháng.

Ngân hàng Quân đội (MB) cũng tăng lãi suất tiết kiệm đối với một số kỳ hạn. Theo đó lãi suất kỳ hạn 12 tháng được nâng lên 5,3%/năm và lãi suất kỳ hạn 6 tháng được nâng lên 4,68%/năm.

Khảo sát thị trường cho thấy, lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở một số ngân hàng nhỏ hiện khá hấp dẫn, một số ngân hàng có lãi suất trên 7%/năm đối với các kỳ hạn dài trên 12 tháng. Đối với kỳ hạn 6 tháng, các ngân hàng: NCB, CBBank, NamABank, VietABank… đều áp dụng mức lãi suất trên 6%/năm.

Nhóm ngân hàng Techcombank, Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank trả lãi thấp hơn, xoay quanh mức từ 2,8 - 4%/năm cho các kỳ hạn dưới 6 tháng.

Các kỳ hạn dài, các ngân hàng quy mô vừa như: Sacombank, SCB, ACB và VPBank, TPBank cũng khá cạnh tranh trong việc huy động tiền gửi online. Theo đó, mức huy động online kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng tại Sacombank và SCB lần lượt là 5,9% và 6,5%. Các ngân hàng như: ACB, VPBank, TPBank, HDBank cũng có mức gửi online kỳ hạn 12 tháng là trên 6%/năm.

Tuy nhiên, nhóm 10 ngân hàng thương mại có quy mô tiền gửi tiết kiệm cao nhất hệ thống ít có sự thay đổi biểu lãi suất huy động.

Các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát tháng 2/2021 tăng với tốc độ cao nhất 8 năm qua. Các dự báo cho thấy lãi suất sẽ thiết lập mặt bằng mới vào quý II/2021.

Theo dự báo của HSBC, lạm phát trung bình của Việt Nam trong năm 2021 dự kiến khoảng 3%.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ảnh: sbv. gov)
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ảnh: sbv. gov)

Cơn bão lạm phát đang đến gần?

Lạm phát mới manh nha thôi và chúng ta có nên lo lắng quá mức vậy không? Câu trả lời là CÓ và thậm chí là cần RẤT CẨN TRỌNG.

Lạm phát thấp chính là lý do để tiền giá rẻ và các cuộc giải cứu bất tận khiến khối nợ nhà nước và tư nhân đạt kỷ lục mới, chưa từng có, trên khắp toàn cầu, tạo ra một đội quân doanh nghiệp xác sống chiếm giữ tài nguyên và lấn lướt các doanh nghiệp lành mạnh khác.

Khi lạm phát tăng trở lại, các ngân hàng trung ương buộc phải từ bỏ chính sách lãi suất thấp hàng thập kỷ của mình. Việc tăng lãi suất trở lại sẽ là thách thức cực lớn với khả năng trả nợ của cả khối tư nhân và nhà nước. Nợ xấu không thể không tăng, ít nhất là các doanh nghiệp xác sống kể trên sẽ khó lòng tồn tại khi không được "bơm máu" từ dòng tiền dễ dãi và rẻ mạt. Gọng kìm lãi suất cơ bản tăng cao và nợ xấu tăng sẽ đe dọa khả năng thanh khoản của các ngân hàng thương mại (NHTM).

Lúc này, NHTM buộc phải tăng lãi suất huy động để tìm kiếm nguồn tiền bù đắp vào dòng tiền thiếu hụt do không thu được nợ. Hiện nay, việc tăng lãi suất này đã bắt đầu.

Lúc này, bán tháo tài sản đã đầu cơ trên thị trường tài chính và bất động sản sẽ trở thành xu hướng lớn bởi các lý do:

(i) Các thị trường tài chính và bất động sản không được "bơm máu' từ dòng tiền giá rẻ và dư thừa bởi lạm phát tăng, các NHTW buộc phải thu hẹp cung tiền bằng lãi suất cao, lợi suất thị trường sẽ giảm đi và không còn hấp dẫn nhà đầu tư;

(ii) Hầu hết bong bóng thị trường tài chính và tài sản được bơm phồng bởi nợ với chi phí (chính là lãi suất thấp). Khi nợ phải trả bằng chi phí cao hơn lợi suất đầu tư, các nhà đầu tư sẽ bán tài sản đầu tư, đầu cơ đang nắm giữ để thanh toán nợ. Ai cũng muốn bán, bong bóng giá tài sản có thể vỡ nếu tâm lý thị trường kém. Giá tài sản càng giảm, thì áp lực bán tháo càng lớn;

(iii) Bản thân tài sản tài chính này lại là tài sản đảm bảo cho khoản vay của nhà đầu tư tại các NHTM, các quỹ. Giá sụt giảm khiến nhà đầu tư phải lựa chọn bán tháo tài sản hoặc bơm tiền bằng vốn tự có để đảm bảo cân đối nợ - vay theo an toàn của NHTM. Lúc này, khả năng bơm tiền mặt là vốn tự có là rất khó khăn.

 

Nếu nhà đầu tư không thể bán tháo tài sản, dù trong vài tháng, nợ xấu sẽ tất yếu trở thành vấn đề của mọi nền kinh tế, trong đó có Việt Nam bởi các thị trường tài chính liên thông và ngày một gắn bó chặt chẽ với nhau, từ xu hướng cho tới tâm lý thị trường và chính sách tiền tệ.

Chưa kể, khi Fed từ bỏ chính sách lãi suất thấp và tăng lãi suất cơ bản trở lại, NHTM các nền kinh tế này tăng lãi suất huy động, dòng tiền đầu tư gián tiếp có nguồn gốc từ EU và Mỹ chảy vào Việt Nam (và các nền kinh tế mới nổi) tìm kiếm chênh lệch lợi suất trong nhiều năm - sẽ lập tức quay đầu.

Sự tháo chạy của dòng vốn ngoại với các nền kinh tế có độ mở quá lớn, quy mô nhỏ như Việt Nam sẽ tạo áp lực tiêu cực lên tỷ giá, tâm lý thị trường, giá của thị trường tài sản... Thị trường chứng khoán có thể quay đầu, thậm chí sẽ có thời điểm tạo đáy thấp hơn cả giá trị thực của các các cổ phiếu đang niêm yết.

Như vậy, khi lạm phát quay trở lại, chúng ta sẽ đối mặt với rủi ro nợ xấu, rủi ro thanh khoản ngân hàng tăng, giảm giá các thị trường tài sản. Ngoài ra, các cú sốc về đảo chiều dòng vốn - có thể tạo thêm áp lực lên tỷ giá, tạo thêm vòng luẩn quẩn của lạm phát trong nước gia tăng.

Thanh Vân

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Hàng loạt ngân hàng đang thiết lập mặt bằng lãi suất mới - Cơn bão lạm phát đang đến gần?