Hơn 1.600 chuyên gia công nghệ tố tiền mã hóa lừa đảo trước khi FTX sụp đổ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thế giới đã chứng kiến sự sụp đổ của thị trường tiền mã hóa, dấu hiệu bất minh tài chính và lừa đảo tài chính của các phi vụ sụp đổ rúng động thị trường như của FTX. Tiền mã hóa cũng đang được chú ý khi nó có liên quan tới những vụ sụp đổ ngân hàng gần đây tại Mỹ. Thực tế thì, truyền thông dòng chính khắp toàn cầu, các tài phiệt và quỹ đầu cơ Phố Wall đã lờ đi bức thư của hơn 1.600 người có tư duy khoa học sáng giá nhất trong làng công nghệ; các chuyên gia này đã ký một lá thư gửi tới Quốc hội Mỹ tố cáo tiền mã hóa và công nghệ chuỗi khối là trò lừa đảo. Bức thư gửi đi từ ngày 01/06/2022, vài tháng trước khi FTX sụp đổ.

Bức thư của các chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới, vạch trần những lời nói dối về tiền mã hóa, về công nghệ chuỗi khối, như một cú đấm vào các chính trị gia, các quỹ đầu cơ, những người ca ngợi sức mạnh của tiền mã hóa để huy động hàng tỷ USD vào cuộc chơi này. Hầu hết tiền huy động vào sân chơi tiền mã hóa đều mất hút rất nhanh, có khi chỉ 1 tháng hoặc vài tháng sau phát hành, khi giá sụp đổ.

Sự thổi phồng về tương lai của tiền mã hóa và công nghệ chuỗi số đã đã khiến các tỷ phú đầu tư mạo hiểm hàng tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp tiền mã hóa. Nhưng bức thư của giới khoa học gửi tới Quốc hội Mỹ là một lời nói thật khó nghe với những người đã bước chân vào cuộc chơi này. Không chỉ thế, những người nổi tiếng, có tên tuổi đang quảng bá cho tiền mã hóa giống như họ tham gia vào một trò lừa đảo. Rất có thể, họ cũng là nạn nhân trong tình trạng truyền thông bất minh bủa vây và những lời dối đang trở nên quá chuyên nghiệp.

Vậy các chuyên gia công nghệ đã nói gì về công nghệ tiền mã hóa?

Bức thư, được ký bởi 1.600 nhà khoa học công nghệ máy tính, đã được gửi tới các thành viên chủ chốt của Quốc hội Mỹ và các Chủ tịch của Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện và Ngân hàng Thượng viện Mỹ. Bức thư được ký bên dưới bởi hơn 1.600 nhà khoa học máy tính, kỹ sư phần mềm và nhà công nghệ từ khắp nơi trên thế giới. Có 45 người ký hiện đang làm việc tại Google; 19 người làm việc tại Microsoft; 11 người làm việc tại Apple. Ba công ty đó hiện có giá trị vốn hóa thị trường tập thể hơn 5,75 nghìn tỷ USD, những công ty này có thể đủ khả năng để thuê những người giỏi nhất và sáng giá nhất và MIT. Tất cả 1.600 người đã ký cùng một lá thư nói về tiền mã hóa và blockchain. Trích nội dung bức thư như sau:

“Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với câu chuyện - được đăng tải bởi những người có cổ phần tài chính trong ngành công nghệ tiền mã hóa - rằng những công nghệ này đại diện cho một sự đổi mới tài chính tích cực và đang dần phù hợp với cách mà người Mỹ bình thường phải làm để giải quyết các vấn đề tài chính”.

Các chuyên gia công nghệ chỉ ra rằng công nghệ chuỗi khối, thứ tạo ra tiền mã hóa, hoàn toàn không phù hợp với ngành tài chính.

Thứ nhất, nó làm cho giao dịch 'chết cứng', không thể đảo ngược. Ví dụ, nếu hệ thống tài chính phát hiện người A chuyển khoản nhầm cho người B, hoặc người A chuyển tiền cho người B với mục đích bất minh (chẳng hạn như rửa tiền), hệ thống giao dịch tài chính phải có chức năng cho phép đảo ngược giao dịch này. Nhưng công nghệ chuỗi khối không làm được điều đó. Các nhà khoa học đã viết trong bức thư gửi tới Quốc hội Mỹ:

“Với tư cách là các kỹ sư phần mềm và nhà công nghệ có chuyên môn sâu trong các lĩnh vực của mình, chúng tôi có những bất đồng với những tuyên bố được đưa ra trong những năm gần đây về tính mới lạ và tiềm năng của công nghệ chuỗi khối (blockchain). Công nghệ chuỗi khối không thể và sẽ không có các cơ chế đảo ngược giao dịch hoặc bảo mật dữ liệu vì chúng trái ngược với thiết kế cơ sở của nó. Các công nghệ tài chính phục vụ công chúng phải luôn có cơ chế giảm thiểu gian lận và cho phép nhân viên trực tiếp đảo ngược các giao dịch tuy nhiên công nghệ của blockchain lại không cho phép”.

Thứ hai, chúng ta có thể mất hết tiền trong túi nếu tiền mã hóa thực sự thay thế cho tiền truyền thống.

Bức thư liên kết đến một bài báo của Bruce Schneier, một Nhà Công nghệ Bảo mật đang giảng dạy tại Trường Harvard Kennedy. Bài báo đã xuất hiện trên Wired vào ngày 06/02/2019 với tiêu đề: “Không có lý do chính đáng để tin tưởng vào công nghệ chuỗi khối”. Bài báo nêu những điểm nổi bật sau:

“Những gì blockchain làm là chuyển một số niềm tin ở của người dân và các tổ chức, cơ quan chức năng sang tin tưởng vào công nghệ".

Bài báo nhấn mạnh rằng tiền mã hóa và công nghệ chuỗi khối thúc giục con người rằng: "Bạn cần tin tưởng vào mật mã, giao thức, phần mềm, máy tính và mạng. Bạn cần phải tin tưởng tuyệt đối vào chúng, bởi vì chúng chỉ nảy sinh rất ít lỗi và cũng không thường xuyên”.

“Khi sự tin tưởng đó bị đặt không đúng chỗ thì sẽ không còn gì để đòi hỏi nữa. Nếu sàn giao dịch bitcoin của bạn bị tấn công, bạn sẽ mất tất cả tiền của mình. Nếu ví bitcoin của bạn bị tấn công, bạn sẽ mất tất cả tiền của mình. Nếu bạn quên thông tin đăng nhập của mình, bạn sẽ mất tất cả tiền của mình. Nếu có lỗi trong mã code của hợp đồng thông minh trên công nghệ chuỗi của bạn, bạn sẽ mất tất cả tiền của mình. Nếu ai đó tấn công trái phép thành công bảo mật chuỗi khối của bạn, bạn sẽ mất tất cả tiền của mình. Theo nhiều cách, tin tưởng vào công nghệ khó hơn tin tưởng vào con người. Bạn có muốn tin tưởng vào hệ thống pháp luật của con người hay các chi tiết của một số mã máy tính mà bạn không có chuyên môn để kiểm tra không?”

Mất tiền của bạn chủ yếu là những gì có thể và đang xảy ra trong năm nay trong khi giao dịch bằng tiền mã hóa. Bên cạnh đó, việc tiền mã hóa tự nó cũng là một “khoản đầu tư” đáng ngờ, Ủy ban Thương mại Liên bang đã báo cáo vào tháng 06/2022 rằng “kể từ đầu năm 2021, hơn 46.000 người báo cáo rằng họ đã mất hơn 1 tỷ USD tiền mã hóa cho các trò gian lận. Đó là khoảng ¼ số tiền được tính bằng USD được báo cáo bị mất do gian lận trong thời gian đó".

Vấn đề ở chỗ, các quan chức của Cục dự trữ liên bang Mỹ, rất nhiều người hết lòng ủng hộ tiền mã hóa và công nghệ chuỗi khối với hy vọng nó thay thế tiền truyền thống. Trước khi FTX phá sản vài tháng và làm biến mất hàng tỷ USD của nhà đầu tư, Phó Chủ tịch Fed, ông Lael Brainard có bài phát biểu tại Ngân hàng Anh ở London. Trong bài phát biểu, ông Brainard liên tục đề cập đến “hệ thống tài chính tiền mã hóa” như thể đó là một điều có thật.

Ý tưởng của ông Brainard là đưa tiền mã hóa vào hệ thống tiền tệ quốc gia, thừa nhận nó trong khung khổ pháp luật. Những ý tưởng của Trung Quốc là khác hẳn, họ cấm vĩnh viễn loại tiền mã hóa (cùng với tám quốc gia khác với hàng chục quốc gia khác đang hạn chế nghiêm ngặt việc sử dụng nó). Nhưng Trung Quốc đã làm gì? Họ lại đưa thương nhân và công nghệ của họ tạo ra vô số tiền mã hóa rác, sàn giao dịch tiền mã hóa để thúc đẩy ngành công nghệ này phát triển ở Mỹ cũng như khắp toàn cầu. Họ kiếm bộn tiền từ ngành công nghệ tiền mã hóa đang vận hành kinh doanh theo mô hình lừa đảo tài chính Ponzi như vậy. Cách mà FTX đã vận hành thực sự là mô hình Ponzi tài chính (lừa đảo tài chính).

Thứ ba, công nghệ chuỗi khối và tiền mã hóa đe doạ an ninh quốc gia. Các chuyên gia công nghệ chỉ ra rằng an ninh quốc gia bị đe doạ thông qua rửa tiền và tấn công bằng mã độc tống tiền, rủi ro bất ổn tài chính tăng cao, lượng khí thải khổng lồ từ việc tạo ra và khai thác tiền mã hóa, thúc đẩy các vụ lừa đảo quy mô lớn và hoạt động tài chính tội phạm khác (như buôn lậu, buôn bán vũ khí, mua bán tạng người, dịch vụ tội phạm...)

Với hàng loạt các rủi ro như vậy, các chuyên gia công nghệ viết: "Chúng tôi khẩn cầu ông/bà [nghị sỹ và quan chức chính quyền Mỹ] thực hiện một cách tiếp cận thực sự có trách nhiệm đối với đổi mới công nghệ và đảm bảo rằng các cá nhân ở Hoa Kỳ và các nơi khác không dễ bị tổn thương trước các rủi ro tài chính, gian lận và hệ thống dưới danh nghĩa tiềm năng công nghệ không tồn tại".

Tiềm năng công nghệ không tồn tại được các chuyên gia công nghệ nhắc đến là "công nghệ chuỗi khối".

Giáo sư và nhà kinh tế Nouriel Roubini của Đại học New York đã từng tuyên bố trên tài khoản Twitter của ông:

“Tiền mã hóa thậm chí không phải là tiền tệ. Chúng chỉ là một trò đùa… Giá Bitcoin đã giảm bao nhiêu trong một tuần, tới 30%. Nó tăng 20% ​​vào một ngày, rồi sụp đổ vào ngày hôm sau. Nó không phải là phương tiện thanh toán. Không ai, kể cả hội nghị công nghệ chuỗi khối này, chấp nhận Bitcoin để thanh toán phí hội nghị vì bạn chỉ có thể thực hiện năm giao dịch mỗi giây với Bitcoin. Với hệ thống Visa, bạn có thể thực hiện 25.000 giao dịch mỗi giây… Tiền mã hóa là vô nghĩa. Đó là một sự thất bại. Không ai sử dụng nó cho bất kỳ giao dịch nào. Đó là giao dịch một đồng tiền rác rưởi này lấy một đồng tiền rác rưởi khác. Đó là toàn bộ giao dịch hoặc tiền tệ trong không gian có thao túng giá, giả mạo, giao dịch rửa, bơm và bán phá giá, lừa đảo trực tuyến. Đó chỉ là một trò lừa đảo hình sự lớn và không có gì khác".

Khẳng định rằng công nghệ chuỗi khối là sự thất bại và nó không hề thích hợp một chút nào với việc tạo ra một loại tiền tệ đáp ứng các yêu cầu về an toàn, minh bạch tài chính, tốc độ xử lý giao dịch trong một giây hay bảo vệ ví tiền của người dân, các chuyên gia công nghệ đã tha thiết yêu cầu Quốc hội Mỹ, các quan chức chính quyền Mỹ cần phải nhìn xa hơn, nhận rõ thấy sự 'cường điệu quá mức' về tiềm năng công nghệ chuỗi khối.

Kết luận bức thư, các nhà khoa học máy tính và công nghệ đã viết: "Chúng ta cần hành động ngay bây giờ để bảo vệ các nhà đầu tư và thị trường tài chính toàn cầu khỏi những rủi ro nghiêm trọng do tiền mã hóa gây ra và không được để bị phân tâm bởi những lời nói phức tạp về kỹ thuật, che đậy các khiếm khuyết nghiêm trọng về công nghệ".

Đáng tiếc, bức thư như chìm đi trong làn sóng đầu cơ, lừa đảo tiền mã hóa mạnh mẽ. Các chính khách Mỹ vẫn đang lờ đi sự thật về tiền mã hóa và công nghệ chuỗi số của nó trong bối cảnh thị trường tiền mã hóa vẫn đang lao dốc, các vụ lừa đảo tài chính tiền mã hóa đang vỡ ra, hàng tỷ USD biến mất trong các câu chuyện hoang đường như của FTX.

Minh Đăng



BÀI CHỌN LỌC

Hơn 1.600 chuyên gia công nghệ tố tiền mã hóa lừa đảo trước khi FTX sụp đổ