Hàng trăm tỷ USD đầu tư 5G của Trung Quốc có thể là ‘công dã tràng’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Công nghệ 5G hiện tại của Trung Quốc còn rất non nớt, hàng trăm tỷ USD đầu tư đã được triển khai và chi phí vận hành cực kỳ cao; trong khi 73% người Trung Quốc được hỏi trả lời rằng không cần mua điện thoại 5G. Trong khi Hoa Kỳ đã triển khai Vệ tinh Mạng, Trung Quốc có lẽ đã chậm chân...

Được gắn trên các mái nhà, cột điện và đèn đường khắp Trung Quốc kể từ năm ngoái là hàng trăm nghìn tháp không dây công nghệ cao cho 5G, một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy tham vọng dẫn đầu công nghệ mới của nước này. Tuy nhiên, nhiều cái trong số các thiết bị này chỉ hoạt động trong nửa ngày.

China Unicom, một trong ba nhà khai thác viễn thông, đã thông báo vào tháng 8/2020 rằng chi nhánh Lạc Dương của họ ở tỉnh Hà Nam sẽ tự động chuyển các trạm phát 5G sang "chế độ ngủ", từ 9 giờ tối đến 9 giờ sáng, vì có ít người sử dụng chúng. Hai nhà mạng khác đã nhanh chóng làm theo và kể từ đó đã áp dụng các chính sách tương tự tại các thành phố khác trên toàn quốc.

"Tắt các trạm gốc không phải là tắt thủ công mà là sự điều chỉnh tự động được thực hiện vào một thời điểm nhất định", Wang Xiaochu, chủ tịch China Unicom, cho biết tại hội nghị giữa năm của công ty.

5G là một trong những khoản đầu tư công nghệ lớn nhất trong lịch sử gần đây của Trung Quốc. Được quảng cáo là bước tiến lớn tiếp theo trong truyền thông kỹ thuật số, công nghệ mạng di động thế hệ thứ 5 được cho là sẽ thay đổi thế giới và thúc đẩy một cuộc cách mạng kỹ thuật số mới.

Trung Quốc đã chính thức ra mắt mạng 5G thương mại vào tháng 9/2019 với hứa hẹn mang đến tốc độ kỹ thuật số chưa từng có để hỗ trợ các ứng dụng mới như lái xe tự động. Hơn một năm sau, thị trường 5G lớn nhất hiện đang phải đối mặt với những lời phàn nàn rộng rãi về tốc độ mạng và chi phí triển khai tăng vọt.

Tín hiệu đang ‘chạm tường’

Để xử lý nhiều dữ liệu ở tốc độ cao hơn, mạng 5G sử dụng tần số cao hơn các mạng hiện tại. Tuy nhiên, các tín hiệu truyền đi khoảng cách ngắn hơn và gặp nhiều nhiễu hơn.

"5G sử dụng tín hiệu tần số siêu cao, cao hơn khoảng 2-3 lần so với tần số tín hiệu 4G hiện có, do đó, vùng phủ sóng của tín hiệu sẽ bị hạn chế", Wang Xiaofei, một chuyên gia truyền thông tại Đại học Thiên Tân, nói với Tân Hoa xã, khi viễn thông nhà nước của đất nước bắt đầu cung cấp mạng 5G cho công chúng.

Wang cho biết do bán kính phủ sóng của trạm cơ sở chỉ khoảng 100 mét đến 300 mét, Trung Quốc phải xây dựng các trạm cách nhau 200 đến 300 mét trong các khu vực đô thị. Do sự thâm nhập của tín hiệu 5G quá yếu, ngay cả các trạm trong nhà cũng sẽ phải được xây dựng trong các tòa nhà văn phòng, khu dân cư và khu thương mại được phân bổ đông đúc.

Và để đạt được phạm vi phủ sóng như 4G hiện có, các nhà mạng cuối cùng cần phải lắp đặt tới 10 triệu trạm trên khắp đất nước, theo một báo cáo của Tân Hoa xã.

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lou Jiwei tổ chức họp báo sau phiên họp của các Bộ trưởng Tài chính G20 và Hội nghị Thống đốc Ngân hàng Trung ương tại Thượng Hải, Trung Quốc. (Nguồn ảnh: Rolex Dela Pena - Pool / Getty Images)
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lou Jiwei tổ chức họp báo sau phiên họp của các Bộ trưởng Tài chính G20 và Hội nghị Thống đốc Ngân hàng Trung ương tại Thượng Hải, Trung Quốc. (Nguồn ảnh: Rolex Dela Pena - Pool / Getty Images)

“Trong ba năm tới, bắt đầu từ năm nay, có thể cần 1 triệu trạm gốc 5G được xây dựng mỗi năm”, Xiang Ligang, Tổng giám đốc của Liên minh Tiêu thụ Thông tin, một hiệp hội ngành viễn thông, nói với báo chí nhà nước vào năm ngoái.

Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc chỉ xây dựng 257.000 trạm gốc 5G mới. Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin (MIIT), tổng số trạm được lắp đặt trên toàn Trung Quốc cho đến nay chỉ vào khoảng 410.000 trạm vào cuối tháng 6/2020.

Lợi ích nhỏ, chi phí to?

Chi phí năng lượng cần thiết để cấp nguồn cho 5G đã được chứng minh là một trong những vấn đề đau đầu nhất đối với các công ty viễn thông Trung Quốc.

Soumya Sen, phó giáo sư khoa học thông tin tại Đại học Minnesota, nói với VOA trong một email: "Thiết bị trạm gốc 5G tiêu thụ năng lượng gấp ba lần so với 4G do cách thức hoạt động của công nghệ. 5G sử dụng nhiều ăng-ten để tận dụng tín hiệu phản xạ từ các tòa nhà nhằm tăng cường độ mạnh mẽ của kênh và thông lượng".

Nếu 5G đạt được mức độ phủ sóng như mạng 4G, hóa đơn tiền điện hàng năm của trạm gốc sẽ đạt 29 tỷ USD, theo báo cáo của China Post & Telecommunications News, một hãng truyền thông trực thuộc MIIT. Số tiền đó gấp khoảng 10 lần lợi nhuận năm 2019 của China Telecom, một trong ba công ty viễn thông nhà nước ở Trung Quốc.

Trong những ngày đầu, đã có những nỗ lực để làm cho 5G tiết kiệm điện hơn so với những mạng trước đó, nhưng tham vọng đã nhanh chóng bị dập tắt khi thực tế chứng minh điều ngược lại.

Hai tháng sau khi chính thức triển khai dịch vụ 5G, một giám đốc điều hành hàng đầu của một nhà mạng Trung Quốc thừa nhận rằng các nhà khai thác đã đạt được rất ít tiến bộ trong việc giảm tiêu thụ điện năng và chi phí 5G. Phát biểu tại hội thảo GSMA ở Bắc Kinh tuần trước, Li Zhengmao, phó chủ tịch điều hành của China Mobile đã kêu gọi chính phủ trợ cấp chi phí điện cho các hãng viễn thông.

Li Yizhong, cựu Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin cho biết vào đầu năm nay trong một diễn đàn, tổng đầu tư có thể lên tới 220 tỷ USD trong vài năm tới.

Một cựu quan chức khác đã cảnh báo trong một bài phát biểu gần đây rằng việc thúc đẩy 5G của Trung Quốc có thể trở thành một khoản đầu tư thất bại.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Lou cho biết: “Công nghệ 5G hiện tại còn rất non nớt, hàng trăm tỷ USD đầu tư đã được triển khai và chi phí vận hành cực kỳ cao, không thể tìm ra kịch bản ứng dụng nào và rất khó hấp thụ chi phí trong tương lai”.

Sách trắng có tiêu đề "Báo cáo kinh tế 5G Trung Quốc năm 2020" do Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc phát hành cho biết: "Rất khó để người tiêu dùng bình thường và người dùng trong ngành nhìn thấy lợi ích lâu dài của 5G".

Dựa trên một cuộc khảo sát gần đây về người tiêu dùng Trung Quốc; 73,3% số người được hỏi cho biết họ tin rằng công chúng không cần mua điện thoại di động 5G vì không có nhu cầu. Nghiên cứu được công bố vào tháng trước bởi iiMedia, một nhóm nghiên cứu thị trường.

Với tất cả những kỳ vọng và sự đầu tư, nhu cầu về 5G thực sự bị “phóng đại” và dù sao thì nó cũng không phải là thứ mà xã hội cần, theo người lãnh đạo một công ty thống trị công nghệ.

"Thực tế, xã hội loài người không có nhu cầu cấp thiết về 5G", Ren Zhengfei, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Huawei cho biết. "Những gì mọi người cần bây giờ là băng thông rộng, trong khi nội dung chính của 5G không phải là băng thông rộng".

Vệ tinh mạng ‘đánh bại’ 5G

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang với sự quyết liệt của cuộc chiến công nghệ, trong khi Trung Quốc cố gắng thao túng thế giới với “gián điệp mạng” 5G của Huawei, thì Hoa Kỳ lập đỉnh cao mới với “Vệ tinh Mạng” Starlink.

Lợi thế 5G mà Trung Quốc đang có sẽ trở lên lỗi thời. Vào ngày 11/11/2019, một tên lửa SpaceX Falcon 9 của Hoa Kỳ đã được phóng khỏi Trạm Không quân Cape Canaveral, mang theo 60 vệ tinh Starlink tại Cape Canaveral, Florida. Dự án Starlink nhằm mục đích đưa hàng ngàn vệ tinh vào quỹ đạo Trái đất thấp, để cung cấp truy cập Internet băng thông rộng cho Hoa Kỳ.

Ông Elon Musk - nhà sáng lập SpaceX cho biết họ sẽ mất khoảng 400 vệ tinh để thiết lập vùng phủ sóng Internet "nhỏ" và 800 vệ tinh để phủ sóng "vừa phải" hoặc "hoạt động đáng kể". Trước mắt, mục tiêu chủ yếu của SpaceX là triển khai gần 1.600 vệ tinh khoảng 273 dặm (440 km) cao.

Theo kế hoạch, dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2027, SpaceX sẽ phóng 12.000 vệ tinh lên không trung, đủ để cung cấp dịch vụ Internet khắp toàn cầu, với tốc độ nhanh hơn 5G từ 10 đến 50 lần, độ trễ thấp và giá cả phải chăng.

Khi ấy, hàng triệu các trạm thu phát sóng BTS, hệ thống dây cáp Internet chạy dưới biển xuyên đại dương, chằng chịt trên mặt đất, dưới lòng sông như hiện tại sẽ trở nên… vô dụng. Internet có thể được sử dụng trên hải đảo, trên biển, trên không trung, thậm chí cả trên sao Hỏa.

Hoá ra, Trung Quốc đã thật sự chậm chân.

Trần Đức



BÀI CHỌN LỌC

Hàng trăm tỷ USD đầu tư 5G của Trung Quốc có thể là ‘công dã tràng’