Hàng triệu công ty Trung Quốc sẽ phá sản nếu các ngân hàng không hành động

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh phần lớn nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa tái khởi động khi các nhà chức trách đang cố gắng ngăn chặn dịch bệnh đã lây nhiễm hơn 75.000 người, hàng triệu công ty trên khắp đất nước đang phải chạy đua với thời gian để duy trì hoạt động...

Bà Brigita, giám đốc tại một trong những đại lý xe hơi lớn nhất Trung Quốc, đang mất dần các sự lựa chọn. 100 cửa hàng của hãng đã bị đóng cửa khoảng một tháng nay vì virus Corona, tiền mặt dự trữ đang cạn kiệt và các ngân hàng không sẵn lòng gia hạn khoản nợ lên tới hàng tỷ nhân dân tệ sẽ đến hạn trong vài tháng tới. Ngoài ra còn phải cân nhắc tới các chủ nợ khác.

“Nếu chúng tôi không thể thanh toán các trái phiếu, thì tình hình sẽ rất, rất tệ”, bà Brigita cho biết. Hiện công ty của bà có 10.000 nhân viên và bán các thương hiệu xe hơi từ trung cấp đến cao cấp như BMW. Bà không tiết lộ tên đầy đủ của mình để bảo mật danh tính của hãng xe, do bà không có thẩm quyền để nói chuyện với báo giới.

Một cuộc khảo sát dành cho các công ty vừa và nhỏ của Trung Quốc được thực hiện trong tháng này cho thấy: 1/3 số người được hỏi chỉ có đủ tiền mặt để trang trải chi phí cố định trong một tháng, trong khi 1/3 khác cho biết sẽ cạn tiền trong vòng hai tháng.

Trong khi Chính phủ Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất, yêu cầu các ngân hàng tăng cường cho vay và nới lỏng các tiêu chí để các công ty khởi động lại hoạt động, nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước nói rằng họ đã không thể tiếp cận với các khoản tài trợ mà họ cần để thanh toán các khoản nợ và lương sắp đến hạn. Nếu không có thêm hỗ trợ tài chính hoặc nền kinh tế Trung Quốc không phục hồi ngay lập tức, một số doanh nghiệp sẽ có thể phải đóng cửa mãi mãi.

“Nếu Trung Quốc thất bại trong việc ngăn chặn virus trong quý I, tôi nghĩ rằng một số lượng lớn các doanh nghiệp nhỏ sẽ bị phá sản”, ông Lv Changshun, một nhà phân tích tại công ty Beijing Zhonghe Yingtai Management Consultant cho biết.

Chiến đấu để sinh tồn

Hầu hết các công ty vừa và nhỏ nói rằng họ sẽ cạn tiền trong vài tháng tới

Mặc dù chiếm 60% nền kinh tế và 80% việc làm tại Trung Quốc, các doanh nghiệp tư nhân từ lâu đã phải vật lộn với việc khai thác tài chính để mở rộng công ty trong thời kỳ bùng nổ và sống sót qua thời kỳ khủng hoảng.

Chủ tịch Tập Cận Bình cuối tuần qua đã cam kết sẽ tập trung nhiều hơn vào việc phục hồi nền kinh tế, với một chính sách tài khóa chủ động hơn, đẩy nhanh các dự án xây dựng và cắt giảm tỷ lệ dự trữ đối với các ngân hàng thương mại để giải phóng thêm vốn.

Sự hỗ trợ từ các đại gia ngân hàng Trung Quốc để đối phó với sự bùng phát virus cho đến nay vẫn đang được thực hiện từng phần, chủ yếu là dành cho việc trực tiếp chống lại virus. Ngân hàng Công thương Trung Quốc (Industrial & Commercial Bank of China - ICBC), nhà cho vay lớn nhất nước, đã cung cấp khoản cứu trợ cho khoảng 5% khách hàng doanh nghiệp nhỏ của mình.

Trong một email trả lời các câu hỏi từ Bloomberg News, ICBC cho biết họ đã phân bổ 5,4 tỷ nhân dân tệ (tương đương 770 triệu USD) để giúp các công ty chống lại virus. “Chúng tôi chấp thuận đơn đề nghị vay của các doanh nghiệp nhỏ đủ điều kiện ngay khi họ đến”, ngân hàng cho biết.

Với tư cách là một nhóm, các ngân hàng Trung Quốc đã cung cấp khoảng 794 tỷ nhân dân tệ cho các khoản vay liên quan đến nỗ lực ngăn chặn virus kể từ ngày 20/2, theo hiệp hội ngành ngân hàng, và các công ty cho vay nước ngoài như Citigroup Inc. cũng đã hạ lãi suất của họ. Các doanh nghiệp nhỏ của Trung Quốc thường phải đối mặt với việc trả lãi khoản vay khoảng 36,9 nghìn tỷ nhân dân tệ mỗi quý.

Trong khi ngân hàng trung ương đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt và danh sách hạn chế đối với những công ty có thể tiếp cận khoản vay đặc biệt liên quan đến ứng phó với tác động của Covid-19, thì chính quyền và các ngân hàng địa phương lại giới hạn số tiền đi vay, nguồn tin thân cận tiết lộ. Một nhân viên mảng tín dụng làm việc tại một trong những nhà môi giới lớn nhất Trung Quốc cho biết công ty của anh đã đưa ra cách nhanh nhất để giảm nợ cho các doanh nghiệp tham gia nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh, với điều kiện các bên đi vay phải chứng minh rằng họ sẽ sử dụng ít nhất 10% doanh thu để chống lại dịch Covid-19.

Đó là sự giúp đỡ nhỏ bé đối với một đại lý xe hơi. Trong bối cảnh công ty đang nợ hàng chục ngân hàng, bà Brigita nói rằng cho đến nay bà mới chỉ đạt được thỏa thuận với một số ít ngân hàng để được gia hạn thời hạn thanh toán thêm hai tháng. Hiện tại, công ty của bà vẫn đang trả lương cho nhân viên.

Sức ép thanh khoản

Doanh số phát hành trái phiếu của khu vực tư nhân Trung Quốc giảm xuống thấp hơn so với các khoản đáo hạn trong tháng 2

Nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc đã “hấp hối” từ trước khi virus tấn công, bị dồn ép bởi cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ và việc thắt chặt cho vay - điều này khiến tăng trưởng kinh tế năm ngoái giảm xuống mức thấp nhất trong ba thập kỷ.

Có nguy cơ cao nhất là các ngành công nghiệp cần nhiều lao động như phục vụ và nhà hàng, đại lý du lịch, hãng hàng không, khách sạn và trung tâm mua sắm, theo Lianhe Rating.

Yang, quản lý tòa nhà của một trung tâm thương mại bảy tầng ở Thượng Hải, cho biết một khách hàng đang điều hành một khách sạn 150 phòng thường rất bận rộn đã gọi điện xin miễn một tháng thuê nhà vì kinh doanh trì trệ. Cô nghĩ rằng cửa hàng massage thuê mặt bằng trong trung tâm thương mại này cũng đang gặp khó khăn và sẵn sàng giúp đỡ họ.

Một phó giám đốc tài chính tại một nhà phát triển nhỏ ở trung tâm tỉnh An Huy cho biết công ty của ông thậm chí còn bị từ chối cho vay theo hạn mức tín dụng hiện có. Doanh số giảm đã làm ảnh hưởng tới hồ sơ tín dụng của công ty và việc thiếu dự án mới đồng nghĩa với việc không có tài sản thế chấp. Không thể tiếp cận với nguồn tín dụng, doanh nghiệp này chỉ có thể tồn tại trong khoảng bốn tháng, hoặc có thể lâu hơn nếu được hoãn một số khoản thanh toán, ông cho biết.

Các ngân hàng hầu như cũng không khá hơn. Nhiều nhà băng đang bị thiếu vốn và ở vào thế “ngàn cân treo sợi tóc” sau hai năm đối diện với tình trạng vỡ nợ kỷ lục. Công ty xếp hạng S&P Global đã ước tính rằng tình trạng khẩn cấp kéo dài có thể khiến tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng gấp 3 lần lên khoảng 6,3% (tương đương với tăng 5,6 nghìn tỷ nhân dân tệ).

Wu Hai, chủ sở hữu của Mei KTV có chuỗi 100 quán karaoke trên khắp Trung Quốc, đã bày tỏ sự tuyệt vọng của mình trên WeChat.

Các quán karaoke đã bị chính phủ đóng cửa vì virus, điều này đã bóp nghẹt dòng tiền của công ty. Các khoản vay đặc biệt từ các cơ quan chức năng chỉ giúp ích một chút và không có ngân hàng nào chịu cho vay mà không có đủ tài sản thế chấp và dòng tiền, ông Wu nói trên tài khoản WeChat chính thức của mình vào đầu tháng này.

Không thể liên hệ với ông Wu để phỏng vấn trực tiếp, nhưng trên WeChat, ông cho rằng chỉ còn khoảng 2 tháng nữa trước khi ông buộc phải đóng cửa doanh nghiệp của mình.

Thanh Hương

Theo Bloomberg



BÀI CHỌN LỌC

Hàng triệu công ty Trung Quốc sẽ phá sản nếu các ngân hàng không hành động