Hậu phong tỏa: Kinh tế Việt tháng 11 có dấu hiệu khởi sắc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê Việt Nam, dù các hoạt động sản xuất kinh doanh chưa phục hồi nhưng nhìn chung, bức tranh kinh tế Việt sau giãn cách kéo dài đã ghi nhận tín hiệu tích cực trong tháng 11.

Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2021 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Ngành khai khoáng tăng 2,2%; ngành chế biến, chế tạo tăng 6,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,2%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,2%.

Đăng ký doanh nghiệp

Trong tháng 11, cả nước có 11.902 doanh nghiệp thành lập mới - giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2020, với số vốn đăng ký là 149,9 nghìn tỷ đồng - giảm 47,4%, và số lao động đăng ký là 76,6 nghìn lao động - giảm 36%.

Cũng trong tháng 11, có 3.523 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn - tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2020; có 4.642 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể - tăng 3,8%; có 1.256 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể - giảm 35,3%.

Đầu tư

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11/2021 ước đạt 48,5 nghìn tỷ đồng, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động thương mại

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước đạt 397,1 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng trước và giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện trong tháng 10/2021 đạt 28,87 tỷ USD. Ước tính tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 11 tháng năm 2021, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 3,57 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 266,75 tỷ USD, tăng 18%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 21,4 tỷ USD, tăng 15,4%. Nhóm hàng thủy sản đạt 7,95 tỷ USD, tăng 3,5%.

Ngay đến giá rau củ quả cũng tăng chóng mặt khiến nhiều gia đình gặp khó khăn tài chính trong mùa dịch chật vật xoay sở (Ảnh: Pixabay)
Trong 11 tháng đầu năm 2021, nhóm hàng nông sản, lâm sản xuất khẩu đạt 21,4 tỷ USD, tăng 15,4%. (Ảnh minh họa: Pixabay)

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 84,8 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, và Nhật Bản.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện trong tháng 10/2021 đạt 26,13 tỷ USD. Ước tính tháng 11/2021 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 29,8 tỷ USD, tăng 14% so với tháng trước và tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 11 tháng năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 280,2 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa. Nhóm hàng tiêu dùng ước đạt 19,25 tỷ USD, tăng 22,2% và chiếm 6,4%.

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 98,5 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, EU, và Mỹ.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 10 xuất siêu 2,74 tỷ USD; tháng 11 ước tính xuất siêu 100 triệu USD. Tính chung 11 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 225 triệu USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 24,32 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 24,55 tỷ USD.

Hoạt động vận tải, du lịch

Vận tải hành khách tháng 11/2021 ước tính đạt 137,3 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 24,1% so với tháng trước.

Vận tải hàng hóa tháng 11/2021 ước tính đạt 142,4 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 9,8% so với tháng trước.

Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11 ước tính đạt hơn 15 nghìn lượt người, tăng 42,4% so với tháng trước và giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất nông nghiệp

Trong tháng 11, nông dân cả nước tập trung thu hoạch lúa mùa, các địa phương phía Bắc bắt đầu gieo trồng cây màu vụ đông.

A farmer pushes a cart loaded with harvested rice in a field in the suburbs of Hanoi on October 2, 2008. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam (Photo credit should read HOANG DINH NAM/AFP via Getty Images)
Người nông dân thu hoạch lúa. (Ảnh: HOANG DINH NAM/AFP qua Getty Images)

Tính đến trung tuần tháng 11, cả nước thu hoạch được 1.339,2 nghìn ha lúa mùa, chiếm 85,9% diện tích gieo cấy và bằng 102,6% cùng kỳ năm trước.

Tính đến ngày 15/11/2021, cả nước gieo trồng được 71,5 nghìn ha ngô - bằng 91,9% cùng kỳ năm trước; 18,2 nghìn ha khoai lang - bằng 95,3% ; 2,8 nghìn ha đậu tương - bằng 87,5%; 4 nghìn ha lạc - bằng 87%; 138,2 nghìn ha rau các loại - bằng 100,4 %.

Ước tính đến cuối tháng 11, tổng số lợn của cả nước tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước; tổng số bò tăng 1,2%; tổng số gia cầm tăng 1,7%; tổng số trâu giảm 3,5%.

Sản xuất lâm nghiệp

Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước vào tháng 11 ước tính đạt 31,9 nghìn ha, tăng 2,2 % so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 238,3 nghìn ha, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

Các hoạt động khai thác gỗ gia tăng nhằm phục vụ nhu cầu chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ.

Sản xuất thủy sản

Sản lượng thủy sản tháng 11 ước đạt 761,8 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, sản lượng thủy sản ước đạt 7.908,2 nghìn tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng

So với tháng trước, CPI tháng 11/2021 tăng 0,32% (khu vực thành thị tăng 0,27%; khu vực nông thôn tăng 0,37%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm tăng giá so với tháng trước, 2 nhóm giảm giá.

Trong 9 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất so với tháng trước với 3,11% (làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào ngày 26/10/2021, 10/11/2021 và điều chỉnh giảm vào ngày 25/11/2021, trong đó giá xăng A95 tăng 1.030 đồng/lít, giá xăng E5 tăng 1.230 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 840 đồng/lít. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 11/2021 tăng 0,46% (làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm).

Trong 2 nhóm hàng giảm giá, nhóm giáo dục giảm 0,92% so với tháng trước (làm CPI chung giảm 0,06 điểm phần trăm). Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,17% so với tháng trước (làm CPI chung giảm 0,06 điểm phần trăm).

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 11/2021 tăng 2,1%.

Lạm phát cơ bản tháng 11/2021 tăng 0,11% so với tháng trước, tăng 0,58% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm nay tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá vàng và giá đô la Mỹ

Giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới, tuy nhiên, chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới ở mức rất cao. Chỉ số giá vàng tháng 11/2021 tăng 2,65% so với tháng trước, và giảm 0,09% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân 11 tháng năm 2021 tăng 9,39%.

Một nhân viên đang đếm tiền đô la Mỹ. (Ảnh: Hoàng Đình Nam / AFP qua Getty Images)

Giá đô la Mỹ tháng 11/2021 giảm 0,21% so với tháng trước, và giảm 1,63% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân 11 tháng năm 2021 giảm 1%.

Tình hình dịch Covid-19

Dịch Covid-19 tại Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp. Số ca mắc trong cộng đồng có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước do mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, không rõ nguồn lây và có liên quan đến người trở về từ vùng dịch.

Tính đến sáng ngày 28/11/2021 Việt Nam có 1.197.404 trường hợp mắc bệnh, 956.924 trường hợp đã được chữa khỏi, 24.692 trường hợp tử vong.

Bảo Nguyên

Số liệu được trích dẫn từ các báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam:

 

 



BÀI CHỌN LỌC

Hậu phong tỏa: Kinh tế Việt tháng 11 có dấu hiệu khởi sắc