Hậu quả của chủ nghĩa can thiệp tại Mỹ Latinh: Từ lạm phát đình trệ đến quốc hữu hóa nền kinh tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một khu vực với tiềm năng to lớn như Mỹ Latinh lại có thể sẽ phải đối mặt với lạm phát đình trệ. Nguyên nhân đơn giản là vì các chính sách can thiệp của chính phủ, thứ không những tạo ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng mà còn nhằm mục đích kiểm soát hoàn toàn một quốc gia.

Các ước tính được đồng thuận mới nhất cho các nền kinh tế chính của Mỹ Latinh cho thấy lục địa này đang đối mặt với một thập kỷ bị mất mát. Tăng trưởng GDP của khu vực một lần nữa bị hạ xuống mức khiêm tốn 1,1% cho năm 2023, với lạm phát gia tăng và tổng đầu tư cố định suy giảm [đầu tư cố định: đầu tư vào các tài sản như nhà xưởng, máy móc…]. Xét đến việc khu vực này đã phục hồi với tốc độ chậm hơn so với các thị trường mới nổi khác, triển vọng của khu vực là cực kỳ đáng lo ngại.

Kỳ vọng về tăng trưởng kém và lạm phát cao thậm chí còn tồi tệ hơn khi chúng ta xét đến việc các ước tính đồng thuận vẫn đang dự tính về một cơn gió thuận chiều đến từ giá hàng hóa tăng và xuất khẩu nhiều hơn do Trung Quốc mở cửa trở lại.

Làm thế nào mà một khu vực có tiềm năng lớn như Mỹ Latinh lại có thể phải gánh chịu lạm phát đình trệ [lạm phát kết hợp với tăng trưởng kinh tế yếu hoặc âm]? Đáp án là rất đơn giản. Sự trỗi dậy của các chính phủ dân túy [theo đường lối tập trung vào mối quan tâm của người dân thường chứ không phải giới tinh hoa] ở Colombia, Chile và Brazil đã làm gia tăng mối lo ngại về an ninh đầu tư, quyền sở hữu và các vấn đề về tiền tệ.

Triển vọng kinh tế ảm đạm

Argentina dự kiến sẽ có mức tăng trưởng GDP khiêm tốn 0,2% vào năm 2023 với tỷ lệ lạm phát 95% và nợ trên GDP là 72%. Nhiều năm gặp vấn đề về tiền tệ và tài chính đã phá hủy sức mua của đồng nội tệ và làm tiêu tan triển vọng tăng trưởng thực sự. Ở Argentina, tỷ lệ nghèo đói đã tăng lên tới 36,5% dân số và các chính sách của chính phủ đang đẩy mạnh việc áp dụng chủ nghĩa can thiệp, hoạt động kiểm soát giá cả và thuế cao hơn với những kết quả tiêu cực được dự kiến. Bất chấp lợi thế từ nhu cầu cao đối với đậu nành và ngũ cốc trên toàn cầu, Argentina đang ngày càng giống với Venezuela, nơi được dự đoán có một năm nữa với mức phục hồi yếu ớt 3% sau khi đã có 80% sản lượng bị phá hủy trong một thập kỷ, với mức lạm phát khổng lồ 132%.

Vấn đề của khu vực này là gì? Các chính phủ mới ở Chile và Colombia đang công bố các chính sách giống với chính sách của “giới cánh tả theo chủ nghĩa Peron” [chủ nghĩa Peron: chủ nghĩa đi theo đường lối của nhà cựu lãnh đạo Juan Peron] ở Argentina, và chính phủ Fernandez ở Argentina đang ngày càng trở nên giống với chính phủ Maduro của Venezuela.

Hậu quả của chủ nghĩa can thiệp tại Mỹ Latinh: Từ lạm phát đình trệ đến quốc hữu hóa nền kinh tế
Tổng thống Colombia Gustavo Petro (trái) và người đồng cấp Venezuela Nicolas Maduro bắt tay sau khi ký các thỏa thuận tại Dinh Tổng thống Miraflores ở Caracas, Venezuela, vào ngày 01/11/2022. (Ảnh: FEDERICO PARRA/AFP qua Getty Images)

Chile dự kiến sẽ không tăng trưởng vào năm 2023 mặc dù giá của đồng được ước tính sẽ cao hơn, đi cùng với mức lạm phát 15%. Colombia, quốc gia thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ nhất từ cuộc khủng hoảng COVID-19 cho đến năm 2022, có mức kỳ vọng tăng trưởng cho năm 2022 là 7%, được cho là sẽ dừng lại và chỉ đạt mức tăng trưởng GDP yếu kém là 1,6% cho năm 2023 với lạm phát tăng cao, gần 7%.

Ở Brazil, các đồng thuận dự đoán một mức tăng trưởng kém 0,9% với lạm phát 5%. Nó có vẻ không tệ bằng Argentina, nhưng thông báo quan trọng đầu tiên của Tổng thống mới đắc cử Lula đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Ông Lula tuyên bố rằng ông muốn thay đổi hiến pháp để dỡ bỏ giới hạn chi tiêu và tăng chi tiêu của chính phủ hơn nữa. Đồng tiền Brazil và trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã phản ứng mạnh mẽ với rủi ro này, bởi vì mọi người đều có thể nhớ rằng “phép lạ kinh tế” của ông Lula một thập kỷ trước đến từ giá dầu tăng cao ồ ạt và khi cơn sốt hàng hóa kết thúc, người kế nhiệm của ông là bà Dilma Rousseff đã đẩy đất nước vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc khi chi tiêu tăng vọt và tăng trưởng bị đình trệ.

Một đường lối sai lầm

Bạn có thể nói rằng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ở Mỹ Latinh là hệ quả của sự thất bại của những chính sách tự do cổ điển đã được áp dụng trước đó, nhưng đó sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Hầu hết các quốc gia này đã không có một nền kinh tế cởi mở và tự do mà là các quốc gia với nền kinh tế thân hữu [nơi các doanh nghiệp với mối quan hệ chính trị là các đối tượng có được lợi thế]. Chủ nghĩa nhà nước [trong đó nhà nước nắm quyền kiểm soát lớn đối với kinh tế và xã hội] đã thất bại, và việc gia tăng chủ nghĩa nhà nước thậm chí còn tạo ra thất bại với tốc độ nhanh hơn.

Các nhà đầu tư toàn cầu nhìn thấy tiềm năng to lớn của Mỹ Latinh. Tuy nhiên, khi các chính phủ bắt đầu áp đặt các chính sách can thiệp, đe dọa quyền sở hữu với rủi ro sung công, đồng thời làm gia tăng ồ ạt sự mất cân bằng tiền tệ bằng cách in các loại tiền tệ với nhu cầu toàn cầu thực không có và nhu cầu địa phương suy giảm, thì đây là sự kết hợp mang tính hủy diệt.

Tại sao người dân lại bỏ phiếu cho các chính trị gia muốn thực hiện các chính sách như vậy? Trong nhiều cuộc tranh luận về kinh tế trên các phương tiện truyền thông Mỹ Latinh, người ta có thể nghe thấy từ “tái phân phối” được lặp đi lặp lại không ngừng. Nhiều người tin rằng sự giàu có giống như một chiếc bánh có thể được cắt và phân phát theo ý muốn, nhưng lại lờ đi sự thật rằng sự giàu có sẽ được tạo ra hoặc bị phá hủy, nó không đứng yên.

Hậu quả của chủ nghĩa can thiệp tại Mỹ Latinh: Từ lạm phát đình trệ đến quốc hữu hóa nền kinh tế
Tổng thống mới đắc cử của Brazil Luiz Inacio Lula da Silva uống rượu trong một sự kiện với đại diện của người dân bản địa Brazil tại hội nghị khí hậu COP27 ở thành phố nghỉ mát Sharm el-Sheikh bên Biển Đỏ của Ai Cập, vào ngày 17/11/2022. (Ảnh: AHMAD GHARABLI/AFP qua Getty Images)

Các chính sách theo chủ nghĩa can thiệp phá hủy sự thịnh vượng theo ba cách: Thứ nhất, bằng cách tấn công các thể chế độc lập và đưa ra các quyết định chính trị mang tính ngẫu nhiên về an ninh pháp lý và đầu tư, thứ làm xói mòn tiềm năng tăng trưởng, đầu tư và việc làm. Thứ hai, bằng cách tăng thuế đối với khu vực tạo ra của cải để trả cho các khoản trợ cấp khổng lồ được thanh toán bằng một đồng tiền liên tục mất giá, điều tạo ra tác động tiêu cực kép về tăng trưởng thấp hơn, các doanh nghiệp địa phương yếu hơn và một tầng lớp phụ thuộc khó có thể vươn lên. Khu vực làm ra của cải cuối cùng buộc phải hoạt động trong nền kinh tế ngầm để tránh mức thuế cao quá mức. Thứ ba, chủ nghĩa can thiệp phá hủy sức mua của đồng nội tệ bằng cách phá vỡ mọi quy tắc của chính sách tiền tệ thận trọng và tài trợ cho sự gia tăng quy mô chính phủ bằng cách in một loại tiền tệ liên tục bị phá giá. Sự kết hợp của ba yếu tố này mang tới nghèo đói và đình trệ kinh tế.

Mục đích của chủ nghĩa can thiệp

Tại sao các chính phủ theo chủ nghĩa can thiệp lại làm điều này khi họ biết - và họ thực sự biết - nó không hiệu quả?

Phá hủy tiền tệ là cách dễ nhất và hiệu quả nhất để quốc hữu hóa một nền kinh tế. In tiền là một hình thức sung công của cải, vì việc tạo ra tiền không bao giờ là trung lập - nó mang lại lợi ích cho chính phủ và làm tổn hại đến tiền lương thực tế và hoạt động tiết kiệm.

Tại sao các chính phủ “dân túy” lại áp đặt các chính sách kéo dài tình trạng nghèo đói và làm tổn thương người dân? Chủ nghĩa can thiệp không nhằm mục đích tăng cường thịnh vượng mà nhằm kiểm soát hoàn toàn một quốc gia. Ba chính sách được đề cập nhằm mục đích nắm toàn bộ quyền kiểm soát của một quốc gia và khiến người dân bị phụ thuộc, chứ không mang lại tăng trưởng và cải thiện điều kiện xã hội.

Các chính sách như vậy không phải là biện pháp củng cố xã hội, chúng cực kỳ phản xã hội. Điều tồi tệ nhất là một khi được thực hiện, chúng trở nên khó có thể bị đảo ngược. Chúng ta sẽ học bài học này ở mọi nơi trên thế giới vì các chính sách này sẽ sớm đến với đất nước của bạn.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tiến sĩ Daniel Lacalle là nhà kinh tế trưởng tại quỹ phòng hộ Tressis. Ông là tác giả của các cuốn sách “Tự do hay Bình đẳng” (Freedom or Equality), “Thoát khỏi Bẫy của Ngân hàng Trung ương” (Escape from the Central Bank Trap) và “Cuộc sống tại các Thị trường Tài chính” (Life in the Financial Markets).



BÀI CHỌN LỌC

Hậu quả của chủ nghĩa can thiệp tại Mỹ Latinh: Từ lạm phát đình trệ đến quốc hữu hóa nền kinh tế