Hệ thống kinh tế tập trung của Trung Quốc có thực sự đáng ngưỡng mộ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dưới thời nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, Trung Quốc tăng cường áp dụng phương thức tiếp cận tập trung đối với nền kinh tế. Dù không cùng phe với ông Tập, nhiều hãng truyền thông và giới doanh nhân phương Tây đã ca ngợi cách tiếp cận tập trung này là vượt trội hơn so với hệ thống kinh tế theo định hướng thị trường có vẻ khá hỗn loạn ở Mỹ. Một số thậm chí đã dự báo rằng mô hình của Trung Quốc cuối cùng sẽ giành chiến thắng.

Bất chấp những lời khen ngợi kể trên, những đặc điểm có vẻ là thế mạnh được nhiều người nhắc đến thực ra lại là những điểm yếu của Trung Quốc. Dưới đây trình bày những gì mà Bắc Kinh, nhiều hãng truyền thông phương Tây và giới doanh nhân đã bỏ qua.

Sách trắng mới phát hành của Trung tâm Xã hội châu Á về Quan hệ Mỹ - Trung và của Trung tâm Trung Quốc thế kỷ 21 thuộc Viện Chiến lược và Chính sách Quốc tế trường đại học California, San Diego đã định hình rõ các vấn đề. Quyển sách đề cập đến 3 yếu tố căn bản của hệ thống kinh tế của Trung Quốc. Đầu tiên là việc Bắc Kinh kiểm soát nền kinh tế thông qua các biện pháp can thiệp quy mô lớn để tiến tới các mục tiêu mà các nhà hoạch định mong muốn. Yếu tố thứ 2 là sự cởi mở đối với các khoản đầu tư nước ngoài chừng nào những khoản đầu tư này phục vụ các mục tiêu phát triển được các nhà hoạch định của Bắc Kinh đưa ra. Yếu tố thứ 3 là sự điều phối các nguồn lực tài chính của Trung Quốc để phục vụ các mục tiêu do trung ương đề ra.

Cách tiếp cận có mục đích và tập trung cao độ này thường gây ấn tượng với các nhà báo, quan chức chính phủ và doanh nhân khi ghé thăm Trung Quốc. Lấy ví dụ khi các nhà hoạch định có chủ trương rằng Trung Quốc sẽ có đường sắt cao tốc. Những vị khách sẽ cảm thấy kinh ngạc bởi những đầu máy xe lửa mạnh mẽ đặt trên một dãy đường ray ấn tượng đi về mọi hướng từ trung tâm đô thị. Mọi thứ trông hiệu quả, sạch sẽ và có tổ chức hơn rất nhiều so với ở phương Tây. Các công trình cảng trông thật vĩ đại. Các thành phố, với những dãy nhà chung cư san sát và hệ thống giao thông đô thị, mọc lên dường như chỉ sau một đêm tại những nơi từng là cánh đồng bát ngát.

Các nhà báo và doanh nhân nước ngoài chứng kiến tất cả điều đó đã trở về nhà và đều tỏ vẻ không thể chấp nhận việc các quá trình theo hướng dân chủ tỏ ra bất lực khi quyết định về một hướng đi kinh tế, chưa kể khả năng huy động các phương tiện để theo đuổi nó. Họ không tán thành hoạt động phức tạp của nền kinh tế thị trường, khi các ý tưởng và công ty phát triển và sụp đổ mà không có bất kỳ định hướng hoặc hướng dẫn tổng thể nào.

Nền kinh tế tập trung của Trung Quốc: Kém hiệu quả và lãng phí

Dù cách tiếp cận của Trung Quốc có gây kinh ngạc cho một số người, hệ thống của quốc gia này kém hiệu quả hơn so với vẻ bề ngoài và cực kỳ lãng phí. Vấn đề là ngay cả các nhà hoạch định của Trung Quốc cũng không thể thấy trước tương lai. Họ chọn những phương hướng có vẻ rất thích hợp vào thời điểm được đưa ra — chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo hoặc xe điện. Họ chọn các công ty, thường thuộc sở hữu nhà nước, để theo đuổi những hướng đi đó. Do đó, đối với mỗi quyết định, các nhà hoạch định không chỉ xác định mục tiêu chính của nền kinh tế mà còn cả công nghệ, cách thức và các tổ chức phục vụ cho mục tiêu đó.

Trong đó có rất nhiều sự phỏng đoán. Rốt cuộc, những gì có vẻ phù hợp hiện nay thường trở nên lỗi thời nhanh chóng, và các công nghệ được áp dụng còn trở nên lạc hậu nhanh hơn nhiều. Nhưng ngay cả khi thực tế đó đã rõ ràng, Bắc Kinh, một khi kế hoạch được đặt ra, sẽ tiến hành rất ít thay đổi giữa chừng; và những điều chỉnh nếu được thực hiện sẽ diễn ra muộn và hiếm khi hoàn chỉnh.

Và những sai lầm phổ biến như vậy tạo ra lãng phí rất lớn. Sự lụi bại của Evergrande là một trường hợp điển hình. Công ty này đã phải gánh những khoản nợ khổng lồ không phải vì kiểu quản lý khoa trương của nó, cũng không phải do những người cho vay kém cẩn trọng. Evergrande phải gánh những khoản nợ khổng lồ vì Bắc Kinh đã đẩy mạnh phát triển nhà ở trong nhiều năm. Cùng với Evergrande và các nhà phát triển khác, Bắc Kinh và chính phủ đa số địa phương đã xây dựng nên các thành phố từ con số không. Họ đã làm như vậy mà không cần tìm hiểu điều mà người Trung Quốc muốn hoặc là nơi mà họ muốn sống. Hiện nay, có vẻ như 20% lượng nhà ở của Trung Quốc không có người sử dụng. Ngay cả khi Trung Quốc phá bỏ các công trình dư thừa, thì các khoản nợ vẫn tồn tại. Mức nợ tăng cao của Evergrande là một phần của bức tranh tổng quát. Và một điều cần lưu ý là, nhà ở không phải là lĩnh vực duy nhất mà quy hoạch tập trung ở Trung Quốc đã đi chệch mục tiêu, đồng thời tạo ra lãng phí khổng lồ.

Ví dụ, có những tuyến đường sắt không đi đến đâu cả và những con đường có rất ít người đi lại. Điều này thể hiện rằng cách tiếp cận của Trung Quốc thường xuyên thất bại và cho thấy tại sao tổng nợ ở Trung Quốc - cả khu vực công và tư - hiện vượt quá 275% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Phần lớn khoản nợ đó liên quan đến các dự án tiến hành theo kế hoạch nhưng không thể hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Điểm mạnh của nền kinh tế thị trường mà Trung Quốc không bao giờ có được

Dĩ nhiên là các nền kinh tế thị trường cũng không có khả năng đặc biệt gì để thấy trước tương lai. Nhiều nỗ lực của nền kinh tế thị trường cũng tạo ra nhiều sai lầm và lãng phí. Tuy nhiên, kinh tế thị trường có 2 lợi thế rõ rệt so với cách tiếp cận tập trung của Trung Quốc.

Thứ nhất, các nền kinh tế thị trường hiếm khi chi phối các nguồn lực kinh tế và tài chính của quốc gia một cách triệt để như cách tiếp cận của Bắc Kinh. Theo đó, sai lầm xảy ra ở quy mô nhỏ hơn, ít lãng phí hơn so với ở Trung Quốc. Những lần ít ỏi Mỹ phải hứng chịu sự lãng phí ở quy mô tương đương với Trung Quốc hầu như đều là kết quả của sự thúc đẩy được trù tính bởi chính phủ. Chẳng hạn như khi Washington gây áp lực buộc các ngân hàng cho những đối tượng có ít tín nhiệm hơn vay thế chấp, qua đó tạo điều kiện cho các hoạt động tài chính đáng ngờ và việc xây dựng quá mức - những thứ đã đạt đến đỉnh điểm vào cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008-2009.

Ưu điểm thứ hai của hệ thống thị trường là hệ thống này bao gồm một loạt đối tượng tham gia, trong đó mỗi người đều nỗ lực nắm bắt nhu cầu trong tương lai theo những cách khác nhau. Hầu hết đều sai lầm và thất bại. Nhưng những đối tượng đi đúng hướng sẽ đạt được thành công đáng kinh ngạc, làm giàu cho các nhà đầu tư của họ cũng như toàn bộ nền kinh tế. Cách tiếp cận đa dạng này, mặc dù được tổ chức kém hơn nhiều so với hệ thống tập trung của Trung Quốc, nhưng có nhiều khả năng hơn trong việc đáp ứng nhu cầu khó nắm bắt của tương lai.

Sự cởi mở của Trung Quốc đối với các nhà đầu tư ngoại quốc dường như là một cách để hệ thống nước này tận dụng những lợi thế của các nền kinh tế thị trường. Đặc biệt, cùng với việc Bắc Kinh khăng khăng yêu cầu các nhà đầu tư ngoại quốc chia sẻ công nghệ và bí mật kinh doanh với một đối tác Trung Quốc, phương thức này cho phép Trung Quốc tiếp cận những đổi mới của các bên khác. Nhưng với việc chuyển giao công nghệ mang tính cưỡng chế như vậy, Trung Quốc cùng lắm sẽ chỉ có được công nghệ đang có hiện nay, hay nhiều khả năng hơn là công nghệ cũ. Cả hai loại công nghệ này, với tốc độ thay đổi công nghệ, sẽ sớm bị thay thế. Sự phụ thuộc vào việc sao chép, hay thực tế là việc ăn cắp, là cách tiếp cận được gọi là "sáng tạo" mà nền kinh tế kém phát triển này áp dụng.

Những phân tích trên không nhằm hạ thấp những gì Trung Quốc đã đạt được trong vài thập niên qua. Trung Quốc có một số lợi thế và điểm mạnh rõ ràng. Đất nước này có dân số đông, thông minh, được giáo dục tốt và có kỷ luật. Những điều này đối với bất kỳ nền kinh tế nào cũng là viên ngọc vô giá. Trung Quốc còn giàu tài nguyên thiên nhiên và có một tinh thần quốc gia ấn tượng. Nhưng tất cả những điều này không nên làm người Trung Quốc và nước ngoài bị mù quáng trước những điểm yếu của hệ thống tập trung, với việc chỉ đạo từ trên xuống dưới. Những nguy hiểm tiềm tàng đang gia tăng đối với Trung Quốc khi ông Tập đang quyết tâm củng cố hệ thống đó.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Vốn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - một công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông cũng thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề là: Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live (Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sinh sống).

Lê Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Hệ thống kinh tế tập trung của Trung Quốc có thực sự đáng ngưỡng mộ?