Hệ thống nông nghiệp sinh thái - Khi chúng ta sống mà không cần ‘thuốc độc’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những hóa chất được đưa vào các sản phẩm nông hóa - thuốc trừ sâu và phân bón - và họ đã thuyết phục chúng ta rằng chúng ta không thể có thức ăn mà không có các chất độc này, trong khi hệ thống nông nghiệp sinh thái đã tiến triển từ 10.000 năm nay và hoạt động cùng với thiên nhiên theo những nguyên tắc sinh thái...

Trong cuộc phỏng vấn quan trọng này tại tạp chí trực tuyến ROAR, nhà bác học Ấn Độ danh tiếng Vandana Shiva nói về vai trò của nông nghiệp công nghiệp hóa trong biến đổi khí hậu, những thách thức mà nông dân các nước đang phát triển phải đối mặt và cách tránh khỏi thảm họa nhãn tiền về môi trường đang đe dọa sự tồn tại của chúng ta trên hành tinh này.

Bà Vandana Shiva là nhà hoạt động tiên phong về sinh thái, bà đã tham gia vào các phong trào đấu tranh quần chúng chống lại công nghệ biến đổi gen trên toàn thế giới và đã lãnh đạo thành công nhiều phong trào đấu tranh chống lại các tập đoàn đa quốc gia và các tổ chức quốc tế khi họ tìm cách chiếm độc quyền và tư nhân hóa các hạt giống, những tri thức cổ truyền và các nguồn tài nguyên thiên nhiên bản địa.

Trong nhiều năm, trong các bài viết lẫn hành động, bà đã tích cực chống lại toàn bộ sự biến đổi từ nền nông nghiệp với hệ hình nông nghiệp sinh thái sang hệ hình công nghiệp. Trong quyển sách mới nhất của bà “Who Really Feeds the World? - Ai thực sự nuôi sống thế giới?”, bà cũng nhấn mạnh rằng “hệ hình công nghiệp của nông nghiệp là nguồn gốc của biến đổi khí hậu”. Chúng ta phải thiết lập khái niệm về sự khác biệt giữa hai hệ hình này như thế nào và chúng đóng vai trò gì trong diễn biến của biến đổi khí hậu?

Bà Vandana Shiva là nhà hoạt động tiên phong về sinh thái. Bà đã tham gia vào các phong trào đấu tranh quần chúng chống lại công nghệ biến đổi gen trên toàn thế giới (Ảnh: Kevin Kane/Getty Images for UNDP)
Bà Vandana Shiva là nhà hoạt động tiên phong về sinh thái. Bà đã tham gia vào các phong trào đấu tranh quần chúng chống lại công nghệ biến đổi gen trên toàn thế giới (Ảnh: Kevin Kane/Getty Images for UNDP)

Bà Vandana Shiva: Có hai hệ hình nông nghiệp khác hẳn nhau. Hệ hình đầu là nông nghiệp công nghiệp hóa, được thiết kế và triển khai bởi “cartel các chất độc”, các doanh nghiệp và nhà máy hóa chất này xuất hiện trong chiến tranh thế giới thứ hai và kiểm soát việc sản xuất hóa chất dùng trong chế tạo chất nổ cũng như trong việc tiêu diệt hàng loạt người.

Sau chiến tranh, họ lại đưa chính những hóa chất này vào các sản phẩm nông hóa - thuốc trừ sâu và phân bón - và họ đã thuyết phục chúng ta rằng chúng ta không thể có thức ăn mà không có các chất độc này. Hệ hình thứ hai là hệ thống nông nghiệp sinh thái đã tiến triển từ 10.000 năm nay và hoạt động cùng với thiên nhiên theo những nguyên tắc sinh thái.

Có một trong hai loại tương lai cho thực phẩm và nông nghiệp ở cuối của mỗi hệ hình.

Một hệ hình dẫn tới ngõ cụt: một hành tinh không có sự sống và bị đầu độc bởi những hệ thống độc canh dựa trên hóa chất, nông dân tự vẫn để thoát khỏi bần cùng do nợ nần, trẻ em chết vì không có thức ăn và người lớn bị những bệnh mãn tính lây lan thông qua những thực phẩm rỗng và độc hại được bày bán như là thức ăn, trong lúc đó những tàn phá của khí hậu hủy hoại sự sống của con người trên trái đất.

Hệ hình thứ hai đưa đến sự trẻ hóa hành tinh thông qua việc tái tạo đa dạng sinh học, tái tạo đất đai, nguồn nước và những nông trại nhỏ đang sản xuất một nguồn thực phẩm đa dạng, lành mạnh, sinh thái và tươi mới cho tất cả mọi người.

Nông nghiệp công nghiệp hóa trên toàn thế giới là một trong những tác nhân quan trọng đóng góp vào biến đổi khí hậu. Một số người ước lượng là ít nhất 25% khí thải toàn cầu có liên quan đến hệ thống thực phẩm công nghiệp: khí dioxide carbon (CO2) do việc sử dụng các chất đốt hóa thạch, oxide ni-tơ (N2O) do việc sử dụng phân bón hóa học và khí mê-tan (CH4) thoát ra từ nông nghiệp công nghiệp hóa.

Theo Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), mật độ CO2 trong khí quyển đã tăng từ khoảng 280 ppm (phần triệu) thời kỳ tiền công nghiệp lên 403,3 ppm năm 2016 do ảnh hưởng của các hoạt động của con người.

húng ta phải tăng cường các trang trại nông nghiệp và phát triển rừng trên phương diện sinh học (Ảnh: MICHAEL TEWELDE / AFP) (Photo by MICHAEL TEWELDE/AFP qua Getty Images)
Chúng ta phải tăng cường các trang trại nông nghiệp và phát triển rừng trên phương diện sinh học (Ảnh: MICHAEL TEWELDE / AFP) (Photo by MICHAEL TEWELDE/AFP qua Getty Images)

Khi mức độ CO2 cũng cao như vậy cách đây 3,5 triệu năm, nhiệt độ trên trái đất nóng hơn từ 2 đến 3 độ và mực nước biển cao hơn từ 10 đến 20 mét. Mật độ khí mê-tan trong bầu khí quyển trên toàn cầu đã tăng từ 715 ppb (phần tỷ) thời kỳ tiền công nghiệp lên 1.774 ppb năm 2005. Mật độ oxide ni-tơ trong bầu khí quyển - phần lớn do sử dụng phân bón hóa học trong nông nghiệp - đã tăng từ khoảng 270 ppb lên 319 ppb trong năm 2005.

Việc khai thác, đốt các nhiên liệu hóa thạch (carbon chết) của Trái Đất và thải ra trong khí quyển những lượng khí thải không kiểm soát được đưa đến sự phá vỡ chu trình carbon và sự mất ổn định của các hệ thống khí hậu. Để hấp thụ nhiều hơn carbon sống trong khí quyển, chúng ta phải tăng cường các trang trại nông nghiệp và phát triển rừng trên phương diện sinh học, về đa dạng sinh học cũng như về sinh khối.

Càng có nhiều đa dạng sinh học và sinh khối, cây cối càng hấp thụ được nhiều carbon và ni-tơ trong khí quyển, điều này làm giảm cả khí thải lẫn các khối dự trữ các chất gây ô nhiễm trong không khí. Cây cối sẽ trả lại carbon cho đất. Do đó nông nghiệp sinh học và biến đổi khí hậu liên quan chặt chẽ với nhau.

Bà có nói “tương lai nằm ở đất”, điều đó có nghĩa là gì? Và theo bà, chúng ta có thể rút ra những bài học quan trọng nào từ những tri thức và thực hành bản địa trong lĩnh vực nông nghiệp để đối phó với những khủng hoảng sinh thái mà ngày nay chúng ta đang đối mặt?

Chúng ta sinh ra từ đất. Chúng ta là đất. Chúng ta cũng được hình thành từ năm yếu tố tạo thành vũ trụ - đất, nước, lửa, không khí và không gian. Điều mà chúng ta làm cho đất đai là điều mà chúng ta làm cho chúng ta. Và không phải ngẫu nhiên khi các từ “humus” - chất mùn - và “humain” - con người - có cùng gốc từ nguyên.

Tất cả các nền văn hóa bản địa đều thừa nhận chúng ta là một với Trái Đất, và chăm sóc đất đai là bổn phận tối cao của chúng ta. Như kinh Vệ Đà xưa (Veda) đã nói (veda từ tiếng sanskrit nghĩa là kiến thức): “Tương lai của bạn nằm trong nắm đất này. Hãy chăm sóc nó, nó sẽ chăm sóc bạn. Phá hủy nó, nó sẽ hủy diệt bạn”.

Không phải ngẫu nhiên khi các từ “humus” - chất mùn - và “humain” - con người - có cùng gốc từ nguyên... Hãy chăm sóc nó, nó sẽ chăm sóc bạn. Phá hủy nó, nó sẽ hủy diệt bạn... (Ảnh" John Moore/Getty Images)

Chân lý sinh thái này đã bị lãng quên trong hệ hình thống trị của nông nghiệp công nghiệp hóa, vốn hoạt động dựa trên một tiền đề sai là chúng ta tách rời và độc lập đối với Trái Đất, về mặt này hay mặt khác, và tiền đề này xác định đất đai là vật liệu chết. Nếu ngay từ đầu đất đai là vật liệu chết, hành động của con người không thể hủy hoại sự sống của nó mà chỉ có thể “cải thiện” nó với phân bón hóa học. Và nếu chúng ta là người chủ và người chinh phục đất đai, chúng ta quyết định vận mệnh của đất - đất không thể quyết định số phận của chúng ta.

Tuy nhiên, lịch sử đã chứng kiến số phận của các xã hội và các nền văn minh liên quan chặt chẽ với cách chúng ta đối xử với đất đai. Chúng ta có sự lựa chọn mối quan hệ của chúng ta với đất đai, theo “Quy luật hoàn trả” hay theo “Quy luật bóc lột và khai thác”.

“Quy luật hoàn trả”, cho lại, đã làm cho các xã hội tạo lập và gìn giữ đất đai màu mỡ và đất đã trợ giúp các nền văn minh trong hàng ngàn năm. “Quy luật bóc lột”, lấy đi mà không cho lại, đã đưa đến sự sụp đổ các nền văn minh. Các xã hội đương thời trên toàn thế giới đang bên bờ sụp đổ khi mà đất bị xói mòn, suy thoái, nhiễm độc, bị chôn dưới bê tông và mất cả sự sống.

Nông nghiệp công nghiệp hóa, dựa trên một hệ hình thiên về cơ giới và sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đã tạo ra sự dốt nát và làm cho chúng ta mù lòa không thấy các tiến trình sống động tạo ra sự sống của đất đai. Thay vì tập trung vào mạng lưới dinh dưỡng, nền nông nghiệp này bị ám ảnh bởi những nguồn cung cấp từ bên ngoài về phân bón hóa học và cơ giới hóa, tạo ra đòi hỏi cấp bách của độc canh - lúc đó sinh học và sự sống bị thay thế bởi hóa học.

Nhà bảo vệ môi trường người Argentina Sofia Gatica bị cảnh sát bắt giữ khi cố gắng ngăn chặn việc phun thuốc ở Dique Chico, tỉnh Cordoba, Argentina (Ảnh: DIEGO LIMA/AFP qua Getty Images)
Nhà bảo vệ môi trường người Argentina Sofia Gatica bị cảnh sát bắt giữ khi cố gắng ngăn chặn việc phun thuốc ở Dique Chico, tỉnh Cordoba, Argentina (Ảnh: DIEGO LIMA/AFP qua Getty Images)

Khi đất đai bị nhiễm độc bởi các yếu tố hóa học, các hệ thống độc canh làm cho đất bị xói mòn bởi gió và nước. Vì chất hữu cơ tạo ra các hạt đất và liên kết chúng lại, nên những vùng đất nghèo nàn chất hữu cơ và được bồi bổ một cách nhân tạo bằng phân bón hóa học dễ bị xói mòn hơn.

Đất bị suy thoái và chết đi, đất không có chất hữu cơ, đất không có các yếu tố sống, đất không có khả năng giữ nước sẽ tạo nên nạn đói và khủng hoảng lương thực - chúng không tạo ra an ninh lương thực. Điều này đặc biệt đúng trong các thời khắc biến đổi khí hậu hiện nay. Nông nghiệp công nghiệp hóa không những là nguyên nhân tạo ra gần 1/4 lượng khí gây hiệu ứng nhà kính góp phần vào biến đổi khí hậu, mà nó còn dễ bị tổn thương trong những điều kiện đó.

Đất giàu chất hữu cơ chống chọi tốt hơn với hạn hán và những điều kiện khí hậu cực đoan. Và sự gia tăng sản xuất chất hữu cơ thông qua những hệ thống có cường độ cao về đa dạng sinh học là phương tiện hiệu quả nhất để rút dioxide carbon ra khỏi khí quyển, đưa vào cây cối, rồi vào đất đai nhờ vào “quy luật hoàn trả”.

“Đất đai, chứ không phải dầu mỏ, nắm giữ tương lai của nhân loại”.

Nông nghiệp công nghiệp hóa dựa trên dầu mỏ, sử dụng với cường độ cao nhiên liệu hóa thạch và hóa chất, đã gây ra các quá trình sinh thái và xã hội giết chết đất, và gây nguy hiểm cho tương lai của chúng ta.

Rõ ràng là phải giành lấy quyền lực to lớn đang ở trong tay các tập đoàn lớn về nông nghiệp và nông hóa, đến lượt họ lại nhận được sự hỗ trợ quan trọng của một số quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Cuộc chiến đấu của các nông dân nhỏ bé chống lại những tập đoàn đa quốc gia như Monsanto tương tự như một trường hợp điển hình của David chống lại Goliath. Bà thấy ở đâu cuộc chiến đấu đặc biệt không cân sức này? Ta tìm thấy hy vọng ở đâu? Bà có thấy xã hội sẽ có những cơ hội lấy lại việc kiểm soát sản xuất thực phẩm của chính họ trước sự tập trung tư bản nông nghiệp?

Cartel các chất độc, sau một loạt sáp nhập, đã thu gọn lại thành một cartel của ba công ty đầu độc - Monsanto Bayer, Dow Dupont và Syngenta ChemChina - đã hoàn thiện các sản phẩm hóa học mà Đức Quốc xã đã sử dụng trong các trại diệt chủng. Sau chiến tranh, chính những sản phẩm hóa học ngày trước được dùng để giết người lại được đưa vào nông nghiệp công nghiệp hóa dưới dạng thuốc trừ sâu bệnh. Sau đó họ đã cố chiếm lấy việc kiểm soát các hạt giống của chúng ta thông qua công nghệ biến đổi gen và các bằng sáng chế.

Nhưng có một cách để lấy lại các hạt giống của chúng ta: việc kiểm soát giống thuộc về nông dân nhờ sự tự do của hạt giống. Hoàn toàn trái ngược với một hệ thống xem hạt giống như sở hữu trí tuệ của một công ty. Mỗi địa điểm và mỗi cơ sở có thể là nơi diễn ra một cuộc cách mạng chống lại cartel sản xuất chất độc, nguyên nhân của một thế kỷ hủy diệt sinh thái và con người. Đã đến lúc cần gieo những hạt giống để làm hòa với đất và thu hồi các quyền tự do của chúng ta.

Satyagraha, “sức mạnh của chân lý”, hay sự kháng cự bất bạo động của quần chúng do Mahatma Gandhi đề xướng là quan trọng hơn bao giờ hết trong thời đại “hậu chân lý” của chúng ta. Satyagraha đã luôn luôn được xây dựng dựa trên sự thức tỉnh của lương tri, sức mạnh bên trong của chúng ta, để chống lại vũ lực thô bạo từ bên ngoài. Đó là một sự đáp trả tự sáng tạo (bằng cách tự duy trì, tự tổ chức và tự điều tiết) trước một hệ thống tàn bạo và bất công áp đặt từ bên ngoài. Như Gandhi đã nói: “Satyagraha là một tiếng nói ‘Không’ đến từ lương tri cao nhất của chúng ta”.

Chính những sản phẩm hóa học ngày trước được dùng để giết người lại được đưa vào nông nghiệp công nghiệp hóa dưới dạng thuốc trừ sâu bệnh (Ảnh: NARINDER NANU/AFP qua Getty Images)Chính những sản phẩm hóa học ngày trước được dùng để giết người lại được đưa vào nông nghiệp công nghiệp hóa dưới dạng thuốc trừ sâu bệnh (Ảnh: NARINDER NANU/AFP qua Getty Images)
Chính những sản phẩm hóa học ngày trước được dùng để giết người lại được đưa vào nông nghiệp công nghiệp hóa dưới dạng thuốc trừ sâu bệnh (Ảnh: NARINDER NANU/AFP qua Getty Images)

Từ năm 1987, khi lần đầu tiên tôi nghe những doanh nghiệp nói về sở hữu những hạt giống thông qua quyền sở hữu trí tuệ, lương tri của tôi không chấp nhận điều đó. Tôi đã cam kết suốt đời bảo tồn các hạt giống và không hợp tác với chế độ các quyền sở hữu trí tuệ đang biến việc bảo tồn và trao đổi hạt giống thành tội phạm.

Bija Satyagraha, hay Hạt giống Satyagraha, là một phong trào quần chúng ủng hộ sự trỗi dậy của Hạt giống thật, với cam kết: “Chúng tôi đã nhận những hạt giống này từ thiên nhiên và từ tổ tiên chúng tôi. Bổn phận của chúng tôi đối với các thế hệ tương lai là chuyển giao hạt giống với sự giàu có của đa dạng và toàn vẹn mà chúng tôi đã tiếp nhận chúng. Do đó, chúng tôi sẽ không tuân theo bất cứ một luật lệ nào, không tiếp nhận bất cứ công nghệ nào xen vào các bổn phận cao cả của chúng tôi đối với Trái Đất và các thế hệ tương lai. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo tồn và chia sẻ những hạt giống của chúng tôi”.

Satyagraha Planétaire (Sức mạnh chân lý toàn cầu) mà chúng ta cần hôm nay là mỗi người trong chúng ta giải phóng khỏi nhà những nhà tù trong trí óc của chúng ta, những nhà tù do một thiểu số tạo ra (1%), và họ bịa đặt ra những ảo tưởng. Giải phóng trí hiểu biết của chúng ta và những quyền năng mà chúng ta vốn có để suy nghĩ lại về những mối quan hệ thực sự của chúng ta với Trái Đất và giữa chúng ta với nhau.

Bà thường nhắc đến mối quan hệ giữa việc cấp bằng sáng chế các hạt giống - bằng cách biến chúng thành nông phẩm phải chịu những quyền sở hữu tư nhân - và nợ nần của nông dân địa phương với hậu quả là có hơn 300.000 vụ tự tử chỉ riêng ở Ấn Độ. Bà có thể nói một chút về tác động của việc đưa lý tính tư bản chủ nghĩa vào việc sản xuất lương thực tại các nước đang phát triển, và có những hậu quả xã hội như thế nào?

Ấn Độ là một vùng đất giàu đa dạng sinh học. Từ hơn 10.000 năm nay, nông dân Ấn Độ đã dùng những kiến thức bản địa xuất sắc của họ để thuần hóa và cải thiện hàng ngàn loại cây trồng, trong đó có 200.000 giống lúa gạo, 1.500 giống lúa mì, 1.500 giống chuối và xoài, và hàng trăm loại đậu và cây có dầu, kê và các loại tương đương ngũ cốc, đủ loại rau củ và gia vị.

Sự thành thạo và đa dạng này trong việc gây giống bị dừng lại đột ngột khi các doanh nghiệp và nhà máy sản xuất hóa chất nông nghiệp áp đặt Cách mạng Xanh lên chúng tôi trong những năm 1960, sau chiến tranh thế giới thứ hai, họ tìm kiếm một cách điên cuồng những thị trường mới cho phân bón tổng hợp được sản xuất trong những nhà máy sản xuất chất nổ trong chiến tranh.

Trong cùng luồng tư tưởng với quá trình xâm chiếm thuộc địa trong quá khứ, những hiểu biết của chúng tôi trong việc tuyển chọn và nhân giống đã bị chối bỏ, những hạt giống của chúng tôi bị cho là “sơ khai” và chúng tôi bị di dời đi nơi khác.

Người ta đã áp đặt một loại “hiểu biết” cơ học của nhân giống công nghiệp dành cho sự thuần nhất, cho những hóa chất được đưa từ bên ngoài vào. Thay vì tiếp tục phát triển các giống loài đa dạng, nền nông nghiệp và thực phẩm của chúng tôi bị thu hẹp vào lúa gạo và lúa mì.

Những hạt giống do các doanh nghiệp sản xuất phản ứng lại những sản phẩm hóa học của họ. Các hóa chất cần nông nghiệp độc canh để hoạt động một cách tối ưu và có lợi nhuận, đến lượt chúng lại dễ bị tổn thương do những hậu quả của biến đổi khí hậu mà chính nông nghiệp công nghiệp hóa đã góp một phần đáng kể.

Công nghiệp biến đổi gen những hạt giống đã được cartel các chất độc phát động vì họ đã thấy khả năng thu lợi tức từ nông dân bằng cách áp đặt các bằng sáng chế đối với việc sử dụng hạt giống theo những thỏa thuận tự do thương mại. Như một người đại diện Monsanto đã nói: “Chúng tôi vừa là bệnh nhân, vừa là người chẩn đoán và là bác sĩ”.

Các nhà hoạt động tham gia cuộc tuần hành chống lại gã khổng lồ hóa chất nông nghiệp Hoa Kỳ Monsanto và các sản phẩm thực phẩm GMO với thông điệp "Nhân loại sẽ kết thúc Monsanto hoặc Monsanto sẽ kết thúc nhân loại" (Ảnh: ROBYN BECK/AFP qua Getty Images)
Các nhà hoạt động tham gia cuộc tuần hành chống lại gã khổng lồ hóa chất nông nghiệp Hoa Kỳ Monsanto và các sản phẩm thực phẩm GMO với thông điệp "Nhân loại sẽ kết thúc Monsanto hoặc Monsanto sẽ kết thúc nhân loại" (Ảnh: ROBYN BECK/AFP qua Getty Images)

Và vấn đề mà họ chẩn đoán là nông dân giữ lại những hạt giống. Trường hợp Monsanto và hạt giống bông vải biến đổi gen có tên là “coton Bt” là một ví dụ rõ ràng. Nhằm buộc nông dân sử dụng hạt giống coton Bt, Monsanto đã chiếm độc quyền ngăn cản nông dân tiếp cận với các hạt giống bông vải khác. Hiện nay, 99% bông vải được trồng là từ hạt giống coton Bt. Trong thời gian đó, Monsanto đã tăng giá hạt giống lên gần 80.000%, buộc nông dân phải mắc nợ quá nhiều để mua thứ cần thiết nhất cho mùa màng của họ.

Giống coton Bt - được bán ở Ấn Độ với tên Bollgard - được giới thiệu là kháng sâu bệnh phá hoại, và như vậy nông dân không cần dùng thuốc trừ sâu. Nhưng theo thời gian, vì sâu bệnh trở nên đề kháng với giống coton Bt, việc sử dụng thuốc trừ sâu tại một vài bang của Ấn Độ đã tăng gấp 13 lần từ khi trồng giống bông biến đổi gen. Hậu quả là có hàng trăm nông dân đã chết vì bị ngộ độc thuốc trừ sâu và hàng ngàn nông dân khác đã tự vẫn vì mắc nợ.

Chủ quyền của nông dân đối với hạt giống là cốt lõi của những giải pháp cho nạn dịch tự tử của nông dân. Chỉ khi nào nông dân sử dụng được hạt giống của chính họ thì họ mới thoát khỏi nợ nần. Và cũng chỉ thông qua chủ quyền về hạt giống thì thu nhập của nông dân mới có thể tăng lên. Các nhà sản xuất bông vải sinh học được lợi nhiều hơn khi tránh được hạt giống và sản phẩm hóa học đắt tiền. Bông vải sinh học là tương lai.

Dân cư các nước đang phát triển, nhất là những người mà phương tiện sinh tồn của họ tùy thuộc trực tiếp vào môi trường thiên nhiên - bị ảnh hưởng quá mức bởi tác động của biến đổi khí hậu. Theo bà, cần có những biện pháp gì trước mắt để giảm đến mức tối thiểu mối đe dọa mà biến đổi khí hậu đè nặng trên những nhóm dân cư dễ bị tổn thương này, bởi vì chính phủ của một số nước giàu nhất có vẻ không quan tâm đến việc tránh xa thực trạng này?

Thật là bi đát, chính những người tham gia ít nhất vào thải khí gây hiệu ứng nhà kính lại chịu khổ nạn nhiều nhất của rối loạn khí hậu: các cộng đồng dân cư vùng núi cao Hymalaya đã mất nguồn nước cùng với sự tan chảy và biến mất của băng hà, nông dân đồng bằng sông Hằng đã mất mùa vì hạn hán và lũ lụt, các cộng đồng dân cư ven biển và hải đảo phải đối mặt với mối đe dọa mới về mực nước biển dâng và sự gia tăng các cơn bão.

Biến đổi khí hậu, những hiện tượng thiên nhiên cực đoan và những thảm họa khí hậu nhắc chúng ta ngày càng nhiều hơn rằng thực chất chúng ta là một phần của Trái Đất. Mỗi hành động bạo lực gây xáo trộn các hệ sinh thái đều đe dọa đời sống của chúng ta.

Với tư cách là công dân của Trái Đất, mỗi người trong chúng ta có thể hành động để bảo vệ nó. Nông nghiệp công nghiệp hóa là tác nhân chính của biến đổi khí hậu. Chuyển qua nông nghiệp sinh học là một đòi hỏi cấp bách cho sức khỏe của chúng ta và của hành tinh, cho công bằng về khí hậu và dân chủ trên Trái Đất.

Vì vậy, trong các cuộc họp ở Paris về biến đổi khí hậu (COP21), tập thể chúng tôi đã trồng một vườn cây và xây dựng một hiệp ước để bảo vệ Trái Đất. Mỗi khu vườn có thể là nhỏ, nhưng khi hàng triệu người cùng bắt tay nhau hành động, họ bắt đầu chuyển từ carbon hóa thạch, phải được nằm yên trong lòng đất, qua carbon sống mà chúng ta phải vun trồng khắp nơi để chữa lành đất, tạo nên sức chống chịu khí hậu và phục hồi sự tươi trẻ của Trái Đất.

Gần đây nhân loại đã vượt qua một ngưỡng quan trọng, đó là hơn một nửa dân số thế giới ngày nay sống trong các vùng đô thị. Điều này dường như gây ra xung đột giữa những lợi ích môi trường của nông nghiệp sinh thái theo quy mô nhỏ và sự cần thiết phải nuôi sống hàng tỷ người vì họ không thể - và thường là không muốn - canh tác để có thực phẩm trong môi trường chung quanh họ. Làm thế nào để giải quyết nghịch lý này?

Bảo vệ hành tinh và bảo đảm thức ăn nuôi sống mọi người không xung khắc nhau. Hệ thống công nghiệp tàn phá sức khỏe của hành tinh cũng là nguồn gốc của nạn đói, suy dinh dưỡng và bệnh tật. Rõ ràng là nông nghiệp công nghiệp hóa đã thất bại với tư cách là một hệ thống lương thực thực phẩm.

Trái với ngộ nhận cho rằng phải loại trừ các tiểu nông vì họ không có năng suất và chúng ta phải đặt tương lai thực phẩm của chúng ta trong tay của những cartel chất độc, drone (máy bay không người lái) giám sát và phần mềm gián điệp, ta phải giữ trong đầu ý nghĩ rằng các tiểu nông cung cấp 70% thực phẩm toàn thế giới trong khi chỉ dùng 30% các nguồn lực cho nông nghiệp.

Bảo vệ hành tinh và bảo đảm thức ăn nuôi sống mọi người không xung khắc nhau (Ảnh: David McNew/Getty Images)
Bảo vệ hành tinh và bảo đảm thức ăn nuôi sống mọi người (với hơn một nửa dân số thế giới ngày nay sống trong các vùng đô thị) không xung khắc nhau (Ảnh: David McNew/Getty Images)

Nông nghiệp công nghiệp hóa sử dụng 70% nguồn lực để tạo ra 1/4 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, mà chỉ cung cấp 30% lượng thực phẩm của chúng ta. Nền nông nghiệp này dựa trên những sản phẩm cơ bản đã gây ra 75% sự tàn phá đất đai, 75% sự tàn phá các nguồn tài nguyên nước và gây ô nhiễm cho sông, hồ và đại dương. Cuối cùng, như tôi đã nêu ra trong quyển sách của tôi “Who Really Feeds the World” (Ai thực sự nuôi sống thế giới?), 93% sự đa dạng của các loại hình canh tác đã bị tiêu diệt bởi nông nghiệp công nghiệp hóa.

Với nhịp độ này, nếu phần của nông nghiệp công nghiệp hóa và thức ăn công nghiệp trong thực phẩm của chúng ta tăng lên 45%, chúng ta sẽ có một hành tinh chết. Sẽ không có sự sống, không có thực phẩm trên một hành tinh chết. Vì vậy, việc làm trẻ lại và tái tạo hành tinh của chúng ta bằng các tiến trình sinh thái đã trở nên một đòi hỏi cấp bách cho sự sống còn của loài người và tất cả mọi người. Việc chuyển từ nhiên liệu hóa thạch và carbon chết qua các tiến trình sống dựa trên sự gia tăng và tái tạo carbon sống là cốt lõi của quá trình chuyển đổi.

Làm trẻ lại và tái tạo hành tinh của chúng ta bằng các tiến trình sinh thái đã trở nên một đòi hỏi cấp bách cho sự sống còn của loài người và tất cả mọi người. Việc chuyển từ nhiên liệu hóa thạch và carbon chết qua các tiến trình sống dựa trên sự gia tăng và tái tạo carbon sống là cốt lõi của quá trình chuyển đổi.

Công việc của tổ chức phi chính phủ Navdanya của tôi trong ba mươi năm trở lại đây đã chỉ ra rằng chúng ta có thể sản xuất nhiều thực phẩm hơn và cung cấp thu nhập cao hơn cho nông dân mà không tàn phá môi trường và giết chết nông dân. Nghiên cứu của chúng tôi có tựa đề “Nông nghiệp sinh học dựa trên đa dạng sinh học: một hệ hình mới cho an ninh và sự lành mạnh của thực phẩm” đã xác nhận rằng những nông trại sinh học nhỏ dựa trên đa dạng sinh học sản xuất nhiều thực phẩm hơn và đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân.

Ngoài ra, đa dạng sinh học và những hệ thống sản xuất thực phẩm địa phương đóng góp cùng lúc vào việc giảm nhẹ và thích nghi với biến đổi khí hậu. Những nông trại sinh học và đa dạng sinh học quy mô nhỏ - đặc biệt là tại các nước đang phát triển - hoàn toàn tránh khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Năng lượng dùng cho các nông trại có nguồn gốc từ năng lượng động vật. Đất đai màu mỡ được tự tạo nên bằng cách cung cấp thức ăn cho những hạt của đất thông qua việc tái tạo chất hữu cơ. Điều này làm giảm bớt thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Các hệ thống đa dạng sinh học cũng chống chọi tốt hơn hạn hán và lũ lụt vì chúng có khả năng giữ nước tốt hơn và như vậy sẽ góp phần vào sự thích nghi với biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu của Navdanya về biến đổi khí hậu và nông nghiệp sinh học đã cho thấy nông nghiệp sinh học gia tăng hấp thụ carbon đến 55% và khả năng giữ nước đến 10%, như vậy nó đóng góp vào giảm nhẹ lẫn thích nghi với biến đổi khí hậu.

Những nông trại sinh học phong phú trên phương diện đa dạng sinh học sản xuất nhiều thực phẩm hơn và tạo ra thu nhập cao hơn các mô hình độc canh công nghiệp. Giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và gia tăng an ninh lương thực có thể đi cùng nhau.

Bằng cách dùng hạt giống bản địa và thực hành nông nghiệp sinh thái, các tiểu nông Ấn Độ có thể sản xuất đủ thức ăn lành mạnh và bổ dưỡng cho tương đương hai nước Ấn Độ mà không phải tốn đồng tiền quý báu của họ để mua chất độc, và nhờ không sản xuất các hạt biến đổi gen, họ có tiềm năng tăng thu nhập lên gấp mười lần, và chấm dứt nạn tự tử của nông dân. Tôi làm việc vì một nước Ấn Độ và một thế giới không có chất độc, không nợ nần, không tự tử, không đói kém và không suy dinh dưỡng.

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

Hệ thống nông nghiệp sinh thái - Khi chúng ta sống mà không cần ‘thuốc độc’