Hệ thống phân công lao động bị phá vỡ: Mối nguy hiểm sâu sắc với kinh tế Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người dân Mỹ đang trải qua một thời kỳ khó khăn, không chỉ bởi các dữ liệu kinh tế được thống kê, mà còn trong sự đổ vỡ và đứt gãy về kinh tế mà họ đang chứng kiến hàng ngày. Đằng sau đó là một mối nguy hiểm nghiêm trọng: Sự phân công lao động hình thành trong hàng trăm năm bị phá vỡ.

Thời kỳ khó khăn của người dân Mỹ

Cuộc tranh luận về việc liệu nước Mỹ có đang rơi vào suy thoái hay không đã lan tràn trên các trang tin tức trong tuần vừa qua. Nó đã trở thành một cuộc chiến ngôn từ mang ý nghĩa chính trị cao nhưng lại có ý nghĩa thực tế thấp đối với người dân thường tại Mỹ.

Người dân Mỹ đang làm gì để vượt qua thời kỳ khó khăn này? Họ đang từ bỏ hàng tạp hóa cao cấp và lao vào các cửa hàng giảm giá. Họ đang cắt bớt các kế hoạch du lịch, gia tăng nợ thẻ tín dụng và nỗ lực hết sức tìm kiếm các khoản tiết kiệm chi phí. Họ đang mua hàng với số lượng lớn vì sợ thiếu hàng và nhét các đồ dùng thừa vào khắp nơi. Và những người chọn đi làm đang bám chặt lấy công việc họ có vì lo sợ cho tương lai, trong khi các tập đoàn lớn đang loại bỏ các nhân viên hành chính chỉ để có thể tồn tại.

Dữ liệu về thu nhập cá nhân khả dụng thực (thu nhập cá nhân sau khi trừ các khoản phí, có thể dùng để chi tiêu, sau khi điều chỉnh theo lạm phát) phản ánh tình hình thực tế. Người dân Mỹ không cần phải chờ đợi số liệu GDP được công bố. Họ biết chính xác điều gì đang xảy ra bởi vì họ cảm nhận được điều đó trong mức sống đang suy giảm của họ. Thu nhập sau thuế thực (đã điều chỉnh theo lạm phát) giảm 8,3% trong năm nay. Trong các tháng qua kể từ tháng 4 năm 2021, người Mỹ đã ở trong giai đoạn sụt giảm thu nhập khả dụng thực dài nhất kể từ Thế chiến thứ 2. Giá trị của đồng USD giảm 14% so với 18 tháng trước. Tình hình có chỗ còn nghiêm trọng hơn nhiều. Giá năng lượng tăng 41% và hàng tạp hóa tăng 12,2%.

Hệ thống phân công lao động bị phá vỡ: Mối nguy hiểm sâu sắc với kinh tế Mỹ
Biểu đồ phần trăm thay đổi thu nhập cá nhân khả dụng thực so với một năm trước. Phần màu xanh: thu nhập cá nhân khả dụng thực. Cột dọc bên trái: tỷ lệ phần trăm thay đổi so với một năm trước. (Dữ liệu: Dữ liệu kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang [FRED], St. Louis Fed; Biểu đồ: Jeffrey A. Tucker)

Những câu chuyện về đổ vỡ kinh tế tại Mỹ

Những điều đó thậm chí cũng không phản ánh hết toàn bộ vấn đề tại Mỹ. Vào cuối tuần qua, tôi đã thấy giá ức bò ở mức 13 USD một pound từ cùng một nguồn mà chỉ năm ngoái thôi đã bán cùng sản phẩm đó với giá 4,50 USD. Điều đó tác động tới giá thịt nướng barbecue bán lẻ ở mức hoàn toàn khiến tôi bị sốc. Cửa hàng thịt nướng yêu thích của tôi vừa tăng giá lên 21 USD một pound. Và đây không phải là một nơi sang trọng mà là một doanh nghiệp gia đình đáng tin cậy và không ồn ào. Họ vẫn đang kiếm đủ sống nhưng chỉ vừa đủ.

Tôi đã dành một chút thời gian với chủ cửa hàng để hiểu được những khó khăn. Ông ấy không còn có thể bán đặc sản một thời của cửa hàng - dê nướng - vì thịt đắt đến mức hoàn toàn không mua nổi. Khi chúng tôi trò chuyện, một người chăn nuôi dê tình cờ xuất hiện và nói về những khó khăn của chính ông ấy. Bất chấp mức giá cao cuối cùng mà ông ấy có thể nhận được, lợi nhuận ngày càng giảm đi và giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao ngất ngưởng. Một nông dân cũng ở đó và nói về chi phí phân bón cho thức ăn.

Đây là cách các thị trường hoạt động. Chúng thật đẹp và kỳ diệu khi đồng tiền có giá trị, chuỗi cung ứng đáng tin cậy, và kế toán về chi phí đưa ra bức tranh về thực tế kinh tế ổn định và có thể dự đoán được. Nhưng lạm phát thay đổi mọi thứ và ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Người dân Mỹ bắt đầu cảm thấy phải chiến đấu để duy trì sự tồn tại bởi vì người ta không bao giờ biết cú sốc mới nhất sẽ tấn công vào đâu. Mỗi sự tăng giá đều ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực khác.

Hãng thịt nướng không còn đủ khả năng thuê nhân viên, vì người chủ phải trả quá nhiều tiền để mua sự chú ý và sức lao động của họ. Vì vậy, cuối cùng chính ông ấy phải nấu ăn, cắt thịt, vận hành bán lẻ, và dọn dẹp bàn ăn. Ông ấy bày tỏ sự thất vọng khi không thể tìm thấy những nhân viên sẽ có thể làm việc nhiều giờ, có mặt theo cách mà ông ấy có thể tin tưởng hoặc nhìn nhận công việc một cách nghiêm túc.

Hệ thống phân công lao động bị phá vỡ: Mối nguy hiểm sâu sắc với kinh tế Mỹ
Người dân mua sắm tại cửa hàng tạp hóa ở Rosemead, California, Mỹ vào ngày 21/04/2022. (Ảnh: FREDERIC J. BROWN / AFP qua Getty Images)

Tôi tạo thói quen đến thăm các thương gia và chủ doanh nghiệp bất cứ khi nào tôi có thể. Vấn đề lớn nhất hiện nay rõ ràng là việc tìm kiếm người lao động. Bạn có thể nhận được hàng trăm đơn đăng ký, chỉ để hiểu ra rằng hàng triệu người nộp đơn xin việc chỉ để đáp ứng yêu cầu của văn phòng thất nghiệp, vốn đòi hỏi bằng chứng về việc tìm kiếm việc làm để duy trì trợ cấp.

“Mọi người đều muốn kiếm được nhiều tiền nhưng không ai muốn làm việc,” là một điệp khúc mà tôi đã nghe đi nghe lại trong mọi ngành, từ dịch vụ kế toán đến vệ sinh hồ bơi cho đến phục vụ quán bar. Khách hàng đang xếp hàng dài và các người chủ đã sẵn sàng thuê nhân viên nhưng họ không thể thuê được lao động. Một nhân viên tài năng và tận tâm có vẻ là điều hiếm có trong những ngày này.

Có một câu chuyện ngắn về một khách sạn Mỹ từng một thời có chất lượng mà tôi đã ở (tôi sẽ bỏ qua các chi tiết về khách sạn hoặc tên). Chìa khóa điện tử của toàn khách sạn bị trục trặc. Mọi người xếp hàng để có chìa khóa mới, sau đó quay trở về phòng của họ và phát hiện ra rằng nó vẫn không hoạt động, và sau đó quay trở lại. Người quản lý tại chỗ đã phải di chuyển từ tầng này sang tầng khác để giúp mọi người vào phòng của họ.

Chiếc máy làm chìa khóa điện tử đã bị hỏng nhưng ban quản lý khách sạn không thể nhờ ai vào sửa, ít nhất là trong vài ngày. Thời gian chờ đợi trợ giúp kỹ thuật qua điện thoại cho chiếc máy rất đắt tiền này được tính bằng giờ. Kết quả là, tất cả mọi nhân viên đã hoàn toàn bị phát điên. Và, theo lẽ tự nhiên, tất cả họ đều có tâm trạng tồi tệ và đối xử tệ với khách hàng, điều khiến khách hàng quay lại đối xử tệ với họ.

Thiết bị nổi trong bồn cầu bị kẹt nhưng khách sạn không tìm được thợ sửa ống nước, vì vậy cuối cùng tôi đã tự sửa nó. Đối với hồ bơi, nó đã phải đóng cửa vì công ty kiểm tra độ an toàn nước không hề tới, trong nhiều ngày. Để tránh các vấn đề về trách nhiệm, khách sạn đã phải đóng cửa hoàn toàn hồ bơi.

Đối mặt với tất cả những thất vọng này, tôi đến một quán bia ở trung tâm thành phố, nơi thường có nhạc sống. Vì những lý do không ai có thể hiểu được, ban nhạc đã không xuất hiện. Họ cũng không cho ai biết trước. Cũng chỉ có một người đứng sau quầy và một hàng dài người đang đợi chỉ để gọi đồ gì đó.

Mối nguy hiểm sâu sắc

Đây là những câu chuyện nhỏ về sự đổ vỡ của nền kinh tế Mỹ, nhưng tôi chắc chắn rằng người dân Mỹ có thể kể những câu chuyện tương tự từ thị trấn của họ hoặc chuyến du lịch của họ. Có một vấn đề lớn hơn nhiều đang ngày một phát triển ở nước Mỹ ngoài việc đứt gãy chuỗi cung ứng, vấn đề vốn vẫn chưa được khắc phục. Chúng ta ngày càng chứng kiến nhiều bằng chứng về một điều gì đó nghiêm trọng hơn nhiều và khó có thể sửa chữa hơn: bản thân sự phân công lao động bị phá vỡ.

Hãy xem xét động lực thúc đẩy nhà kinh tế học người Scotland, Adam Smith viết cuốn “Sự giàu có của các quốc gia”, xuất bản năm 1776. Ông đã cố gắng đưa ra một lời giải thích hợp lý cho hiện tượng bất thường nhất trong thời đại của mình: sự gia tăng mức sống không chỉ của giới giàu có và quyền lực mà còn của tất cả mọi người. Thế giới cổ đại đã không trải qua điều này. Tại sao nó lại xảy ra tại thời điểm đó và điều gì đã tạo ra nó?

Lời giải thích dài dòng và chi tiết của Adam Smith cuối cùng trở nên vừa đẹp đẽ vừa nhàm chán. Ông giải thích làm cách nào mọi người học cách hợp tác với nhau trong các doanh nghiệp ngày càng lớn hơn bằng cách tập trung vào chuyên môn hóa. Họ học một kỹ năng một cách thực sự tốt và vận dụng nó với trình độ cao, trong khi kỳ vọng những người khác sẽ làm điều tương tự. Hệ thống phân chia lao động này làm sống lại câu ngạn ngữ cổ của Anh rằng nhiều người góp sức sẽ khiến công việc trở nên nhẹ nhàng. Nó cũng tạo ra sự giàu có, giống như một phép màu.

Điều gì giúp chúng ta việc triển khai một hệ thống như vậy ở mức độ ngày càng phức tạp hơn? Lòng tin, quyền sở hữu, việc đảm bảo sự tôn trọng hợp đồng, và quyền tự do được thử và xây dựng mà không bị xâm phạm bởi các hành vi phạm tội công và tư. Kết quả là tuyệt vời và đầy mạnh mẽ, chúng ta có một cỗ máy tạo ra của cải mang lại lợi ích cho mọi người trong xã hội.

Thời đại hiện nay của chúng ta đã dạy chúng ta biết rằng hệ thống này thực sự dễ bị tổn thương như thế nào. Xâm phạm quyền của chủ sở hữu, người lao động và người dân nói chung và bạn sẽ làm nhiễu loạn và làm gián đoạn mạng lưới phức tạp đó. Bạn làm tổn hại đến các mối quan hệ về lòng tin. Bạn phá hoại đạo đức và làm mất tinh thần của người dân. Bạn sẽ có nguy cơ mất đi sự thịnh vượng. Đây là một bản tóm tắt tốt về kinh tế học của thời đại ngày nay.

Suy thoái tại Mỹ là có thật, nhưng nguyên nhân sâu xa của nó không chỉ do chính sách tồi tệ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ; nó còn do một vấn đề rộng lớn hơn về cách thức vô nhân đạo mà các chính quyền đã đối xử với người dân trong 2 năm rưỡi qua. Đây không chỉ là vấn đề của thị trường chứng khoán hay của chương trình lương hưu 401(k). Sự đổ vỡ trong hoạt động cơ bản của thị trường đã khiến mọi thứ chúng ta yêu quý gặp rủi ro nghiêm trọng. Nó làm thế giới trở nên xấu xí và thô tục, làm gián đoạn quá trình xây dựng sự thịnh vượng, và gây ra sự mất phương hướng và rối loạn ở quy mô khổng lồ. Và chúng ta mất đi sự thịnh vượng.

Hệ thống phân công lao động bị phá vỡ: Mối nguy hiểm sâu sắc với kinh tế Mỹ
Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden, Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris chào mừng các vị khách đến dự Buổi dã ngoại của Quốc hội tại Bãi cỏ phía Nam của Tòa Bạch Ốc vào ngày 12/07/2022 tại Washington, DC. (Ảnh: Chip Somodevilla / Getty Images)

Tôi chỉ kể một vài câu chuyện nhỏ ở trên nhưng hiện nay vấn đề đang lan rộng, và ta thấy nó ở mọi thứ và mọi nơi tại Mỹ. Cho dù đó là giá xăng, tình trạng thiếu lao động lành nghề, việc hoãn chuyến bay, thời gian chờ hỗ trợ kỹ thuật, sự chậm trễ kéo dài để có được các bộ phận dùng để sửa chữa bất cứ thứ gì, hay sự biến mất bí ẩn của hàng triệu người lao động, tất cả đều chỉ ra một mối nguy hiểm sâu sắc. Sự phân công lao động đã hình thành hàng trăm năm nay đang đối mặt với một mối đe dọa sống còn.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo của nước Mỹ đa phần hành động như con chó trong meme có ngôi nhà đang cháy (một bức hình có tính châm biếm khi một con chó cảm thấy ổn trong khi lửa đang bốc lên xung quanh). Họ nói, "Điều này là ổn". Chắc chắn không còn một linh hồn đang sống nào thực sự còn tin họ nữa.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Đức Duy

Theo Jeffrey A. Tucker - The Epoch Times

Tác giả Jeffrey A. Tucker là nhà sáng lập và Chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng nghìn bài báo trên các tờ báo nổi tiếng, cũng như tác giả của 10 cuốn sách viết bằng 5 thứ tiếng với cuốn sách gần đây nhất là “Liberty or Lockdown”. Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết các bài bình luận về kinh tế cho The Epoch Times và nói chuyện về nhiều chủ đề như kinh tế, công nghệ, triết học xã hội và văn hóa.



BÀI CHỌN LỌC

Hệ thống phân công lao động bị phá vỡ: Mối nguy hiểm sâu sắc với kinh tế Mỹ