Hệ thống tài chính toàn cầu có trụ vững nếu Deutsche Bank phá sản?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tháng 10/2008, tuyên bố phá sản của Ngân hàng Lehman Brother - ngân hàng có lịch sử 158 năm hoạt động - đã đánh dấu thời điểm sụp đổ của quân domino đầu tiên trong hệ thống tài chính thế giới cho cuộc khủng hoảng 2007-2008. Giờ đây, Deutsche Bank - ngân hàng lâu đời và danh tiếng trên thị trường tài chính toàn cầu đang trong bối cảnh tương tự về tình trạng nợ và tài sản…

Deutsche Bank được thành lập 149 năm trước vào tháng 3 năm 1870 tại Đức, hoạt động tại 58 quốc gia và có 89.958 nhân viên tính tới quý III năm 2019. Ngân hàng Deutsche Bank là một trong 17 ngân hàng lớn nhất trên thế giới với 1,5 nghìn tỷ USD tài sản.

Thông tin về việc Deutsche Bank đang đệ đơn phá sản vẫn chưa được xác nhận chính thức, nhưng nếu đây là sự thật, lịch sử có thể sẽ lặp lại và hệ thống tài chính thế giới sẽ khó mà đứng vững, đặc biệt trong bối cảnh nợ toàn cầu cao kỷ lục, tăng trưởng chậm lại, rủi ro địa chính trị leo thang.

Deutsche Bank lỗ nặng trong bối cảnh các ngân hàng thương mại châu Âu cũng chật vật với huy động và cho vay

Tình hình kinh doanh của Deutsche Bank hết sức bi đát. Số liệu của Statista cho thấy ngân hàng này đã không thể sinh lời trong suốt 5 năm qua và lỗ nặng vào năm 2019, ở mức 3,150 tỷ euro trong quý II và tiếp tục lỗ 832 triệu euro trong quý III sau đó. Ngân hàng này đã phải sa thải tới 18.000 nhân viên trên khắp toàn cầu. Theo Nasdaq.com, tính đến cuối năm ngoái, ngân hàng này có tổng tài sản là 1,541 nghìn tỷ đô la và tổng nợ phải trả là 1,469 nghìn tỷ đô la.

Theo số liệu của Bloomberg, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu ROE của Deutsche Bank thấp hơn nhiều so với mức sinh lời bình quân của các ngân hàng tại châu Âu trong suốt giai đoạn 2012-2019. Các ngân hàng tại châu Âu thực tế đã và đang trải qua một thời gian đầy khó khăn với mức lợi suất âm khiến nguồn tiền có nhu cầu cất giữ trong ngân hàng sụt giảm mạnh, ngoài ra việc giảm phát cũng khiến việc cho vay ra khó khăn hơn cũng như biên lợi nhuận mỏng đi đáng kể.

Không những thế, Deutsche Bank còn bị chính phủ Nga phạt thêm 20 tỷ USD do có liên quan đến bê bối rửa tiền tại nước này, và Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ cũng phạt ngân hàng này 500.000 USD do công bố thông tin không đầy đủ về các quỹ phòng hộ (hedge fund) có liên quan. Trong năm 2016, Deutsche Bank cũng từng bị SEC phạt 14 tỷ USD do bán các sản phẩm chứng khoán thế chấp (mortgage securities) sai quy định.

See the source image
Lợi nhuận/Lỗ của Deutsche Bank (đơn vị: triệu Euro, nguồn: Statista)
Kết quả hình ảnh cho deutsche bank derivatives exposure significantly smaller than headline number
Tỷ suất ROE của Deutsche Bank và tỷ suất ROE bình quân của các ngân hàng tại EU trong một thập kỷ qua (nguồn: Bloomberg)

Rủi ro lớn nhất của Deutsche Bank là khối tài sản tài chính phái sinh quá lớn, phần lớn trong đó chưa được phòng ngừa rủi ro bởi các công cụ tài chính thích hợp…

Tổng giá trị các sản phẩm phái sinh trong sổ sách của Deutsche Bank lên tới 53,5 nghìn tỷ USD (khoảng 42,8 nghìn tỷ euro). Đáng lưu ý là, tổng GDP của Đức là khoảng 3 nghìn tỷ euro, tổng GDP của các khu vực EU là 14,6 nghìn tỷ euro. Như vậy, khối tài sản tài chính phái sinh mà Deutsche Bank đang nắm giữ lớn gấp 14 lần GDP của Đức và gần 3 lần GDP của cộng đồng kinh tế châu Âu(!)

Khối tài sản tài chính phái sinh của Deutsche Bank lớn gấp 14 lần GDP của Đức và gần 3 lần GDP của cộng đồng kinh tế châu Âu (Nguồn: NTDVN)

Tính đến cuối năm 2018, các ông lớn trong ngành tài chính toàn cầu cũng nắm giữ lượng lớn tài sản tài chính phái sinh giống như Deutsche Bank: JPMorgan Chase, Citigroup và Goldman Sachs lần lượt nắm giữ tương ứng 48 nghìn tỷ đô la , 47 nghìn tỷ đô la và 42 nghìn tỷ đô la.

Nếu mọi thứ đi theo kế hoạch thì phần chưa được phòng ngừa rủi ro của khối tài sản tài chính phái sinh mà Deutsche nắm giữ chỉ là 22,3 tỷ USD. Ban lãnh đạo ngân hàng khẳng định rằng phần lớn trong số này đã được phòng ngừa rủi ro đầy đủ. Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc này trên thực tế có thể sẽ khó khăn hơn, bởi lẽ việc phòng vệ rủi ro này dựa trên những ước tính tương đối về biến động của các sản phẩm; các biến động mạnh của thị trường sẽ khiến Deutsche Bank gặp khó khăn lớn để hạ tỷ trọng các sản phẩm phái sinh, đặc biệt các sản phẩm phái sinh có thời gian đáo hạn dài.

Rủi ro của tài sản tài chính phái sinh là rất lớn, hàng loạt các vụ phá sản, thua lỗ lớn do đầu tư quá mức vào tài sản tài chính phái sinh…

Phái sinh (thuật ngữ tiếng Anh: Derivative), hay còn gọi là Chứng khoán phái sinh, là một công cụ tài chính thừa hưởng giá trị của nó từ giá trị của các thực thể cơ sở, chẳng hạn như tài sản, chỉ số, hay lãi suất — bản thân nó không có giá trị nội tại (Esposito, Christopher, 2012). Các nghiệp vụ phái sinh bao gồm một loạt các hợp đồng tài chính, trong đó có các nghĩa vụ nợ và tiền gửi được cơ cấu, các hoán đổi, các tương lai, các quyền chọn, các trần lãi suất, các sàn lãi suất, các kỳ hạn, và các kết hợp phong phú của chúng.

Việc sử dụng các phái sinh tài chính có thể gây ra những thua lỗ lớn do việc dùng đòn bẩy hoặc vay mượn. Các phái sinh cho phép các nhà đầu tư kiếm được các khoản thu lớn từ những dịch chuyển nhỏ trong giá của tài sản cơ sở. Tuy nhiên, các nhà đầu tư có thể mất những khoản tiền lớn nếu giá của tài sản cơ sở di chuyển ngược với giá phái sinh một cách đáng kể. Đã từng có nhiều trường hợp thua lỗ lớn trên các thị trường phái sinh, có thể kể đến:

  • American International Group (AIG) mất hơn 18 tỷ USD thông qua một công ty con trong 3 quý trên các hoán đổi vỡ nợ tín dụng (CDS). Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã tuyên bố thành lập một cơ sở tín dụng bảo đảm lên đến 85 tỷ USD để ngăn chặn sự sụp đổ của công ty này, bằng cách cho phép AIG thanh toán được các khoản nợ của mình để chuyển giao tài sản thế chấp bổ sung cho các đối tác hoán đổi vỡ nợ tín dụng.
  • Vụ thua lỗ 7,2 tỷ USD của Société Générale vào tháng 1 năm 2008 do lạm dụng các hợp đồng tương lai.
  • Vụ thua lỗ 6,4 tỷ USD trong vụ sập quỹ đầu tư Amaranth Advisors, là tổ chức nắm trường vị (long position) khí thiên nhiên vào tháng 9 năm 2006 khi giá cả rớt thẳng đứng.
  • Vụ thua lỗ 4,6 tỷ USD trong vụ sập quỹ đầu tư Long-Term Capital Management vào năm 1998.
  • Vụ thua lỗ tương đương 1,3 tỷ USD trong các phái sinh dầu vào năm 1993 và 1994 của Metallgesellschaft AG.
  • Thua lỗ tương đương 1,2 tỷ USD trong các phái sinh vốn chủ sở hữu vào năm 1995 của Barings Bank.
  • UBS AG, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, phải chịu thua lỗ 2 tỷ USD do bị phát hiện hành vi đầu cơ trái phép vào tháng 9 năm 2011.

Thất bại của Deutsche Bank có thể nhanh chóng trở thành một cuộc khủng hoảng lớn đối với toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu. Các ngân hàng lớn của Hoa Kỳ, như JPMorgan Chase, Citigroup, Goldman Sachs, Morgan Stanley và Bank of America, cũng như các ngân hàng lớn khác ở châu Âu đều có mối liên kết tài chính rất lớn với Deutsche Bank.

Trên thực tế, IMF kết luận rằng Deutsche Bank có mối đe dọa lớn đối với sự ổn định tài chính toàn cầu so với bất kỳ ngân hàng nào khác do liên kết tài chính của ngân hàng có tổng tài sản hàng nghìn tỷ đô la này với các ngân hàng lớn nhất thế giới hiện nay.

J.B và Trà Nguyễn (tổng hợp)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Esposito, Chrisopher (ngày 1 tháng 6 năm 2012). “The Dangers of Financial Derivatives”. Internal Auditor (Institute of Internal Auditors Inc – via HighBeam (cần đăng ký mua)). Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2013.
  2. Kelleher, James B. (ngày 18 tháng 9 năm 2008). “"Buffett's Time Bomb Goes Off on Wall Street" by James B. Kelleher of Reuters”. Reuters.com. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2010.
  3. "Fed's $85 billion Loan Rescues Insurer"
  4. Edwards, Franklin (1995). “Derivatives Can Be Hazardous To Your Health: The Case of Metallgesellschaft” (PDF). Derivatives Quarterly(Spring 1995): 8–17.
  5. Whaley, Robert (2006). Derivatives: markets, valuation, and risk management. John Wiley and Sons. tr. 506. ISBN 0-471-78632-2.
  6. “UBS Loss Shows Banks Fail to Learn From Kerviel, Leeson”. Businessweek. Ngày 15 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 5 tháng 3 năm 2013.



BÀI CHỌN LỌC

Hệ thống tài chính toàn cầu có trụ vững nếu Deutsche Bank phá sản?