Hoạt động sản xuất toàn cầu suy giảm, nguy cơ suy thoái gia tăng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các chỉ số đánh giá hoạt động sản xuất tại nhiều khu vực trên thế giới đang xấu đi. Trong khi đó, ngày càng xuất hiện nhiều lo ngại về nguy cơ khủng hoảng kinh tế tại Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Hoạt động sản xuất toàn cầu suy giảm

Tốc độ tăng trưởng trong hoạt động nhà máy ở Mỹ, châu Âu và châu Á chậm lại đang làm gia tăng lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu.

“Dữ liệu khảo sát PMI tháng 6 cho thấy nền kinh tế trong lĩnh vực sản xuất tại khu vực đồng euro kết thúc quý thứ hai ở mức thấp khi hoạt động sản xuất suy giảm lần đầu tiên trong hai năm”, S&P Global cho biết trong thông cáo báo chí ngày 01/07. “Tổng số lượng đặt hàng mới của doanh nghiệp và đơn đặt hàng xuất khẩu đều suy giảm, trong khi niềm tin kinh doanh giảm xuống mức thấp nhất trong 25 tháng”.

Lượng công việc tồn đọng lần đầu tiên sụt giảm trong gần hai năm khi các công ty trong khu vực đồng euro tập trung vào việc “hoàn thành các đơn đặt hàng chưa được thực hiện do nhu cầu giảm”.

Tại Mỹ, chỉ số nhà quản lý mua hàng sản xuất cuối cùng (PMI) của S&P Global đã giảm xuống còn 52,1 trong tháng 6 từ mức 54,6 của tháng 5. Chỉ số trong tháng 6 đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm 2020. Tại Vương quốc Anh, lĩnh vực sản xuất tăng trưởng chậm lại trong tháng 6, với PMI ở mức thấp nhất trong hai năm, S&P Global cho biết trong một tweet ngày 01/07.

Tại Trung Quốc, hoạt động sản xuất của nhà máy có dấu hiệu phục hồi trong tháng 6, với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong 13 tháng. Tuy nhiên, sự gián đoạn do phong tỏa COVID-19 của Bắc Kinh đã ảnh hưởng đến một số công ty. Các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đã thông báo về sự suy giảm trong hoạt động sản xuất của nhà máy.

Hoạt động sản xuất toàn cầu suy giảm, nguy cơ suy thoái gia tăng
Các nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất tại nhà máy Schneider Electrical trong chuyến tham quan của giới truyền thông ở Bắc Kinh vào ngày 17/02/2022. (Ảnh: JADE GAO / AFP qua Getty Images)

“Có hy vọng rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ khởi sắc trở lại sau một thời gian suy yếu nhất định. Nhưng giờ đây, các nền kinh tế Mỹ và châu Âu đang có nguy cơ tăng trưởng chậm lại”, nhà kinh tế trưởng Yoshiki Shinke tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life của Nhật Bản, nói với Reuters. "Đó sẽ là một cuộc giằng co giữa hai bên, cho dù có nhiều điều không chắc chắn về triển vọng kinh tế toàn cầu".

Nền kinh tế Mỹ nhiều khả năng rơi vào khủng hoảng

Tại Mỹ, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta đang dự đoán nền kinh tế của quốc gia này sẽ suy giảm với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là -1% trong quý từ tháng 4 đến tháng 6. Trong quý đầu tiên, tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ đã giảm 1,6%, mức giảm đầu tiên kể từ năm 2020.

Phát biểu tại một hội thảo trực tuyến, ông Andrew Balls, Giám đốc đầu tư toàn cầu về thu nhập cố định tại PIMCO, đã dự đoán có nhiều khả năng nước Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới. Ông đưa ra xác suất của một cuộc suy thoái là gần 50% hoặc cao hơn.

“Cuộc suy thoái không phải là điều quan trọng duy nhất. Bạn rõ ràng sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm lại đáng kể", ông Balls nói. Theo ông Balls, lạm phát sẽ là vấn đề quan trọng trong ngắn hạn, và các ngân hàng đang tập trung vào vấn đề này.

Mimi Duff, một chiến lược gia đầu tư tại GenTrust, cũng cho rằng tỷ lệ suy thoái lên tới hơn 50%, theo một ghi chú nghiên cứu gần đây.

Một cuộc khảo sát Hội đồng Giám đốc tài chính CNBC mới thực hiện đã phát hiện ra rằng 68% giám đốc tài chính dự kiến ​​suy thoái sẽ xảy ra trong nửa đầu năm tới. Nghiên cứu cho thấy không có ai nghĩ rằng Mỹ sẽ tránh được hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.

Ngoài ra, một cuộc thăm dò của Financial Times được thực hiện vào tháng trước tại trung tâm Sáng kiến Thị trường Toàn Cầu của Trường Kinh doanh Chicago Booth đã chỉ ra rằng 79% các nhà kinh tế tin vào một cuộc suy thoái sẽ xảy ra vào năm 2023.

Hoạt động sản xuất toàn cầu suy giảm, nguy cơ suy thoái gia tăng
Một nhà giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) vào ngày 27/06/2022. (Ảnh: Spencer Platt / Getty Images)

Tình trạng thị trường chứng khoán của Mỹ cũng đang khiến các nhà đầu tư lo lắng, gia tăng lo ngại về một cuộc suy thoái. Trong sáu tháng đầu năm 2022, S&P 500 giảm 20,58%, Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones giảm 15,31% và Chỉ số tổng hợp Nasdaq giảm 29,21%.

Đây là những con số tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán Mỹ trong 50 năm.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Hoạt động sản xuất toàn cầu suy giảm, nguy cơ suy thoái gia tăng