Huawei đệ đơn kiện Mỹ về việc bị coi là mối đe dọa an ninh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc thách thức phán quyết của Ủy ban Truyền thông liên bang. Người sáng lập Huawei có vẻ tràn đầy hi vọng vào sự cởi mở của chính quyền tổng thống mới đắc cử Biden để đưa Huawei quay trở lại nước Mỹ và sau đó là thế giới…

Công ty Huawei Technologies của Trung Quốc đã đệ đơn kiện tại Hoa Kỳ tranh chấp việc Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) xác định rằng Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Cơ quan này đã đẩy mạnh các thách thức pháp lý trong nước chống lại Huawei bất chấp sự thay đổi chính quyền ở Washington và thái độ “lập lờ” của chính quyền mới với vấn đề của Huawei.

Vụ kiện được Huawei đệ trình hôm thứ Hai (8/2/2021) lên Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ, đây là vòng thứ năm Huawei yêu cầu tòa án Mỹ xem xét lại phán quyết của FCC vào năm ngoái khi cho rằng Huawei gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia Mỹ, phán quyết này cũng đồng thời chặn các nhà khai thác viễn thông Mỹ tiếp cận quỹ hàng tỷ đô la để mua thiết bị viễn thông của Huawei.

Đơn khiếu nại là thách thức mới nhất của Huawei đối với nhiều hành động của Hoa Kỳ nhằm vào họ trong vài năm qua. Chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đã chặn công ty này tiếp cận công nghệ của Mỹ và tìm cách thuyết phục các đồng minh rằng thiết bị viễn thông của Huawei có nguy cơ an ninh quốc gia. Cùng với Mỹ, Úc, Anh và nhiều đồng minh của Mỹ đã đẩy Huawei (hoặc một phần các sản phẩm của doanh nghiệp này) khỏi danh mục mua sắm thiết bị viễn thông của họ.

Đơn kiện của Huawei cho biết phán quyết của FCC vào tháng 12 năm ngoái đã vượt quá thẩm quyền và là "độc đoán, thất thường, lạm dụng quyền tự quyết và không được hỗ trợ bởi bằng chứng đáng kể".

Một phát ngôn viên của FCC cho biết: “Năm ngoái FCC đã đưa ra chỉ định cuối cùng xác định Huawei là một mối đe dọa an ninh quốc gia Mỹ dựa trên một cơ sở đáng kể bằng chứng do FCC và nhiều cơ quan an ninh quốc gia của Mỹ phát triển. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ quyết định đó”.

Các quan chức Mỹ từ lâu đã cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể sử dụng các thiết bị viễn thông của Huawei để làm gián điệp hoặc làm gián đoạn mạng viễn thông, mặc dù họ chưa công khai bằng chứng về bất kỳ hành vi nào như vậy. Người sáng lập Huawei, ông Ren Zhengfei, đã nói rằng công ty sẽ không bao giờ do thám nhân danh bất kỳ chính quyền nào.

Huawei đã nộp đơn kiện vài giờ trước khi ông Ren nói với một nhóm nhà báo ở Trung Quốc rằng ông hy vọng chính quyền tổng thống Biden sẽ cởi mở hơn với các chính sách "vì lợi ích của các công ty Mỹ", nói thêm rằng ông sẽ hoan nghênh một cuộc điện thoại từ tổng thống mới. Điều có vẻ như không tưởng dưới thời tổng thống tiền nhiệm Donald J. Trump.

“Chúng tôi vẫn hy vọng có thể mua nhiều linh kiện, phụ tùng và máy móc của Mỹ để các công ty Mỹ cũng có thể phát triển cùng nền kinh tế Trung Quốc,” ông Ren nói hôm thứ Ba (9/2), theo Tạp chí Phố Wall.

Chính quyền ông Biden đã không đưa ra cách tiếp cận rõ ràng với Huawei. Trong một cuộc điều trần hồi tháng trước, người được đề cử làm Bộ trưởng Thương mại của Tổng thống Biden, Gina Raimondo, đã thề sẽ bảo vệ Mỹ trước các mối đe dọa từ công nghệ Trung Quốc nhưng từ chối hứa sẽ duy trì danh sách đen của Bộ Thương mại đối với Huawei, trong khi chờ xem xét.

Huawei đã theo đuổi một phản ứng pháp lý mang tính đấu tranh đối với các hành động của chính quyền Trump, thách thức cả FCC và luật pháp Hoa Kỳ cấm công ty kinh doanh với các nhà thầu Mỹ. Đây không phải lần đầu Huawei thách thức pháp luật Mỹ. Nhiều vụ kiện riêng biệt của Huawei chống lại FCC đã diễn ra vào năm ngoái. Dường như, chính quyền ông Biden đã thúc đẩy Huawei mạnh mẽ hơn và mang lại nhiều “hy vọng” hơn cho doanh nghiệp nhiều tai tiếng này nhằm đảo ngược các chính sách và rào cản mà chính quyền tiền nhiệm đã thiết lập.

Các cố gắng pháp lý phản ánh nỗ lực của Huawei trong việc sử dụng hết tất cả các lựa chọn có thể có khi hãng này buộc phải đối mặt với viễn cảnh mất thị trường viễn thông Mỹ. Các giám đốc điều hành của Huawei từ lâu đã bày tỏ sự thất vọng với những nghi ngờ của phương Tây - chưa bao giờ được chứng minh công khai - rằng công ty gây ra rủi ro bảo mật và đã thách thức các quan chức Mỹ đưa ra bằng chứng về bất kỳ hoạt động gián điệp nào.

Bất chấp những lo lắng ở Washington, Huawei từ lâu đã hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nông thôn trên khắp nước Mỹ, các nhà cung cấp này đã ca ngợi giá cả và độ tin cậy của dịch vụ. Các giám đốc điều hành công ty đã hy vọng Huawei có thể xây dựng thành tích đó để làm việc với các nhà khai thác lớn hơn và giới thiệu điện thoại thông minh của mình tới người tiêu dùng Mỹ (theo Tạp chí Phố Wall).

Tuy nhiên, thực tế, bằng chứng không thể chối cãi về sự thông đồng, mối quan hệ quá khăng khít của Huawei với quân đội và ĐCSTQ chính là mấu chốt khiến Mỹ và đồng minh không thể tin tưởng Huawei.

Ông Trump đã dập tắt những hy vọng đó khi công ty trở thành mục tiêu chính trong cuộc chiến thương mại của ông với Bắc Kinh. Ngoài việc ngăn chặn việc xuất khẩu công nghệ của Mỹ cho Huawei, Mỹ dưới thời ông Trump đã ban hành hai cáo trạng hình sự đối với công ty này với cáo buộc đánh cắp công nghệ và trốn tránh các lệnh trừng phạt đối với Iran. Bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của công ty, đã bị quản thúc tại gia ở Canada hơn hai năm khi bà chống lại nỗ lực của các quan chức Mỹ trong việc dẫn độ bà về Mỹ.

Các hành động của Mỹ đã bóp chết Huawei. Bộ Thương mại đã thắt chặt lệnh cấm xuất khẩu đối với Huawei vào tháng 8, chặn Huawei tiếp cận với nguồn sản xuất chip máy tính quan trọng đối với điện thoại thông minh và thiết bị viễn thông của họ. Các nhà phân tích cho biết Huawei đang dựa vào hàng tồn kho dự trữ để tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất của mình.

Việc kiểm soát chặt chẽ hơn đã có tác động lớn nhất đến hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của công ty, chiếm nhiều hơn doanh thu của công ty trong năm 2019. Các lô hàng thiết bị cầm tay của họ đã giảm hơn 40% trong quý tính đến ngày 31 tháng 12 so với một năm trước đó. Vào tháng 11/2020, Huawei đã phải bán thương hiệu điện thoại thông minh Honor do hãng này sở hữu cho một tập đoàn doanh nghiệp nhà nước ở Shenzen, thành phố phía nam Trung Quốc, nơi Huawei đặt trụ sở.

Ông Ren cho biết trong bài phát biểu hôm thứ Ba rằng công ty vẫn cố gắng tăng cả lợi nhuận và doanh thu vào năm ngoái bất chấp những thách thức, mặc dù vẫn chưa báo cáo thu nhập năm 2020. Năm 2019, Huawei kiếm được khoảng 9,7 tỷ USD lợi nhuận trên hơn 130 tỷ USD doanh thu.

Cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã đánh bại TikTok và Huawei và khiến các công ty Mỹ sản xuất và bán tại Trung Quốc phải giật mình.

Đức Duy

Theo WSJ

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Huawei đệ đơn kiện Mỹ về việc bị coi là mối đe dọa an ninh