IMF kêu gọi chưa thắt chặt chính sách tiền tệ trước mối lo lạm phát của mọi ngân hàng trung ương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bên cạnh các dự báo vô cùng lạc quan về phục hồi tăng trưởng, thương mại toàn cầu, các tổ chức tài chính quốc tế cũng gia tăng lo ngại trước nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại, đổ vỡ bong bóng nợ và tài sản, IMF phát đi thông điệp cảnh báo các ngân hàng trung ương chưa nên thắt chặt chính sách tiền tệ trước nguy cơ lạm phát.

Mặc dù vậy, dấu hiệu một chu kỳ lạm phát mới đang chóng vánh quay trở lại ngày một rõ ràng tại các nền kinh tế lớn, đặc biệt tại Mỹ và Trung Quốc. Khi Mỹ in thêm tiền cho các nhu cầu kích thích tăng trưởng, chiến tranh tiền tệ hay giữ lời hứa với cử tri về chi tiêu cho an sinh xã hội, dù chỉ 1%, thì lạm phát sẽ nhanh chóng lan nhanh sang các nền kinh tế quy mô nhỏ, có tỷ giá của đồng tiền pháp định gắn với giá trị của đồng USD và quan hệ thương mại - tài chính chặt chẽ với Mỹ.

Lạm phát đang gia tăng áp lực lên các nền kinh tế lớn

Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ đã tăng cao nhất trong 9 năm qua. Ngày 9/4, Bộ Lao động Mỹ công bố PPI của nước này trong tháng 3/2021 đã tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 9/2011 và vượt khá xa tháng 2 (tăng 2,8%). Ngoài ra, bình quân 12 tháng (từ tháng 3/2020 - 3/2021), PPI cốt lõi của Mỹ tăng 3,1%, cao nhất kể từ tháng 9/2018. Nhiều nhà quan sát nhận định đây có khả năng đánh dấu sự bắt đầu của giai đoạn lạm phát cao hơn, khi nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại sau giai đoạn hạn chế hoạt động vì đại dịch Covid-19.

Lạm phát cao quay trở lại Mỹ còn được củng cố bởi khoản chi 1,9 nghìn tỷ USD kích thích tăng trưởng và kế hoạch chi 2,3 nghìn tỷ USD tiếp theo cho cơ sở hạ tầng.

Nằm ngoài khoản ngân sách 2,3 nghìn tỷ USD, kế hoạch sơ bộ do Nhà Trắng công bố hôm thứ Sáu sẽ tăng chi tiêu tùy ý lên 8,4%, tương đương 118 tỷ USD, từ mức 1,4 nghìn tỷ USD được ủy quyền vào năm ngoái, không bao gồm các biện pháp khẩn cấp để chống lại đại dịch Covid-19. Chi tiêu tùy ý là phần ngân sách mà Quốc hội định hình thông qua quá trình phân bổ.

Đề xuất đáp ứng một số lời hứa trong chiến dịch của ông Biden, bao gồm nhiều tiền hơn cho các trường học ở các khu vực nghèo đói cao, nghiên cứu ung thư và đầu tư để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Nó đã thu hút sự phản đối ngay lập tức từ một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa, những người gọi đây là sự bành trướng quyền lực liên bang một cách xâm phạm.

Các quan chức cho biết đề xuất này sẽ nâng chi tiêu vô nghĩa như một tỷ trọng trong tổng sản phẩm quốc nội lên 3,3%, tương đương với mức trung bình của nó trong 30 năm qua.

“Từ tất cả những gì chúng tôi đã thấy và nghe, các chính sách của Tổng thống Biden sẽ chỉ tăng cường quyền lực của Washington và ảnh hưởng cưỡng chế gây tổn hại đến tầng lớp lao động của Mỹ”, Hạ nghị sĩ Jason Smith ở Missouri, đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Ngân sách Hạ viện, cho biết trong một tuyên bố hôm 9 tháng 4 vừa qua.

Nguồn: Cục Thống kê lao động Mỹ
Nguồn: Cục Thống kê lao động Mỹ

Không chỉ Mỹ, chỉ số PPI của Trung Quốc tăng nhanh nhất trong gần ba năm. Ngày 9/4, Cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố chỉ số PPI của nước này trong tháng 3/2021 đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với tháng 2 (1,7%) và khảo sát của Reuters (3,5%), đồng thời đây là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 7/2018.

Số liệu chỉ số PPI cũng làm gia tăng áp lực lạm phát tại Trung Quốc. Chỉ số giá tiêu dùng CPI của Trung Quốc tăng 0,4% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự báo của Reuters (0,3%) và đánh dấu sự quay trở lại lạm phát sau hai tháng giảm phát.

IMF kêu gọi ngân hàng trung ương các nước “không nên thắt chặt chính sách tiền tệ sớm”

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo Mỹ và các quốc gia giàu có khác không nên thắt chặt chính sách tiền tệ sớm, tránh tăng chi phí đi vay và gánh nặng nợ cho các quốc gia phụ thuộc vào nguồn tài chính từ nước ngoài.

Lời kêu gọi của IMF cho thấy sự lo ngại của NHTW các nước về lạm phát gia tăng đang lớn hơn và việc các nền kinh tế nhỏ, sớm chịu tác động bởi lạm phát của đồng USD hay đồng CNY có lẽ sẽ buộc phải thay đổi chính sách tiền tệ sớm hơn do lạm phát sẽ cao hơn của các nền kinh tế này. Điều này sẽ tác động trực diện tới khối nợ khổng lồ mà các quốc gia này đã tạo ra, có thể làm đổ vỡ bong bóng tài sản được bơm phồng bởi nợ cũng như hủy đi khả năng phục hồi kinh tế sau đại dịch. IMFkỳ vọng nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 1980, Đó là sự nâng cấp so với dự báo tăng trưởng 5,5% mà IMF đưa ra vào tháng 1/2021 vừa qua.

Lo ngại nợ, bong bóng tài sản và lạm phát, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) dường như buộc phải lờ đi lời kêu gọi của IMF. PBoC đã yêu cầu các ngân hàng lớn của Trung Quốc hạn chế tăng trưởng tín dụng từ nay cho đến hết năm 2021 sau khi hoạt động cho vay tăng mạnh trong hai tháng đầu năm gây ra nguy cơ “bong bóng”. Các ngân hàng Trung Quốc cho vay mới 4.900 tỷ nhân dân tệ trong hai tháng đầu năm 2021, cao hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại cuộc họp ngày 22/3, PBoC đã yêu cầu đại diện của 24 ngân hàng lớn duy trì mức tăng trưởng cho vay ổn định và hợp lý. Năm 2021, với việc duy trì mức phân bổ tín dụng tương tự năm 2020, tổng dư nợ sẽ tăng 11% - tốc độ tăng chậm nhất trong hơn 15 năm.

Khác với sự lo ngại của PBoC, FED vẫn đang duy trì chính sách mở rộng tiền tệ để hài hòa vơi kế hoạch chi tiêu khủng của chính quyền ông Biden. Ủy ban Thị trường mở Liên bang FOMC (thuộc FED) thống nhất giữ lãi suất cơ sở ở mức gần 0% và tiếp tục kế hoạch thu mua TPCP trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng. Fed cho biết chính sách thích ứng sẽ chỉ được thay đổi khi đạt được tiến bộ đáng kể hơn nữa đối với các mục tiêu về toàn dụng nhân công và ổn định giá cả; nhấn mạnh chính sách này sẽ không bị điều chỉnh dựa trên các dự báo. Bên cạnh đó, FED nhận định kinh tế Mỹ cho thấy nhiều dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ hơn những dự đoán trước đây.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) hối thúc việc triển khai Quỹ phục hồi tại các nước thành viên. Quỹ phục hồi bản chất là tăng chi tiêu kích thích kinh tế, một dạng tiếp tục nới lỏng tiền tệ, chứ không thắt chặt theo lời kêu gọi của IMF.

ECB cho rằng một số nước thuộc khối EU đang bị tụt lại trong cuộc khôi phục kinh tế thế giới do bệnh dịch vẫn còn những diễn biến phức tạp gây ra các đợt phong tỏa kéo dài. Với việc Mỹ tiếp tục triển khai gói kích thích mới, ECB buộc phải tăng tốc hơn nữa trong việc đưa ra những chương trình kích thích khẩn cấp để phục hồi nền kinh tế.

Hữu Nguyên

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

IMF kêu gọi chưa thắt chặt chính sách tiền tệ trước mối lo lạm phát của mọi ngân hàng trung ương