IMF khuyến nghị các nước về thu thuế Carbon - Việt nam có thể áp dụng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong báo cáo tháng 10 - 2019, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhấn mạnh: Việc thực thi thuế carbon là một công cụ hiệu quả và mạnh mẽ nhất để giảm lượng khí thải gây biến đổi khí hậu...

Theo IMF, giá trung bình toàn cầu của thuế carbon là 2 USD/tấn, trong khi Hiệp định khí hậu Paris yêu cầu thuế carbon toàn cầu phải là 75 USD/tấn vào năm 2030 để giữ cho nhiệt độ toàn cầu không bị tăng thêm quá ngưỡng 2°C.

Mặc dù điều này sẽ khiến giá điện sẽ tăng trung bình 70% và giá xăng tăng từ 5% đến 15% ở hầu hết các nước. Tuy nhiên, theo IMF, nếu các chính phủ sử dụng doanh thu thuế carbon phân bổ cho những người có thu nhập thấp, đồng thời cắt giảm các loại thuế không hiệu quả về mặt kinh tế - như thuế thu nhập, thì việc tăng giá điện hay xăng là không đáng kể. Tiền thuế carbon cũng có thể dùng cho việc nghiên cứu và phát triển thiết yếu để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang tái tạo. IMF cũng nhấn mạnh, chi phí để đạt được giảm phát thải thông qua phương pháp thuế carbon sẽ thấp hơn chi phí để khắc phục hậu quả thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra.

Embed from Getty Images
Thuế carbon sẽ khiến mức giá trung bình của điện và xăng tăng lên ở hầu hết các nước.

Việt Nam đang trong giai đoạn tái cơ cấu tài chính công, trong đó tái cơ cấu nguồn thu theo hướng bền vững hơn cho tăng trưởng và phát triển là một trong những mục tiêu trọng tâm. Theo đó, mở rộng cơ sở thu thuế thay vì tăng thuế chính là một trong các biện pháp trọng tâm được các chuyên gia chuyên ngành khuyến cáo. Bởi vậy, thu thuế carbon không chỉ hỗ trợ việc mở rộng cơ sở thu thuế, mà còn tác động mạnh vào chuẩn mực và ý thức bảo vệ môi trường của khu vực doanh nghiệp sản xuất.

Hiện nay Việt Nam đã triển khai thu thuế bảo vệ môi trường, chưa có thuế Cacbon. Tuy nhiên, hiệu quả từ nguồn thuế này đối với việc bảo vệ, xử lý các vấn đề môi trường đang còn là vấn đề bỏ ngỏ. Liên tiếp các thảm họa môi trường xảy ra nhưng các cơ quan chức năng phản ứng chậm chạp với thảm họa, thậm chí còn kéo dài thời gian cần công bố, minh bạch thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật về hậu quả, cũng như những tác động có thể có của các thảm họa môi trường; chưa nói đến các khoản đền bù và xử lý môi trường từ nguồn thuế này.

Một trong những điểm yếu trong quản lý tài chính công ở Việt Nam là tính minh bạch, hiệu quả trong việc thu thuế và chi tiêu thuế còn thấp. Việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình thấp có thể gây tác động xấu, ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân, đặc biệt là những người người bị thu thuế; từ đó không những không tạo hiệu quả tốt cho việc bảo vệ môi trường mà còn tăng thêm các mâu thuẫn, thậm chí là tạo ra những biểu hiện ức chế trong dư luận xã hội.

Do vậy, với các loại thuế mới, ví dụ như thuế Carbon, trước khi mở rộng cơ sở thu thuế cần nâng cao tính minh bạch, công khai về trách nhiệm giải trình và cơ sở tính thuế. Các quy trình khác như: Phương pháp thu thuế, thuế thu được và kiểm toán nguồn chi, việc phân bổ tới các đối tượng hưởng lợi của nguồn thuế này; thể chế giám sát thu... cũng phải cụ thể rõ ràng, đúng quy phạm pháp luật.

Trà Nguyễn.

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

IMF khuyến nghị các nước về thu thuế Carbon - Việt nam có thể áp dụng?