IMF: Lạm phát của Mỹ là 4,3%, Venezuela là 2700%; Nợ toàn cầu cao kỷ lục 226 nghìn tỷ USD

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tỷ lệ lạm phát năm 2021 của Mỹ và Iceland ở mức 4,3%; Venezuela là 2.700%; Sudan là 194,6%. Các quốc gia trên thế giới hiện không có đủ điều kiện để duy trì chính sách tiền tệ quá lỏng lẻo với lãi suất cực thấp. Trong khi đó, nợ toàn cầu đã đạt mức kỷ lục là 226 nghìn tỷ USD.

Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Mỹ và Iceland hiện đứng đầu danh sách 35 quốc gia phát triển có mức tăng giá tiêu dùng cao nhất thế giới, ở mức 4,3%.

Những cái tên đáng chú ý khác trong các nền kinh tế phát triển là Puerto Rico (4%), Canada (3,2%), New Zealand (3%), và Đức (2,9%).

Trong các nước còn lại, Venezuela xếp hạng cao nhất, với tỷ lệ lạm phát 2.700%, tiếp theo là Sudan (194,6%), và Zimbabwe (92,5%).

Phát biểu tại một sự kiện gần đây do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức, bà Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của IMF, đã cảnh báo rằng áp lực lạm phát sẽ kéo dài sang năm 2022.

Bà Gopiath dự đoán, biến thể Omicron có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại thêm 5,3 nghìn tỷ USD so với dự báo hiện tại là 12,5 nghìn tỷ USD. Bà nói thêm rằng các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới sẽ không còn cơ hội duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và lãi suất thấp.

“Chúng ta đang ở trong giai đoạn mà các quốc gia trên thế giới không có đủ điều kiện để duy trì chính sách tiền tệ quá lỏng lẻo với lãi suất cực kỳ thấp. Áp lực lạm phát đang gia tăng trên khắp thế giới”.

“Hãy nghĩ đến tình huống mà đại dịch này kéo dài hơn, nguồn cung gián đoạn lâu hơn, áp lực lạm phát nhiều hơn; và khi đó chúng ta phải đối mặt với nguy cơ thực sự về một thứ mà chúng ta đã tránh được cho đến nay, đó là lạm phát đình trệ”, bà Gopiath đánh giá.

Lạm phát của Mỹ là 4,3%, lạm phát của Venezuela là 2700%, nợ toàn cầu cao kỷ lục 226 nghìn tỷ USD, các quốc gia không thể duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo với lãi suất cực thấp
Tòa nhà của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed ở Washington D.C., vào ngày 22/10/2021. (Ảnh: Daniel Slim / AFP qua Getty Images)

Tuần trước, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của Fed - đã công bố kế hoạch đẩy nhanh việc cắt giảm Chương trình trợ cấp và nới lỏng định lượng thời đại dịch. FOMC dự kiến hoàn thành chương trình này vào tháng 3/2022 và đề xuất 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2022.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã lần đầu tiên tăng lãi suất sau 3 năm. Trong khi đó, ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vẫn giữ nguyên lãi suất và cắt giảm chương trình mua tài sản khẩn cấp trong đại dịch (PEPP).

Viễn cảnh lạm phát năm 2022

Tại Mỹ, nhiều nhà kinh tế và phân tích thị trường dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục tăng nóng trong nửa đầu năm 2022, trước khi hạ nhiệt vào cuối năm sau. Lạm phát ước tính của năm 2022 ở mức khoảng 3%, cao hơn mức mục tiêu 2% của Fed.

Các nhà phân tích ngày càng lo ngại về vấn đề giảm tăng trưởng kinh tế sau sự xuất hiện của biến thể Omicron; tuy nhiên rủi ro lạm phát mới là mối quan tâm hàng đầu trong năm 2022.

Trong một nghiên cứu, tổ chức RBC Economics đã đề cập đến việc tăng giá hàng hóa, giảm bớt các kích thích tài khóa và tiền tệ, và chi phí đầu vào cao hơn.

Các nhà kinh tế Craig Wright, Dawn Desjardins, và Nathan Janzen đã viết trong nghiên cứu: “Một số yếu tố này sẽ giảm bớt khi thời gian trôi qua; tuy nhiên nhu cầu của người tiêu dùng đang tăng lên khi mà năng lực sản xuất bổ sung lại bị hạn chế. Với sức mua nhiều hơn, trong khi nguồn cung hàng hóa và dịch vụ ngày càng khan hiếm, tỷ lệ lạm phát có thể duy trì trên mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương trong suốt năm 2022”.

Morgan Stanley thì kỳ vọng lạm phát toàn cầu sẽ giảm vào năm tới khi cho rằng “chúng ta hiện đang ở, hoặc gần chạm đến, mức độ tồi tệ nhất của gián đoạn chuỗi cung ứng”.

Lạm phát của Mỹ là 4,3%, lạm phát của Venezuela là 2700%, nợ toàn cầu cao kỷ lục 226 nghìn tỷ USD, các quốc gia không thể duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo với lãi suất cực thấp
Người dân đi lại ở Manhattan, New York, ngày 29/11/2021. (Ảnh: Spencer Platt / Getty Images)

Fed đã nâng dự báo lạm phát cho năm 2022 khi dự kiến ​​chỉ số giá chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân (PCE) sẽ ở mức 2,6%, tăng từ 2,2%.

Việc sửa đổi này được đưa ra ngay sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen rút lại thuật ngữ “tạm thời” khi thảo luận về lạm phát trong cuộc điều trần trước Quốc hội.

Tỷ lệ lạm phát tháng 11 tại Mỹ đã tăng lên 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất trong gần 40 năm; trong đó giá thực phẩm và năng lượng tăng cao nhất.

Nợ toàn cầu đạt mức kỷ lục: 226 nghìn tỷ USD

Trong một báo cáo khác, IMF xác nhận rằng nợ toàn cầu đang ở mức 226 nghìn tỷ USD, tăng 28 điểm phần trăm lên 256% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm ngoái. Đây là mức tăng nợ trong một năm lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai; nguyên nhân đến từ sự tích lũy nợ công và tư nhân cao kỷ lục.

“Mức nợ tăng cao chóng mặt là do nhu cầu bảo vệ cuộc sống, duy trì việc làm, và tránh làn sóng phá sản. Nếu các chính phủ không hành động, hậu quả kinh tế và xã hội sẽ rất tàn khốc”, IMF viết.

Báo cáo cho biết thêm: “Sự gia tăng nợ đã làm khuếch đại tổn thương, đặc biệt là khi các điều kiện tài chính thắt chặt hơn. Trong hầu hết các trường hợp, mức nợ cao đã hạn chế khả năng hỗ trợ phục hồi của chính phủ và khả năng đầu tư trung hạn của khu vực tư nhân”.

Theo IMF, điều quan trọng là phải đạt được sự cân bằng tốt giữa “tính linh hoạt của chính sách, khả năng điều chỉnh nhanh chóng trước sự thay đổi hoàn cảnh” với “các kế hoạch tài khóa trung hạn khả thi và bền vững”. Làm như vậy sẽ giảm thiểu rủi ro nợ và hỗ trợ các nỗ lực chống lạm phát của các ngân hàng trung ương.

Tại Mỹ, nợ quốc gia đã vượt quá 29 nghìn tỷ USD vào tháng trước.

Chi Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

IMF: Lạm phát của Mỹ là 4,3%, Venezuela là 2700%; Nợ toàn cầu cao kỷ lục 226 nghìn tỷ USD