IMF: Nguy cơ giá nhà giảm mạnh và bán tháo cổ phiếu quy mô lớn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ giảm mạnh và đột ngột của giá cổ phiếu cũng như giá trị nhà ở trên toàn cầu khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các Ngân hàng Trung ương (NHTW) khác không còn cung cấp các gói hỗ trợ trong đại dịch.

Hôm thứ Ba (12/10), trong Báo cáo Ổn định Tài chính bán niên năm 2021, IMF cho biết: Chính sách tiền tệ lỏng lẻo đã dẫn đến tình trạng “thị trường thừa tiền và đòn bẩy tài chính gia tăng”.

“Cú sốc có thể đến từ chính các NHTW vì họ đang thắt chặt các loại chính sách hỗ trợ với tốc độ nhanh hơn nhiều so với những dự đoán trước đây”, ông Tobias Adrian - Giám đốc Vụ Thị trường vốn và tiền tệ tại IMF - cho biết trong một cuộc phỏng vấn. "Chúng tôi lo lắng rằng sẽ có ​​một đợt bán tháo ở mức độ tương đối lớn”.

Đồng thời, áp lực lạm phát trong thời gian sắp tới sẽ “không giống như bất cứ điều gì chúng ta từng thấy trước đây”, ông nói thêm.

Mặc dù IMF đồng ý với Fed và các NHTW khác rằng sự bùng nổ lạm phát có thể chỉ là tạm thời, nhưng có khá nhiều điều không chắc chắn xung quanh dự báo đó. Điều đó đặt ra một số câu hỏi về cách thức mà các nhà hoạch định chính sách sẽ phản ứng trước một cuộc suy thoái của thị trường tài chính.

Dưới đây là một số rủi ro về ổn định tài chính được nêu trong báo cáo của IMF:

Thị trường chứng khoán

Cổ phiếu đã liên tục tăng giá trong 18 tháng qua, khiến giá cổ phiếu không còn tương ứng với các yếu tố cơ bản của nền kinh tế.

Giá cổ phiếu có thể giảm đáng kể trong trường hợp xuất hiện “những đánh giá lại về triển vọng phát triển kinh tế”, hoặc có “những thay đổi chính sách bất ngờ”.

Thị trường nhà ở

“Giá nhà dường như sẽ giảm đáng kể. Trong trường hợp xấu nhất, mức giảm giá nhà ở trong vòng 3 năm tới được ước tính là khoảng 14% ở các nền kinh tế phát triển và 22% ở các thị trường mới nổi”.

Tuy nhiên, theo IMF, trong khi diễn biến giá nhà có vẻ giống như thực trạng của cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008 thì hệ thống ngân hàng ở thời điểm hiện tại tốt hơn nhiều so với hồi đó.

Tiền điện tử

Mặc dù thị trường tài sản gắn với tiền điện tử đã phát triển nhanh chóng với giá trị lên đến hơn 2 nghìn tỷ USD, thì nó vẫn là một con số nhỏ khi so sánh với thị trường trái phiếu và cổ phiếu toàn cầu, đồng thời chưa gây ra rủi ro nào cho sự ổn định chung của hệ thống tài chính thế giới.

Tuy vậy, các nhà chức trách cần nhanh chóng ban hành các quy định, đặc biệt đối với stablecoin, để giảm thiểu rủi ro trong tương lai. IMF cho biết: “Nếu không được giám sát đầy đủ, hệ sinh thái tiền điện tử có thể gặp các vấn đề liên quan đến lừa đảo người dùng và các rủi ro về tính toàn vẹn của thị trường”.

Chi Anh

Theo Bloomberg



BÀI CHỌN LỌC

IMF: Nguy cơ giá nhà giảm mạnh và bán tháo cổ phiếu quy mô lớn