IMF: nhiều chính phủ có thể phải giải cứu hệ thống ngân hàng thương mại của mình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Ba (31/3), các quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết: Hệ thống ngân hàng của một số quốc gia có thể cần được tái cấp vốn hoặc thậm chí là tái cấu trúc, nếu nền kinh tế của họ bị thương tổn nghiêm trọng do gián đoạn cung - cầu kéo dài từ sự bùng phát của virus Corona.

Mặc dù IMF đưa ra lời cảnh báo này, nhưng các nhà quản lý hàng đầu và các giám đốc điều hành ngân hàng, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, cho biết hiện các ngân hàng thương mại (NHTM), định chế tài chính vẫn đủ mạnh mẽ để chống chọi với cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra.

Trong kịch bản xấu, nhiều chính phủ sẽ phải giải cứu hệ thống ngân hàng thông qua tái cấp vốn hoặc thậm chí là tái cấu trúc

Tobias Adrian, giám đốc bộ phận thị trường vốn và tiền tệ của IMF, nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn rằng: trong một kịch bản ‘chuẩn’, kinh tế thế giới sẽ lặp lại con đường tăng trưởng của năm 2009, các ngân hàng có thể chịu được tác động bất lợi. Tuy nhiên, Adrian cảnh báo rằng thực tế có thể xấu hơn kịch bản chuẩn rất nhiều.

“Trong một kịch bản bất lợi cực kỳ nghiêm trọng, có thể một số ngân hàng sẽ bị thiếu vốn, các nhà hoạch định chính sách có thể phải thực hiện các hành động giải cứu tiếp theo như tái cấp vốn hoặc tái cấu trúc các hệ thống ngân hàng”, ông Adrian nói (theo Reuters).

Giúp đỡ các quốc gia trong thời kỳ khó khăn là công việc cơ bản của một tổ chức như IMF, ông cho biết thêm.

Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành của Quỹ tiền tệ quốc tế, trong một bài phát biểu hôm 31/3 vừa qua cho biết 85 quốc gia đã yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp từ IMF. Trong khi đó, G20 đã báo cáo các biện pháp tài khóa với tổng trị giá khoảng 5 nghìn tỷ đô la hoặc hơn 6% GDP toàn cầu.

Mặc dù rất khó khăn, các NHTM không nên nới lỏng điều kiện cho vay và quản lý rủi ro của mình

Adrian, trong một bài đăng trên blog với Aditya Narain, phó giám đốc của Bộ phận thị trường vốn và tiền tệ của IMF, đã phác thảo một số biện pháp mà các cơ quan quản lý cần thực hiện để giảm thiểu tác động của khủng hoảng kinh tế đối với các hệ thống ngân hàng, bao gồm việc phải dừng lại (không nên) áp các quy định mới cũng như việc khuyến khích sửa đổi điều khoản các khoản đã cho vay. Thay vào đó, ông kêu gọi các ngân hàng sử dụng dự trữ thanh khoản của họ - biện pháp mà nhiều cơ quan quản lý đang thực hiện.

“Những gì các ngân hàng dự kiến ​​sẽ làm bây giờ là sửa đổi các khoản vay ... họ xem qua các khoản vay trên sổ sách của mình và nói: 'OK, hầu hết những người vay của tôi sẽ không thể trả lãi trong một khoảng thời gian ... nhưng trong 1 năm thì họ có thể’’’, Adrian nói.

“Vì vậy, (các ngân hàng) sửa đổi khoản vay ... và từ bỏ các khoản thanh toán lãi và đó là một cú đánh vào hàng rào ngăn chặn rủi ro của họ và đó là lý do tại sao các ngân hàng ngừng trả cổ tức và mua lại cổ phiếu”. Chia sẻ trên blog, chuyên gia này ám chỉ biện pháp tốt hơn cho các ngân hàng là đối diện với khủng hoảng này chứ không phải là nới lỏng điều kiện vay chỉ để tạm thời né tránh rủi ro vì sau đó rủi ro sẽ lớn hơn rất nhiều.

Trong nỗ lực tăng cường dự trữ vốn của các ngân hàng, Ngân hàng Trung ương châu Âu tuần trước đã ra lệnh cho các ngân hàng phải tạm dừng tất cả các khoản thanh toán cổ tức ít nhất cho tới tháng 10 năm 2020, trong khi các ngân hàng lớn ở Hoa Kỳ cũng chịu áp lực phải ngừng trả cổ tức sau khi đình chỉ việc mua lại cổ phiếu trong tháng này .

Các nhà quản lý ngân hàng thời kỳ khủng hoảng trước cũng kêu gọi các ngân hàng hạn chế các khoản thanh toán tiền thưởng và giảm đòn bẩy bằng cách giảm các giao dịch phái sinh và danh mục cho vay chứng khoán không hỗ trợ nền kinh tế thực.

Adrian và Narain cũng cảnh báo rằng giống như cuộc khủng hoảng tài chính trước đây, sự phối hợp toàn cầu là “điều bắt buộc”.

Thanh Hương

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

IMF: nhiều chính phủ có thể phải giải cứu hệ thống ngân hàng thương mại của mình