IMF: Thế giới tăng trưởng âm 3% trong năm 2020

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 14/4 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố triển vọng kinh tế thế giới, dự đoán rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất kể từ Đại suy thoái (đầu những năm 1930) do đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Bản phát hành mới nhất của Triển vọng kinh tế thế giới năm 2020 (được IMF cập nhật định kỳ 2 lần/năm) dự đoán sản lượng toàn cầu sẽ tăng trưởng âm 3% trong năm 2020. Dự báo ảm đạm này đã điều chỉnh giảm mạnh 6,3% từ triển vọng tháng 1 năm 2020 của IMF.

Cả thế giới tăng trưởng GDP âm năm 2020 trừ các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á

Dự báo tăng trưởng toàn cầu, Mỹ và khu vực kinh tế Châu Âu của IMF

“Rất có khả năng trong năm nay nền kinh tế toàn cầu sẽ trải qua thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, thậm chí vượt quá cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một thập kỷ trước”, bà Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của IMF đã viết trong báo cáo. “Đại phong tỏa (Great Lockdown), người ta có thể gọi như vậy, dự kiến ​​sẽ thu hẹp đáng kể sự tăng trưởng toàn cầu”.

IMF dự kiến ​​GDP của Mỹ tăng trưởng âm 5,9% vào năm 2020 trước khi hồi phục ở mức 4,7% vào năm 2021. Họ cũng hy vọng rằng nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm tới, tăng 5,8%.

Khu vực kinh tế chung Châu Âu thậm chí còn được dự báo tệ hơn với mức tăng trưởng dự báo âm 7,5% trong năm nay.

Chỉ có duy nhất nhóm nước đang phát triển và mới nổi Châu Á được IMF dự báo xán lạn hơn với mức tăng GDP 1,0% trong năm nay dù lao dốc với mức giảm tới 4,5% so với năm 2019.

Tuy nhiên, trong một bài đăng trên blog kèm theo báo cáo, bà Gopinath cũng lưu ý rằng triển vọng này rất dễ bị lu mờ bởi “sự không chắc chắn cực lớn xung quanh những gì sắp xảy ra tiếp theo”.

“Để tương xứng với quy mô và tốc độ của cuộc khủng hoảng, các phản ứng chính sách trong nước và quốc tế cần phải rộng lớn, được triển khai nhanh chóng và được hiệu chỉnh lại thật nhanh khi có dữ liệu mới”, bà viết. “Các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới cần sát cánh với những hành động dũng cảm của các y bác sĩ để chúng ta có thể cùng nhau vượt qua cuộc khủng hoảng này”.

Epoch Times Photo
Một nhà báo đang quay phim một y tá tại phòng chăm sóc đặc biệt COVID-19 tại một bệnh viện gần Rome, Ý, vào ngày 8 tháng 4 năm 2020. (Alberto Pizzoli / AFP / Getty Images)

Tổng thiệt hại: 9.000 tỷ đô la Mỹ

Tổng thiệt hại đối với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu trong năm 2020 và 2021 do đại dịch có thể rơi vào khoảng 9 nghìn tỷ đô la Mỹ, IMF dự đoán.

IMF lưu ý rằng lần đầu tiên kể từ Đại suy thoái, cả các nền kinh tế phát triển lẫn thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển (EMDE) đều rơi vào suy thoái kinh tế. Tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển trong năm 2020 được dự kiến ​​sẽ thu hẹp 6,1%, trong khi nhóm EMDE dự kiến ​​sẽ giảm 2,2%, ngoại trừ Trung Quốc.

“Điều này làm cho Đại phong tỏa trở thành cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái, và tồi tệ hơn nhiều so với Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”, bà Gopinath viết.

Epoch Times Photo
Một nhân viên đang quan sát dữ liệu thị trường tại Sở giao dịch chứng khoán New York ở New York vào ngày 9 tháng 3 năm 2020. (Timothy Clary / AFP qua Getty Images)

Việc thu hẹp kinh tế mạnh mẽ có liên quan chặt chẽ với đại dịch viêm phổi Vũ Hán (virus Corona chủng mới).

“Một thảm họa hiếm gặp, một đại dịch coronavirus, đã khiến một số lượng lớn người thiệt mạng. Khi các quốc gia thực hiện các biện pháp cách ly cần thiết và áp dụng giãn cách xã hội để ngăn chặn đại dịch, thế giới đã bị đặt vào tình trạng Đại phong tỏa. Quy mô và tốc độ của sự sụp đổ hoạt động kinh tế theo sau không giống với bất cứ điều gì chúng ta từng trải qua”, bà Gopinath lưu ý.

Trước đó, Giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva, đã phát biểu trong một tuyên bố: “Hôm nay, chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ. COVID-19 đã phá vỡ trật tự kinh tế và xã hội của chúng ta với tốc độ nhanh như chớp và ở quy mô mà chúng ta chưa từng thấy... Những gì được xem là bình thường trong một vài tuần trước - đi học, đi làm, ở bên gia đình và bè bạn - giờ đây lại là một rủi ro cực lớn”.

Giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva phát biểu trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Tập đoàn Ngân hàng Thế giới David Malpass về những diễn biến gần đây của COVID-19 vào ngày 4/3/2020 tại Washington, DC. (Ảnh: Samuel Corum / Getty Images)
Giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva phát biểu trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Tập đoàn Ngân hàng Thế giới David Malpass về những diễn biến gần đây của COVID-19 vào ngày 4/3/2020 tại Washington, DC. (Ảnh: Samuel Corum / Getty Images)

Bà Georgieva cho biết hành động quyết đoán và phối hợp là chìa khóa cho sự phục hồi kinh tế nhanh chóng.

“Những hành động mà chúng ta thực hiện bây giờ sẽ quyết định tốc độ và sức mạnh của sự phục hồi của chúng ta”, bà cho biết.

Cần phản ứng chính sách đúng mục tiêu và mạnh mẽ hơn nữa

“Các chính sách tài khóa và tiền tệ lớn, kịp thời và đúng mục tiêu đã được nhiều nhà hoạch định chính sách thực hiện - bao gồm bảo lãnh tín dụng, nới lỏng thanh khoản, gia hạn khoản vay, mở rộng bảo hiểm thất nghiệp, tăng tiền trợ cấp và giảm thuế - đây đang là phao cứu sinh cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Hỗ trợ này nên tiếp tục trong suốt giai đoạn ngăn chặn virus để giảm thiểu các vết sẹo dai dẳng có thể xuất hiện từ việc đầu tư sụt giảm và mất việc làm trong thời kỳ suy thoái nghiêm trọng này”, bà Gopinath lưu ý.

IMF cũng kêu gọi một trục chính sách kịp thời để thúc đẩy nhu cầu và kích thích phục hồi, bao gồm giảm nợ, khuyến khích các công ty tuyển dụng và kích thích tài khóa, khi thích hợp.

“Không thể biết được nền kinh tế và cách sống của chúng ta sẽ thay đổi như thế nào, nhưng chúng ta biết rằng chúng ta sẽ thoát khỏi cuộc khủng hoảng này một cách kiên cường hơn”, bà Georgieva phát biểu trong một tuyên bố.

Thanh Hương - Trà Nguyễn

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

IMF: Thế giới tăng trưởng âm 3% trong năm 2020