In tiền ồ ạt có thể nhấn chìm Mỹ và châu Âu theo cách nó hủy hoại Argentina

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bằng việc in tiền ồ ạt để phục vụ chi tiêu công, Argentina đã khiến giá trị đồng tiền quốc gia lao dốc nghiêm trọng. Đây cũng là chính sách đang được các chính trị gia ở châu Âu và Mỹ ủng hộ. Các chính sách tiền tệ thái quá sẽ có thể nhấn chìm Mỹ và châu Âu như trường hợp của Argentina.

Argentina in tiền quá đà khiến đồng tiền mất giá nghiêm trọng

Những từ ngữ nguy hiểm nhất đối với chính sách tiền tệ và kinh tế học là “lần này mọi thứ sẽ khác”. Sai lầm lớn của các chính trị gia ở Argentina là tin rằng có nhiều nguyên nhân tạo ra lạm phát và mọi thứ sẽ được giải quyết bằng việc gia tăng can thiệp vào nền kinh tế.

Vào tháng 04/2022, chỉ số giá tiêu dùng ở Argentina đã tăng 58% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn 2,9% so với mức tăng vào tháng 3. Một thảm họa thực sự. Lạm phát ở Argentina cao hơn khoảng 6 lần so với Uruguay và cao hơn 5 lần so với Chile, Brazil hoặc Paraguay, những quốc gia láng giềng đối mặt với các vấn đề toàn cầu tương tự.

Không có nhiều nguyên nhân dẫn đến lạm phát ở Argentina, chỉ có một nguyên nhân tới từ chính sách tiền tệ: in đồng ARS (đồng peso của Argentina) mà không có sự kiểm soát và không dựa trên nhu cầu. Argentina đang thổi phồng cơ sở tiền tệ của mình để tài trợ cho chi tiêu công tăng cao quá mức và có tính phá hoại.

Cho đến thời điểm hiện tại trong năm nay, cơ sở tiền tệ của Argentina (tiền đang lưu thông trong nền kinh tế cộng với tiền gửi tại ngân hàng) đã tăng 43,83%, đây là một điều hoàn toàn điên rồ. Lạm phát đang ở mức 58,2%.

Trong ba năm qua, cơ sở tiền tệ đã tăng 179,73% và trong 10 năm qua đã tăng 1.543,8%. Đó là sự lầm lạc về kinh tế, không phải "chính sách tiền tệ bao trùm" như cách ông Axel Kicillof, Thống đốc tỉnh Buenos Aires, đã gọi.

Trong 10 năm qua, đồng ARS của Argentina đã mất 99% giá trị so với đồng USD. Chính quyền đang chiếm đoạt của cải của đất nước bằng cách in những đồng ARS vô dụng.

Nhiều người theo chủ nghĩa Peron (một chủ nghĩa thịnh hành ở Argentina được đặt tên theo chính trị gia Juan Peron của nước này) nói rằng Mỹ cũng tăng cung tiền một cách ồ ạt và không có lạm phát. Lập luận này không có giá trị. Cơ sở tiền tệ của Mỹ tăng trưởng với tốc độ 9,9%, ít hơn sáu lần so với Argentina, và ngoài ra, Mỹ cũng đang chịu lạm phát 8,5%. Vào đỉnh điểm của tình trạng dư thừa tiền của Mỹ, cơ sở tiền tệ đã tăng 26,9%. Trong cùng thời kỳ đó, cơ sở tiền tệ của Argentina đã tăng gấp ba lần và với nhu cầu ngày càng giảm đối với đồng ARS, trong khi nhu cầu địa phương và toàn cầu đối với USD tăng lên.

Xét về tổng thể, cung tiền bao gồm tất cả tiền đang lưu hành đã tăng trưởng chóng mặt ở Argentina, lên mức 2.328,09% trong 10 năm, trong khi ở Mỹ, cung tiền đã tăng gấp đôi. Nói cách khác, tổng cung tiền ở Argentina trong thập kỷ qua đã tăng hơn 11 lần so với tốc độ của Mỹ. Chỉ có Venezuela mới đạt tới sự điên rồ như vậy.

Không chỉ người nước ngoài không cần ARS hoặc không sử dụng chúng trong các giao dịch quốc tế. Trong hầu hết trường hợp, công dân Argentina không sử dụng đồng tiền của nước mình như phương tiện lưu trữ giá trị, đơn vị đo lường và phương thức thanh toán.

Điều đáng buồn nhất là ở Argentina, nhiều người nói rằng trước đây hệ thống tiền tệ đã được đô-la hóa (dùng USD song song hoặc thay thế cho đồng tiền quốc gia) nhưng không thành công. Ở Argentina không có việc đô-la hóa. Giống như trường hợp xảy ra với sự sụp đổ của các đồng tiền điện tử ổn định (đồng tiền điện tử được thiết kế nhằm giữ được giá trị ổn định), việc đô-la hóa chỉ đơn giản là một lời nói dối.

Lý do đồng USD vẫn chưa bị mất giá

Kinh tế Mỹ, cho đến nay, vẫn chưa xuất hiện vấn đề này. Niềm tin vào đồng USD vẫn chưa giảm, nó đang tăng lên và đó là lý do tại sao giá trị đồng USD đang tăng lên so với hầu hết các loại tiền tệ chính trên toàn cầu. Lý do chính cho sức mạnh tương đối này là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giám sát nhu cầu USD trên toàn cầu và được cho rằng đang hành động quyết liệt chống lại lạm phát. Tuy nhiên, sự lừa dối thường được lặp lại rằng việc in tiền ồ ạt không gây ra lạm phát đã kết thúc với thảm họa xảy ra vào năm 2020. Mỹ, khu vực đồng EUR và hầu hết các nền kinh tế toàn cầu đã quyết định giải quyết cú sốc cung bằng các chính sách khổng lồ về phía cầu, tài trợ sự gia tăng chưa từng có trong chi tiêu của chính phủ bằng lượng tiền mới được tạo ra, và lạm phát đã tăng mạnh.

Đồng USD không bị mất giá vì các đồng tiền khác còn đang trong tình trạng tồi tệ hơn. Các quốc gia khác in tiền tệ thậm chí còn mạnh tay hơn hoặc vì họ cũng có các biện pháp kiểm soát vốn và thiếu đi an ninh pháp lý và đầu tư. Tuy nhiên, Fed không nên quá tự mãn. Niềm tin vào một loại tiền tệ như một phương tiện dự trữ giá trị, đơn vị đo lường và phương tiện thanh toán có thể biến mất nhanh hơn những gì các nhà hoạch định chính sách có thể tưởng tượng. Hệ thống kiểm tra và cân đối hiện tại trong nền kinh tế Mỹ và hệ thống tài chính mở của nó giữ cho đồng USD tồn tại như một loại tiền tệ dự trữ của thế giới. Nhưng nguy cơ đang ở trước mắt.

Thảm họa của đồng tiền Argentina hoàn toàn có thể xảy ra với Mỹ và châu Âu

Một mặt, các chính trị gia ở Mỹ đang ngày càng bảo vệ việc theo đuổi các chính sách tiền tệ thậm chí còn mạnh mẽ hơn để tài trợ cho ngân sách chính phủ đang tăng quá cao. Mặt khác, một số quốc gia đang bắt đầu tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho đồng USD để bán hàng hóa. Đây vẫn là những mối đe dọa xa vời, nhưng không nên bỏ qua chúng.

Người đọc có thể nghĩ rằng Argentina là một ví dụ điên rồ để so sánh với Mỹ, nhưng có lý do cho sự so sánh như vậy. Hãy nhìn vào lịch sử của các chính quyền thúc đẩy việc tăng ngân sách ồ ạt được tài trợ bởi việc in một loại tiền tệ ngày càng ít được sử dụng, và rủi ro đối với đồng EUR hoặc đồng USD sẽ trở nên rõ ràng hơn.

Người đọc cũng có thể nói rằng người dân của các nền kinh tế phát triển sẽ không bao giờ cho phép điều đó xảy ra ở quốc gia của họ, nhưng Argentina cũng là một nền kinh tế giàu có và thịnh vượng cách đây nhiều thập kỷ. Đây là một trong những nền kinh tế giàu có và lớn nhất thế giới vào đầu thế kỷ 20. Sự kết hợp của chủ nghĩa bảo hộ, các chính sách can thiệp theo chủ nghĩa dân túy (ủng hộ người dân bình thường thay vì giới tinh hoa) và các quyết định tiền tệ điên rồ đã phá hủy nền kinh tế đến mức nó không bao giờ có thể phục hồi.

Tất cả những quyết định điên rồ nói trên của chính quyền Argentina đều đang được các chính trị gia trên khắp các khu vực ở Mỹ và châu Âu ủng hộ. Họ thường nói: “Điều đó sẽ không xảy ra với chúng ta” và “Lần này thì khác”. Nó sẽ không khác.

Các đế chế luôn sụp đổ khi họ bắt đầu phá hủy sức mua của đồng tiền của họ. Vị thế của đế chế trên thế giới sụp đổ khi chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa can thiệp làm xói mòn niềm tin vào chính quyền và các thể chế của nó. Một khi sự tàn phá bắt đầu, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi người dân bắt đầu tích trữ tài sản bằng vàng hoặc các nguồn dự trữ thực có giá trị khác. Đây là bài học cho tất cả những ai ủng hộ việc không ngừng thách thức các giới hạn của chính sách tiền tệ và các biện pháp mang tính biệt lập. Một khi các giới hạn bị đẩy đi quá xa, các quốc gia sẽ không thể quay đầu lại.

Một khi niềm tin vào đồng tiền bị mất, đồng tiền đó sẽ sụp đổ. Đây là một bài học cho tất cả mọi người.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả - Tiến sĩ Daniel Lacalle - là nhà kinh tế trưởng tại quỹ phòng hộ Tressis. Ông là tác giả của các cuốn sách “Tự do hay Bình đẳng” (Freedom or Equality), “Thoát khỏi Bẫy của Ngân hàng Trung ương” (Escape from the Central Bank Trap) và “Cuộc sống tại các Thị trường Tài chính” (Life in the Financial Markets).

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

In tiền ồ ạt có thể nhấn chìm Mỹ và châu Âu theo cách nó hủy hoại Argentina