Khan hiếm thuốc và thành phần thức ăn chăn nuôi: Ngành sản xuất thịt ở Mỹ gặp khó

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các trang trại gia súc gia cầm tại nhiều bang ở Mỹ không thể chăm sóc tốt cho đàn lợn, bò, gà,... của mình bởi sự thiếu hụt thuốc và thành phần thức ăn chăn nuôi mà nguyên nhân đến từ việc chuỗi cung ứng bị tê liệt.

Thiếu hụt thành phần thức ăn chăn nuôi

Ở Minnesota, chủ một trang trại lợn là anh Randy Spronk đã phải điều chỉnh khẩu phần thức ăn chăn nuôi do sự thiếu hụt lysine - thành phần được sử dụng rộng rãi thay thế cho nguồn dinh dưỡng từ đậu nành, và là một loại axit amin giúp vật nuôi phát triển.

Tại các bang chú trọng nông nghiệp như Iowa và Minnesota, nông dân Mỹ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lysine.

Theo thông tin từ công ty Archer-Daniels-Midland có trụ sở tại Chicago, các vấn đề về nguồn cung chủ yếu xoay quanh các sản phẩm lysine khô từ Trung Quốc. Công ty này đã dừng sản xuất lysine khô trong năm nay và đang bán lysine lỏng.

Những nông dân như anh Spronk buộc phải cho lợn ăn nhiều bột đậu nành hơn với chi phí cao hơn để thay thế cho lysine khô. Sự thay đổi này khiến giá hợp đồng mua đậu nành tương lai của Hội đồng Thương mại Chicago vào hôm thứ 4 (17/11) đã tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng trở lại đây.

Anh Spronk nói: “Đây là thời điểm mà các nhà sản xuất phải tìm ra công thức mới để loại bỏ lysine hoặc hạ thấp mức lysine [trong thức ăn cho gia súc]".

Có thể thấy, nhiều nhà sản xuất thịt của Mỹ đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi gián đoạn chuỗi cung ứng. Họ phải tìm kiếm các sản phẩm chăm sóc cho vật nuôi khác, đồng thời cố gắng làm giảm chi phí chăn nuôi.

Công ty Smithfield Foods thuộc tập đoàn WH có trụ sở ở Hong Kong, nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới, nói với Reuters rằng họ đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguyên liệu đầu vào, và đã phải thay đổi một vài loại nguyên liệu, thậm chí phải tìm những nhà cung ứng mới.

Thiếu hụt thuốc chữa bệnh cho gia súc

Khoảng hơn một tháng nay, anh Doug Chapin, một người chăn nuôi bò sữa ở Michigan, đã không thể mua thuốc kháng sinh penicillin cho đàn bò của mình. Penicillin là một trong những loại thuốc được sử dụng phổ biến trong chăn nuôi, có thể điều trị các bệnh về đường hô hấp và các bệnh lý khác.

Anh Chapin nói: “Tôi đã luôn nghĩ rằng có thể gọi điện và ngay lập tức mua được vài chai thuốc nếu cần".

Đại dịch COVID-19 đã làm đình trệ vận tải, tắc nghẽn các cảng hàng hóa, gián đoạn thương mại toàn cầu, và làm thay đổi nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Các doanh nghiệp hiện phải lựa chọn sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm để sản xuất penicillin cho người hay cho động vật.

Patrick Gorden, Chủ tịch Hiệp hội các bác sĩ chăm sóc bò của Mỹ, cho biết tình trạng thiếu hụt penicillin trên khắp nước Mỹ đã tạo nên nhiều thách thức trong chăn nuôi gia súc và bò sữa. Các bác sĩ thú y rất khó để có được dù chỉ vài chai Pen-G, một loại kháng sinh dạng tiêm để điều trị cho gia súc, cừu, và lợn bị bệnh.

Các bác sĩ thú y cho biết tình trạng thiếu hụt tương tự cũng đang xuất hiện đối với tetracycline, một loại kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra cho động vật nuôi ở trang trại.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã công bố danh sách 9 loại thuốc dành cho bác sĩ thú y đang bị thiếu hụt bởi đại dịch. Cơ quan này đã liên hệ với các nhà sản xuất nhưng không biết khi nào các vấn đề về nguồn cung mới được giải quyết.

Theo ông Gorden, hiệp hội của ông đang tích cực đánh giá mức độ hiệu quả của phương pháp chữa bệnh đang được sử dụng; đồng thời nỗ lực tìm ra các liệu pháp chữa bệnh mới.

Người phát ngôn Mary van Dijk của công ty Bimeda tiết lộ, các nhà cung cấp một loại nguyên liệu được cấp phép bởi FDA để sản xuất penicillin ở Bắc Mỹ và Trung Quốc đã bị thiếu hụt nguồn cung vào đầu năm nay. Bimeda là doanh nghiệp có trụ sở tại Ireland, sản xuất 2 sản phẩm thuốc penicillin dùng cho thú y nằm trong danh sách thiếu hụt của FDA, bao gồm Pro-Pen-G. Bà Mary van Dijk đã từ chối nêu tên loại nguyên liệu đó.

Một vấn đề khác, các nguyên liệu thô thường được sử dụng để sản xuất thuốc kháng sinh cho động vật đã được chuyển hướng để sản xuất amoxicillin cho người. Nhu cầu về amoxicillin cho con người đã tăng lên đáng kể trong đại dịch, theo bà van Dijk. Amoxicillin thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng tai ở trẻ em, viêm họng, và các bệnh chứng khác.

Chủ tịch Hiệp hội Y tế Thú y Mỹ, Jose Arce, đánh giá: “Sự thiếu hụt nguồn cung không nên khiến các bác sĩ thú y bị ảnh hưởng trong việc đưa ra các điều trị y tế thích hợp hoặc chế độ an tử [phương pháp làm động vật chết một cách thoải mái] cho thú cưng hoặc gia súc”.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Khan hiếm thuốc và thành phần thức ăn chăn nuôi: Ngành sản xuất thịt ở Mỹ gặp khó