Khi năng lượng sạch được cung cấp bởi lao động bẩn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kế hoạch năng lượng sạch của ông Biden phụ thuộc vào pin mặt trời sản xuất bởi Trung Quốc. Hầu hết các tấm pin mặt trời có xuất xứ từ Trung Quốc lại phụ thuộc vào lao động nô lệ Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Mắc kẹt

Đức và Mỹ đã từng đi đầu về công nghệ, năng lực sản xuất pin năng lượng mặt trời. Cách đây 5 năm, Trung Quốc đứng thứ 10 thế giới về năng lực sản xuất pin năng lượng mặt trời. Nhưng giờ mọi việc đã thay đổi, Mỹ đã nhường vị trí số một cho Trung Quốc. Trung Quốc hiện chiếm hơn 32% năng lực sản xuất toàn cầu trong khi Mỹ chỉ chiếm 12% về pin năng lượng mặt trời (theo wikipedia)

Vấn đề ở chỗ, các tấm pin mặt trời như vậy sẽ trở thành trụ cột trong kế hoạch năng lượng sạch thay thế nguyên liệu hóa thạch trong gói cơ sở hạ tầng trị giá 2,3 tỷ USD của tổng thống Joe Biden.

Thực tế, Mỹ và Châu Âu đã cho phép ngành công nghiệp sản xuất pin năng lượng mặt trời của họ bị xóa sổ bởi các đối thủ Trung Quốc do giá thành rẻ hơn. Trung Quốc chủ yếu sản xuất các bộ phận chính của tấm pin mặt trời ở Tân Cương, nơi Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức.

Phương tây hiện bị mắc kẹt khi một mặt chỉ trích đàn áp nhân quyền của Trung Quốc, một mặt lại “hưởng lợi” từ pin mặt trời giá rẻ có được từ hoạt động đàn áp nhân quyền của quốc gia này.

Có vẻ như kế hoạch chi tiêu 2,3 nghìn tỷ USD và thay thế nền kinh tế bằng “năng lượng sạch” của ông Biden sẽ gặp phải nhiều chỉ trích khi chính sách và kế hoạch này sẽ tạo thêm việc làm cho Trung Quốc, tiêu dùng sản phẩm sản xuất bởi nô lệ lao động tại Tân Cương trong khi chỉ trích Trung Quốc về điều đó.

Cách mà Châu Âu và Mỹ đánh mất ngành sản xuất pin năng lượng mặt trời vào tay Trung Quốc

Từ năm 2006 đến 2013, thị phần sản xuất tế bào quang điện (PV) toàn cầu của Trung Quốc, thành phần chính của tấm pin mặt trời, đã tăng từ 14% lên 60% . Sau đó, Ủy ban Châu Âu báo cáo vào năm 2013, “Châu Á nói chung chiếm hơn 80% thị phần sản xuất của thế giới và Châu Âu chỉ chiếm 3% (trong khi năm 2008, thị phần toàn cầu của Châu Âu là 26% và của Châu Á là 63%).” Điều này có nghĩa, chỉ trong 5 năm, Châu Âu tự động từ bỏ 23% thị phần sản xuất tế bào quang điện cho Châu Á, thực chất là Trung Quốc.

Cũng trong năm 2013, gã khổng lồ Bosch của Đức đã phải từ bỏ lĩnh vực sản xuất bảng điều khiển năng lượng mặt trời; Người khổng lồ của Đức là Siemens đã từ bỏ lĩnh vực này trước đó trong năm 2012. Các nhà sản xuất PV khác của Đức đã phá sản.

Đức từng đứng vị trí số một về sản xuất pin năng lượng mặt trời, nhưng giờ vị trí này đã hoàn toàn sụp đổ.

Tình hình tương tự tại Mỹ khi báo cáo của Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội Mỹ năm 2015 cho biết “điều kiện thị trường bất ổn đã dẫn đến nhiều vụ phá sản và hợp nhất sản xuất giữa các công ty năng lượng mặt trời”.

Ngày nay, 6 trong số 7 nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới là của Trung Quốc và công ty thứ bảy - Canadian Solar - có sự hiện diện lớn ở Trung Quốc đến mức họ đang có kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán ở đó.

Tất nhiên, các tấm pin mặt trời giá rẻ (còn được gọi là mô-đun năng lượng mặt trời) rất có lợi cho phương tây với niềm tin rằng sản phẩm này có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch và điều này tốt hơn cho môi trường.

Với lý do môi trường, Mỹ và Châu Âu đã bất chấp các cảnh báo về bán phá giá do sản xuất bởi lao động cưỡng bức, đã dỡ bỏ các hình phạt chống bán phá giá và chống trợ cấp dài hạn đối với các tấm pin mặt trời của Trung Quốc, bao gồm cả pin PV. (Tế bào PV, bao gồm polysilicon, chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành năng lượng.)

Chẳng doanh nghiệp nào của phương tây có thể cạnh tranh về giá với doanh nghiệp Trung Quốc khi Trung Quốc không chỉ hưởng lợi bởi chênh lệch giá lao động, mà còn sử dụng lao động nô lệ miễn phí tại Tân Cương để sản xuất cùng một loại sản phẩm với Mỹ và EU. Thêm vào đó, với lý do “môi trường”, dù hiệu quả môi trường của pin mặt trời đầy tranh cãi, Mỹ và EU đã vội vã dỡ bỏ mọi hình phạt chống bán phá giá và chống trợ cấp dài hạn với Trung Quốc, một hành vi gián tiếp ‘ khuyến khích’ Trung Quốc đàn áp nhân quyền.

Phụ thuộc vào sản xuất bởi nô lệ lao động tại Tân Cương

Ông Biden giờ đây đang tập trung vào năng lượng tái tạo trong Kế hoạch việc làm ở Mỹ trị giá 2,3 nghìn tỷ USD với lập luận rằng “sự thay đổi dựa trên thị trường sang năng lượng sạch mang lại cơ hội to lớn cho sự phát triển của thị trường mới và các ngành công nghiệp mới tại Mỹ.

Đúng như vậy, về lý thuyết.

Tuy nhiên, trong khi mặt trời chiếu sáng ở khắp mọi nơi, thì việc thu nhận năng lượng của nó không phải là điều dễ dàng đối với các quốc gia có ngành công nghiệp tấm pin mặt trời đã tàn, không thể cạnh tranh về giá với đối thủ lớn nhất của nó, Trung Quốc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng pin mặt trời của các dự án hạ tầng tại Mỹ, của người dân Mỹ sẽ mang lại việc làm cho người Trung Quốc, gia tăng tình trạng bóc lột lao động nô lệ tại Tân Cương, chứ không tạo ra bất kỳ “việc làm” hay “ngành công nghiệp mới” nào cho nước Mỹ như sự mơ mộng của ông Biden.

Trang Politico đã đưa tin gần đây , các tế bào PV của Trung Quốc chiếm tới 71% sản lượng toàn cầu nhưng hầu hết các mô-đun này đều được sản xuất tại Tân Cương, nơi sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ, dân tộc này đang chịu đựng cuộc diệt chủng lạnh của chính quyền Trung Quốc trong hàng thập kỷ qua.

Trong khi các nhà chức trách Trung Quốc phủ nhận sự tồn tại của lao động cưỡng bức, họ cũng không cho phép kiểm tra độc lập các cơ sở sản xuất ở Tân Cương. Các nhà sản xuất phương Tây phải nghe lời các đối tác Trung Quốc rằng không có lao động cưỡng bức - một cơ sở đặc biệt yếu để mua hàng hóa. Điều đó đã khiến Volkswagen, một công ty từng được toàn cầu giám sát, thừa nhận rằng họ không thể biết chắc chắn liệu những người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ có bị buộc phải làm việc trong các nhà máy ở Tân Cương hay không.

Một báo cáo gần đây của công ty tư vấn Horizon Advisory đã cảnh báo tình trạng lao động cưỡng bức trong sản xuất pin PV ở Tân Cương. Cảnh báo này đã khiến nhiều nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Mỹ cam kết sẽ loại bỏ các sản phẩm trong chuỗi cung ứng có nguồn gốc bất minh từ Trung Quốc.

Vào cuối tháng 3, Thượng nghị sĩ Sens. John Kennedy và Thượng nghị sĩ Rick Scott đã trình một dự luật có thể ngăn cản chính phủ Hoa Kỳ mua các tấm pin mặt trời “từ các công ty có quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc sản xuất hoặc lắp ráp”.

Tháng trước, số phận đáng thương của người Duy Ngô Nhĩ, những người bị giam giữ phi pháp trong các trại lao động khắc nghiệt hoặc bị giám sát 24/24, đã khiến Vương quốc Anh áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương, một doanh nghiệp được chính phủ Trung Quốc cho phép sử dụng hơn một phần mười lao động nô lệ tại Tân Cương vào việc sản xuất tế bào PV. Vương quốc Anh cùng với Hoa Kỳ, Canada và EU áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự. “Không thể bỏ qua bằng chứng về việc vi phạm nhân quyền lan rộng ở Tân Cương — bao gồm giam giữ và giám sát hàng loạt, các báo cáo về tra tấn và cưỡng bức triệt sản,” Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói khi đưa ra các biện pháp trừng phạt.

Thiện Nhân

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Khi năng lượng sạch được cung cấp bởi lao động bẩn