Khoảnh khắc Lehman Brothers của thị trường tiền mã hóa đã bắt đầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thị trường tiền mã hóa đang sụp đổ sau các vòng tròn “huy động - đầu cơ - biến tiền mã hóa thành tiền thật - biển thủ - ồ ạt rút vốn” trên các sàn giao dịch, các hệ sinh thái lớn nhất của thị trường này. Cơn sang chấn của thị trường bắt đầu khi các ông trùm kiến tạo vòng tròn ảo ở trên bắt đầu kiệt sức và tan rã.

Trong hai ngày 8 và 9/11 vừa qua, thị trường tiền mã hóa đã xảy ra một sự kiện lớn. Nền tảng của Trung Quốc (Binance) bắt đầu thâu tóm phần còn lại trên thị trường tiền mã hóa của Mỹ và Mỹ sẽ phải làm gì đó để chống độc quyền.

Vào sáng sớm ngày 9/11, Chủ tịch Sam Bankman Fried của FTX, sàn giao dịch tiền điện tử lớn thứ hai thế giới, đăng Twitter nói rằng, FTX đã đạt được thỏa thuận đầu tư chiến lược với Binance – sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới. Theo đó, FTX sẽ tiếp nhận sự thua mua 100% từ Binance. Các nhóm cũng đang xử lý các yêu cầu rút tiền tồn đọng, điều này sẽ loại bỏ tình trạng khan hiếm thanh khoản trên sàn giao dịch FTX, nhưng sẽ mất thời gian…

Ông Triệu Trường Bằng (Changpeng Zhao, còn gọi là CZ), Chủ tịch của Binance, cũng đăng Twitter cho biết: "Chiều nay, FTX đã yêu cầu chúng tôi giúp đỡ. FTX gặp phải vấn đề thanh khoản nghiêm trọng. Để bảo vệ người dùng, chúng tôi đã ký một ý định thư không ràng buộc, với ý định mua lại hoàn toàn FTX và giúp giải quyết cuộc khủng hoảng thanh khoản. Chúng tôi sẽ tiến hành thẩm định toàn diện trong những ngày tới".

Các bài đăng trên Twitter của hai người này đã gây ra sự biến động lớn về giá tiền điện tử nói chung vào ngày 9/11.

Đầu tiên, đồng FTT (tiền điện tử của FTX) và các tiền điện tử khác, thậm chí bao gồm cả Bitcoin và Ethereum, đều bắt đầu ngừng giảm. Đồng BNB của Binance tăng vọt lên gần 400 USD, trong khi token FTT cũng tăng trở lại từ khoảng 15 USD lên hơn 21 USD.

Nhưng không ai nghĩ rằng nửa giờ sau đó, thị trường tiền mã hóa đột nhiên “quay xe” và rớt giá dữ dội. Có tin đồn rằng việc Binance mua lại FTX sẽ kích hoạt một cuộc xét duyệt chống độc quyền ở Hoa Kỳ, nguyên nhân này lại càng chân thực hơn. Lúc này mọi người chợt nghĩ rằng tại sao SBF đồng ý bị thu mua, kỳ thực là thừa nhận FTX đã vỡ nợ, và vấn đề của FTX lớn hơn nhiều so với những gì thị trường tưởng tượng...

Các nhà tạo lập thị trường (Market Maker) đã phản ứng và bỏ chạy trước. Token FTT bắt đầu giảm mạnh. Trước tin xấu rằng sàn giao dịch tiền mã hóa hàng đầu sắp phá sản và sụp đổ, giá của nhiều loại tiền điện tử, bao gồm cả Bitcoin và Ethereum, cũng bắt đầu giảm mạnh tới tấp, và tới nay vẫn tiếp tục giảm…

Hãy nói sơ qua về Sam Bankman Fried, hay còn được gọi là SBF, và sàn giao dịch FTX của ông.

SBF sinh năm 1992 và năm nay vừa tròn 30. Trước khi gia nhập thị trường tiền mã hóa vào năm 2017, ông từng làm việc tại Jane Street ở Phố Wall. Do có kinh nghiệm giao dịch định lượng (Quantitative Trading) trên Phố Wall, ông đã thành lập Alameda Research, một công ty kinh doanh định lượng tiền điện tử, vào năm 2017 và từ đó đã tham gia vào giới tiền mã hóa.

Vào năm 2019, SBF thành lập sàn giao dịch FTX trên cơ sở nhận vốn đầu tư từ Phố Wall. Sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất toàn cầu hiện nay – Binance – cũng là một trong những nhà đầu tư ban đầu của FTX.

Kể từ khi thành lập, FTX đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới đầu tư tiền mã hóa vì tốc độ phát triển đáng kinh ngạc, sự đổi mới sản phẩm và tính độc đáo về văn hóa. Ngoài việc môi giới giao dịch, FTX còn cung cấp một loạt các sản phẩm tài chính phái sinh phức tạp. Điều này khiến FTX mở rộng nhanh chóng và đạt được mức định giá lên tới 30 tỷ USD chỉ trong 26 tháng. Khối lượng giao dịch hàng ngày của FTX đứng top 3 trên các sàn giao dịch toàn cầu. Với việc đạt được quy mô giao dịch lớn như vậy trong thị trường tiền điện tử, gần như có thể nói rằng FTX đã trở thành một cỗ máy in tiền siêu cấp.

Không chỉ vậy, với sự trợ giúp về thế lực và nguồn vốn từ Phố Wall, SBF cũng đã vươn xúc tu khắp vòng tròn tiền điện tử, sử dụng cách chơi tài chính truyền thống và tiến lên như vũ bão trong thị trường tiền mã hóa. SBF đã chi mạnh tay vào các công ty nổi tiếng trên thị trường này, chẳng hạn như DAO Square, Paxos, Mask Network; thả dù tiếp tế cho các token do các công ty như LayerZero và BetDex phát hành; đầu tư vào các công ty NFT như Yuga Labs và Doodles; đầu tư vào các chuỗi công khai (Public Chain) như Solana, Celestia, Minal; đầu tư vào cả các sàn giao dịch phi tập trung như ParaSwap, DoDo, Saddle, TrustToken, v.v. Ngoài ra, còn có các ví chuyên biệt và sàn giao dịch phi tập trung. Đặc biệt, FTX cũng đã đầu tư vào USDC, một trong những stablecoin (đồng tiền ổn định) quan trọng nhất trong vòng tròn tiền mã hóa hiện nay (USDC được tạo bởi Circle – một công ty nhận hỗ trợ từ JPMorgan Chase).

Hình ảnh sau đây cho thấy các công ty tiền điện tử và token có liên kết với FTX.

Các công ty tiền điện tử và token có liên quan đến FTX. (Ảnh chụp màn hình)

Chỉ một tháng trước, vào đầu tháng 10, SBF cũng đã nhận lời phỏng vấn độc quyền với tạp chí kinh doanh nổi tiếng của Mỹ Fortune và được lên trang bìa của tạp chí. Tiêu đề của cuộc phỏng vấn là "Buffett tiếp theo” (The Next Buffett), nó cho thấy SBF đã trở thành một nhân vật đại diện cho ngành công nghiệp tiền điện tử. Đồng thời, FTX do ông sáng lập cũng đã trở thành một trong những công ty tiền điện tử có ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Trong quá trình tiền điện tử giảm mạnh kể từ tháng 4/2022 tới nay, một lượng lớn các quỹ đã đổ xô rút tiền và tháo chạy, gây ra khủng hoảng thanh khoản ở nhiều sàn giao dịch, nhưng FTX lại mở rộng và đi ngược lại xu hướng này. Sau một loạt các hoạt động sáp nhập và vay nợ, FTX được phong cho danh hiệu “ngân hàng trung ương tiền điện tử” và người đi vay cuối cùng trong vòng tròn tiền mã hóa. Theo tạp chí Fortune, đây có lẽ là cách thực hành câu nói nổi tiếng của Buffett: "Tôi tham lam khi người khác sợ hãi".

SBF cũng giải thích cụ thể chiến lược mua lại cổ phần trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Fortune. Ông nói: "Nhiệm vụ của chúng tôi không phải là thực hiện các vụ thu mua gây sốc, logic ở đây là thực hiện một số giao dịch hợp lý, thậm chí một số giao dịch hơi gay go mà chúng tôi có thể chấp nhận được ... Xuất phát từ suy nghĩ về những điều tốt nhất cho cả hai bên, và sau đó chúng tôi có thể bắt đầu suy nghĩ về cách chia sẻ miếng bánh với nhau".

Hơn nữa, SBF còn nói: "Thời điểm tồi tệ nhất đã qua".

Tức là thông qua phương pháp thu mua ồ ạt này trong khi thị trường suy thoái, SBF đã thiết lập một hệ sinh thái tiền điện tử FTX khổng lồ. Nhưng điều mà SBF không biết là thời điểm tồi tệ nhất trên thị trường tiền mã hóa vẫn chưa qua đi, chính xác là vì vụ thu mua của ông và FTX.

Trong một thời gian ngắn kể từ khi thành lập (chỉ 2 năm), FTX đã có thể vươn tới mọi ngóc ngách trong vòng tròn tiền mã hóa, không chỉ dựa vào lợi nhuận và tài chính khi phát hành token FTT, mà còn bao gồm một lượng lớn các khoản vay, món nợ và tất cả tiền của khách hàng giao dịch FTT.

Nói một cách đơn giản, FTX đã biển thủ một lượng lớn tiền của khách hàng, và một phần đáng kể trong số tiền này được chuyển cho Alameda Research, một công ty do SBF thành lập thời đầu. Thông qua Alameda Research, FTX cũng thực hiện nhiều thương vụ mua lại và đầu tư ra bên ngoài.

Vào ngày 2/11, Coindesk, trang web chuyên đưa tin về các đồng tiền kỹ thuật số, đã đăng bài mổ xẻ bảng cân đối kế toán của Alameda Research dựa trên một tài liệu tài chính tư nhân mà họ thẩm tra. Theo bài viết, phần lớn tài sản của Alameda Research là token FTT trên nền tảng FTX. Tính đến ngày 30/6, tài sản của Alameda Research là 14,6 tỷ USD. Trong đó, tài sản lớn nhất của công ty này là token FTT trị giá 3,66 tỷ USD. Ngoài ra còn có các tài sản quan trọng khác như 3,37 tỷ USD hệ sinh thái Solana (SOL) và token Solana của nó. Và nợ phải trả của Alameda Research là 8 tỷ USD, chủ yếu là các khoản vay 7,4 tỷ USD.

Nhớ lại vòng xoáy tử thần của hệ sinh thái Terra và token LUNA của nó vào 5 tháng trước, cùng cuộc khủng hoảng thanh khoản sau đó của quỹ đầu tư mạo hiểm Three Arrows Capital (3AC), thị trường tiền điện tử ngay lập tức trở nên lo lắng về tính thanh khoản của FTT, giá của token FTT cũng bắt đầu từ từ giảm xuống. Sau đó, bà He Yi, người đồng sáng lập Binance, nói rằng đã bán 20% cổ phần FTX, điều này càng khiến thị trường lo ngại hơn về tài chính của FTX và Alameda Research.

Cho dù là thị trường tiền mã hóa hay thị trường tài chính, thông thường đều là càng sợ điều gì, càng dễ xảy ra điều ấy.

Vào ngày 6/11, ông Triệu Trường Bằng (CZ), người đứng đầu Binance, viết trên Twitter rằng sau khi Binance rút cổ phần khỏi FTX vào năm ngoái, đã nhận được khoảng 2,1 tỷ USD tiền mặt (bao gồm BUSD và FTT). Ông nói rằng do lo ngại FTT sẽ sụp đổ trong nháy mắt như LUNA nên sẽ bán tất cả FTT trong vài tháng tới. Cùng ngày, Whale Alert, trang thông tin chuyên theo dõi và cảnh báo các giao dịch lớn trên thị trường tiền điện tử, đã giám sát và thấy rằng, lượng FTT trị giá 580 triệu USD đã được chuyển từ một ví không xác định sang Binance.

Một loạt hiệu ứng cánh bướm đã đẩy FTT đến trung tâm của vòng xoáy tiền mã hóa, thị trường đang suy đoán về khả năng FTX nổ tung, lượng lớn tài sản tiền điện tử đang chảy ra từ các địa chỉ ví có liên quan đến FTX và Alameda Research.

Trước những nghi ngờ của thị trường, bà Caroline Ellison, đồng Chủ tịch Alameda Research, đã phản hồi vào ngày 6/11 rằng, bài báo trên Coindesk là không đúng sự thật, "(Alameda) có hơn 10 tỷ USD tài sản chưa được nêu ra". Bà nói rằng sẵn sàng trả giá 22 USD mỗi đồng để mua lại tất cả FTT trên sàn Binance.

Vào chiều ngày 8/11, ông SBF đã đứng ra chỉ trích và nói rằng một số đối thủ cố tình bôi nhọ họ, đồng thời nhấn mạnh rằng nền tảng này có khả năng bao phủ tài sản của tất cả người dùng. Động thái này nhắm cố gắng xoa dịu thị trường và người dùng FTX, do đó tạo ra một cuộc khẩu chiến chưa dứt giữa Binance và FTX.

Khi khủng hoảng chồng chất, rất nhiều nhà đầu cơ bắt đầu đổ vào Binance thông qua thị trường hợp đồng FTT. Trong vòng vài giờ, khối lượng giao dịch hợp đồng vĩnh viễn FTT / USDT đã tăng từ 20 triệu USD lên 40 triệu USD, Alameda Research cũng đang cố gắng bảo vệ giá của FTT ... Sau đó, đã xảy ra cảnh được đề cập ở đầu bài viết này.

Tin tức đang được lan truyền hiện tại là lâu nay FTX chỉ dự trữ một phần và tự ý sử dụng lượng lớn tiền của khách hàng, khoản hụt hiện tại đã lên tới 5-6 tỷ USD và tổng thể là vỡ nợ. Có khả năng cao là Binance sẽ từ bỏ việc mua lại FTX...

Từ sự phấn khích của đám đông đến sự sụp đổ của thị trường, tình hình phát triển nhanh đến mức mọi người thậm chí không kịp phản ứng.

Theo bản đồ móc nối hiện tại của các công ty có liên kết với FTX, sự sụp đổ của FTX có thể là quân cờ domino trong vòng tròn tiền mã hóa. Tác động này sẽ vượt xa sự sụp đổ của LUNA vài tháng trước. Ảnh hưởng của nó có thể so sánh với sự sụp đổ của Lehman Brothers vào năm 2008.

Trong vài ngày qua, trong các nhóm Twitter Spaces và Telegram, liên tục truyền ra thông tin như KuCoin và các sàn giao dịch chính thống khác không thể rút tiền, sự hoảng loạn lan rộng khắp ngành công nghiệp tiền điện tử và giá Bitcoin đã giảm xuống dưới 1,6 triệu cửa sổ USD...

Tin tức mới nhất là sau khi Binance thông báo rằng họ sẽ từ bỏ việc mua lại FTX, Sequoia Capital, một trong những nhà đầu tư của FTX, đã thông báo rằng họ sẽ cắt bỏ toàn bộ khoản đầu tư 213,5 triệu USD vào FTX…

Đông Phương

Theo Visiontimes

Kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Khoảnh khắc Lehman Brothers của thị trường tiền mã hóa đã bắt đầu