Không lãng phí khủng hoảng, Trung Quốc nhập khẩu dầu kỷ lục từ Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vượt qua cả nhà cung cấp hàng đầu của Trung Quốc là Arab Saudi, Nga đang trở thành nhà xuất khẩu dầu lớn nhất cho Trung Quốc vào tháng Năm. Như mọi khi, Trung Quốc chưa bao giờ lãng phí một cuộc khủng hoảng nào. Mọi quốc gia bị cấm vận, trừng phạt bởi Mỹ và EU đều trở thành đối tác giao thương hàng hoá giá rẻ với Trung Quốc.

Chưa bao giờ lãng phí bất kỳ cuộc khủng hoảng lớn nhỏ nào trên khắp toàn cầu, Trung Quốc luôn là kẻ trục lợi nhanh nhẹn nhất trên thế giới. Với cuộc chiến Nga - Ukraine, Trung Quốc nhanh chóng biến Nga trở thành đối tác thương mại, nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất cho nền kinh tế luôn đói khát nhiên liệu nhất hành tinh này.

Theo số liệu từ Reuters, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Nga đã tăng 55% so với một năm trước đó lên mức kỷ lục vào tháng 5/2022. Nga đã thay thế Arab Saudi trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho Trung Quốc nhờ chiết khấu lớn cho "đồng minh". Nga áp dụng mức giá dầu chiết khấu cao để tăng nguồn thu trong bối cảnh nước này phải chịu các lệnh trừng phạt kinh tế liên tiếp do xâm lược Ukraine.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu của Nga, bao gồm nguồn cung được bơm qua đường ống ở Thái Bình Dương ở Đông Siberia và các chuyến hàng bằng đường biển từ các cảng Châu Âu và Viễn Đông của Nga, đạt tổng cộng gần 8,42 triệu tấn dầu vào tháng 5/2022.

Con số này tương đương với khoảng 1,98 triệu thùng/ngày (bpd) và tăng tới 25% so với mức nhập khẩu 1,59 triệu thùng/ngày vào tháng 4/2022.

Dữ liệu cho thấy Nga đã trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới sau 19 tháng.

Nhờ các khách hàng khao khát dầu giá rẻ của Nga, các lệnh trừng phạt của phương Tây trở nên vô hiệu trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu leo thang. Theo ước tính, mỗi ngày Nga vẫn ung dung kiếm được 1 tỷ USD nhờ xuất khẩu dầu thô; chủ yếu xuất sang Châu Âu, nơi phụ thuộc năng lượng rất lớn vào Nga. Và giờ đây, với việc trở thành nhà xuất khẩu dầu hàng đầu của Trung Quốc, Ấn Độ,.. thị trường dầu mỏ của Nga trở nên rộng rãi hơn bao giờ hết.

Xem thêm: Càng trừng phạt kinh tế Nga càng kiếm bộn tiền từ khủng hoảng: Mỹ và EU đã sai ở đâu?

Trong khi nhu cầu dầu thô tổng thể của Trung Quốc đã bị kìm hãm bởi COVID-19 (do sản xuất và cầu tiêu dùng bị thu hẹp bởi phong toả), nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, các nhà nhập khẩu hàng đầu, bao gồm cả công ty lọc dầu khổng lồ Sinopec và Zhenhua Oil, đã tăng cường mua dầu Nga, vốn rẻ hơn nhiều so với giá bình quân trên thế giới. Nguồn cung dầu từ Nga trở thành nguồn cung lớn bên cạnh các dầu giá rẻ từ Iran và Venezuela do bị phương Tây cấm vận và trừng phạt kinh tế.

Saudi Arabia tiếp tục là nhà cung cấp lớn thứ hai, với sản lượng tháng 5 tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái ở mức 7,82 triệu tấn, tương đương 1,84 triệu thùng/ngày. Con số này đã giảm so với mức 2,17 triệu thùng/ngày của tháng 4.

Dữ liệu hải quan công bố hôm thứ Hai cũng cho thấy Trung Quốc đã nhập khẩu 260.000 tấn dầu thô của Iran vào tháng trước, lô hàng thứ ba của nước này kể từ tháng 12 năm ngoái, xác nhận một báo cáo trước đó của Reuters.

Bất chấp các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran, Trung Quốc vẫn tiếp tục là nhà nhập khẩu dầu lớn của Iran. Mức nhập khẩu gần tương đương 7% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc.

Nhập khẩu dầu thô tổng thể của Trung Quốc đã tăng gần 12% trong tháng 5 từ mức cơ bản thấp một năm trước đó lên 10,8 triệu thùng/ngày, so với mức trung bình năm 2021 là 10,3 triệu thùng/ngày.

Ngoài nhu cầu cho sản xuất, có thể Trung Quốc còn phải tăng cường dự trữ năng lượng trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng gia tăng và phục vụ các mục tiêu leo thang căng thẳng quân sự (thậm chí có thể là chiến tranh) với Đài Loan hoặc trên Biển Đông.

Quang Nhật

(Theo Reuters)



BÀI CHỌN LỌC

Không lãng phí khủng hoảng, Trung Quốc nhập khẩu dầu kỷ lục từ Nga