Không mua năng lượng từ Nga, Mỹ và EU lại quan tâm đến năng lượng 'sạch' của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc chiến Ukraine đã thúc đẩy các lệnh trừng phạt lên Nga, từ đó hạn chế nguồn cung dầu và khí đốt cho các thị trường như Hoa Kỳ và Âu châu. Bên mua năng lượng hiện phải tìm kiếm nguồn cung thay thế, qua đó thúc đẩy mối quan tâm mới đến năng lượng tái tạo như gió và mặt trời — cả hai lĩnh vực mà các doanh nghiệp Trung Quốc đang cạnh tranh gay gắt.

Những nước khát năng lượng đang tìm kiếm nguồn cung dầu và khí đốt từ các quốc gia đang chịu trừng phạt như Iran và Venezuela. Bên thiếu năng lượng đã giảm bớt áp lực đối với Iran và Venezuela trong việc cải thiện nhân quyền, giúp họ tạo đòn bẩy thương lượng về các vấn đề như chính phủ độc tài và phổ biến vũ khí hạt nhân.

Do phương Tây thiếu một cách tiếp cận đồng đều và bền vững để áp dụng các lệnh trừng phạt nên trong khi trừng phạt Nga, áp lực đối với các quốc gia phi tự do khác đã bị giảm thiểu. Trên thực tế, Trung Quốc và các đồng minh - gồm Iran, Triều Tiên và Venezuela - thực sự là mối đe dọa dài hạn hơn và lớn hơn so với Nga, và do đó trong dài hạn, việc chuyển đổi thị trường cung cấp năng lượng có thể mang đến nhiều tổn hại cho các nền dân chủ.

Điều này không có nghĩa là không nên trừng phạt Nga. Việc ấy cần phải làm, và các biện pháp trừng phạt nên được tăng cường. Cùng với đó, các biện pháp trừng phạt Nga cần được thiết kế để những thể chế phi tự do khác không được hưởng lợi.

Hôm 08/03, Ủy ban Âu châu đã ban hành một kế hoạch năng lượng, trong đó nêu rõ: “Sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, nhu cầu chuyển đổi sang năng lượng sạch một cách nhanh chóng chưa bao giờ mạnh mẽ và rõ ràng hơn lúc này”. Liên minh Âu châu (EU) nhập khẩu hơn 46% than, 40% khí đốt và 27% dầu từ Nga.

Tuyên bố của EU cho biết trong khi đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt khỏi Nga, "EU cũng tăng cường quan hệ đối tác quốc tế", bao gồm quan hệ với G-7 và các nhà nhập khẩu khí đốt lớn khác gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc.

Ngày 09/03, cây viết Luz Ding tại Bloomberg lưu ý rằng “kế hoạch thời chiến của Âu châu trong việc chuyển đổi một cách nhanh chóng sang năng lượng sạch khi khu vực này tìm cách thay thế nhiên liệu hóa thạch từ Nga sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất năng lượng tái tạo của Trung Quốc phát triển”.

Theo kế hoạch năng lượng mới của EU, đến năm 2030, EU sẽ có thêm 900 gigawatt năng lượng mặt trời và năng lượng gió, gần gấp đôi những gì các nhà phân tích dự đoán ​​trước đây.

Morgan Stanley, một ngân hàng đầu tư hàng đầu, dự báo xuất khẩu năng lượng mặt trời của Trung Quốc sẽ tăng tới 15%. Người hưởng lợi chủ yếu sẽ là Công ty Công nghệ Năng lượng Xanh Longi của Trung Quốc - công ty năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Longi đã bị cơ quan hải quan Hoa Kỳ thu giữ các sản phẩm vào tháng 11 do polysilicon của họ có nguồn gốc từ Tân Cương, nơi người Duy Ngô Nhĩ bị bắt làm nô lệ trong các nhà máy và cánh đồng. Tân Cương hiện cung cấp tới 45% polysilicon của thế giới.

Mỹ và EU không mua năng lượng từ Nga do các lệnh trừng phạt, Mỹ và EU quan tâm đến năng lượng sạch của Trung Quốc như nguồn thay thế dầu khí của Nga
Các tấm pin mặt trời tại một nhà máy điện mặt trời ở Hami, Tân Cương, phía tây bắc Trung Quốc, hôm 08/05/2013. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)

Thay vì chọn Trung Quốc, Mỹ và EU nên đầu tư vào ngành năng lượng của đồng minh

Thay vì mua năng lượng từ Trung Quốc và các đồng minh độc tài của Bắc Kinh, Âu châu và Mỹ có thể bảo trợ các đồng minh của chính họ, chẳng hạn như mua các tấm pin mặt trời của Anh, khí đốt tự nhiên của Na Uy và dầu của Canada.

Khí đốt của Na Uy chiếm khoảng 23,6% lượng khí đốt nhập khẩu của EU. Hỗ trợ các quốc gia thân thiện với nền dân chủ đồng nghĩa với việc mua thêm năng lượng từ các quốc gia như Na Uy.

Người tiêu dùng ở Âu châu và Anh ủng hộ cách tiếp cận này. Họ thích các tấm pin mặt trời của các công ty Anh hơn là của các doanh nghiệp Trung Quốc. Nhà sản xuất năng lượng mặt trời của Anh, UKSOL, đặt cơ sở sản xuất tại Tây Ban Nha.

Chủ tịch của UKSOL, ông Andrew Moore, nói với The Independent hôm 08/03 rằng, "chúng tôi đang nhận được nhiều đơn đặt hàng vì các công ty [năng lượng] ở Anh từ chối sử dụng thương hiệu Trung Quốc”.

Ông Moore tiếp tục: “Người tiêu dùng đang đặt câu hỏi (về lao động cưỡng bức) và đúng như vậy. Có một sự gia tăng [đơn đặt hàng] từ Âu châu, tôi nhận được email mỗi ngày từ những người tiêu dùng không muốn sử dụng tấm năng lượng của Trung Quốc”.

Do áp lực quốc tế và cũng để đáp ứng nhu cầu của cử tri, các chính phủ đang xem xét luật chống lao động cưỡng bức, dẫn đầu là lệnh cấm của Mỹ đối với hàng hóa sản xuất tại Tân Cương.

Tuy nhiên, các công ty sản xuất tấm năng lượng mặt trời có thể trốn tránh lệnh cấm của Mỹ đối với hàng hóa Tân Cương bằng cách chuyển hàng xuất khẩu của họ sang thị trường Âu châu và Anh với mức chiết khấu cao. Đôi khi, khách hàng không thể biết được nguồn gốc thực sự của các sản phẩm năng lượng là từ Trung Quốc.

Giáo sư Laura T. Murphy nói với The Independent: “Có nhiều cách mà các công ty có thể làm để che giấu [việc sử dụng] lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của họ”.

Theo ông Moore, “các nhà bán buôn [năng lượng] ở Vương quốc Anh sẽ không đẩy mạnh quảng bá các tấm năng lượng có giá thành cao hơn một chút vì ngành này bị chi phối bởi giá cả, trong khi giá cả bị chi phối bởi Trung Quốc”.

Thay vì chuyển sang mua năng lượng của Trung Quốc và các chế độ phi tự do khác, cách tiếp cận tốt hơn dành cho phương Tây là đầu tư vào hoạt động sản xuất năng lượng của các nền dân chủ, ngay cả khi điều đó có nghĩa là cần chi nhiều tiền hơn cho các tuabin gió, tấm pin mặt trời hoặc pin lithium. Bằng cách trao quyền cho bạn bè thay vì cho kẻ thù, chúng ta sẽ trợ giúp cho tương lai của nền dân chủ hơn là cho sự sụp đổ của nó.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power (Tập trung quyền lực) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).

Lê Minh

Theo The Epoch Times

 



BÀI CHỌN LỌC

Không mua năng lượng từ Nga, Mỹ và EU lại quan tâm đến năng lượng 'sạch' của Trung Quốc