Không phải ông Tập, bánh vẽ ‘thịnh vượng chung’ bắt đầu từ Evergrande và cái kết ‘nghèo đói chung’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đang cố gắng thúc đẩy cho “thịnh vượng chung” khiến cụm từ này trở nên phổ biến khắp toàn cầu. Nhưng ít ai biết rằng CEO của Evergrande đã phát biểu về ‘thịnh vượng chung từ 2018 và áp dụng triệt để lý thuyết này để ‘trấn lột’ hết sạch miếng cơm manh áo của tất cả các nhân viên, nhà đầu tư, đối tác của Evergrande. Không hiểu kết cục của Evergrande có là lời cảnh tỉnh cho một ‘thịnh vượng chung’ cấp quốc gia hay không?

Trong năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ít nhất 65 lần đề cập đến khẩu hiệu "thịnh vượng chung". Đây là chiến lược ‘cải cách’ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dưới danh nghĩa giảm bớt bất bình đẳng xã hội, nhằm giúp ông Tập có thêm nhiệm kỳ thứ ba.

“Thịnh vượng chung” của nhà lãnh đạo Trung Quốc đề cao chủ nghĩa tư bản liên đới (stakeholder capitalism), tức là thúc đẩy các công ty hướng tới phục vụ lợi ích của tất cả các bên liên quan. Điều này khác với chủ nghĩa tư bản cổ đông (shareholder capitalism) khi doanh nghiệp chỉ tập trung phục vụ lợi ích của các cổ đông. Các bên liên quan ở đây gồm có: Nhân viên, nhà cung cấp, khách hàng, và chính quyền địa phương,... Về mặt lý thuyết, họ đều sẽ nhận được sự quan tâm từ phía công ty, và có tiếng nói lớn đối với các hoạt động của công ty.

Tỷ phú Hứa Gia Ấn - người sáng lập tập đoàn bất động sản (BĐS) Evergrande - là một đảng viên 35 năm tuổi đảng. Trước khi ông Tập Cận Bình ráo riết ‘đánh thức’ Trung Quốc về cội nguồn chủ nghĩa cộng sản thì vào năm 2018, tỷ phú Hứa Gia Ấn đã sử dụng khẩu hiệu “thịnh vượng chung” trong một bài phát biểu của mình. Ông Hứa cũng nổi tiếng là người rất chú trọng công tác từ thiện tại Trung Quốc với việc quyên góp hàng tỷ USD cho các mục đích như nghiên cứu y tế.

Bánh vẽ “thịnh vượng chung” của Evergrande hoạt động như thế nào?

Những người ủng hộ "thịnh vượng chung” cho rằng, các doanh nghiệp cần phải chia sẻ lợi nhuận của mình với cán bộ nhân viên cũng như với xã hội. Vậy Evergrande đã thực thi “thịnh vượng chung” như thế nào? Cách làm của ông lớn BĐS này là tận dụng mọi biện pháp để vay mượn chẳng chừa một ai. Với lời hứa hão về tình hình kinh doanh thuận lợi và các khoản lợi nhuận cao, Evergrande đã tự biến mình thành ‘con nợ’ không chỉ của các ngân hàng, các nhà đầu tư chuyên nghiệp trong và ngoài nước, mà còn là của các nhân viên, người nhà và bạn bè của nhân viên, khách hàng, và nhà cung ứng,...

Giống như các công ty BĐS Trung Quốc đang áp dụng chủ nghĩa tư bản liên đới khác, để lấy tiền từ nhân viên trên danh nghĩa chia sẻ lợi nhuận, Evergrande áp dụng quy trình như sau: đầu tiên, tập đoàn này vay tiền từ các tổ chức ủy thác để phục vụ việc xây dựng các dự án BĐS. Các tổ chức ủy thác sau đó sẽ đóng gói các khoản nợ của Evergrande thành các sản phẩm đầu tư. Tiếp đó, Evergrande yêu cầu những quản lý cấp cao trong tập đoàn - những người chịu trách nhiệm chính về dự án xây dựng trở thành nhà đầu tư vào các sản phẩm của tổ chức ủy thác. Bloomberg trích dẫn thông tin từ báo cáo địa phương cho thấy, vào 5 năm trước, các sản phẩm uỷ thác đầu tư vào các dự án của Evergrande có thể mang lại lợi nhuận lên tới 30%/năm.

Tuy nhiên, khi các vấn đề tài chính xuất hiện, ông lớn BĐS này đã thúc đẩy cả nhân viên quản lý cấp trung và các nhân viên cấp thấp tham gia đầu tư. Trong khi đó, các điều khoản tài chính trong hợp đồng đầu tư ngày càng trở nên bất lợi cho người đầu tư. Các sản phẩm quản lý tài sản thời gian gần đây chỉ mang lại lợi suất từ 5% - 10% (thay vì 30% như trước) và thậm chí không liên quan gì đến các dự án xây dựng mà những nhân viên đó đang làm việc, tức là các nhân viên này có thể không hề biết gì đến chất lượng của các dự án.

Evergrande tiếp tục đi xa hơn nữa, vào đầu năm nay, khi khát tiền mặt, tập đoàn này đã thúc giục các nhân sự cho công ty vay ngắn hạn, nếu không thì họ sẽ bị mất tiền thưởng. Hiện nay, những nhân viên này đang đứng trước bờ vực mất trắng, rất nhiều người trong số họ đã gia nhập ‘đội quân’ hàng trăm người, gồm các nhà đầu tư và người mua nhà cọc trước, tập trung trước trụ sở Evergrande để cố gắng đòi lại tiền.

Không chỉ nhân viên, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng là nạn nhân của “thịnh vượng chung” mà Evergrande nhắm đến. Cô Christina Xie, một người làm trong lĩnh vực xuất khẩu ở phía nam thành phố Thâm Quyến, đã được tư vấn về sự chắc chắn của khoản đầu tư cho Evergrande. Theo đó, cô đã đầu tư 380.000 NDT (khoảng 58.770 USD) vào tập đoàn này và tháng trước cô đã không nhận được 30.000 NDT tiền trả định kỳ. Được biết, số tiền đầu tư là tất cả những gì cô đã vất vả tích góp để lo cho bản thân và bố mẹ.

Theo thông tin từ Reuters, hơn 80.000 người bao gồm không chỉ nhân viên mà còn cả gia đình và bạn bè của họ cũng như các chủ sở hữu BĐS, đã mua các sản phẩm quản lý tài sản có liên quan đến Evergrande với giá trị lên đến 100 tỷ NDT trong vòng 5 năm qua. Giờ đây, khoảng 40 tỷ trong số đó vẫn chưa có cách giải quyết.

“Thịnh vượng chung” hóa ra chỉ là mỹ danh của “nghèo đói chung”

Cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande đang khiến vô số người lâm vào cảnh khốn cùng. Các lao động làm việc tại công trường xây dựng trong các dự án của Evergrande không phải là ngoại lệ. Anh Li Hongjun, một công nhân xây dựng, nói rằng anh sẽ nhanh chóng hết lương thực và hết tiền. Anh đã không được trả lương từ tháng 8 và đang tính tới việc phải nhờ đến sự giúp đỡ của nhà nước để có cái ăn.

Các khách hàng của Evergrande cũng đang chịu áp lực lớn về tinh thần và vật chất. Một phụ nữ giấu tên đã mua một BĐS của Evergrande ở vùng đông bắc thành phố Thẩm Dương và đã phải chờ đợi bàn giao từ tháng 4/2020. Mỗi tháng, cô đang phải trả 3000 NDT cho khoản nợ 600.000 NDT để mua nhà của mình. Dù vậy, việc xây dựng đang bị đình trệ và cô nghi ngờ khả năng Evergrande có thể bàn giao nhà vào ngày 30/12 tới. Những nhà phân tích tại Capital Economics ước tính rằng tới cuối tháng 6, Evergrande còn cần phải hoàn thiện 1,4 triệu BĐS với trị giá trước bán khoảng 1,3 nghìn tỷ NDT, theo Reuters.

Việc vỡ nợ của tập đoàn khổng lồ này cũng ảnh hưởng lớn tới hệ thống tài chính của Trung Quốc. Từ năm 2018, ngân hàng trung ương nước này đã cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ từ các công ty như Evergrande. Các khoản nợ của Evergrande hiện liên quan tới 128 ngân hàng và 121 định chế tài chính phi ngân hàng.

Như vậy, mộng tưởng “thịnh vượng chung” mà Evergrande đã vẽ ra cho các bên liên quan đang khiến tất cả họ rơi vào hoàn cảnh vô vàn khó khăn. Ý tưởng “thịnh vượng chung” đến đây có thể kết luận là không thể đạt được, và thậm chí ngược lại, nó đã trở thành nghèo đói và khó khăn chung.

Không hiểu câu chuyện "thịnh vượng chung" của Evergrande có khiến ĐCSTQ băn khoăn chút nào về kết quả "thịnh vượng chung’"mà họ vẽ ra hay không?

Bảo Nguyên

Theo Bloomberg



BÀI CHỌN LỌC

Không phải ông Tập, bánh vẽ ‘thịnh vượng chung’ bắt đầu từ Evergrande và cái kết ‘nghèo đói chung’