Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc hé lộ những bất ổn kinh tế trầm trọng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bất chấp nỗ lực của Bắc Kinh nhằm củng cố thị trường nhà ở đang gặp khó khăn, doanh số bán bất động sản đã sụt giảm hơn 20% tại các thành phố lớn ở Trung Quốc. Điều này đã hé lộ những bất ổn trầm trọng của nền kinh tế nước này.

Các nhà chức trách đã cố gắng đưa ra các chính sách kích thích, chẳng hạn như giảm thuế cho người mua nhà mới và giảm lãi suất thế chấp nhưng tình hình chung của thị trường bất động sản vẫn trầm trọng sau tuần nghỉ lễ hôm 1/10. Theo truyền thống, đây là thời gian cao điểm của doanh số bán bất động sản.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng sự sụt giảm mạnh của Trung Quốc hiện nay giống như bong bóng bất động sản của Nhật Bản vào những năm 1980. Dưới tác động của nhiều yếu tố trên thực tế, chẳng hạn như đại dịch và già hóa dân số, Trung Quốc khó có thể dựa vào tăng trưởng kinh tế hoặc các chính sách tài khóa để vượt qua cuộc khủng hoảng thị trường nhà ở.

Giao dịch trung bình hàng ngày của các đơn vị dân cư thương mại mới tại bốn thành phố lớn nhất của Trung Quốc giảm mạnh trong tuần lễ. So với cùng kỳ năm 2021, doanh số bán hàng đã giảm 21% ở Quảng Châu, 47% ở Thượng Hải, 49% ở Thâm Quyến và 64% ở Bắc Kinh.

Vào ngày 30/9, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố cắt giảm lãi suất thế chấp đầu tiên trong bảy năm - mức giảm 0,15 điểm phần trăm cho những người mua nhà lần đầu, bắt đầu từ ngày 1/10.

Truyền thông nhà nước CNA đưa tin hôm 1/10 rằng những người trong ngành tự tin rằng các chính sách cứng rắn như vậy sẽ kích thích doanh số bán hàng trong mùa cao điểm truyền thống và thậm chí vào quý IV.

Tuy nhiên, theo số liệu do Beijing China Index Academy công bố ngày 8/10, thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn chưa phục hồi sau đại dịch COVID-19

Nhiều người đổ lỗi cho các chính sách phong tỏa COVID-19 cực đoan của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khiến nền kinh tế quốc gia rơi vào khủng hoảng, khiến bất kỳ biện pháp nào được thiết kế để hỗ trợ thị trường nhà ở đều trở nên vô hiệu hóa.

Khủng hoảng kinh tế

Vào ngày 5/10, đài BBC tiếng Trung đưa tin rằng Trung Quốc có thể không phải vật lộn với lạm phát mạnh như Hoa Kỳ và Anh, nhưng nước này vấp phải những thách thức không nhỏ khác.

Là công xưởng của thế giới, Trung Quốc đột nhiên đối diện với việc sụt giảm người mua hơn đối với các mặt hàng của mình, cả trong nước lẫn quốc tế. Mối quan hệ thương mại căng thẳng giữa Trung Quốc và các nền kinh tế lớn, như Hoa Kỳ, cũng đã cản trở sự tăng trưởng của nước này.

Ngoài ra, đồng tiền của Trung Quốc đã lao dốc so với đồng USD và đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Đồng tiền sụt giảm đã khiến các nhà đầu tư hoảng sợ, làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn trên thị trường tài chính và khiến Ngân hàng Trung ương Trung Quốc gặp khó khăn trong việc bơm tiền vào nền kinh tế.

Báo cáo của đài BBC Tiếng Trung liệt kê 5 lý do chính khiến nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ: chính sách zero COVID, chính phủ phản ứng không tốt trước nền kinh tế yếu kém, khủng hoảng thị trường bất động sản, khủng hoảng năng lượng, và những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đang đánh mất các nhà đầu tư.

Theo bài báo, thị trường bất động sản suy yếu là một đòn giáng nghiêm trọng vào nền kinh tế, vì bất động sản và các ngành liên quan chiếm tới 1/3 GDP của Trung Quốc.

“Khi niềm tin vào thị trường nhà ở thấp sẽ dẫn đến cảm giác không chắc chắn về tình hình kinh tế nói chung", theo ông Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của S&P Global Inc.

Người mua nhà Trung Quốc đang bắt đầu từ chối thanh toán các khoản thế chấp căn nhà còn đang xây dang dở của mình. Một số người cũng tự hỏi rằng, bao giờ căn nhà của họ mới được hoàn thiện.

Nhu cầu về bất động sản mới đã giảm đáng kể, làm giảm nhu cầu đối với các vật liệu xây dựng liên quan.

Các vấn đề cơ bản

Theo Deng Yuwen, cựu biên tập viên một tờ báo Trung Quốc hiện sống ở Mỹ, đã phân tích những vấn đề cơ bản đằng sau thị trường bất động sản yếu kém của Trung Quốc trong một bài báo đăng trên tờ Deutsche Welle của Đức ngày 8/10.

Ông Deng cho biết, tương lai của nền kinh tế Trung Quốc có vẻ bi quan, ít nhất là trong ngắn hạn và trung hạn. Điều này khiến người dân thận trọng hơn trong việc chi tiêu vào các mặt hàng, đặc biệt là bất động sản cao cấp.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã tạo ra một môi trường khó khăn hơn cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc cả trong và ngoài nước, do Mỹ ngăn chặn và tách rời các chuỗi cung ứng chính và công nghệ cao của Trung Quốc. Trên hết, chính sách zero COVID của ĐCSTQ và tác động địa chính trị toàn cầu của cuộc chiến Nga-Ukraine càng làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế.

Hơn nữa, giá bất động sản ở Trung Quốc quá cao so với thu nhập của người dân. Mặc dù giá nhà ở đã giảm nhưng nhìn chung mức giá này vẫn rất cao, ông Deng nói. Với thu nhập của người dân ngày càng sụt giảm và nhiều người phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp, đại đa số không có khả năng đầu tư vào bất động sản.

Ngoài ra, cơ cấu nhân khẩu học của Trung Quốc đã trải qua những thay đổi mạnh mẽ. Tỷ lệ sinh giảm và suy giảm dân số là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến đầu tư trong dài hạn. Ông cho hay, hậu quả của những yếu tố trên đối với bất động sản hiện đang dần được thể hiện rõ rệt.

Ông Deng chỉ ra rằng nhu cầu bất động sản hiện nay ở Trung Quốc chủ yếu đến từ thế hệ millennial. Gen Y, hay còn gọi là Millennials, chỉ những người được sinh ra trong khoảng từ năm 1981 đến năm 1996.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh của nhóm dân số này đã sở hữu từ hai bất động sản trở lên. Do đó, không nhiều thế hệ millennial hiện nay sẵn sàng mua bất động sản mới. Trừ khi giá bất động sản tiếp tục suy giảm, bằng không khả năng nhóm thế hệ trẻ đầu tư vào bất động sản trên quy mô lớn là khá thấp và tình hình sẽ trở nên nổi cộm hơn khi tỷ lệ sinh tiếp tục giảm và tỷ lệ già hóa dân số gia tăng.

Ngoài ra, thị trường bất động sản Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chính sách zero COVID của ĐCSTQ cũng như các cuộc khủng hoảng không ngừng trong lĩnh vực bất động sản trong 9 năm qua.

Ảnh của Epoch Times
Khách hàng và đại lý bất động sản xem xét một số mô hình tòa nhà tại một triển lãm bất động sản ở huyện Jiashan, phía đông tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc, hôm 19/10/2012. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Tấm gương khủng hoảng 'Thập kỷ mất mát' của Nhật Bản

Bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Natixis, cho biết trong một bài báo ngày 30/9 trên tờ Nikkei Asia Weekly rằng đà suy thoái bất động sản của Trung Quốc đang bước sang năm thứ hai. Bà cho biết các vấn đề tài chính của Tập đoàn Evergrande đã dẫn đến những suy đoán rằng Trung Quốc cũng sẽ lặp lại “khoảnh khắc Lehman”, ám chỉ sự phá sản của Lehman Brothers, dẫn đến cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn năm 2008.

Nhưng các vấn đề bất động sản của Trung Quốc không giống như cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn của Mỹ. Thay vào đó, nó giống với tình trạng mất cân bằng kinh tế vĩ mô mà Nhật Bản phải trải qua trong những năm 1980 và 1990, còn được gọi là “thập kỷ mất mát” đến từ sự trì trệ kinh tế Nhật Bản.

Theo phân tích của tờ Herrero, việc các gia đình Trung Quốc sở hữu quá nhiều bất động sản, các lựa chọn đầu tư hạn chế và nhu cầu tiêu dùng bị hạn chế do kiểm soát vốn đã dẫn đến tình trạng dư thừa nhà ở bên ngoài các thành phố lớn.

Bong bóng bất động sản Nhật Bản trong quá khứ được đặt ra trong bối cảnh bãi bỏ quy định tài chính mạnh mẽ, chính sách tiền tệ nới lỏng và sự ưa thích của các nhà đầu tư trong nước đối với thị trường bất động sản. Khi bong bóng bất động sản Nhật Bản vỡ tan, các nhà quản lý đã quá kiên nhẫn với các ngân hàng trong nước, càng làm trầm trọng thêm vấn đề. Khi các ngân hàng trở nên quá thận trọng trong việc chấp nhận những rủi ro mới, tăng trưởng tín dụng bị đình trệ và việc không thực hiện các bước quyết liệt để giải quyết bảng cân đối kế toán đang xấu đi càng làm gia tăng cuộc khủng hoảng.

Theo Herrero, các nguyên nhân căn bản của cuộc khủng hoảng nhà ở đối với cả hai quốc gia là tương tự nhau, bao gồm sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô và tự do hóa tài chính quá mức - cho phép các nhà phát triển bất động sản dựa vào hệ thống ngân hàng bóng tối để huy động vốn với ít sự giám sát hơn so với các ngân hàng và các tổ chức cho vay khác.

Sự khác biệt căn bản giữa hai trường hợp trên là: Trung Quốc đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn nhiều so với Nhật Bản, cho phép sai sót nhiều hơn.

Tuy nhiên, các biện pháp hà khắc không ngừng của Trung Quốc trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19, cùng với tốc độ già hóa dân số và sự sụt giảm giá trị tài sản, dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm hơn trong tương lai, theo Herrero. Tình hình suy thoái và tình hình tài khóa yếu kém khiến Trung Quốc khó giải quyết các vấn đề bất động sản như những gì Nhật Bản đã làm vì chi phí chắc chắn sẽ tăng lên theo thời gian.

Huyền Anh

Kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc hé lộ những bất ổn kinh tế trầm trọng