Khủng hoảng nợ Evergrande khiến các nhà cung cấp lỗ nặng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande Group và các nhà phát triển bất động sản khác ở Trung Quốc đang gây khó khăn cho các đối tác cung cấp của họ. Ngày càng có nhiều công ty thiết kế nội thất và xây dựng Trung Quốc phải tiến hành xóa nợ xấu hoặc đưa ra thông báo lỗ cho năm 2021.

Các nhà cung cấp liên tục báo lỗ khi không thể thu hồi nợ

Trong dự báo thu nhập hàng năm vào tuần trước, công ty Jiayu Door Bắc Kinh, Window và Curtain Wall dự kiến ​​lỗ 1,4 tỷ nhân dân tệ (CNY) (khoảng 220 triệu USD) vào năm 2021. Công ty này gặp khó khăn với các khoản phải thu chưa được thanh toán và các hóa đơn thương mại từ Evergrande, tổng cộng lên tới 1,89 tỷ CNY (khoảng 297 triệu USD).

Công ty Wenke Landscape Thâm Quyến cũng dự đoán, trong hồ sơ giao dịch mới nhất, về việc sẽ lỗ ròng trong năm ngoái vì không thể thu hồi được khoản nợ 1,88 tỷ CNY (khoảng 295,3 triệu USD) từ Evergrande.

Hàng chục nhà cung cấp Trung Quốc đã công bố các khoản nợ bởi các nhà phát triển bất động sản như Evergrande. Hầu hết các công ty niêm yết tại Trung Quốc bắt đầu báo cáo kết quả tài chính hàng năm trong tháng này, do đó dự kiến ​​sẽ có thêm nhiều thông tin về các khoản nợ được công bố. Một số công ty đã trích lập các khoản dự phòng, trong khi những công ty khác đã đệ đơn kiện nhà phát triển Evergrande để yêu cầu thanh toán các hóa đơn còn nợ.

Asia Cuanon Technology, một nhà sản xuất sơn, đã báo cáo khoản nợ khó đòi trị giá 598 triệu CNY (khoảng 93,9 triệu USD) liên quan đến hàng chục nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc. Doanh nghiệp này cho biết 84% các khoản phải thu và thương phiếu quá hạn thuộc về Evergrande.

Các hóa đơn thương mại này, được gọi là “thương phiếu” ở Trung Quốc, là giấy ghi nợ IOU ("I owe you” - Tôi nợ bạn) ngắn hạn. Đây là phương tiện tài chính quan trọng thường được Evergrande sử dụng vì về mặt kỹ thuật, chúng không được phân loại là nợ.

Asia Cuanon ước tính lỗ ròng 580 triệu CNY (khoảng 91,1 triệu USD) trong năm ngoái, xóa sạch toàn bộ lợi nhuận của công ty này từ năm 2020.

Trendzone Holdings Shanghai, một công ty trang trí nhà ở, báo cáo rằng họ lỗ 1,2 tỷ CNY (khoảng 188,5 triệu USD) vào năm 2021; trong khi vào năm trước, công ty ghi nhận mức lợi nhuận ròng 133 triệu CNY (khoảng 20,9 triệu USD). Trước đó, công ty thông báo đang có rất nhiều khoản phải thu mà khách hàng chưa thanh toán.

Công ty Trendzone tiết lộ rằng các hóa đơn của Evergrande bắt đầu quá hạn ngay từ tháng 04/2021. Gần đây, Trendzone đã đệ 134 đơn khởi kiện Evergrande và các công ty con của nhà phát triển bất động sản này.

Các nhà quản lý Bắc Kinh đã đưa ra một số biện pháp nhằm xoa dịu căng thẳng thanh khoản của các nhà phát triển bất động sản và thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc vốn đang chậm lại. Tuy nhiên, dữ liệu gần đây cho thấy vấn đề có vẻ đã trở nên trầm trọng hơn.

New Material Thiên An Quảng Đông khẳng định khoản nợ chưa trả 286 triệu CNY (khoảng 44,9 triệu USD) của Evergrande sẽ gây ra khoản lỗ ròng cho công ty lên tới 65 triệu CNY vào năm 2021; trong khi doanh nghiệp này đạt được mức lợi nhuận 38,28 triệu CNY (khoảng 10,2 triệu USD) vào năm 2020. Công ty này, một nhà cung cấp vật liệu xây dựng bằng gốm, tuyên bố rằng họ đang chủ động tìm kiếm một thỏa thuận thông qua các cuộc đàm phán với Evergrande, nhưng rất có thể họ sẽ phải xóa hoàn toàn khoản nợ xấu này.

Grandland Group Thâm Quyến, một công ty thiết kế nội thất, đã công bố khoản nợ 3,24 tỷ CNY (khoảng 508,9 triệu USD) từ các hóa đơn thương mại quá hạn của một khách hàng được công ty mô tả là "khách hàng hàng đầu và các công ty con". Grandland ước tính khoản lỗ lên tới 5 tỷ CNY (khoảng 785,3 triệu USD) trong năm 2021. Trước đây, công ty này từng cho biết Evergrande mang đến khoảng 45% doanh thu năm 2020 của mình.

Khủng hoảng Evergrande đã lan sang các nhà phát triển bất động sản khác

Hôm 26/01, Evergrande nói với các chủ nợ rằng tập đoàn này sẽ xây dựng kế hoạch tái cấu trúc ban đầu trong 6 tháng. Đây là lần trao đổi đầu tiên của Evergrande với các chủ nợ kể từ khi tình hình tài chính của gã khổng lồ bất động sản này trở nên xấu đi từ một năm trước.

Cuộc khủng hoảng của Evergrande đã lan sang các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc khác, những công ty đang phải vật lộn để trả nợ. Tình hình đang làm suy yếu thị trường bất động sản Trung Quốc, lĩnh vực giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Trong tháng một, các đơn vị cấp dưới của Shimao Group Holdings, Kaisa Group Holdings và Greenland Group đã được nêu tên trong danh sách các công ty Trung Quốc “liên tục quá hạn” trong việc thanh toán thương phiếu.

Và theo Reuters, trích dẫn thông tin từ Sở Giao dịch Thương phiếu Thượng Hải, tổng số các công ty vi phạm đã tăng 26% trong tháng 12/2021 so với tháng trước đó.

Lê Minh

Theo The Epoch Times

 



BÀI CHỌN LỌC

Khủng hoảng nợ Evergrande khiến các nhà cung cấp lỗ nặng