Kinh tế Mỹ đã chìm trong lạm phát đình trệ hai quý liên tiếp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo tính toán lại của chuyên gia Gary Brode, kinh tế Mỹ thực chất đã rơi vào lạm phát đình trệ từ quý IV năm ngoái. Cộng thêm lạm phát đình trệ vào quý I năm nay, Mỹ đã có hai quý liên tiếp tăng trưởng kinh tế âm. Theo định nghĩa, đây được coi là suy thoái kinh tế. Những con số tiêu dùng và việc làm tích cực đã không phản ánh đúng trạng thái của nền kinh tế.

Lạm phát đình trệ tại Mỹ đã xảy ra vào quý IV năm 2021

Vào tháng 2 năm nay, chúng tôi đã đưa ra cảnh báo về tình trạng lạm phát đình trệ tại nước Mỹ. Lạm phát đình trệ là sự kết hợp ít thấy giữa mức lạm phát cao với tăng trưởng kinh tế âm. Chúng tôi cũng đã bày tỏ quan điểm rằng số liệu lạm phát năm 2021 đã bị tính toán thấp đi gần một nửa. Thay vì con số 7%, lạm phát tại Mỹ trong 1 năm tính đến tháng 12/2021 nằm ở khoảng 15%. Chúng tôi cũng đã lưu ý rằng sau khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý IV/2021 của Mỹ được điều chỉnh theo mức lạm phát thực sự và sự tăng giảm trong việc nhập hàng tồn kho (các công ty đã gia tăng việc nhập hàng tồn kho vào thời điểm kỳ nghỉ cuối năm, do đó đã làm gia tăng GDP; điều này không bền vững và nên bị loại bỏ khỏi cách tính GDP), thì tăng trưởng GDP cho quý IV tại Mỹ thực tế là âm. Do vậy, chúng tôi đi đến kết luận rằng lạm phát đình trệ không còn chỉ là một khả năng có thể xảy ra trong tương lai, mà đó là điều mà nước Mỹ đang thực sự nếm trải. Sự thật đang bị che giấu bởi các số liệu thống kê không trung thực hoặc có tính lừa dối của chính quyền.

Lạm phát đình trệ tại Mỹ xuất hiện trong quý thứ 2 liên tiếp

GDP quý đầu tiên năm nay của Mỹ rớt xuống mức âm 1,4%. Chúng tôi tin rằng con số đó nên được điều chỉnh tăng 0,8% theo tình trạng nhập hàng tồn kho. Vì việc tăng giảm hàng tồn kho chỉ mang tính nhất thời và có tính bù trừ lẫn nhau, chúng ta cần điều chỉnh GDP cho điều đó. Cũng như việc loại bỏ mức tăng khoảng 5% GDP do hoạt động nhập hàng vào dịp nghỉ lễ, chúng ta cũng nên loại mức giảm 0,8% do việc nhập hàng suy giảm vào quý I/2022. Việc điều chỉnh đối với việc nhập hàng tồn kho đưa con số GDP lên mức âm 0,6%. Dù không phải là một con số tốt, nhưng đó chưa phải là thảm họa.

Vấn đề thực sự xảy ra khi chúng ta tính đến việc điều chỉnh theo lạm phát của GDP. Chúng tôi đã chỉ ra nhiều lần rằng các con số lạm phát chính thức bị làm thấp hơn ít nhất 8 phần trăm do chưa tính kỹ sự gia tăng của chi phí thực phẩm và nhà ở. Một công cụ theo dõi định giá dựa trên blockchain có tên Truflation cũng đề cập tới việc số liệu lạm phát đang bị hạ thấp. Công cụ này cho thấy tỷ lệ lạm phát hiện tại là 12%. Do đó, chúng ta có thể kết luận rằng mức điều chỉnh lạm phát đối với GDP quý đầu tiên đã bị làm thấp hơn khoảng từ 4% (theo Truflation) đến 8%.

Dựa trên những điều trên, ước tính của chúng tôi về GDP thực tế trong quý đầu tiên của Mỹ nằm trong khoảng từ âm 4,6% đến âm 8,6%. Đây là quý thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế âm, theo định nghĩa chính thức nó được coi là suy thoái kinh tế. Cộng thêm việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chính thức là 8,5% - con số mà theo các tính toán không chính thức sẽ ở mức 2 con số - chúng ta có lạm phát đình trệ ở quý thứ 2 liên tiếp.

Con số tiêu dùng và việc làm không phản ánh đúng thực trạng kinh tế Mỹ

Những người có cái nhìn tích cực hơn với các số liệu thống kê được công bố thì chú ý hơn tới sự gia tăng trong chi tiêu của người tiêu dùng và một thị trường việc làm mạnh mẽ. Mặc dù điều này có lý, chúng tôi lại có một cách phân tích khác. Phần lớn sự gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng là do giá cả tăng cao. Chi nhiều hơn trong khi lại nhận được ít hơn không phải là dấu hiệu của một nền kinh tế mạnh ngay cả khi chi tiêu của người tiêu dùng tăng lên. Bất cứ ai mua sắm ở siêu thị trong năm vừa qua đều hiểu rõ điểm này. Chúng tôi đã khuyên độc giả nên tích trữ lương thực và cũng cảnh báo về việc tăng giá lương thực trong tương lai do hậu quả của cả cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga.

Tình hình việc làm cũng phức tạp. Đúng là tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức thấp và nhiều công ty Mỹ đang cố gắng tuyển dụng những người có năng lực. Vị trí việc làm cần tuyển đã vượt quá số lượng người thất nghiệp và việc có nhiều lựa chọn việc làm hơn giúp những người ứng tuyển có lợi thế đàm phán lương. Tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn và lương cao hơn đều là những điểm có vẻ tích cực khi đánh giá về nền kinh tế. Một lần nữa, chúng tôi thừa nhận đây là những thông tin có lợi cho những người tin rằng kinh tế Mỹ đang ở trong trạng thái tốt. Tuy nhiên, tăng trưởng tiền lương vẫn ở dưới mức lạm phát. Nói một cách đơn giản, ngay cả với mức lương cao hơn, một gia đình Mỹ trung bình vẫn chỉ có thể mua sắm ít hơn và có chất lượng cuộc sống giảm sút tính theo giá trị của cải vật chất.

Tình hình lạm phát cũng có những tác động khác nhau. Ví dụ: đối với những người sở hữu nhà và được hưởng lãi suất ưu đãi trong vài năm qua, giá nhà ở tăng mạnh không ảnh hưởng đến ngân sách hộ gia đình của họ. Đối với bất kỳ ai đang thuê nhà hoặc những người cần mua nhà ngay bây giờ, họ đang chứng kiến cả giá nhà cao và tiền lãi vay thế chấp đang gia tăng. Họ sẽ đối mặt với sự gia tăng chi phí lớn trong khoản chi quan trọng nhất của một hộ gia đình bình thường. Đối với những người Mỹ cần mua một chiếc ô tô mới hoặc đã qua sử dụng trong thời gian gần đây, họ đang chứng kiến ​​sự tăng giá rất lớn và việc thiếu sự lựa chọn đối với một khoản chi lớn. Cuối cùng, đối với các gia đình có thu nhập thấp, thực phẩm chiếm phần lớn hơn trong ngân sách hộ gia đình. Chúng tôi trước đây đã bày tỏ sự nghi ngờ về số liệu thống kê chính thức cho thấy lạm phát thực phẩm ở mức cao ở một con số. Đối với hầu hết mọi người, lạm phát thực phẩm thực tế là cao hơn nhiều.

Quan điểm của chúng tôi là việc mọi người chi tiêu nhiều hơn vì đồng tiền mất sức mua không phải là một dấu hiệu tốt của nền kinh tế mặc dù nó có thể làm tăng GDP. Cuối cùng thì, chúng ta có những con số lạm phát khổng lồ mà chúng tôi tin rằng đã bị giảm bớt. Chúng ta có một quý tăng trưởng kinh tế âm chính thức và hai quý tăng trưởng âm nếu được điều chỉnh theo việc nhập hàng tồn kho và lạm phát. Tình trạng lạm phát đình trệ mà chúng tôi đã phát hiện ra vào tháng 2 giờ đây chắc hẳn mọi người đều đã thấy rõ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Gary Brode làm việc trong lĩnh vực kinh doanh quỹ đầu cơ được 3 thập kỷ. Gần đây nhất, ông là Đối tác Quản lý và Nhà Quản lý Danh mục Cấp cao cho Silver Arrow Investment Management. Vào năm 2020, ông đã thành lập Deep Knowledge Investing, một công ty nghiên cứu giúp các khách hàng tăng lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu. Bài viết của tác giả Brode đã được đăng trên Wall Street Journal và Barron’s, cũng như trên CNBC, Bloomberg West và RealVision.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Kinh tế Mỹ đã chìm trong lạm phát đình trệ hai quý liên tiếp