Kinh tế Mỹ rối ren: Ông Biden lo lắng về bầu cử giữa nhiệm kỳ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đối mặt với lạm phát tăng mạnh nhất trong gần 40 năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gần đây đã quyết định sớm tăng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều này rất có thể làm nổ tung bong bóng tài sản và bong bóng tín dụng đang tràn ngập thị trường. Một cuộc khủng hoảng kinh tế là điều mà Tổng thống Joe Biden ít mong muốn nhất, khi mà năm 2022 là năm diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Liệu những vấn đề của nền kinh tế Mỹ có thể tác động đến kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Tổng thống Biden? Ông James Carville, chiến lược gia về chính trị của cựu Tổng thống Bill Clinton, đã có câu nói nổi tiếng rằng: Nhắc đến bầu cử là nhắc đến các vấn đề của nền kinh tế. Ý của ông là, kết quả bầu cử Mỹ nhìn chung được xác định bởi các vấn đề liên quan đến túi tiền và bởi cảm nhận của cử tri về nền kinh tế.

Kinh tế Mỹ: Lạm phát cao kỷ lục, thị trường lao động thắt chặt, bong bóng ngập tràn

Thứ 4 (12/01), Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) đã báo cáo CPI tháng 12/2021 tại Mỹ tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng CPI mạnh nhất trong vòng 39 năm qua. CPI tại Mỹ đã chứng kiến mức tăng trên 5% trong tháng thứ bảy liên tiếp, cho thấy áp lực lạm phát đang đè nặng lên người tiêu dùng Mỹ.

Thị trường lao động Mỹ đang thắt chặt, cho thấy nền kinh tế Mỹ đã phát triển quá nóng do kết quả của những kích thích quá mức từ chính sách tài khóa và tiền tệ được áp dụng để đối phó với đại dịch. Các dấu hiệu thắt chặt của thị trường lao động có thể dễ dàng quan sát thấy. Số lượng công việc đăng tuyển ở mức cao kỷ lục. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống dưới 4%. Tiền lương tăng lên với tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ khi mà thu nhập trung bình theo giờ đã tăng 4,75%. Lượng người nghỉ hưu cũng đạt mức kỷ lục. Không những thế, làn sóng của biến thể Omicron đã góp phần làm gia tăng sự thiếu hụt lao động trên diện rộng.

Cùng với đó, bong bóng tài sản và bong bóng tín dụng đang hiện hữu khắp mọi nơi và rất dễ nhận biết, hơn cả năm 2008. Để đối phó với đại dịch Covid-19, các Ngân hàng Trung ương toàn cầu đã nới lỏng tối đa chính sách tiền tệ, tiến hành mua trái phiếu ở mức chưa từng có. Với lượng tiền khổng lồ chảy vào thị trường tài chính và việc các nhà đầu tư trở nên dễ chấp nhận rủi ro hơn để đạt được mức lợi nhuận cao, bong bóng tài sản và bong bóng tín dụng đã ngập tràn khắp mọi nơi. Không những thế, nền kinh tế thế giới còn đang bị đe dọa bởi chi chít những quả bom nợ, điển hình là tại thị trường bất động sản Trung Quốc.

Kinh tế Mỹ rối ren khiến ông Biden lo lắng về bầu cử giữa nhiệm kỳ, lạm phát tại Mỹ cao kỷ lục, thị trường lao động Mỹ thắt chặt, Fed sẽ sớm tăng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ, Fed tăng lãi suất lại khiến Tổng thống Biden lo lắng, quyết sách sai lầm trong 1 năm điều hành nước Mỹ gia tăng áp lực lên ông Biden trước bầu cử giữa nhiệm kỳ, bong bóng giá tài sản và bong bóng tín dụng
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell tuyên bố cắt giảm lãi suất một nửa phần trăm trong bài phát biểu vào ngày 03/03/020 tại Washington,DC. (Ảnh: Mark Makela / Getty Images)

Fed sẽ sớm tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ

Biên bản cuộc họp tháng 12 của Ủy ban Thị trường Mở của Cục Dự trữ Liên bang (FOMC), được công bố vào thứ 4 (05/01), chỉ ra rằng: Fed ngày càng lo ngại về việc lạm phát sẽ kéo dài lâu hơn nhiều so với dự tính. Điều này khiến Fed phải kết thúc chương trình mua trái phiếu để mở đường cho việc tăng lãi suất có thể sẽ diễn ra vào ngay tháng 3/2022. Ngay sau khi biên bản cuộc họp của Fed được công bố, chứng khoán Mỹ đã lập tức lao dốc.

Vào ngày 11/01, chủ tịch Fed Jerome Powell tái khẳng định lại sự cần thiết của việc tăng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ tại phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện. Ông Powell dự kiến sẽ tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022. Trong khi đó, Goldman Sachs dự đoán sẽ có 4 lần tăng lãi suất trong năm nay.

Các con số về việc làm kể trên cũng góp phần gia tăng áp lực buộc Fed siết chặt chính sách tiền tệ. Khi áp lực tiền lương và lạm phát tăng cao, Fed hiểu rằng sẽ ngày càng khó để có thể đạt được mục tiêu lạm phát dài hạn ở mức 2%. Fed cần hành động để chặn đứng lạm phát và tránh vòng xoáy tiền lương - giá cả như những năm 1970.

Một lý do nữa khiến Fed phải tăng lãi suất là: Fed đã để cho lãi suất (sau khi điều chỉnh theo lạm phát) âm đáng kể. Vào thời điểm mà lạm phát giá tiêu dùng ở mức 7%, Fed vẫn duy trì lãi suất của mình ở gần mức 0. Tính toán sai về các tác động của đại dịch và hy vọng lạm phát sẽ tự điều chỉnh, Fed đã duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong một thời gian quá lâu. Điều này đồng nghĩa với việc, để kiểm soát lạm phát, vào năm nay, Fed sẽ phải tăng lãi suất với mức đáng kể, qua đó đưa lãi suất trở về mức dương (sau khi được điều chỉnh theo lạm phát).

Tại sao Fed tăng lãi suất lại khiến Tổng thống Biden lo lắng?

Trước cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra vào năm nay, điều mà ông Joe Biden lo ngại nhất là một chu kỳ tăng mạnh lãi suất của Fed. Cả trong và ngoài nước Mỹ, bong bóng đã phát triển đầy rẫy ở nhiều loại thị trường gồm chứng khoán, nhà ở và tín dụng. Giá cổ phiếu tại Mỹ đang ở mức ngất ngưởng - mức cao nhất nhì trong vòng 100 năm qua. Giá nhà tại Mỹ hiện cao hơn so với mức đỉnh điểm của bong bóng nhà ở năm 2006, ngay cả khi đã điều chỉnh theo lạm phát. Những bong bóng đó đều được hình thành dựa trên giả định rằng lãi suất sẽ được giữ mãi ở mức cực thấp. Do đó, bong bóng có nhiều khả năng sẽ nổ tung nếu Fed tăng lãi suất.

Không những thế, một vấn đề kinh tế đau đầu khác đối với ông Biden mà lãi suất cao mang lại là cuộc khủng hoảng nợ của các thị trường mới nổi. Rủi ro này rất dễ xảy ra khi mà các nền kinh tế này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và hiện đang sở hữu mức nợ cao kỷ lục cùng với mức thâm hụt ngân sách cực lớn. Vấn đề này là mối lo ngại nghiêm trọng đối với hệ thống tài chính Mỹ và thế giới nhất là khi các nền kinh tế mới nổi đóng góp tới một nửa nền kinh tế thế giới.

Quyết sách sai lầm trong 1 năm điều hành nước Mỹ gia tăng áp lực lên ông Biden trước bầu cử giữa nhiệm kỳ

Trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2008, ông Barack Obama đã dễ dàng đắc cử nhờ vào cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính sau vụ phá sản của Lehman. Ông Joe Biden có vẻ không học được nhiều kinh nghiệm sau việc đó. Nếu rút ra được những bài học thích đáng, vào tháng 03/2021, ông Biden sẽ không vội vàng thúc giục Quốc hội thông qua gói kích thích ngân sách 1,9 nghìn tỷ USD của mình. Gói kích thích ngân sách này được hầu hết các nhà kinh tế đánh giá là quá mức, và là tiền đề cho một chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed. Việc tăng lãi suất này, như đã nói ở trên, sẽ làm vỡ các bong bóng. Nền kinh tế Mỹ rất có thể sẽ bước chân vào một cuộc khủng hoảng mới ngay trước thời điểm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra.

Kinh tế Mỹ rối ren khiến ông Biden lo lắng về bầu cử giữa nhiệm kỳ, lạm phát tại Mỹ cao kỷ lục, thị trường lao động Mỹ thắt chặt, Fed sẽ sớm tăng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ, Fed tăng lãi suất lại khiến Tổng thống Biden lo lắng, quyết sách sai lầm trong 1 năm điều hành nước Mỹ gia tăng áp lực lên ông Biden trước bầu cử giữa nhiệm kỳ, bong bóng giá tài sản và bong bóng tín dụng
Cựu Tổng thống Barack Obama đứng cùng ông Joe Biden - khi đó là Phó Tổng thống Mỹ - trong một cuộc họp báo tại Phòng phía Đông của Tòa Bạch Ốc. (Ảnh: Andrew Harnik - Pool / Getty Images)

Điều đáng chú ý là gói kích thích ngân sách 1,9 nghìn tỷ USD vào tháng 03/2021 của ông Biden được đưa ra ngay sau gói kích thích ngân sách của lưỡng viện trị giá 900 tỷ USD vào tháng 12/2020. Tổng hợp lại, mức kích thích kinh tế đã đạt tới con số ngất ngưởng là 13% quy mô nền kinh tế Mỹ. Đồng thời, gói kích thích của ông Biden lại được đưa ra vào thời điểm lượng cung tiền của Mỹ tăng 30%, tốc độ tăng nhanh nhất trong 60 năm. Khi đó, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Larry Summers đã cảnh báo, việc kích thích nền kinh tế quá mức sẽ dẫn tới mức lạm phát như những năm 1960 và 1970.

Phân tích kỹ hơn, cựu Tổng thống Obama khi lên nắm quyền trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009 đã tung ra chính sách kích thích kinh tế được cho là có quy mô quá nhỏ. Điều này đã làm nền kinh tế Mỹ hồi phục với tốc độ chậm nhất kể từ sau chiến tranh thế giới và để lại nhiều hậu quả lâu dài khác. Ngược lại, để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế trong đại dịch Covid, Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen liên tục lặp lại lập luận rằng một gói kích thích kinh tế quá lớn còn tốt hơn là quá nhỏ. Và rồi Tổng thống Biden đã thúc giục Quốc hội thông qua gói kích thích 1,9 nghìn tỷ USD. Điều dễ hiểu là ông Biden và nhóm kinh tế của ông không muốn lặp lại sai lầm của cựu Tổng thống Obama. Tuy nhiên, ông Biden lại phạm phải một sai lầm theo hướng ngược lại khi làm nền kinh tế phát triển quá nóng và làm lạm phát tăng quá cao. Gói kích thích của ông Biden lớn gấp 3 gói kích thích của ông Obama. Không những thế, gói kích thích này được đưa ra khi nền kinh tế Mỹ đã hồi phục phần nào sau đại dịch và ở trong tình trạng tốt hơn nhiều so với năm 2009. Nền kinh tế Mỹ lại đang chuẩn bị chứng kiến sự bùng nổ nhu cầu hàng hóa và dịch vụ sau khi bị kìm nén trong đại dịch. Cùng lúc đó, Cục dự trữ Liên bang vẫn đang duy trì một chính sách tiền tệ nới lỏng ở mức độ khác thường.

Không phải sau này mà ngay tại thời điểm gói kích thích kinh tế của ông Biden được đưa ra, bong bóng tài sản và tín dụng đã có ở khắp nơi trên thế giới. Lúc bấy giờ, giá cổ phiếu tại Mỹ ở mức cao chót vót, điều chỉ từng xuất hiện trước thời điểm sụp đổ của thị trường chứng khoán những năm 1929. Những đối tượng vay tiền với độ rủi ro cao cũng dễ dàng có thể tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt ở các thị trường tín dụng xấu và các nền kinh tế mới nổi. Ông Biden có lẽ phải sớm nhận ra những nguy cơ này và các hậu quả mà chính sách của mình mang lại. Giờ đây, khi mà Fed bị buộc phải tăng lãi suất trong hoàn cảnh nền kinh tế Mỹ tràn ngập các bong bóng tài sản và tín dụng, rất có thể ông Biden đang hối hận trước các quyết sách trong quá khứ của mình.

Quan điểm trong bài viết là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Kinh tế Mỹ rối ren: Ông Biden lo lắng về bầu cử giữa nhiệm kỳ