'Kinh tế Mỹ suy thoái': Sự thật hay lời nói ác ý mang tính đảng phái?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nhà kinh tế học đã khẳng định rằng suy thoái là một thuật ngữ vô nghĩa, và việc nói kinh tế Mỹ đang suy thoái thể hiện sự ác ý mang tính đảng phái. Đây không phải lần đầu thực trạng khủng hoảng của nền kinh tế Mỹ bị Tòa Bạch Ốc tìm cách bóp méo. Thậm chí, kinh tế Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với thời kỳ còn tồi tệ hơn cả suy thoái.

Suy thoái là một thuật ngữ vô nghĩa

Nhà kinh tế học và là cây bút của tờ New York Times, Paul Krugman, khẳng định Mỹ hiện không bị suy thoái, rằng thuật ngữ này về cơ bản là vô nghĩa. Ông cho rằng những nỗ lực hiện tại nhằm gắn nhãn suy thoái cho nền kinh tế Mỹ thể hiện sự ác ý mang tính đảng phái.

Ông Krugman đã đưa ra nhận xét trong cuộc phỏng vấn trên chương trình “Các nguồn đáng tin cậy” (Reliable Sources) của CNN. Chương trình được phát sóng vào ngày 31/07, vài ngày sau khi nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái nếu xét theo định nghĩa thông dụng, với GDP tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp.

Người dẫn chương trình Brian Stelter đã bắt đầu đoạn nói chuyện bằng cách hỏi ông Krugman rằng liệu Mỹ có đang trong thời kỳ suy thoái hay không và thậm chí liệu thuật ngữ “suy thoái” có ý nghĩa gì hay không.

'Kinh tế Mỹ suy thoái': Sự thật hay lời nói ác ý mang tính đảng phái?
Ông Stephen M. Lacy, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Meredith Corporation và ông Brian Stelter, người dẫn chương trình Reliable Sources và là phóng viên truyền thông cấp cao của CNN Worldwide trên sân khấu tại Hội nghị Truyền thông Tạp chí Mỹ tại Grand Hyatt New York vào ngày 02/02/2016 tại Thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: Larry Busacca / Getty Images cho Time Inc)

“Không, chúng ta không [rơi vào suy thoái], và không, nó không [có ý nghĩa gì]”, ông Krugman trả lời.

Ông Krugman tiếp tục: “Không có tiêu chí thông thường nào được các chuyên gia đích thực sử dụng chỉ ra rằng chúng ta đang ở trong một cuộc suy thoái kinh tế tại thời điểm hiện nay".

“Vấn đề là gì? Tình trạng của nền kinh tế vẫn là như thế. Việc làm đang dồi dào, mặc dù có thể thị trường việc làm đang suy yếu. Lạm phát đang ở mức cao, mặc dù có thể lạm phát đang giảm. Việc bạn sử dụng ‘từ r’ [recession - suy thoái] hay không thì có ý nghĩa gì?”, nhà kinh tế nói thêm.

Suy thoái hay không suy thoái?

Các cuộc tranh luận đang xoay quanh việc liệu nền kinh tế Mỹ có đang rơi vào suy thoái hay không sau khi GDP quý 2 giảm 0,9%, theo sau sự sụt giảm 1,6% trong quý đầu tiên.

Theo nhiều chuyên gia và nhà kinh tế, hai quý GDP tăng trưởng âm liên tiếp là một định nghĩa phổ biến trên thực tế cho một cuộc suy thoái.

Tuy nhiên, về mặt chính thức, tình trạng suy thoái ở Mỹ được công bố bởi một ủy ban gồm các nhà kinh tế tại Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER). Họ sử dụng một định nghĩa rộng hơn quy tắc hai quý, xem xét một loạt các chỉ số, bao gồm cả việc làm, vốn vẫn đang tiếp tục tăng trưởng.

Chính quyền Biden đã dựa vào các tiêu chí của NBER trong việc tuyên bố suy thoái và khẳng định rằng nền kinh tế Mỹ không suy thoái.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gần đây đã nói rằng “hầu hết các nhà kinh tế và hầu hết người Mỹ” định nghĩa suy thoái là “sự suy yếu trên diện rộng” của nền kinh tế Mỹ, bao gồm việc các doanh nghiệp đóng cửa với số lượng đáng kể và việc sa thải hàng loạt.

“Đó không phải là những gì chúng ta đang thấy ngay bây giờ khi bạn nhìn vào nền kinh tế. Việc tạo ra việc làm đang được tiếp tục, tài chính hộ gia đình vẫn vững mạnh, người tiêu dùng đang chi tiêu, và các doanh nghiệp đang phát triển", bà Yellen nói.

Một số chuyên gia và nhà kinh tế không đồng tình với quan điểm của Tòa Bạch Ốc.

Sự thay đổi định nghĩa về suy thoái kinh tế

Khi được hỏi liệu ông có chấp nhận việc chính quyền Biden khăng khăng rằng nước Mỹ vẫn chưa rơi vào suy thoái hay không, Ông Jim Bianco, người sáng lập Bianco Research, đã nói với Real Vision Finance trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng, mặc dù có thể là "nông" (ý chỉ suy thoái nhẹ), nhưng đây là một cuộc suy thoái.

“Hãy để tôi cố gắng và nói rõ ràng ở đây. Vâng, chúng ta đang trong thời kỳ suy thoái. Chấm hết, hết câu hỏi — một cuộc suy thoái”, ông Bianco nói.

Ông Bianco cho biết, có thể là hợp lý khi gọi cuộc suy thoái này là “nông”, mặc dù ông cảnh báo rằng suy thoái có thể sẽ sớm trở nên tồi tệ.

“Chắc chắn rồi, được rồi, đây là một cuộc suy thoái nông. Hãy xét lại [tình hình] vào ngày 01/01 [năm 2023] và hãy xem liệu nó vẫn còn là một cuộc suy thoái nông hay không”, ông nói thêm. Ông đồng thời cho rằng những gì Tòa Bạch Ốc đang nói về suy thoái kinh tế không có gì mới.

'Kinh tế Mỹ suy thoái': Sự thật hay lời nói ác ý mang tính đảng phái?
Tổng thống Mỹ Joe Biden và đệ nhất phu nhân Jill Biden trong buổi tiệc chiêu đãi Cinco de Mayo tại Vườn Hồng của Tòa Bạch Ốc vào ngày 05/05/2022 ở Washington, DC. Tổng thống Biden và đệ nhất phu nhân Jill Biden đã tổ chức sự kiện này để tôn vinh văn hóa, ẩm thực và di sản Mexico. (Ảnh: Alex Wong / Getty Images)

Ông Bianco nói về sự phản đối của Tòa Bạch Ốc trong thời chính quyền Carter vào cuối những năm 1970 đối với cảnh báo của các nhà kinh tế rằng lạm phát tăng cao có thể dẫn đến khủng hoảng. Từ cuộc tranh cãi đó, từ “suy thoái” được tạo ra như một cách gọi nhẹ nhàng hơn để chỉ sự khủng hoảng kinh tế. Ông Bianco cho biết thêm rằng các nỗ lực của chính quyền Mỹ hiện tại nhằm phủ nhận rằng nền kinh tế đang trong tình trạng suy thoái giống hệt trường hợp của chính quyền Carter.

“Chúng ta từng gọi chúng là những đợt khủng hoảng. Vào những năm 1930, chính quyền Hoover tức giận đến phát điên vì chúng ta từng gọi chúng là 'những cơn hoảng loạn'", ông Bianco nói.

“Đừng gọi nó là 'cơn hoảng loạn', …, vì vậy họ đã phát minh ra từ khủng hoảng. Vì vậy, chúng ta đã đi từ 'hoảng loạn' ... Tòa Bạch Ốc không thích từ đó, vì vậy chúng ta đã phát minh ra từ 'khủng hoảng'. Sau đó, vào năm 1978, họ không thích từ 'khủng hoảng'' nên chúng ta đã phát minh ra từ 'suy thoái'".

“Có vẻ như bây giờ chúng ta đang trong quá trình tìm một từ mới với một ý nghĩa y hệt [như từ cũ]”, ông Bianco nói. “Điều này không mới. Chúng ta đã làm điều này cho tới nay là trong 90 năm giữa Tòa Bạch Ốc và suy thoái. Vì vậy, vâng, đây là một cuộc suy thoái".

Lời nói ác ý mang tính đảng phái

Trong cuộc phỏng vấn của CNN với ông Krugman, ông Stelter gợi ý rằng cuộc tranh luận giữa việc liệu nền kinh tế Mỹ đang suy thoái hay không về cơ bản là do Tòa Bạch Ốc thực hiện một chiến lược xưa cũ nhằm coi nhẹ các dữ liệu kinh tế tồi tệ, trong khi các đối thủ chính trị của chính quyền lại làm ngược lại.

Ông Krugman đáp lại rằng nỗ lực gọi sự suy giảm hiện tại là suy thoái thuộc một thể loại khác với các cuộc tranh cãi thông thường.

Ông Krugman khẳng định: “Tôi có thể nói rằng điều này đặc biệt ác ý".

“Tôi đã làm công việc này được vài thập kỷ, và tôi nhận được rất nhiều thư từ có tính thù hận và xem các nội dung. Tôi chưa bao giờ thấy điều gì tồi tệ như thế này. Sự quả quyết của nhiều người khi nói rằng đây là một cuộc suy thoái vượt quá và vượt ra bên ngoài bất cứ điều gì tôi từng thấy”, ông tiếp tục.

Khi được hỏi điều gì đang thúc đẩy điều này (sự quả quyết về suy thoái), Ông Krugman cho rằng đó là do sự chia rẽ đảng phái.

“Đó là vấn đề đảng phái. Mọi người muốn điều đó. Đó là 'cuộc suy thoái Biden'. Họ muốn cuộc suy thoái Biden của họ. Họ sẽ có nó, cho dù thực tế là… đây không phải là một cuộc suy thoái theo bất kỳ ý nghĩa về mặt kỹ thuật nào”, ông nói thêm.

Nhận xét của ông Krugman đã được nhận được phản hồi gay gắt từ một số tiếng nói nổi tiếng trên Twitter.

Chuyên gia thiếu trung thực nhất về mặt học thuật

MC đài truyền hình Anh Quốc Piers Morgan đã đăng một thông điệp trên Twitter nói rằng “nếu ông Trump vẫn là Tổng thống, ông Krugman chắc chắn sẽ nói rằng đây là một cuộc suy thoái”, cho thấy rằng tính đảng phái xoay quanh vấn đề tình hình kinh tế ảnh hưởng theo cả hai chiều.

'Kinh tế Mỹ suy thoái': Sự thật hay lời nói ác ý mang tính đảng phái?
Ông Piers Morgan tham dự Lễ trao giải British Academy Britannia 2019 do American Airlines và Jaguar Land Rover tổ chức tại Khách sạn Beverly Hilton ở Beverly Hills, California, vào ngày 25/10/2019. (Ảnh: Frazer Harrison / Getty Images cho BAFTA LA)

Ông Cameron Winklevoss, người sáng lập của Winklevoss Capital Management, cho biết trong một bài đăng trên Twitter: “Tôi có một deja vu [cảm thấy một điều gì đó hiện nay đã từng xảy ra trước đây] khi thấy ông ‘Tôi đã sai về lạm phát’ bác bỏ suy thoái. Ông Krugman có lẽ là ‘chuyên gia đích thực’ không trung thực nhất về mặt học thuật. Tất nhiên phương tiện truyền thông từ các tập đoàn tiếp tục mang lại cho ông ta một nền tảng để lan truyền thông tin sai lệch”.

Ông Krugman là người trước đó đã dự đoán rằng làn sóng lạm phát hiện tại ở Mỹ là một hiện tượng "nhất thời" trong thời gian ngắn. Ông thừa nhận trong cuộc phỏng vấn trên CNN rằng ông đã "sai về lạm phát", vốn vẫn duy trì vững chắc ở mức cao tại Mỹ và vào tháng 6 đã đạt mức cao nhất trong hơn 40 năm là 9,1%.

Tuy nhiên, nhà kinh tế học này không tin rằng mình đang mắc một sai lầm khác khi nhấn mạnh rằng nền kinh tế Mỹ không suy thoái. Ông Krugman đã lên Twitter để bảo vệ quan điểm rằng nền kinh tế Mỹ đang không thu hẹp, trích dẫn dữ liệu về Tổng thu nhập quốc nội (GDI) cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng liên tục kể từ cuối năm 2021, và các "sự không thống nhất" khác trong dữ liệu.

“Những sự không thống nhất đặc biệt lớn gần đây: GDP giảm nhưng GDI, lẽ ra cũng phải y hệt như vậy, tăng cùng với việc làm; sản xuất công nghiệp tăng trong khi nền kinh tế được cho là đi xuống", ông Krugman nói trong một bài đăng.

Ông tiếp tục: “Loại nhiễu loạn này trong dữ liệu giải thích tại sao NBER không vội đưa ra tuyên bố suy thoái, và dựa vào nhiều chỉ số, không chỉ GDP”.

Ông Krugman lập luận: “Có một khả năng khá cao là cuối cùng chúng ta sẽ kết luận rằng nền kinh tế, mặc dù đang chậm lại, nhưng đã thực sự tăng trưởng” trong nửa đầu năm 2022.

Quá nghiêm trọng để gọi là suy thoái

Ngược lại, nhà kinh tế và nhà đầu tư Peter Schiff, người sáng lập Euro Pacific Capital, nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn trước đó rằng ông tin rằng Mỹ đang rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế đi kèm với lạm phát.

“Tôi nghĩ rằng sự suy yếu của nền kinh tế sẽ trở nên quá rõ rệt và sẽ diễn ra trong một thời gian dài đến mức thậm chí sẽ là không hợp lý nếu gọi là suy thoái”, ông nói. "Tôi nghĩ rằng khủng hoảng sẽ là sự mô tả chính xác hơn về những gì chúng ta sẽ phải trải qua".

Ông Schiff cho rằng Mỹ sẽ trải qua phần lớn thập kỷ này trong tình trạng khủng hoảng, trong khi đồng thời “giá cả sẽ tăng nhiều hơn nhiều trong thập kỷ này so với những năm 1970”.

Cựu Tổng thống Donald Trump gần đây đã dự đoán rằng, dưới sự điều hành của Tổng thống Joe Biden, nền kinh tế Mỹ không chỉ hướng tới một cuộc suy thoái, mà còn là một cuộc khủng hoảng.

Bảo Nguyên

Theo Tom Ozimek - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

'Kinh tế Mỹ suy thoái': Sự thật hay lời nói ác ý mang tính đảng phái?