Kinh tế thế giới năm 2021: ai thắng, ai thua?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Virus Corona đã làm tê liệt nền kinh tế thế giới. GDP toàn cầu bị sụt giảm mạnh nhất kể từ khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc vào năm 2020, hàng triệu người thất nghiệp hoặc nghỉ không lương, và các chính phủ phải đã bơm hàng nghìn tỷ USD để ngăn nền kinh tế khỏi bị thiệt hại trên diện rộng.

Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế vào năm 2021 vẫn là điều không chắc chắn. Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh trở lại, nhưng nhiều quốc gia giàu nhất thế giới có lẽ sẽ không thể phục hồi hoàn toàn trở lại cho đến năm 2022.

Bất bình đẳng cũng tràn lan. Trong khi 651 tỷ phú của Mỹ đã tăng giá trị tài sản ròng của họ lên 30% với khoảng 4 nghìn tỷ USD, thì 1/4 tỷ người ở các nước đang phát triển có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng nghèo đói cùng cực và một nửa lực lượng lao động toàn cầu có thể sẽ mất kế sinh nhai.

Mức độ kiềm chế đại dịch sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của nền kinh tế thế giới. Trong cuộc chạy đua giữa các loại virus chủng mới và việc tung ra vaccin, chiến thắng sớm chưa chắc đã là chiến thắng cuối cùng. Ngay cả những quốc gia giàu có hiện đã bảo đảm cung ứng được hầu hết các loại vaccin mới nhất cũng có thể sẽ không tiêm hết được cho người dân để đạt được yêu cầu miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021. Ở các nước đang phát triển, nơi vaccin khan hiếm, virus dự kiến ​​sẽ còn lây lan rộng hơn.

Trung Quốc và Hàn Quốc hiện là hai quốc gia dẫn đầu trong việc chế áp COVID-19 từ rất sớm. Nền kinh tế Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 8% vào năm 2021, cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ này ở các nước phương Tây ngay cả trước đại dịch.

Nền kinh tế dẫn đầu về xuất khẩu của Trung Quốc đã thực sự được hưởng lợi từ lệnh phong tỏa ở các nước phương Tây. Nhu cầu của phương Tây đối với các dịch vụ như giải trí và du lịch có thể đã giảm, nhưng nhu cầu đối với hàng tiêu dùng gia đình và vật tư y tế đã tăng lên đáng kể. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã đạt mức kỷ lục bất chấp mức thuế cao mà chính quyền cựu Tổng thống Trump đã áp đặt.

Trung Quốc cũng đang mở rộng ảnh hưởng kinh tế của mình khắp châu Á, với một khu vực thương mại tự do mới ở Thái Bình Dương và các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ dọc theo các tuyến đường thương mại tới châu Âu và châu Phi. Nước này đang đầu tư vào các công nghệ tiên tiến để giảm sự phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng của phương Tây cho các thành phần như chất bán dẫn. Trung Quốc được dự đoán có thể vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 5 năm tới, nhanh gấp đôi so với nhận định trước đây.

Phương Tây vẫn đang vật lộn với đại dịch

Đối với các quốc gia giàu có như Mỹ, Anh và những nước ở lục địa Châu Âu, bức tranh kinh tế kém tươi sáng hơn rất nhiều. Sau quá trình phục hồi ngắn vào mùa hè năm 2020, nền kinh tế của các nước này đã tăng trưởng một cách trì trệ. Làn sóng đại dịch thứ hai khiến cho bức tranh kinh tế càng trở nên ảm đạm do lệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Ví dụ, ở Mỹ, việc làm và tăng trưởng tỷ lệ thuận với mức độ kiểm soát dịch bệnh khi niềm tin kinh doanh và số lượng người tiêu dùng sụt giảm. Ngay cả khi có tín hiệu phục hồi trong năm tới, các nền kinh tế này dự kiến ​​sẽ tăng trưởng nhỏ hơn 5% vào năm 2022 so với trước khủng hoảng.

Biểu đồ thể hiện dự báo tăng trưởng G20 theo dự báo GDP của OECD (Q4 2021 so với Q4 2019 - Các thanh thể hiện phần trăm thay đổi). (Nguồn: OEDC)
Biểu đồ thể hiện dự báo tăng trưởng G20 theo dự báo GDP của OECD (Q4 2021 so với Q4 2019 - Các thanh thể hiện phần trăm thay đổi). (Nguồn: OEDC)

Biểu đồ thể hiện dự báo tăng trưởng G20 theo dự báo GDP của OECD (Q4 2021 so với Q4 2019 - Các thanh thể hiện phần trăm thay đổi)

Tuy nhiên, những nước thua lỗ lớn nhất trong năm 2021 có thể là các nước đang phát triển. Họ thiếu cả nguồn lực kinh tế nên không thể có đủ vaccin và hệ thống y tế công cộng để điều trị số lượng lớn bệnh nhân COVID. Họ cũng không thể chi trả cho các khoản trợ cấp khổng lồ của chính phủ đã ngăn chặn tình trạng thất nghiệp hàng loạt đang diễn ra tại châu Âu và Mỹ. Với nhu cầu về nguyên liệu thô bị suy giảm do suy thoái kinh tế, và viện trợ từ các nước giàu có cũng sẽ ít đi trong khi họ vẫn đang phải gồng mình để trả các khoản nợ lớn, những nước này khó có thể chịu đựng việc đóng cửa nền kinh tế lâu hơn được nữa.

Ngay cả những quốc gia phát triển nhanh trước đây như Brazil và Ấn Độ cũng đang phải đối mặt với thời kỳ khó khăn. Nhiều triệu người lao động nghèo trong khu vực phi chính thức đang bị buộc phải quay trở lại làng quê hoặc các khu ổ chuột và đối mặt với tình trạng nghèo đói cùng cực, thậm chí là chết đói.

Kể cả Nam Phi, quốc gia giàu có nhất ở châu Phi, thì có lẽ cũng đã quá muộn để có đủ vaccin nhằm ngăn chặn sự gia tăng nhanh chóng của các căn bệnh truyền nhiễm. Nước này đã nỗ lực giải quyết khủng hoảng bằng cách trở thành thành viên của chương trình COVAX - chương trình hướng tới sự bảo đảm rằng các nước nghèo không bị thua thiệt, nhưng dường như mục tiêu này vẫn còn rất xa...

Sự phân hóa xã hội mới

Ảnh hưởng của đại dịch đến các thành phần xã hội khác nhau cũng rất đa dạng. Những người làm việc toàn thời gian, thường là những công việc được trả lương cao khi làm việc tại nhà, đã tích lũy được khoản tiết kiệm đáng kể vì ít phải chi tiêu hơn.

Những người rất giàu, đặc biệt là ở Mỹ, đã được hưởng lợi từ sự gia tăng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán nhờ những công ty kiếm được lợi nhuận lớn trong đại dịch như Amazon, Netflix và Zoom - và xu hướng này có vẻ vẫn đang tiếp diễn. Câu hỏi lớn đối với nền kinh tế là liệu trong năm tới, những người có công ăn việc làm đảm bảo và thu nhập cao sẽ quay trở lại mô hình chi tiêu trước đây của họ, hay tiếp tục tiết kiệm khi đối mặt với tình hình bất ổn tiếp tục.

Ngược lại, nhiều người bị mất việc làm hoặc nghỉ không lương hoặc bị sa thải sẽ phải vật lộn để tìm công việc mới hoặc quay trở lại mức thu nhập trước đây - đặc biệt là vì các lĩnh vực lương thấp như bán lẻ và khách sạn khó có thể hồi phục hoàn toàn sau đại dịch. Nhóm này bao gồm nhiều người trẻ tuổi, phụ nữ và người dân tộc thiểu số.

Sự bất bình đẳng có thể gia tăng khi các chính phủ giàu giảm bớt các khoản trợ cấp khổng lồ đang được sử dụng để đảm bảo nhiều người lao động có việc làm hoặc tăng thêm thu nhập. Ông Rishi Sunak, Bộ trưởng tài chính Vương quốc Anh, đã bày tỏ ý định hạn chế trợ cấp vào năm 2021 trong đánh giá chi tiêu tháng 11 của nước này.

Ở Mỹ, bế tắc chính trị về chi tiêu cứu trợ mới chỉ được giải quyết trong những ngày gần đây. Châu Âu vừa đạt được một thỏa thuận chưa từng có để cung cấp viện trợ do EU tài trợ cho các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch, nhưng những tranh cãi xung quanh mức độ của gói cứu trợ và người nhận cứu trợ có thể vẫn sẽ tiếp tục.

Hợp tác có thể là xu thế tất yếu của thế giới hậu đại dịch. Nhưng hợp tác quốc tế trong thời kỳ đại dịch thì lại rất lỏng lẻo, thêm vào đó, căng thẳng kinh tế càng làm suy yếu cam kết của thế giới đối với thương mại tự do - đây không phải là một khởi đầu tốt cho Brexit của Anh. Ở trong nước, việc phân phối lại của cải và thu nhập thông qua việc tăng thuế có thể mang lại cho các chính phủ phương Tây nhiều nguồn lực hơn để đối phó với đại dịch, nhưng sẽ tạo thêm nhiều khó khăn cho họ về mặt chính trị khi cuộc suy thoái vẫn đang có xu hướng duy trì.

Bất ổn xã hội vẫn luôn là hậu quả tất yếu của các trận đại dịch. Hy vọng rằng lần này, chúng ta tìm thấy sự khôn ngoan để giải quyết những bất bình đẳng nghiêm trọng do COVID-19 gây ra và xây dựng một thế giới công bằng hơn.

Mộc Trà

Theo The Conversation

 



BÀI CHỌN LỌC

Kinh tế thế giới năm 2021: ai thắng, ai thua?