Kinh tế Thượng Hải tháng 4 sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 2011

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các biện pháp phong tỏa cực đoan nhằm chống lại COVID-19 của chính quyền đã khiến nền kinh tế Thượng Hải bị ảnh hưởng nặng nề trong tháng 4. Hầu hết các ngành đều chứng kiến mức suy giảm tăng trưởng lớn. Niềm tin của người dân bị xói mòn và nhiều công ty cùng cá nhân đang xem xét việc rời Thượng Hải.

Kinh tế Thượng Hải suy giảm nghiêm trọng trong tháng 4

Nền kinh tế của Thượng Hải, trung tâm thương mại và tài chính của Trung Quốc, đã bị ảnh hưởng nặng nề vào tháng 4 do bị phong tỏa trong gần 2 tháng vì COVID-19. Đợt phong tỏa trên toàn thành phố đã khiến các công ty phải dừng hoạt động và người dân không được ra khỏi nhà.

Dữ liệu mới nhất được các nhà chức trách công bố cho thấy trong tháng 4, tổng sản lượng công nghiệp ở Thượng Hải đã giảm 61,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số sụt giảm lớn nhất kể từ năm 2011. Lưu ý rằng trong tháng 3, tổng sản lượng công nghiệp của Thượng Hải chỉ giảm 7,5%.

Theo số liệu do Cục Thống kê thành phố Thượng Hải công bố ngày 20/5, tổng giá trị sản lượng của các doanh nghiệp công nghiệp ở Thượng Hải trong tháng 4 là 128,617 tỷ CNY (nhân dân tệ), tương đương 19,22 tỷ USD, giảm 61,5% so với tháng 4 năm ngoái. Các con số của bốn tháng đầu năm nay cho thấy mức giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước.

Dữ liệu của tháng 4 cho thấy rằng chỉ có tổng giá trị sản lượng của ngành dầu và khí tự nhiên là tăng trưởng trong khi các ngành còn lại đều có sự sụt giảm nghiêm trọng. Trong số đó, các ngành công nghiệp chủ chốt, chẳng hạn như sản xuất ô tô, giảm 70,9% so với cùng kỳ năm ngoái và ngành sản xuất thiết bị giao thông vận tải giảm 88,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc phát triển nhà ở thương mại mới ở Thượng Hải đã giảm 47,1% từ tháng 1 đến tháng 4, và doanh số bán nhà ở thương mại giảm 17% trong khoảng thời gian này.

Doanh số bán lẻ trong tháng 4 của Thượng Hải sụt giảm 48,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều hơn đáng kể so với mức sụt giảm 11,1% toàn quốc và là con số sụt giảm lớn nhất kể từ năm 2011. Điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến doanh số bán lẻ của cả vùng đồng bằng sông Dương Tử với mức giảm 30%.

Chuyên gia tài chính Đài Loan Henry Wu nói với The Epoch Times vào ngày 20/05 rằng các số liệu kinh tế cho thấy vấn đề là rất đáng lo ngại và hậu quả của việc phong tỏa Thượng Hải là quá nghiêm trọng.

“Do đại dịch COVID-19, vật liệu và các bộ phận không thể được vận chuyển. Hàng tồn kho đang cạn dần. Ngay cả khi sản phẩm được làm ra, chúng cũng không thể được vận chuyển ra ngoài. Các công ty đã tạm ngừng sản xuất, vì vậy chúng ta đang chứng kiến nền kinh tế lao dốc như trong một trận tuyết lở. Tình hình của các ngành sản xuất và dịch vụ đều tương tự nhau. Số liệu kinh tế trong nhiều ngành giảm mạnh cho thấy nhiều ngành về cơ bản không thể hoạt động bình thường”, ông Wu nói.

Vào tháng 4, nhà máy Tesla ở Thượng Hải đã báo cáo không xuất khẩu được chiếc xe nào trong các mẫu xe do Trung Quốc sản xuất.

Ngoài Tesla, Thượng Hải còn là nơi Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC) đặt nhà máy. Nền công nghiệp của Thượng Hải sản xuất 30% bộ phận ô tô then chốt và 40% sản lượng chất bán dẫn cho Trung Quốc.

Dữ liệu chính thức được công bố cũng cho thấy tổng giá trị sản lượng của các doanh nghiệp công nghiệp lớn của Thượng Hải trong tháng 4 đã giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái, của các doanh nghiệp công nghiệp quy mô vừa giảm 57,7% so với cùng kỳ năm ngoái và của các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ giảm 69,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Wu cho biết các doanh nghiệp vừa và lớn vẫn có thể trụ vững trong một thời gian, nhưng các doanh nghiệp nhỏ có thể không có nhiều tiền mặt để tiếp tục hoạt động.

“Họ không thể chi trả tiền lương của nhân viên và tiền thuê nhà. Nếu không có doanh thu, không có lợi nhuận, không có hoạt động sản xuất thì quỹ dự phòng sẽ sớm cạn kiệt. Vì vậy, các công ty này sẽ không tồn tại được lâu”, ông nói.

Doanh nghiệp và cá nhân đang suy nghĩ về việc rời đi

Ông Wu cho biết các công ty Trung Quốc và nước ngoài đều bị tổn thương bởi việc phong tỏa vô thời hạn và đang có kế hoạch di rời và chuyển đến các quốc gia khác “vì họ thấy rằng các biện pháp đối phó với [đại dịch] của chế độ đã đạt đến mức phi lý và vô nhân đạo”.

Theo thông tin được trao đổi từ các đại diện từ Phòng Thương mại châu Âu ở Trung Quốc vào hôm thứ 2 (16/05), ngay cả khi phong tỏa được dỡ bỏ vào tháng tới, việc hạn chế người dân đi lại ra nước ngoài và các rủi ro về bùng phát của biến chủng Omicron khiến tình hình trở nên khó lường. Bà Bettina Schoen-Behanzin, Phó Chủ tịch phòng Thương mại, cho biết: "Nhiều công ty và cá nhân đang nghiêm túc suy nghĩ lại việc hiện diện tại Trung Quốc".

Niềm tin của người dân bị xói mòn

Ông Wu nói rằng sau khi lệnh phong tỏa của Thượng Hải được dỡ bỏ trong tương lai, mọi người sẽ không dám đề ra kế hoạch dài hạn ở Thượng Hải.

Ông nói: “Việc quay trở lại sản xuất có thể có một chút ảnh hưởng ngắn hạn, nhưng nó sẽ không kéo dài và có thể những vấn đề mới sẽ phát sinh".

Ông Wu cho biết vấn đề hiện nay nằm ở sự khủng hoảng niềm tin.

​​Ông nói: “Tất cả các quyết định của người tiêu dùng và nhà đầu tư đều dựa trên niềm tin. Sự thiếu minh bạch của các chính sách của [chế độ Trung Quốc] ảnh hưởng đến niềm tin của họ. Hệ thống của ĐCSTQ tự nó dẫn đến khủng hoảng kinh tế. Quyền lực của chính quyền không được kiểm soát, không được giám sát, không có tính minh bạch và không có tính ổn định. Tất cả mọi người đều sợ hãi các biện pháp phong tỏa cực đoan. Vì vậy, họ mất niềm tin vào hệ thống”.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Kinh tế Thượng Hải tháng 4 sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 2011