Kinh tế Trung Quốc: Hy vọng để rồi lại thất vọng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bất chấp các biện pháp kích thích kinh tế của ĐCSTQ, quỹ đạo tiêu cực trong lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc sẽ khó có thể thay đổi. Trong khi đó, những hy vọng mong manh về việc mở cửa trở lại sau COVID gần như đã tan thành mây khói. ĐCSTQ chỉ đang cung cấp cho các nhà đầu tư những miếng mồi nhử để tin vào câu chuyện phát triển kinh tế tại đất nước này.

Bắc Kinh đã bắt đầu các biện pháp kích thích kinh tế sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 vào tháng trước. Nhưng vẫn giống như phong cách điển hình của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), các tín hiệu là không rõ ràng và các nhà đầu tư phương Tây có thể sẽ phải thất vọng khi hy vọng vào một đợt cải cách kinh tế rộng rãi.

Chứng khoán Trung Quốc đã tăng điểm trong tháng 11, đặc biệt là các công ty công nghệ lớn, một tin tức tích cực sau gần 2 năm suy giảm. Tuy nhiên, cổ phiếu đã giảm cùng với tin tức được báo cáo chính thức về tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 cao kỷ lục, báo hiệu rằng chiến thắng của thị trường có thể là chỉ là một sự phục hồi tạm thời.

Quỹ đạo tiêu cực của bất động sản khó có thể thay đổi

Về lĩnh vực bất động sản, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa ra một loạt biện pháp nới lỏng chính sách để hỗ trợ các nhà phát triển. Giới lãnh đạo Bắc Kinh dường như cuối cùng đã nhận ra tình hình bấp bênh mà các nhà phát triển bất động sản đang gặp phải và sự rủi ro mang tính hệ thống của nó.

Sáu ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc đã cung cấp hơn 925 tỷ nhân dân tệ (130 tỷ USD) hỗ trợ tín dụng cho các nhà phát triển bất động sản, trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan trong bối cảnh thanh khoản tiếp tục là vấn đề trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc. China Vanke Co., Midea Real Estate Holding, Country Garden Holding, và China Overseas Land and Investment là một số nhà phát triển được hưởng lợi.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và cơ quan quản lý ngân hàng đã công bố một tài liệu chính sách chung hôm 23/11, phác thảo cách các tổ chức tài chính của đất nước nên đặt ra kỳ vọng cho các giao dịch bất động sản bao gồm tỷ lệ trả trước và ranh giới lãi suất để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản.

Tuy nhiên, những biện pháp hỗ trợ này khó có thể thay đổi quỹ đạo tiêu cực của thị trường bất động sản Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc: Hy vọng để rồi lại thất vọng
Một người đàn ông đeo khẩu trang khi đi bộ qua cộng đồng Trường Thanh Evergrande vào ngày 24/09/2021 tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Mặc dù là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong hai thập kỷ qua, nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình vẫn cam kết thực hiện chiến dịch giảm đòn bẩy rộng rãi được đưa ra vào năm 2020 đối với lĩnh vực này.

Vẫn có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt hạn chế khả năng vay vốn của các nhà phát triển, đặc biệt là các nhà phát triển không thuộc sở hữu của chính phủ. Một nhà quản lý ngân hàng về bất động sản tại một ngân hàng nhà nước nói với Caixin, một tạp chí kinh doanh đại lục: “Nếu đó là các nhà phát triển thuộc sở hữu nhà nước trung ương hoặc địa phương xin vay vốn phát triển, chúng tôi thường sẽ chấp thuận cho họ miễn là không có vấn đề đáng kể nào với dự án của họ”.

“Nhưng khi đó là các nhà phát triển tư nhân, chúng tôi rất thận trọng và chúng tôi phải thực hiện sự thẩm định phù hợp đối với họ và các dự án của họ”.

Hầu hết các nhà quan sát kinh tế không mong đợi các biện pháp kích thích này sẽ làm được bất cứ điều gì ngoại trừ khiến tình hình bớt nghiêm trọng. Để doanh số bán bất động sản phục hồi trên diện rộng, cần phải cải thiện một loạt các yếu tố bao gồm niềm tin của người tiêu dùng, sự thay đổi chính sách kinh tế, việc mở cửa trở lại trên diện rộng liên quan đến COVID và các ưu đãi tài chính khác.

“Do chính sách Zero-COVID, tất cả các hoạt động nới lỏng đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản có thể không được chuyển hóa thành sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản", bà Hui Shan, Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Goldman Sachs, nói với Bloomberg TV trong một cuộc phỏng vấn ngày 23/11.

Mở cửa trở lại: Hy vọng tan thành mây khói

Nói về việc mở cửa trở lại liên quan đến Covid, hy vọng mong manh của các nhà đầu tư gần như đã tan thành mây khói. Các nhà đầu tư phương Tây đã hy vọng về sự điều chỉnh chính sách “zero-COVID” của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã cắt giảm thời gian cách ly và công bố các biện pháp khác để nới lỏng phần nào các biện pháp kiểm soát COVID, tuy nhiên, việc mở cửa trở lại một cách vụng về của Bắc Kinh đã khiến các ca dương tính tăng vọt và khiến một bộ phận lớn dân số Trung Quốc quay trở lại trạng thái bị phong tỏa.

Một đợt bùng phát mạnh mẽ các ca nhiễm COVID hiện đã khiến các ca dương tính hàng ngày được báo cáo chính thức tăng vọt vượt hơn những ngày tồi tệ nhất của đợt phong tỏa Thượng Hải vào đầu năm nay. Các thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm Bắc Kinh, các thành phố phía nam như Quảng Châu và Thâm Quyến, và Trùng Khánh, trung tâm dân cư phía tây của Trung Quốc. Các lệnh phong tỏa mới đã được công bố tại thành phố Trường Xuân ở phía đông bắc cũng như thành phố Thượng Hải.

Việc phong tỏa ngắt quãng đã gây ra các vấn đề xã hội, bao gồm các cuộc biểu tình được đưa tin rộng rãi của công nhân tại nhà máy sản xuất iPhone của Foxconn ở Trịnh Châu và việc kiểm duyệt một bài đăng WeChat lan truyền trên mạng chỉ trích các chính sách COVID cứng rắn của ĐCSTQ. Các cuộc biểu tình cũng đã nổ ra trên khắp đất nước, yêu cầu nới lỏng các hạn chế.

Kinh tế Trung Quốc: Hy vọng để rồi lại thất vọng
Người dân hô khẩu hiệu khi tụ tập trên một con phố ở Thượng Hải vào ngày 27/11/2022. Trong đợt biểu tình lần này, người dân đã hô vang những khẩu hiệu yêu cầu tự do, yêu cầu Tập Cận Bình thoái vị, ĐCSTQ thoái vị. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)

Mặc dù vậy, Phố Wall vẫn tỏ ra lạc quan. Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Morgan Stanley Robin Xing đã viết trong một lưu ý gửi cho khách hàng hôm 23/11: “Mặc dù chúng tôi cho rằng xu hướng mở cửa trở lại là rõ ràng, nhưng những thăng trầm trong quá trình này đồng nghĩa với những chướng ngại có thể lớn hơn đối với tăng trưởng trong ngắn hạn”.

ĐCSTQ đang tuân theo chiến lược đã được nó sử dụng quá nhiều, đó là cung cấp vừa đủ tín hiệu để các nhà đầu tư thế giới tiếp tục tin vào câu chuyện kinh tế của Trung Quốc trong khi siết chặt kiểm soát chính trị, kinh tế và ý thức hệ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Cát Duyên

Theo Fan Yu - The Epoch Times

Tác giả Fan Yu là chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và kinh tế, đã có nhiều bài phân tích về nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2015.



BÀI CHỌN LỌC

Kinh tế Trung Quốc: Hy vọng để rồi lại thất vọng