Kinh tế Trung Quốc sẽ đi về đâu sau khi Evergrande vỡ nợ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vụ vỡ nợ, dù đã được dự đoán trước, của Evergrande thể hiện rõ nhiều vấn đề thâm sâu của nền kinh tế Trung Quốc. Liệu bong bóng tài sản có nhấn chìm Trung Quốc? Rất khó để đưa ra câu trả lời. Tuy nhiên, có vẻ Trung Quốc sẽ bước sang một giai đoạn phát triển mới sát theo đường hướng mà nhà lãnh đạo Tập Cân Bình đề ra.

Đầu tháng này, tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings đã chính thức hạ xếp hạng của Tập đoàn Evergrande và 2 công ty con của tập đoàn này xuống mức “vỡ nợ giới hạn” (chỉ các công ty đã vỡ nợ nhưng chưa tiến hành phát mại tài sản). Động thái này diễn ra sau ngày 6/12 - ngày kết thúc thời gian ân hạn việc trả khoản lãi 1,24 tỷ USD quá hạn của 2 lô nợ bằng đồng USD. Khoản lãi này vốn đã đáo hạn vào ngày 6/11/2021.

Nhìn chung, có rất ít người quan tâm hay thậm chí đề cập đến sự kiện này. Trong vài tháng gần đây, cuối cùng thì cơ quan quản lý và chính quyền trung ương Trung Quốc đã xác nhận về một vụ “vỡ nợ thị trường” (thuật ngữ của cơ quan quản lý Trung Quốc, chỉ sự rút lui trong trật tự và việc tái cấu trúc doanh nghiệp dưới sự kiểm soát của nhà nước) của Evergrande. Một chu trình xử lý dài và không mấy thú vị có thể đang được tiến hành.

Fitch đã trở thành tổ chức giám sát và báo cáo tín dụng lớn đầu tiên công bố quyết định ít được chú ý kể trên.

Theo sau Fitch, S&P vào ngày 17/12 đã hạ xếp hạng của Evergrande xuống mức "vỡ nợ chọn lọc" (chỉ các công ty không thể hoàn thành các nghĩa vụ tài chính), theo Reuter.

Rất ít người tin hay muốn tin rằng kinh tế Trung Quốc sẽ sụp đổ sau khi Evergrande vỡ nợ

Liệu các thị trường trên toàn thế giới có nên bỏ qua thông tin về vụ vỡ nợ của Evergrande - cũng như bong bóng tài chính của Trung Quốc - hay không? Vụ vỡ nợ của Evergrande đã bộc lộ nhiều điều về nền kinh tế Trung Quốc. Trong hai thập kỷ qua, không có nền kinh tế lớn nào trên thế giới lạm dụng nợ để thúc đẩy tăng trưởng một cách điên cuồng như Trung Quốc. Việc thổi bong bóng tài sản một cách liều lĩnh, sử dụng phung phí nguyên liệu thô, và việc xây dựng quá mức là điều vượt xa những gì đã xảy ra ở Mỹ trong những năm đầu thế kỉ 21 (2000–2009) dẫn đến vỡ bong bóng nhà và thế chấp hồi đó.

Rõ ràng, chính sách tiền tệ ở Trung Quốc và hậu quả của nó chính là những khoản nợ chọc trời sẽ khiến ngay cả ‘nhà quản lý tiền tệ điên rồ’ - ông Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Fed trong 5 nhiệm kỳ - phải chào thua.

Tuy nhiên, rất ít người nghĩ đến một sự sụp đổ của kinh tế Trung Quốc. Thay vào đó, họ tin rằng nước này sẽ vượt qua các khó khăn, nếu không muốn nói là thậm chí còn phát triển mạnh mẽ hơn. Các lý do chính là:

  • Niềm tin vào “nhà lãnh đạo tối cao yêu quý” của Trung Quốc. Ngoại trừ danh xưng, trên mọi phương diện khác, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tự coi mình là một vị hoàng đế kiểu mới. Ngay cả với nhiều người có quan điểm không tích cực về Trung Quốc cũng cho rằng, để đạt được sự thống trị tuyệt đối, ông ấy sẽ nỗ lực bằng mọi cách ngăn cản một vụ vỡ nợ lớn có thể xảy ra.
  • Nỗ lực ấy thể hiện rõ trong việc xử lý bong bóng tài sản của Trung Quốc. Hiện nay, đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed và các Ngân hàng Trung ương châu Âu, đa phần các doanh nghiệp là ‘quá lớn để phá sản’; từ đó dẫn đến việc các cơ quan này bơm tiền cứu trợ những doanh nghiệp đang gặp nguy hiểm (bail-outs). Trong khi đó, các nhà quản lý Trung Quốc đã có những bước đi theo chiều hướng khác; bao gồm việc yêu cầu hủy các khoản tiền mà nhà phát triển bất động sản nợ các nhà đầu tư (ball-ins), hoặc giảm giá trị tài sản mà các nhà đầu tư đã mua. Ngoài ra, một số trường hợp áp dụng việc "thanh toán bằng hiện vật". Thay vì nhận tiền mặt, một số nhà đầu tư của các dự án bất động sản sẽ nhận được quyền sở hữu một phần đối với những bất động sản đó. Trong trường hợp của Evergrande, chính quyền Trung Quốc rất có thể không tiến hành cứu trợ doanh nghiệp này (bail-outs), dù Evergrande đã luôn được coi là quá lớn để phá sản, theo Bloomberg.
  • Các cơ quan quản lý Trung Quốc đang tích cực tìm cách chống đỡ cho thị trường chung và cho cả hệ thống ngân hàng. Dù là một biện pháp đầy rủi ro, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) gần đây đã 2 lần trong vòng 1 tuần nới lỏng chính sách tiền tệ. Cần lưu ý ở đây, các ngân hàng trung ương toàn cầu đang có một niềm tin mù quáng đối với kinh tế Trung Quốc. Dù có cùng niềm tin như vậy hay không thì thị trường cũng không thể chấp nhận một vụ vỡ nợ có thể xảy ra ở Trung Quốc.

Tương lai nền kinh tế Trung Quốc

Trong trường hợp của Evergrande, có thể sẽ không có một vụ phá sản lớn và bất ngờ ở Trung Quốc (mặc dù khả năng này luôn tồn tại). Những người nắm giữ quyền lực trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, chính quyền Trung Quốc, và PBOC có những công cụ và quyết tâm lớn hơn nhiều so với Fed của Mỹ. Họ sẽ đảm bảo cho mọi thứ diễn ra suôn sẻ.

Nhưng có một điều sau tất cả những chuyện này - điều mà các thị trường chưa tính đến. Điều này cũng không có gì là bí mật đối với những người thực sự đã nghe những phát biểu của ông Tập. Đó chính là việc Trung Quốc đã bắt đầu chiến dịch “thu mình lại” - một kế hoạch lâu dài, có chủ ý, và có tính toán. Nhằm mục đích ổn định kinh tế, Trung Quốc sẽ kiểm soát nhiều hơn và có tương đối ít bong bóng hơn. Việc này cũng là để thực hiện ý định đã được tuyên bố gần đây của ông Tập: Củng cố những gì đã đạt được trong “giai đoạn tư bản chủ nghĩa” trong khi đưa đất nước trở lại với lý tưởng của Mao.

Các bước đi của Bắc Kinh sẽ tạo ra nhiều tác động cụ thể lên thị trường hàng hóa cũng như thị trường tài chính năm 2022.

Quan điểm trong bài viết là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Chris Temple đã có hơn 50 năm kinh nghiệm viết bài và đào tạo trong lĩnh vực đầu tư và kinh tế. Ông có khả năng đặc biệt trong việc biến những điều phức tạp của thị trường và thế giới trở thành những điều mà một người dân phổ thông cũng có thể hiểu được thông qua các bài viết trên The National Investor. Phương châm của Chris Temple: “Thông tin có ở bất cứ đâu. Nhưng tại đây, bạn sẽ nhận được kiến thức”.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Kinh tế Trung Quốc sẽ đi về đâu sau khi Evergrande vỡ nợ?