Kinh tế Việt: Ưu điểm hỗ trợ tăng trưởng trong quá khứ đều bị virus đánh bại thành nhược điểm (Kỳ 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nikkei Asia hiện xếp Việt Nam ở vị trí cuối cùng (thứ 121) về chỉ số Phục hồi Covid-19 khi chứng kiến số liệu lây nhiễm liên tiếp đạt kỷ lục. Tương lai của một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu Châu Á hoàn toàn bất định bởi mọi ưu điểm, vốn ít ỏi, của nền kinh tế Việt Nam đã lập tức trở thành nhược điểm và các nhược điểm cố hữu trở thành ‘mối đe dọa’ lớn…

Đợt bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề nhất đến Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh doanh đông dân cư của Việt Nam, nơi chính quyền thực hiện lệnh giới nghiêm triệt để. Một loạt các nhà máy, từ nhà máy sản xuất giày cho Nike, Adidas cho đến nhà máy sản xuất điện thoại thông minh cho Samsung, đều hoạt động chậm lại hoặc đóng cửa, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Toyota cũng đã thông báo ngừng sản xuất trên 27 dây chuyền tại 14 nhà máy ở Nhật Bản vì tình trạng thiếu các bộ phận được sản xuất ở Đông Nam Á - chủ yếu là Việt Nam và Malaysia.

Năm 2020, GDP Việt Nam tăng 2,9% ngay cả khi hầu hết các quốc gia đều ghi nhận suy thoái sâu. Năm nay, bất chấp đợt bùng phát nặng nề kể trên, Ngân hàng Thế giới vẫn kỳ vọng mức tăng trưởng 4,8% đối với quốc gia Đông Nam Á này.

Tờ The Economist, tờ tạp chí chuyên về kinh tế dường như cũng có chung nhận định với Ngân hàng thế giới. Tuy nhiên, có vẻ như các chuyên gia của The Economist dường như đã quên mất rằng mọi ‘ưu điểm’ dẫn tới các thành tích tăng trưởng cao của Việt Nam đều đang trở thành nhược điểm, là nút thắt chí mạng trong tăng trưởng và phục hồi tăng trưởng sau Covid-19.

Dưới đây là những “ưu điểm” từng tạo nên sức mạnh của kinh tế tăng trưởng cho Việt Nam, giờ đã bị Covid-19 làm suy yếu.

Sản xuất và đầu tư FDI - Tiêu trầm trong đại dịch

Đúng là Việt Nam, cũng giống như Trung Quốc, đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao sau mở cửa và gia nhập vào quá trình toàn cầu hóa. Đó là sự tăng trưởng từ nền tảng cực thấp của một nền kinh tế đóng cửa trong nhiều thập kỷ, không đủ lương thực, hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu tối thiểu của dân sinh.

GDP đầu người, 1990=100, USD

So sánh tương đối về thu nhập GDP/người, so sánh cùng kỳ gốc 1990 của Việt Nam so với một số quốc gia trong khu vực (Nguồn: The Economist) 
So sánh tương đối về thu nhập GDP/người, so sánh cùng kỳ gốc 1990 của Việt Nam so với một số quốc gia trong khu vực (Nguồn: The Economist)

Biểu đồ trên đây được đưa ra bởi các chuyên gia kinh tế của The Economist. Nhìn vào biểu đồ này, chúng ta thấy được mức độ tăng trưởng GDP ấn tượng của Việt Nam trong trong 3 thập kỷ qua. Từ một quốc gia nghèo đói cùng cực, Việt Nam đã nhanh chóng vươn lên và trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng và là một trong năm quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới trong 30 năm qua, đánh bại các nước láng giềng của mình. Chính phủ thậm chí còn tham vọng hơn, mong muốn Việt Nam trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, một nhiệm vụ đòi hỏi phải tăng trưởng ở mức 7% một năm.

Dù vậy The Economics cũng phải thừa nhận rằng, kỳ tích này chưa hẳn là do Việt Nam xuất sắc trong việc cải thiện năng suất lao động hay cách quản lý, mà bởi sự tăng trưởng ổn định.

The Economist dường như muốn diễn giải rằng ổn định chính trị và vị trí địa lý tuyệt vời đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến của dòng vốn ngoại, của các nhà sản xuất lớn của thế giới, muốn phân tán rủi ro cung ứng tại nền kinh tế có hơn 2 nghìn km bờ biển, cửa ngõ lý tưởng để xâm nhập vào Châu Á của Mỹ và Phương tây.

Tuy nhiên, khoảng cách ngày càng lớn giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước hiện đang là mối đe dọa chính cho sự mở rộng của Việt Nam. Quốc gia này đã trở nên phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư và xuất khẩu của các công ty nước ngoài, trong khi các công ty trong nước lại hoạt động kém hiệu quả.

Vốn đầu tư FDI đổ vào Việt Nam bình quân đạt 7 tỷ USD/năm trong suốt 30 năm qua. Trong một thập kỷ trở lại lại đây, FDI đóng góp khoảng 25,7% cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, chiếm khoảng 13% GDP năm 2010 và 19,6% GDP năm 2019.

Nghiên cứu về hiệu quả khu vực FDI trong giai đoạn 2011-2019 thấy rằng, tính đến năm 2019, lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn FDI vào khoảng 6,1 triệu người. Năng suất lao động của khu vực FDI đạt mức khoảng 118 triệu đồng (giá năm 2010), đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8,7%/năm; cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp trong nước, khoảng 4,6%.

Theo Sách trắng doanh nghiệp năm 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, thu nhập trung bình 1 lao động của khu vực doanh nghiệp FDI đạt khoảng 11,2 triệu đồng/tháng, cao hơn mức trung bình của nền kinh tế khoảng 1,2 lần (11,2/9,6).

Các công ty nước ngoài có thể tiếp tục phát triển, cung cấp nhiều việc làm và tăng sản lượng hơn nữa, nhưng mức độ thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam của các doanh nghiệp này là có giới hạn. Về lâu dài, đất nước sẽ cần một khu vực dịch vụ hoạt động năng suất và hiệu quả. Khi mức sống tăng lên, giá cả lao động cũng theo đó tăng lên thì Việt Nam có thể sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà sản xuất nước ngoài.

Hiện tượng này đang diễn ra và bắt đầu trở thành một thách thức thì đại dịch xuất hiện. Virus Vũ Hán đã bồi thêm cú đánh mạnh vào sản xuất và đầu tư của khu vực FDI.

Trong đại dịch, sản xuất đình trệ chủ yếu ở các KCN nơi khu vực sản xuất nước ngoài đóng góp tới 25,7% tăng trưởng GDP. Biểu hiện cụ thể tại chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), vốn đóng góp chính bởi khu vực FDI.

Tính chung 8 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù cao hơn tốc độ tăng 2,2% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019 cũng như kỳ vọng tăng 9,5% trong năm 2021.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng, ngành chủ lực của khu vực công nghiệp, đóng góp chính bởi khu vực FDI, chỉ tăng 7% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,7%), đóng góp 5,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Trong các giai đoạn không có đại dịch, mức tăng trưởng của ngành chế biến chế tạo thường đạt bình quân từ 9,5-12%/năm.

Gần đây nhất, phong tỏa kéo dài, đứt gãy chuỗi cung ứng khiến doanh nghiệp không thể tiếp tục sản xuất, nhiều doanh nghiệp FDI đã phản ánh lên chính quyền TP. Hồ Chí Minh và cho biết họ buộc phải đóng cửa hoặc thậm chí từ bỏ Việt Nam nếu tình hình không cải thiện sớm. Hiệp hội doanh nghiệp Nhật bản cảnh báo trong bức thư gửi lên chính quyền: “Nếu tình hình không được cải thiện với những giải pháp hiệu quả, sẽ xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến một số doanh nghiệp sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam”.

Không chỉ vậy, dòng vốn FDI cũng đang giảm đi đáng kể. Theo Bộ Kế hoạch đầu tư, tổng số vốn FDI đăng ký trong 7 tháng đạt 16,7 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại hồi tháng 5. Trước đó trong 6 tháng đầu năm nay, tổng vốn FDI đăng ký cũng đã giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Thế mạnh xuất khẩu suy yếu do nội lực, cấu trúc và rủi ro thị trường

Theo The Economist, Việt Nam thường được so sánh với Trung Quốc vào những năm 1990 hoặc đầu những năm 2000. Cả hai đều là các quốc gia theo đuổi con đường chủ nghĩa xã hội, được dẫn dắt bởi hệ thống chính trị một đảng, đã chuyển sang tư bản chủ nghĩa và tập trung vào tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.

Thực tế, Việt nam không được thành công về xuất khẩu như Trung Quốc. Việt Nam thực sự chỉ mới chỉ xuất siêu từ năm 2016-2020, trước đó hoàn toàn là nhập siêu.

Cán cân thương mại Việt Nam chỉ đạt thặng dư liên tiếp trong 4 năm gần đây, một phần nhờ hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung, trong suốt nhiều thập kỷ, Việt Nam duy trì tình trạng nhập siêu lớn (Thâm hụt hoặc Thặng dư thương mại so với GDP, NTDVN tổng hợp số liệu từ TCTK) 
Cán cân thương mại Việt Nam chỉ đạt thặng dư liên tiếp trong 4 năm gần đây, một phần nhờ hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung, trong suốt nhiều thập kỷ, Việt Nam duy trì tình trạng nhập siêu lớn (Thâm hụt hoặc Thặng dư thương mại so với GDP, NTDVN tổng hợp số liệu từ TCTK)

Nền kinh tế nhập siêu trong một thời gian dài do nền sản xuất của Việt Nam ở trình độ thấp, thuộc phân khúc có giá trị gia tăng thấp nhất, đó là gia công lắp ráp. Ngành công nghiệp thiếu và yếu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hoàn toàn thiếu chủ động về nguyên vật liệu, máy móc thiết bị đầu vào. Việc phải phải nhập khẩu một lượng lớn đầu vào cho sản xuất, thực thi gia công lắp ráp khiến Việt Nam rất dễ tác động bởi các biến động tiền tệ, kinh tế, chính trị từ bên ngoài.

Tình hình cải thiện nhiều trong 4 năm gần đây khi xuất siêu duy trì ở mức ngày một khá hơn. Nhưng đó có phải do nền sản xuất Việt Nam dịch chuyển dần khỏi khâu gia công và lắp ráp? Hay ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ đã có bước tiến vượt bậc?

Rất tiếc, một sự thay đổi lớn về cấu trúc như vậy chưa có bằng chứng rõ nét. Từ danh mục hàng hóa nhập và xuất khẩu cho thấy nền sản xuất của Việt Nam vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào và xuất khẩu chủ yếu các sản phẩm lắp ráp từ khu vực FDI, bên cạnh các sản phẩm nông lâm nghiệp và chế biến nông nghiệp và thủy hải sản (vốn là thế mạnh truyền thống nhưng không có đột biến).

Sự thật là thành tích thặng dư xuất khẩu cũng đến một phần từ cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung khiến Việt Nam mở rộng được đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường lớn, đón dòng vốn đầu tư FDI lớn hơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều bằng chứng rằng Việt Nam đang trở thành nơi xuất khẩu ‘lậu’ hàng hóa bị trừng phạt thương mại của Trung Quốc. Điều khiến Việt Nam có con số thặng dư thương mại cao, GDP vì thế mà đẹp hơn, nhưng lợi bất cập hại và thực tế nguồn ngoại tệ từ thặng dư này sớm rời khỏi Việt Nam trong khi không tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước rất thấp, gần đây gia tăng nhờ thương chiến Mỹ - Trung, có một phần trong đó là gian lận xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc để giúp hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu trốn thuế (Giá trị hàng hóa xuất khẩu, Tỷ USD, Xanh nhạt: DN FDI, Xanh trời: DN trong nước, nguồn: The Economist)
Tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước rất thấp, gần đây gia tăng nhờ thương chiến Mỹ - Trung, có một phần trong đó là gian lận xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc để giúp hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu trốn thuế (Giá trị hàng hóa xuất khẩu, Tỷ USD, Xanh nhạt: DN FDI, Xanh trời: DN trong nước, nguồn: The Economist)

Lý giải thành công xuất khẩu của Việt Nam, trang The Economist cho rằng khi phần còn lại của Đông Á phát triển và mức lương ở đó tăng, các nhà sản xuất toàn cầu bị thu hút bởi chi phí lao động thấp và tỷ giá hối đoái ổn định của Việt Nam. Điều đó thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam bùng nổ. Trong thập kỷ qua, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đã tăng 137%, trong khi xuất khẩu của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng 422% (xem biểu đồ trên).

Nhưng tất cả các ưu điểm về xuất khẩu này đã lập tức bị virus đánh bại trong đại dịch.

Đại dịch khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đánh gãy. Điều này khiến nền sản xuất phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào, một sức mạnh tăng trưởng phụ thuộc vào xuất khẩu nhanh chóng bị đánh bại. Năm 2020, dù Việt Nam là nơi duy nhất ‘đánh bại’ được Covid-19, nhưng thực tế tăng trưởng 2,3% với một nền kinh tế có nền tảng thấp và bất cân đối như Việt Nam là một vấn đề lớn. Năm 2020, khu vực nông nghiệp, tài chính và thậm chí là ý tế thực tế đã trở thành cứu cánh của tăng trưởng.

Năm 2021, với làn sóng Covid-19 thứ tư kèm theo giá hàng hóa nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất tăng vọt, chi phí logistic quốc tế tăng 3-5 lần so với mặt bằng 2021, đồng VND đang duy trì lên giá so với USD, chi phí chống dịch trong sản xuất 3 tại chỗ, chi phí vận tải, lưu thông hàng hóa nội địa trong đại dịch cũng tăng 3 - 5 lần so với 2020, đóng cửa sản xuất tại nhiều KCN… đã khiến Việt Nam không còn duy trì vị thế thặng dư thương mại. Tình trạng thâm hụt thương mại bắt đầu tái diễn: 8 tháng đầu năm, thâm hụt thương mại 3,7 tỷ USD.

Độ mở lớn thứ 6 toàn cầu trong một nền kinh tế quy mô nhỏ và phụ thuộc

Theo số liệu của WB, xét về độ mở của nền kinh tế (đo bằng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP) thì Việt Nam đứng thứ 6 toàn cầu. Đáng kinh ngạc là Việt Nam trở thành nền kinh tế có độ mở lớn thứ hai khu vực Châu Á sau Singapore, lớn hơn rất nhiều lần so với các nền kinh tế tương đương. Singapore là nền kinh tế đặc thù nơi họ tạo ra thể chế tự do dòng vốn, thương mại để tìm kiếm tăng trưởng; điều này giải thích cho việc độ mở của nền kinh tế này lớn nhưng không quá rủi ro.

Độ mở của nền kinh tế Việt Nam (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP, %) lớn hơn nhiều so với các nền kinh tế có quy mô và cấu trúc kinh tế tương đương trong khu vực khiến Việt Nam chịu rủi ro lớn hơn các nền kinh tế khác từ biến động bên ngoài (Nguồn số liệu: Ngân hàng Thế giới, NTDVN tổng hợp) 
Độ mở của nền kinh tế Việt Nam (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP, %) lớn hơn nhiều so với các nền kinh tế có quy mô và cấu trúc kinh tế tương đương trong khu vực khiến Việt Nam chịu rủi ro lớn hơn các nền kinh tế khác từ biến động bên ngoài (Nguồn số liệu: Ngân hàng Thế giới, NTDVN tổng hợp)

Việt Nam thì khác, một nền kinh tế có quy mô chưa tới 300 tỷ USD mà độ mở kinh tế (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gấp 2 lần GDP), luôn đối mặt với nguy cơ nhập siêu, phần nào cho thấy sức tăng trưởng không dựa vào nền tảng cơ bản là năng suất, tiêu dùng, công nghệ và tri thức. Ngược lại, nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi phân khúc ‘làm thuê’.

Thêm vào đó, cấu trúc kinh tế Việt Nam khác hẳn Singapore, chúng ta chưa thể có tự do dòng vốn và tỷ giá, chúng ta nhập khẩu để sản xuất tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tìm kiếm tăng trưởng. Nhưng độ mở của nền kinh tế lớn hơn nhiều so với các nền kinh tế có quy mô và cấu trúc kinh tế tương đương trong khu vực. Điều này có nghĩa, trong đại dịch, với biến động cực mạnh về luân chuyển dòng vốn, giá trị tiền tệ, luân chuyển hàng hóa và cũng như cung - cầu tại các thị trường xuất - nhập khẩu, Việt Nam hiển nhiên sẽ trở thành nạn nhân lớn nhất của Covid-19.

Nikkei có lý khi nói rằng khả năng phục hồi kinh tế sau đại dịch của Việt Nam là thấp nhất thế giới.

Mời các bạn đón đọc Kỳ 2: 9 'mối đe dọa lớn' của nền kinh tế sau đại dịch

Mộc Trà - Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Kinh tế Việt: Ưu điểm hỗ trợ tăng trưởng trong quá khứ đều bị virus đánh bại thành nhược điểm (Kỳ 1)